ĐỨC PHANXICÔ TIẾP KIẾN CÁC PHÓ TẾ VĨNH VIỄN : QUYẾN BÍNH HỆ TẠI NƠI VIỆC PHỤC VỤ
Không phài là « linh mục nửa vời », cũng không phải là « linh mục hạng hai », cũng không phải là « người giúp lễ hạng sang », nhưng là « những người gìn giữ quyền bính đích thực trong Giáo hội », và « quyền bính » này « hệ tại nơi việc phục vụ ». Đức Phanxicô đã nói về Phó tế vĩnh viễn, khi tiếp kiến các Phó tế của giáo phận Rôma hôm 19/6/2021.
Ngài đã khích lệ họ « làm tất cả cách vui tươi, không phàn nàn » : đó là « một chứng tá có giá trị hơn nhiều bài giảng ».
« Chúng ta vẫn là Phó tế luôn mãi », Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh. « Đối với các môn đệ Chúa Giêsu, yêu thương, đó là phục vụ, và phục vụ, đó là cai trị. Quyền bính hệ tại nơi việc phục vụ, chứ không nơi nào khác ».
Đức Thánh Cha đã tóm tắt linh đạo Phó tế như là « linh đạo về sự phục vụ : sẵn sàng ứng trực trong tâm hồn và cởi mở với bên ngoài ». Ngài cũng mời gọi đến sự khiêm nhường, cảnh giác Phó tế « muốn đặt mình làm trung tâm của thế giới, hay trung tâm của phụng vụ, hay trung tâm của Giáo hội ». « Ước gì mọi điều thiện hảo mà anh chị em làm đều là một bí mật giữa anh chị em và Thiên Chúa ».
Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của Đức Thánh Cha Phanxicô :
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em và chào mừng anh chị em đến đây !
Tôi cám ơn anh chị em về những lời nói và chứng tá của anh chị em. Tôi xin chào Đức Hồng y đại diện, tất cả anh chị em và các gia đình của anh chị em. Anh Giustino, tôi vui mừng vì anh được bổ nhiệm với tư cách là Giám đốc Caritas : khi nhìn anh, tôi nghĩ anh sẽ lớn lên, anh lớn gấp đôi don Ben, hãy tiếp tục ! (cười). Cũng như thực tế là giáo phận Rôma đã lấy lại phong tục xa xưa là giao phó một nhà thờ cho một Phó tế để nó trở thành một sự phục vụ, như đã được làm với anh, anh Andrea thân mến, trong một khu vực nổi tiếng của thành phố. Tôi thân mến chào anh, cũng như Laura, vợ của anh. Tôi chúc anh không kết thúc như thánh Laurensô, nhưng hãy tiếp tục ! (cười)
Vì anh em đã hỏi tôi về những gì tôi chờ đợi nơi các Phó tế của Rôma, nên tôi sẽ nói với anh em một số điều, như tôi thường làm khi tôi gặp anh em và tôi dừng lại để trao đổi hai từ với mỗi người trong anh em.
Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách suy nghĩ đôi chút về thừa tác vụ Phó tế. Con đường triệt để phải theo là con đường mà Công đồng Vatican II đã chỉ ra. Công đồng đã hiểu chức phó tế như là « cấp bậc vĩnh viễn thuộc phẩm trật ». Sau khi mô tả chức năng của các Linh mục như là tham dự vào chức năng tư tế của Chúa Kitô, Hiến chế « Lumen gentium » đã minh họa thừa tác vụ phó tế, « vốn được đặt tay không phải để lãnh nhận chức linh mục, nhưng là để lãnh nhận thừa tác vụ » (số 29). Sự khác biệt này không phải là ít quan trọng. Chức phó tế, mà trước đó bị giảm thiểu thành một chức hướng đến chức linh mục, tìm lại được chỗ đứng và tính đặc thù của nó. Chỉ sự kiện nhấn mạnh sự khác biệt này đã giúp vượt qua tai họa giáo sĩ trị, vốn đặt đẳng cấp linh mục « ở trên » Dân Thiên Chúa. Đó là cốt lõi của óc giáo sĩ trị : một đẳng cấp linh mục « ở trên » Dân Thiên Chúa. Và nếu chúng ta không giải quyết điều đó, thì óc giáo sĩ trị sẽ tiếp tục trong Giáo hội. Các Phó tế, vì họ được thánh hiến để phục vụ Dân này, đã nhắc nhớ rằng trong thân thể Giáo hội, không ai có thể nâng mình lên trên người khác.
Trong Giáo hội, lôgíc ngược lại, lôgíc tự hạ, phải có hiệu lực. Tất cả chúng ta đều được mời gọi tự hạ, bởi vì Chúa Giêsu đã tự hạn, Ngài đã trở nên tôi tớ của mọi người. Nếu có ai cao cả trong Giáo hội, thì đó là Ngài, Đấng đã trở nên bé nhỏ nhất và tôi tớ của mọi người. Và tất cả bắt đầu ở đây, như sự kiện nhắc nhở chúng ta rằng chức phó tế là cánh cửa đi vào Bí tích Truyền Chức Thánh. Chúng ta vẫn là Phó tế luôn mãi. Chúng ta hãy nhớ rằng đối với các môn đệ của Chúa Giêsu, yêu thương, đó là phục vụ, và phục vụ, đó là cai trị. Quyền bính hệ tại nơi việc phục vụ, chứ không nơi đâu khác. Và như anh em đã nhắc nhớ những gì tôi nói, rằng các Phó tế là những người gìn giữ sự phục vụ trong Giáo hội, thì, do đó, chúng ta có thể nói rằng đó là những người gìn giữ « quyền bính » đích thực trong Giáo hội, chăm lo làm sao để không ai được quên quyền bính phục vụ. Hãy nghĩ đến điều đó.
Như thế, chức phó tế, bước theo con đường triệt để của Công đồng, dẫn chúng ta đến trung tâm của mầu nhiệm của Giáo hội. Như tôi đã nói về « Giáo hội tự bản chất là truyền giáo » và « Giáo hội tự bản chất là hiệp hành », thì cũng vậy, tôi nói rằng chúng ta sẽ phải nói về « Giáo hội tự bản chất là phục vụ ». Quả thế, không có chiều kích phục vụ này, mọi thừa tác vụ sẽ trống rỗng từ bên trong, nó trở nên khô cằn, nó không sinh hoa trái. Và dần dần nó bị tục hóa. Các Phó tế nhắc nhở cho Giáo hội rằng những gì mà thánh Têrêsa nhỏ đã khám phá là đúng : Giáo hội có một con tim bừng cháy lửa yêu thương. Vâng, một trái tim khiêm tốn đập nhịp phục vụ. Các Phó tế nhắc nhở cho chúng ta điều đó khi, như thánh Phanxicô phó tế, họ mang đến cho người khác sụ gần gũi của Thiên Chúa mà không áp đặt, bằng cách phục vụ khiêm tốn và vui tươi. Sự quảng đại của một Phó tế tiêu hao chính mình mà không tìm kiếm chỗ nhất sẽ tỏa hương thơm Tin Mừng, sẽ kể lại sự cao cả của sự khiêm nhường của Thiên Chúa, Đấng thực hiện bước đầu tiên – luôn luôn, Thiên Chúa thực hiện bước đầu tiên – để cũng đi đến gặp gỡ người đã quay lưng lại cho mình.
Ngày nay, cũng cần phải quan tâm đến một khía cạnh khác. Việc giảm sút con số Linh mục đã dẫn đến sự dấn thân vượt trội của các Phó tế nơi các trách vụ bổ khuyết. Sau khi nói về việc phục vụ Dân Thiên Chúa « bằng việc phục vụ trong phụng vụ, giảng dạy và bác ái », Công đồng nhấn mạnh rằng các Phó tế – đặc biệt – « được thánh hiến để lo việc bác ái và quản trị » (Lumen gentium, 29). Câu này đưa trở lại các thế kỷ đầu tiên, khi các Phó tế chăm sóc cho những nhu cầu của các tín hữu nhân danh Giám mục, cách riêng của các người nghèo và các bệnh nhân. Chúng ta cũng có thể kín múc ở cội nguồn của Giáo hội Rôma. Tôi không chỉ nghĩ đến thánh Laurensô, nhưng còn đến sự chọn lựa hiến dâng mạng sống cho việc phục vụ. Trong đại thành đô của đế chế đã được tổ chức bảy nơi, khác biệt với các giáo xứ và được phân bổ nơi các tòa thị chính của thành phố, ở đó các Phó tế đã thực hiện một công việc có tổ chức vì lợi ích của toàn thể cộng đoàn Kitô hữu, cách riêng của « những người nhỏ bé nhất », để, như sách Cộng vụ Tông đồ đã nói, không ai trong họ sống trong túng thiếu (x. 4, 34).
Đó là lý do tại sao ở Rôma, người ta đã tìm cách tìm lại truyền thống phục vụ cổ xưa này nơi nhà thờ San Stanislao. Tôi biết rằng anh em cũng có mặt trong Caritas và trong các cơ quan khác gần gũi với người nghèo. Khi làm như vậy, anh em sẽ không bao giờ mất đi la bàn của mình : các Phó tế sẽ không phải là « các linh mục nửa vời » hay các linh mục hạng hai, cũng không phải là « những người giúp lễ hạng sang », không phải, chúng ta không đi con đường này ; họ sẽ là những người phục vụ ân cần, những người sẽ hiến thân mình để không ai bị loại trừ và để tình yêu của Chúa chạm đến cách cụ thể cuộc sống của mọi người. Sau cùng, trong một vài lời chúng ta có thể tóm tắt linh đạo phó tế, nghĩa là linh đạo phục vụ : sự sẵn sàng ứng trực ở bên trong và mở ra với bên ngoài. Sẵn sàng ứng trực ở bên trong, trong tâm hồn, sẵn sàng xin vâng, ngoan ngoãn, không xoay chuyển cuộc sống của mình xung quanh sổ nhật ký ; và mở ra với bên ngoài, với cái nhìn hướng đến mọi người, nhất là người vẫn ở bên ngoài, người cảm thấy bị loại trừ. Hôm qua, tôi đã đọc một đoạn của Don Orione, nói về việc đón tiếp những người nghèo khổ, và ngài nói : « Nơi các ngôi nhà của chúng ta – ngài đang nói với các tu sĩ dòng của ngài – tất cả những ai có một nhu cầu đều phải được đón tiếp, bất kể là loại nhu cầu gì, dù đó là gì, ngay cả những người có một nỗi đau đớn ». Tôi thích điều đó. Đón nhận không chỉ người nghèo khổ, nhưng cả người có một nỗi đau đớn. Giúp đỡ những người này là quan trọng. Tôi giao phó điều đó cho anh em.
Về những gì tôi mong đợi nơi các Phó tế của Rôma, tôi còn thêm ba ý tưởng vắn tắt nữa – nhưng đừng lo, tôi kết thúc sớm thôi – mà không bao hàm « những thứ phải làm », nhưng là những chiều kích phải vun trồng. Trước tiên, tôi mong đợi anh em sống khiêm tốn. Thật buồn khi thấy một Giám mục và một Linh mục vênh vang, nhưng càng buồn hơn nữa khi thấy một Phó tế muốn đặt mình làm trung tâm của thế giới, hay làm trung tâm của phụng vụ, hay làm trung tâm của Giáo hội. Hãy khiêm tốn. Ước gì mọi điều thiện hảo mà anh em làm đều là một bí mật giữa anh em và Thiên Chúa. Và điều đó sẽ trổ sinh hoa trái.
Thứ hai, tôi mong đợi anh em hãy là những người chồng tốt và những người cha tốt. Và những người ông tốt. Điều đó sẽ mang lại sự hy vọng và niềm an ủi cho các đôi bạn đang trải qua những thời điểm mệt mỏi và sẽ tìm thấy nơi sự đơn sơ tự nhiên của anh em một bàn tay giúp đỡ. Họ sẽ có thể nghĩ : « Hãy nhìn Phó tế của chúng ta chút đi ! Thầy bằng lòng ở lại với người nghèo, nhưng còn với cha sở của chúng ta, và ngay cả với vợ con của mình ! ». Ngay cả với mẹ vợ, điều đó rất quan trọng ! Làm tất cả cách vui tươi, mà không than phiền : đó là một chứng tá còn giá trị hơn nhiều bài giảng. Và hãy chấm dứt những lời than thở. Đừng than thở. « Tôi đã có bao nhiêu bao nhiêu việc… » Không gì cả. Hãy nuốt tất cả điều đó. Nụ cười, gia đình, mở ra cho gia đình, lòng quảng đại…
Sau cùng, điều thứ ba, tôi mong đợi anh em hãy là những người lính canh : không chỉ anh em biết phát hiện những người ở xa và người nghèo – điều đó không khó lắm – nhưng anh em giúp đỡ cộng đoàn Kitô hữu nhận ra Chúa Giêsu nơi người nghèo và nơi những người ở xa, khi Ngài gõ cửa chúng ta xuyên qua họ. Và tôi cũng có thể nói, một chiều kích huấn giáo, ngôn sứ của người lính canh – ngôn sứ – giáo lý viên biết thấy xa hơn và giúp đỡ người khác thấy xa hơn, và thấy người nghèo đang ở xa. Anh em có thể biến hình ảnh đẹp đẽ này thành của mình mà tôi tìm thấy ở cuối sách Tin Mừng, khi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ của Ngài từ xa : « Anh em không có gì ăn à ? » Và người môn đệ được yêu mến nhận ra Ngài và nói : « Chúa đó ! » (Ga 21, 5.7). Dù bất cứ nhu cầu nào, hãy nhận ra Chúa. Chẳng hạn, anh em cũng nhận ra Chúa khi, nơi tất cả các anh em hèn mọn nhất của mình, Ngài xin được nuôi dưỡng, được đón tiếp và được yêu thương. Thế đó, tôi muốn đó là chân dung của các Phó tế của Rôma và của mọi người. Hãy gắng đạt tới những điều đó. Anh em hãy có lòng quảng đại và hãy tiếp tục như thế.
Tôi cảm ơn anh em về những gì anh em đang làm và về những gì anh em là và tôi xin anh em tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Xin cảm ơn.
Tý Linh chuyển ngữ
(theo ZENIT)
Les diacres permanents, « gardiens du vrai pouvoir », affirme le pape
Tags: Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?