ĐỨC PHANXICÔ TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA EMMANUEL VAN LIERDE: GIÁO HỘI LUÔN TRẺ HÓA MÀ KHÔNG MẤT ĐI SỰ KHÔN NGOAN NGÀN ĐỜI CỦA MÌNH
Kỷ niệm 10 năm triều đại giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận trả lời các câu hỏi của Emmanuel Van Lierde của tuần báo Tertio. Cuộc phỏng vấn được thực hiện ngày 19/12/2022 và được đăng vào ngày 28/2 và 1/3/2023 trên Cathobel. Chúng tôi chuyển ngữ một số phần chính.
Emmanuel Van Lierde: Danh xưng mà ngài đã chọn làm Giáo hoàng bao gồm đồng thời một chương trình. Theo chân thánh Phanxicô Assidi, ngài muốn xây dựng lại và đổi mới Giáo hội, ngài quan tâm đến người nghèo và trái đất, ngài hoạt động vì hòa bình và ngài coi trọng việc đối thoại liên tôn. Một sợi chỉ đỏ khác để hiểu triều đại giáo hoàng của ngài là Công đồng Vatican II (1962-1965), ngay cả khi ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên không tham dự Công đồng này về mặt thể lý. Tại sao việc theo đuổi việc thực hiện Công đồng này lại quan trọng đối với ngài như vậy ? Điều gì liên hệ vậy?
Đức Thánh Cha Phanxicô : Các nhà sử học nói rằng cần phải mất một thế kỷ để các quyết định của một công đồng có hiệu lực đầy đủ và được thực hiện. Do đó, chúng ta vẫn còn 40 năm phải trải qua…Tôi rất lo lắng về công đồng bởi vì biến cố này thực sự là một cuộc viếng thăm của Thiên Chúa đối với Giáo hội của Ngài. Công đồng là một trong những điều mà Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử thông qua những con người thánh thiện. Có lẽ khi Đức Gioan XXIII thông báo nó, không ai nhận ra được điều gì sắp xảy ra. Người ta nói rằng chính ngài đã nghĩ rằng nó sẽ kết thúc trong một tháng, nhưng một Hồng y đã phản ứng khi nói : « Ngài hãy mua đồ đạc và mọi thứ khác, vì điều đó sẽ mất nhiều năm ». Ngài đã tính đến điều đó, nhưng Đức Gioan XXIII là một người cởi mở với tiếng gọi của Chúa. Chính như thế mà Thiên Chúa nói với dân Ngài.
Và ở đây, Ngài đã thực sự nói với chúng ta. Công đồng không chỉ mang lại sự canh tân Giáo hội. Đó không phải là một vấn đề canh tân, nhưng là một thách thức để làm cho Giáo hội ngày càng sống động hơn. Công đồng không canh tân, nhưng làm trẻ hóa Giáo hội. Giáo hội là một người mẹ luôn tiến tới. Công đồng đã mở ra cánh cửa cho cho sự trưởng thành lớn lao hơn, phù hợp hơn với những dấu chỉ của thời đại. Lumen Gentium chẳng hạn, hiến chế tín lý về Giáo hội, là một trong các văn kiện truyền thống nhất và đồng thời là một trong những văn kiện hiện đại nhất, vì trong cấu trúc của Giáo hội, truyền thống – nếu được hiểu đúng – luôn là hiện đại. Đó là bởi vì truyền thống tiếp tục được phát triển và lớn lên.
Như đan sĩ người Pháp Vincent de Lérins đã nói vào thế kỷ V, các tín điều phải tiếp tục phát triển, nhưng theo phương pháp luận này : « Ut annis scilicet consolidationtur, dilatetur tempore, sublimetur aetate » (« Chúng được củng cố theo năm tháng, được mở rộng theo thời gian, được tôn vinh theo thời đại », Ndlr.). Nghĩa là : từ gốc rễ, chúng ta luôn tiếp tục lớn lên.
Công đồng đã làm một bước tiến tới như thế mà không cắt bỏ cội rễ, vì điều đó là không thể nếu chúng ta muốn sinh hoa trái. Công đồng là tiếng nói của Giáo hội cho thời đại của chúng ta, và vào thời điểm này, trong một thế kỷ, chúng ta đưa Công đồng vào thực hành.
Emmanuel Van Lierde: Đó là một hình ảnh lạ lùng : Giáo hội như một người mẹ không già đi, nhưng càng ngày càng trẻ ra…
Đức Thánh Cha Phanxicô : Quả thật đáng kinh ngạc, nhưng Giáo hội là như thế : Giáo hội đang trẻ hóa mà không mất đi sự khôn ngoan ngàn đời của mình.
Emmanuel Van Lierde: Việc theo đuổi việc vận dụng và thực hiện Công đồng bao gồm việc khuyến khích tính hiệp hành. Ngài hy vọng gì và ngài hình dung điều gì qua tiến trình hiệp hành ? Nó thực sự có ý nghĩa gì ? Đó có phải là một phong cách quản trị và lãnh đạo bắt nguồn từ những ý tưởng của Công đồng ?
Đức Thánh Cha Phanxicô : Có một điểm không được quên. Vào cuối Công đồng, Đức Phaolô VI đã rất sửng sốt khi ghi nhận rằng Giáo hội ở Tây Phương hầu như đã mất đi chiều kích hiệp hành của mình, trong khi các Giáo hội Công giáo Đông phương đã biết cách bảo tồn nó. Do đó, ngài đã thông báo thành lập văn phòng thư ký Thượng hội đồng Giám mục, với mục đích thúc đẩy tính hiệp hành một lần nữa trong Giáo hội.
Trong 60 năm qua, Giáo hội đã ngày càng phát triển . Dần dần mọi sự đã trở nên rõ ràng hơn. Chẳng hạn, vấn đề để biết liệu chỉ các Giám mục mới có quyền bỏ phiếu. Đôi khi, không rõ ràng để xác định liệu phụ nữ có thể bỏ phiếu hay không…Trong Thượng hội đồng lần trước về Amazon, vào tháng 10/2019, các tâm trí đã trưởng thành theo hướng này.
Một sự kiện đặc biệt khác đã xảy ra khi đó. Khi một Thượng hội đồng kết thúc, những người tham dự và tất cả các Giám mục đều được thăm dò về chủ đề mà họ muốn thấy trong chương trình nghị sự của Thượng hội đồng tiếp theo. Chủ đề đầu tiên lúc đó được giữ lại là chức linh mục, và tiếp đến là tính hiệp hành. Rõ ràng, đây là một chủ đề được chia sẻ bởi tất cả các Giám mục, những người cho rằng đã đến lúc phải bàn về vấn đề này.
Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập cơ quan thường trực này của Thượng hội đồng Giám mục, các thần học gia đã soạn thảo một báo cáo trong một tài liệu. Chúng ta đã đi một chặng đường dài, bây giờ chúng ta đang ở đây và chúng ta phải tiến tới. Đó là những gì chúng ta đang làm thông qua tiến trình hiệp hành đang diễn ra. Hai thượng hội đồng về tính hiệp hành sẽ giúp chúng ta làm sáng tỏ ý nghĩa và phương pháp đưa ra quyết định trong Giáo hội.
Điều quan trọng cần phải nói rõ rằng một Thượng hội đồng không phải là một nghị viện. Một Thượng hội đồng không phải là một cuộc thăm dò ý kiến cánh tả và cánh hữu, không. Nhân vật chính của một Thượng hội đồng là Chúa Thánh Thần. Nếu Chúa Thánh Thần không ở đó, thì không thể có Thượng hội đồng. Thượng hội đồng là một kinh nghiệm của Giáo hội mà chủ tịch và tác giả chính là Chúa Thánh Thần. Thánh Thần này hành động bằng hai cách.
Trước tiên, Ngài biến nó thành một công trường xây dựng. Hãy nghĩ đến buổi sáng ngày Lễ Ngũ Tuần : thật là một công trường xây dựng ! Với vô số đặc sủng, Chúa Thánh Thần dường như tạo ra sự mất trật tự và hỗn độn. Tuy nhiên…Ngài tạo ra trật tự ! Hay đúng hơn, tốt nhất nên nói rằng Ngài tạo ra sự hài hòa : một loại trật tự cao hơn. Không phải ngẫu nhiên mà thánh Basiliô thành Xêdarê đã viết trong chuyên luận về Chúa Thánh Thần, khi thánh nhân muốn định nghĩa Thánh Thần này : « Ipse harmonia est », « Ngài là sự hài hòa ». Và đó chính là những gì chúng ta cảm nghiệm trong một Thượng hội đồng.
Một điều thú vị khác : trong một Thượng hội đồng, chúng ta nói nhiều. Mỗi tham dự viên đều phát biểu bốn phút. Sau ba bài tham luận, giờ đây luôn có bốn phút thinh lặng, một thời gian cầu nguyện, để Chúa Thánh Thần có thể giúp chúng ta. Coi Thượng hội đồng như một nghị viện là một sai lầm. Thượng hội đồng là một đại hội của các tín hữu. Đó là một đại hội đức tin được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần, nhưng cũng bị cám dỗ và quyến rũ bởi ma quỷ !
Emmanuel Van Lierde : Trong các khu vực của chúng ta, với sự tiến triển từ một Giáo hội đa số sang một Giáo hội được chọn – với số lượng giáo sĩ giảm dần và ít tín hữu hơn – , lãnh đạo của Giáo hội có khuynh hướng tập trung vào những gì Giáo hội coi là « công việc cốt lõi » : phụng vụ và loan báo Tin Mừng. Nhưng khi làm vậy, chiều kích phục vụ và các công việc bác ái có nguy cơ trở thành thứ yếu. Tuy nhiên, chẳng phải chính ở đó mà chúng ta tìm thấy những cơ hội để chạm đến trái tim của những người đương thời của chúng ta sao ? Chẳng phải Giáo hội nên thể hiện khuôn mặt xã hội và ngôn sứ của mình nhiều hơn nếu muốn vẫn thích đáng ngày nay sao ?
Đức Thánh Cha Phanxicô : Chúng ta không thể đối lập những sứ mạng này với nhau. Chúng không mâu thuẫn nhau. Việc cầu nguyện, thờ phượng và phụng tự không có nghĩa là chúng ta phải rút lui vào phòng thánh. Điều đó không đúng. Một Giáo hội không cử hành Thánh Thể thì không phải là một Giáo hội. Nhưng một Giáo hội ẩn nấp trong phòng thánh cũng không phải là một Giáo hội. Ổn định trong phòng thánh không phải là một phụng tự đúng đắn. Việc cử hành Thánh Thể có những hệ quả. Có việc bẻ bánh. Điều đó ngụ ý một nghĩa vụ xã hội, nghĩa vụ chăm lo đến người khác. Do đó, cầu nguyện và dấn thân đi đôi với nhau. Việc thờ phượng Thiên Chúa và phục vụ anh chị em chúng ta đi đôi với nhau, vì nơi mỗi anh chị em chúng ta đều thấy Chúa Giêsu-Kitô.
Hãy lưu ý : sự dấn thân xã hội của Giáo hội là một phản ứng, một hệ quả của việc thờ phượng. Vì thế, không được lẫn lộn sự dấn thân này với hành động từ thiện mà một người ngoại đạo cũng có thể thực hiện. Hoạt động xã hội của Giáo hội bắt nguồn từ bản chất của mình bởi vì Giáo hội nhận ra Chúa Giêsu nơi mình. Điều đó mạnh mẽ đến nỗi nó thậm chí còn là thước đo theo đó, và theo Chúa Giêsu, chúng ta sẽ bị phán xét.
Theo Matthêu chương 25, chúng ta sẽ nghe thấy thước đo về lòng bác ái này của chúng ta trong ngày Phán xét cuối cùng : « Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn ; Ta khát, các ngươi đã cho Ta uống ; Ta ở tù, các người đã thăm viếng ; Ta đau yếu, các ngươi đã chăm sóc Ta… ». Tất cả đó đều là những hoạt động xã hội, nhưng chúng không được thực hiện vì ràng buộc xã hội hay vì bổn phận, nhưng bởi vì Chúa Giêsu hiện diện ở đó. Tuy nhiên, tôi sẽ không bao giờ nhận ra Chúa Giêsu ở đó nếu tôi cũng không nhận ra Ngài trong việc thờ phượng và phụng tự. Cả hai đi đôi với nhau. Chúng phải liên kết với nhau. Có thể nói thế này : một Giáo hội thuần túy phụng tự không phải là một Giáo hội, một Giáo hội thuần túy « xã hội » càng không phải là một Giáo hội. Cái này là hệ quả của cái kia, và cái kia dẫn đến cái này. Điều quan trọng là duy trì mối liên kết và sự tương tác này.
Emmanuel Van Lierde : Trong bí tích Thánh Thể, cũng có những khuyến khích đừng quên việc phục vụ và bác ái : việc quyên góp cho người nghèo, những lời cầu thay nguyện giúp, cuối cùng là việc sai đi…
Đức Thánh Cha Phanxicô : Tôi chỉ có thể nhắc lại : việc phụng tự và phục vụ tha nhân đi đôi với nhau. Chúng ta thờ phượng chỉ một mình Thiên Chúa , nhưng đồng thời chúng ta phục vụ tha nhân là hình ảnh của Thiên Chúa. Mối liên hệ này đã luôn tồn tại, đã có trong Cựu Ước rồi. Khi Thiên Chúa ban lề luật cho dân Israel, Ngài luôn nói điều gì để kết thúc ? « Các ngươi hãy chăm sóc trẻ mồ côi, góa phụ và người ngoại kiều, người di cư ». Ngài yêu cầu quan tâm đặc biệt đến người nghèo khổ.
Emmanuel Van Lierde : Mô hình thị trường tân tự do đang đạt đến giới hạn của nó ; sự biến đổi khi hậu và khủng hoảng năng lượng cho thấy rõ điều đó. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế bền vững sẽ không đơn giản, và những thường dân – nhất là người nghèo khổ nhất – có nguy cơ trở thành nạn nhân của nó. Đại dịch là cơ hội để chuyển sang một « sự bình thường khác » trong thế giới hậu Covid, nhưng người ta lại thích trở lại với « sự bình thường cũ » càng sớm càng tốt. Làm thế nào « nền kinh tế Phanxicô » (một sáng kiến mà ngài đã đưa ra vào năm 2020 để thúc đẩy các nhà kinh tế học và lãnh đạo doanh nghiệp trẻ tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề hiện tại) mang lại một giải pháp thay thế ?
Đức Thánh Cha Phanxicô : Trước tiên, giáo huấn xã hội của Giáo hội – từ Đức Giáo hoàng Lêô XIII cho đến ngày nay – có thể truyền cảm hứng cho điều đó. Giáo huấn này phân tích các vấn đề kinh tế từ Tin Mừng. Cùng với nhà báo Austen Ivereigh, tôi đã viết một cuốn sách mà tôi sẽ tặng cho bạn : Let us dream (Chúng ta hãy ước mơ). Chúng ta hãy thực sự dám ước mơ, ngay cả về những nền kinh tế không hoàn toàn tự do. Một nền kinh tế chắc chắn cũng có thể hội nhập các đường hướng chủ đạo của Kitô giáo.
Một ngày nọ, một nhà kinh tế lớn đã từng nói với tôi điều này : « Trong chức năng của tôi, tôi luôn cố gắng thiết lập một cuộc đối thoại giữa kinh tế, chủ nghĩa nhân văn và đức tin. Khi tôi thử điều đó với tài chính – tài chính, chủ nghĩa nhân văn và đức tin – điều dó không hiệu quả đối với tôi ». Cần phải thận trọng với kinh tế : nếu nó quá tập trung vào tài chính mà thôi, vào chỉ những con số mà không có thực thể thực sự đằng sau chúng, thì lúc đó kinh tế sẽ sụp đổ và có thể dẫn đến sự phản bội nghiêm trọng. Có một người phi thường hiện đang suy nghĩ lại nền kinh tế, trong số đó có cả phụ nữ. Phụ nữ là những thiên tài về tính sáng tạo. Tôi đề cập đến họ trong cuốn sách này. Nền kinh tế phải là một nền kinh tế xã hội. Chính Đức Gioan-Phaolô II đã thêm từ « xã hội » vào « kinh tế thị trường ». Phải lôn giữ từ xã hội trong tâm trí !
Vào lúc này, cuộc khủng hoảng kinh tế chắc chắn là nghiêm trọng, cuộc khủng hoảng là rất kinh khủng. Hầu hết mọi người trên thế giới – đại đa số – không đủ ăn, không đủ sống. Của cải nằm trong tay của một số người điều hành các doanh nghiệp lớn, mà đôi khi mạnh tay bóc lột.
Ở Argentina, chúng tôi đã có một trải nghiệm tuyệt vời đến từ những người Bỉ, từ người Flandre. Họ đã đến định cư ở Argentina với giáo huấn xã hội của Giáo hội làm điểm quy chiếu. Ở Flandria – tên gọi của ngành công nghiệp dệt may mà họ sở hữu (nhà máy hoạt động từ những năm 1920 đến những năm 1990, và nằm gần thị trấn Lujan, Ndlr.) – bản thân người lao động đã tham gia chia cổ tức. Đây là một tiến bộ to lớn mà người Bỉ các bạn đã đạt được.
Ở Argentina, sẽ là một ý tưởng hay khi kiểm tra làm thế nào nó đã diễn ra ở đó. Tôi đang nói về thập niên 1940 và 1950. Vì thế, đó là điều khả thi ! Jules Steverlinck là người đặc trách của Flandria ở đó, phải không ? Khoảng 70 km từ Buenos Aires. Một nền kinh tế xã hội như thế do đó là khả thi và tôi đã chứng kiến một ví dụ qua người Bỉ các bạn. Vâng, nền kinh tế phải luôn là xã hội, nhằm phục vụ xã hội.
————————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : cathobel.be , phần 1 và phần 2)
Tags: Âu Châu, bác ái-liên đới, Công-lý, Giáo-Hội-&-Nhà-Nước, nữ giới, Phanxicô-I, synode, Vatican-II
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO