ĐỨC PHANXICÔ TRẢ LỜI PHỎNG VẤN ĐÀI RAI : « CHIẾN TRANH LÀ ĐIỀU VÔ NGHĨA », « ÓC GIÁO SĨ TRỊ LÀ SỰ BẠI HOẠI TRONG GIÁO HỘI», “ĐƯỢC THA THỨ LÀ MỘT QUYỀN CỦA CON NGƯỜI”
Đức Phanxicô, khách mời của chương trình RAI « Che temp che fa » vào tối Chúa Nhật 6/2/2022, đã đề cập nhiều chủ đề với nhà báo Fabio Fazio, và đặc biệt khả năng của ngài chịu đựng gánh nặng của rất nhiều câu chuyện đau khổ và nỗi đau đớn không thể diễn tả được : « Toàn thể Giáo hội giúp đỡ tôi ».
« Chiến tranh là điều vô nghĩa ». Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời trong chương trình « Che tempo che fa », trên đài truyền hình RAI, một đài công cộng của Ý, về các đề tài khác nhau : chiến tranh, di dân, bảo vệ công trình tạo dựng, tương quan cha mẹ – con cái, sự dữ và đau khổ, cầu nguyện, tương lai của Giáo hội, nhu cầu tình bạn và sự tha thứ, được coi như quyền con người. Đức Thánh Cha nói : « Khả năng được tha thứ là một quyền của con người. Tất cả chúng ta đều có quyền được tha thứ nếu chúng ta xin tha thứ ».
Và khi được hỏi làm thế nào đối diện với nhiều câu chuyện đau khổ mà ngài gặp phải, ngài trả lời : « Tôi không phải là một nhà vô địch cử tạ, chịu đựng mọi thứ. Và rồi tôi không đơn độc, có nhiều người giúp đỡ tôi, toàn thể Giáo hội, các Giám mục, các nhân viên bên cạnh tôi, những người nam và người nữ thành tâm thiện chí… ».
Nền văn hóa dửng dưng và các trẻ em đang chết
Trước hết, Đức Thánh Cha nói về chủ đề thân thiết của mình là di cư. Đề tài này có tính thời sự sau khi gần đây người ta khám phá 12 người di cư chết cóng ở biên giới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Đối với Đức Thánh Cha, « đó là một dấu hiệu của nền văn hóa dửng dưng ». Và đó cũng là « một vấn đề phân loại » : trước tiên là chiến tranh, và chỉ sau đó mới là con người. Yemen là một ví dụ điển hình : « Từ bao lâu rồi Yemen đã phải hứng chịu chiến tranh và từ bao lâu rồi chúng ta nói về các trẻ em của Yemen ? », Đức Thánh Cha hỏi.
« Có những phạm trù được coi trọng và những phạm trù khác thì nằm dưới đáy bảng : trẻ em, di dân, người nghèo, những người không có lương thực. Những người đó không được coi trọng, ít ra trước tiên họ không được coi trọng, bởi vì có những người yêu thương những người này, cố gắng giúp đỡ họ, nhưng trong não trạng phổ biến, điều quan trọng là chiến tranh, bán vũ khí. Hãy nghĩ rằng trong một năm không chế tạo vũ khí, bạn sẽ có thể cung cấp thực phẩm và giáo dục cho toàn thế giới, cách miễn phí. Nhưng điều đó vẫn ở đằng sau », Đức Thánh Cha tố giác. Tiếp đến, ngài gợi lên em Alan Kurdi, bé trai người Syria nằm chết trên bãi biển, và nhiều trẻ em như thế « mà chúng ta không biết » và « đang chết cóng » mỗi ngày. Ngay cả khi đối diện với điều đó, chiến tranh vẫn ở phạm trù hàng đầu : « Chúng ta thấy các nền kinh tế được huy động như thế nào và điều quan trọng nhất hôm nay, đó là chiến tranh : chiến tranh ý thức hệ, chiến tranh quyền lực, chiến tranh thương mại và nhiều nhà máy sản xuất vũ khí ».
Tiến hành chiến tranh là một bộ máy hủy diệt
Nói về chiến tranh, Đức Thánh Cha, khi được hỏi về căng thẳng Ucraina và Nga, đã nhắc lại nguồn cội của thực tại khủng khiếp này, được định nghĩa như là « một điều vô nghĩa của công trình tạo dựng », mà lên tới sách Sáng thế ký với cuộc chiến giữa Cain và Abel hay cuộc chiến vì Tháp Babel. « Các cuộc chiến giữa các anh em » đã xuất hiện ngay sau công trình tạo dựng của Thiên Chúa : « Có một loại phản nghĩa của công trình tạo dựng, đó là lý do tại sao chiến tranh luôn là một sự hủy diệt. Chẳng hạn, làm đất đai, chăm sóc con cái, nuôi dưỡng một gia đình, làm cho xã hội phát triển : đó là xây dựng. Tiến hành chiến tranh, đó là hủy diệt. Đó là một bộ máy hủy diệt ».
Các trại tập trung ở Lybia và một nghĩa trang ở Địa Trung Hải
Trong chính bộ máy này, Đức Thánh Cha bao gồm việc đối xử « hình sự » dành cho hàng ngàn người di cư, một số là thù nhân của những « trại tập trung » ở Libya : « Có bao nhiêu người muốn trốn thoát và những người phải chịu đựng dưới bàn tay của những kẻ buôn người ». Các đoạn video cho thấy điều đó và nhiều đoạn được lưu giữ ở phân bộ Người di cư và tỵ nạn của Bộ phát triển con người toàn diện. « Họ đau khổ và sau đó mạo hiểm vượt Địa Trung Hải. Rồi, đôi khi, họ bị từ chối, đối với một người nào đó mà, do trách nhiệm địa phương, đã nói « Không, họ không đến đây » ; có những chiếc thuyền này đi vòng quanh để tìm kiếm một bến cảng, và những người di cư chết trên biển. Đó là những gì đang diễn ra hôm nay ». Và như trong những dịp khác, Đức Thánh Cha đã lặp lại nguyên tắc theo đó « mỗi nước phải nói bao nhiêu người di cư nó có thể chấp nhận ». « Đó là một vấn đề chính sách nội bộ cần được suy nghĩ kỹ và nói « tôi có thể chấp nhận được cho đến số lượng này ». Và những nước khác ? Có Liên hiệp Châu Âu, chúng ta phải đồng thuận, để đi đến sự cân bằng, hiệp thông ».
Trái lại, hiện giờ, dường như chỉ có « bất công » được thể hiện : « Họ đến Tây Ban Nha và Ý, hai nước gần nhất, và họ không được nhận ở nơi khác. Người di cư phải luôn được đón tiếp, đồng hành, thăng tiến và hội nhập. Được đón tiếp bởi vì họ đang gặp khó khăn, rồi được đồng hành, thăng tiến và hội nhập vào xã hội ». Đặc biệt, hội nhập họ để tránh hiện tượng biến thành khu ổ chuột và chủ nghĩa cực đoan nảy sinh từ các ý thức hệ, như đã là trường hợp của thảm kịch Zaventem ở Bỉ. Người di cư cũng tạo nên nguồn lực nơi các nước suy giảm dân số. Đó là lý do tại sao, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, « chúng ta phải suy nghĩ thông minh về chính sách di cư, chính sách lục địa ». Và sự kiện « Địa Trung Hải ngày nay là nghĩa trang lớn nhất của Châu Âu phải làm chúng ta suy nghĩ ».
Chạm đến sự khốn khổ
Cũng thế, Đức Thánh Cha yêu cầu suy nghĩ về những gì dường như là một sự chia rẽ rất lớn trên thế giới : một phần được phát triển trong đó người ta có « khả năng đi học, đến đại học, làm việc » ; một phần khác, với « các trẻ em đang chết, những người di cư chết đuối. Chúng ta cũng thấy những bất công này nơi các nước của chúng ta ». Cám dốc « rất xấu xí » là « nhìn đi chỗ khác, là không nhìn ». Có những phương tiện truyền thông cho thấy tất cả, « nhưng người ta giữ khoảng cách » ; vâng, « người ta than phiền đôi chút, ‘đó là một thảm kịch !’ nhưng tiếp đến đó như thể là đã không có gì xảy ra. Nhìn mà thôi thì không đủ, cần phải cảm thấy, phải chạm đến », Đức Thánh Cha nhấn mạnh. « Người ta tránh chạm đến nỗi khốn khổ đang khi chạm vào nó dẫn chúng ta đến anh hùng. Tôi nghĩ đến các bác sĩ, y tá đã hiến dâng mạng sống của mình trong đại dịch này : họ đã chạm đến sự dữ và chọn ở lại bên cạnh các bệnh nhân ».
Bảo vệ Trái Đất
Cũng chính nguyên tắc này được áp dụng cho Trái Đất. Một lần nữa, lời kêu gọi chăm sóc công trình tạo dựng nổi lên : « Đó là một nền giáo dục mà chúng ta phải học ». Báo động đến từ vùng Amazon với những vấn đề phá rừng, thiếu ôxy, biến đổi khí hậu : có một nguy cơ về « cái chết của đa dạng sinh học », có nguy cơ « giết chết Mẹ Trái Đất », Đức Thánh Cha cảnh báo. Rồi, ngài trích dẫn ví dụ về các ngư dân ở San Benedetto del Tronto, ở vùng Marche của Ý, đã tìm thấy khoảng 3 triệu tấn nhựa trong một năm và đã có những biện pháp để loại bỏ tất cả các rác thải ra khỏi biển. « Chúng ta phải ghi nhớ điều đó : bảo vệ Mẹ Trái Đất ». Nếu không, mọi thứ sẽ kết thúc như trong bài hát của Roberto Carlos, trong đó đứa con trai hỏi cha mình tại sao dòng sông không hát nữa : « Dòng sông không hát bởi vì nó không còn nữa ».
Tính hung hăng xã hội
Đức Thánh Cha gợi lên một hình thức chú ý dường như còn thiếu theo quan điểm xã hội. Ngày nay, những gì chúng ta đang sống thực ra là « một vấn đề hung hăng », như hiện tượng bắt nạt chứng minh : « Tính hung hăng không phải là một điều tiêu cực tự nó, vì cần phải hung hăng để thống trị thiên nhiên, để tiến bộ, để xây dựng, có một sự hung hăng tích cực. Nhưng có một sự hung hăng hủy diệt dù chỉ bắt đầu từ một việc rất nhỏ : bằng cái lưỡi, thói buôn chuyện ». Những thói buôn chuyện « trong gia đình, trong khu phố, hủy hoại căn tính ». Vì thế, cần phải nói « không với thói buôn chuyện » : « Nếu bạn có điều gì đó chống lại người khác, hoặc bạn kìm lại hoạc bạn đi gặp người đó và nói trước mặt người đó, hãy can đảm ».
« Sự đồng phạm » của cha mẹ
Khi đề cập đến vấn đề giới trẻ, đôi khi là nạn nhân của một « cảm giác cô đơn lạ thường », Đức Thánh Cha nói với các bậc cha mẹ đôi khi khó hiểu « nỗi đau của người khác ». Đối với ngài, mối tương quan giữa cha mẹ và con cái có thể được tóm tắt trong một từ : sự gần gũi, « gần gũi với con cái ». « Khi các đôi vợ chồng trẻ đi xưng tội hay khi tôi nói với họ, tôi luôn đặt một câu hỏi : « Anh chị có chơi với con cái mình không ? » Sự nhưng không này của ông bố bà mẹ với con cái. Đôi khi tôi nghe những câu trả lời đau đớn : « Nhưng thưa Cha, khi con rời nhà để đi làm, thì chúng ngủ và khi con trở về buổi tối, thì chúng lại ngủ ». Đó là xã hội tàn nhẫn tự tách khỏi con cái của mình. Nhưng sự nhưng không với những đứa con của mình : chơi với con cái và không làm con cái sợ hãi, bởi những điều chúng nói, bởi những giả định của chúng, hay thậm chí khi một đứa con lớn hơn, một thiếu niên, hãy trượt, hãy gần gũi, nói chuyện như một người cha, người mẹ ». Các « bậc cha mẹ không gần gũi con cái mình, mà, để trấn an chúng, đã nói với chúng « Nhưng lấy chìa khóa xe, đi đi » là không tốt. Trái lại, « rất tốt » khi cha mẹ « gần như là đồng phạm với con cái mình ».
Nhìn xuống để nâng ai đó lên
Về sự gần gũi, người dẫn chương trình nhắc lại câu nói nổi tiếng của Đức Thánh Cha : « Một người chỉ có thể nhìn một người khác từ trên cao khi người đó giúp người kia đứng lên ». Đức Thánh Cha nói thêm : « Trong xã hội, chúng ta thấy biết bao lần người ta nhìn người khác từ trên cao để thống trị họ, bắt họ phục tùng, chứ không để giúp họ đứng lên. Hãy nghĩ – đó là một câu chuyện buồn, nhưng hằng ngày – về những nhân viên vốn phải trả giá bằng thân xác cho sự ổn định việc làm của mình, bởi vì ông chủ của họ nhìn từ trên cao, để thống trị họ. Đó là một ví dụ hằng ngày ».
Được tha thứ là một quyền con người
Cuộc nói chuyện được mở rộng và đề cập đến khái niệm sự dữ : « Có ai không xứng đáng với sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa hay sự tha thứ của con người không ? », nhà báo hỏi. « Khả năng được tha thứ là một quyền con người », Đức Thánh Cha trả lời và đồng thời nói rõ rằng « đây là một điều gì đó có thể gây sốc cho một số người. Tất cả chúng ta đều có quyền được tha thứ nếu chúng ta xin tha thứ. Đó là một quyền nảy sinh từ bản tính của Thiên Chúa và đã được ban cho nhân loại như một gia nghiệp. Chúng ta đã quên rằng ai xin tha thứ đều có quyền được tha thứ. Bạn đã làm điều gì đó, bạn trả giá cho điều đó. Không ! Bạn có quyền được tha thứ, và nếu bạn có một món nợ đối với xã hội, bạn có thể trả nó, nhưng với sự tha thứ ».
Sự dữ chống lại những người vô tội
Thế nhưng, có một loại sự dữ khác, sự dữ, không thể giải thích được, đôi khi tấn công người vô tội, mà người ta tự hỏi tại sao Thiên Chúa không can thiệp. Đức Thánh Cha giải thích : rất nhiều sự dữ « xảy đến chính vì con người đã mất khả năng tuân theo các quy luật, bởi vì con người đã thay đổi bản chất, đã thay đổi nhiều thứ, và cũng do những mong manh của con người. Và Thiên Chúa để nó tiếp tục ». Những câu hỏi vẫn không có câu trả lời : « Tại sao các trẻ em đau khổ ? », Đức Thánh Cha nói. « Tôi có đức tin, tôi cố gắng yêu mến Thiên Chúa là Cha của tôi, nhưng tôi tự hỏi : « Nhưng tại sao các trẻ em đau khổ ? » Và không có câu trả lời. Ngài mạnh mẽ, vâng, toàn năng trong tình yêu. Trái lại, hận thù, sự hủy diệt, nằm trong tay của một kẻ khác, kẻ đã gieo rắc sự dữ trên thế giới vì ghen tỵ. Đối thoại với sự dữ là nguy hiểm, và nhiều người đi, cố gắng đối thoại với sự dữ – tôi đã từng ở trong trường hợp này nhiều lần – nhưng tôi tự hỏi tại sao. Đối thoại với sự dữ, đó là một điều xấu xa…Đối thoại với sự dữ là không tốt, điều đó đúng đối với mọi cám dỗ. Và khi cám dỗ này đến với bạn, « tại sao trẻ em đau khổ ? », tôi chỉ tìm ra một phương thế duy nhất : đau khổ với chúng. Dostoïevski là một bậc thầy tuyệt vời về vấn đề này ».
Óc giáo sĩ trị, một sự bại hoại trong Giáo hội
Tiếp đến, tương lai của thế giới và của Giáo hội chiếm một chỗ lớn trong cuộc phỏng vấn. Tương lai của thế giới, như nó được tiên báo trong thông điệp Fratelli tutti, với con người ở trung tâm của các nền kinh tế và của các chọn lựa là một ưu tiên mà Đức Thánh Cha chia sẻ với nhiều nguyên thủ quốc gia vốn có những lý tưởng tốt. Những lý tưởng này đôi khi vấp phải « những điều kiện chính trị và xã hội, thậm chí là chính trị thế giới, vốn ngăn cản những ý định tốt ». Về tương lai của Giáo hội Đức Thánh Cha nhắc lại hình ảnh về Giáo hội được Đức Phaolô Vi phác họa trong Tông huấn Evangelii nuntiandi, một Tông huấn đã truyền cảm hứng cho Tông huấn Evangelii Gaudium của ngài : « Một Giáo hội lữ hành ». Ngày nay, « sự xấu xa lớn lao nhất của Giáo hội, lớn lao nhất, là tính trần tục thiêng liêng » mà, đến lượt nó, « làm gia tăng một thứ ghê tởm, là óc giáo sĩ trị, vốn là một sự bại hoại của Giáo hội. Óc giáo sĩ trị mà có trong sự cứng nhắc. Và dưới bất kỳ loại cứng nhắc nào, luôn có sự thối nát », Đức Thánh Cha nhấn mạnh, bao gồm trong số « những điều xấu xí » trong Giáo hội ngày nay « những lập trường cứng nhắc, cứng nhắc một cách ý thức hệ » vốn đã thay thế cho Tin Mừng.
« Về thái độ mục vụ, tôi chỉ nói hai thai độ, đã cũ : chủ thuyết pêlagiô và chủ thuyết ngộ đạo. Chủ thuyết pêlagiô, đó là tin rằng với sức mạnh của tôi, tôi có thể tiến về phía trước. Không, Giáo hội tiến về phía trước với sức mạnh của Thiên Chúa, lòng thương xót của Thiên Chúa và sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Và chủ thuyết ngộ đạo, chủ thuyết thần bí, không có Thiên Chúa, linh đạo trống rỗng này…không, không có thân xác của Chúa Kitô, thì không thể hiểu được, không có thân xác của Chúa Kitô, thì không thể có ơn cứu chuộc », « một lần nữa, cần phải trở lại trung tâm : « Ngôi Lời đã trở thành nhục thể ». Chính trong cớ vấp phạm này của thập giá, của Ngôi Lời làm người, mà tương lại của Giáo hội hệ tại ».
Tầm quan trọng của việc cầu nguyện
Tiếp đến, Đức Thánh Cha giải thích về tầm quan trọng của cầu nguyện : « Cầu nguyện, đó là những gì một đứa con làm khi nó cảm thấy bị hạn chế, bất lực, [nó nói] « bố ơi, mẹ ơi ». Cầu nguyện, đó là nhìn thấy những giới hạn của chúng ta, những nhu cầu của chúng ta, tội lỗi của chúng ta…. Cầu nguyện, đó là đi vào, cách mạnh mẽ, vượt qua những giới hạn, vượt qua chân trời, và đối với người Kitô hữu chúng tôi, cầu nguyện, đó là gặp « bố » ». Và « đứa con không đợi câu trả lời của bố mình, khi ông bố bắt đầu trả lời, thì nó chuyển qua một câu hỏi khác. Cái mà đứa con muốn, đó là cái nhìn của cha nó hướng về nó. Không cần biết lời giải thích thế nào, điều quan trọng, đó là bố nhìn nó, và điều đó mang lại sự an toàn cho nó ».
Những người bạn thực sự
Tiếp đến, các câu hỏi liên quan đến lãnh vực cá nhân hơn : « Ngài có bao giờ cảm thấy cô đơn không ? Ngài có những người bạn thực sự không ? ». Và Đức Thánh Cha trả lời : « Tôi có những người bạn giúp đỡ tôi, họ biết cuộc sống của tôi như một người bình thường, không phải tôi bình thường, không. Tôi có những dị thường của mình. Nhưng như một người bình thường có bạn bè. Và tôi thích đôi khi ở bên bạn bè để nói với họ nhiều điều, để lắng nghe họ. Nhưng quả thật, tôi cần những người bạn. Đó là một trong những lý do tôi không đến sống trong căn hộ giáo hoàng, bởi vì các vị Giáo hoàng mà đã ở đó trước đây, đã là những vị thánh và tôi không ổn, tôi không thánh thiện như thế. Tôi cần những mối tương quan nhân loại, đó là lý do tại sao tôi sống trong khách sạn này ở Santa Marta nơi người ta tìm thấy những người nói chuyện với mọi người, tìm thấy những bạn bè. Đó là một cuộc sống dễ dàng hơn đối với tôi, tôi không muôn làm một cuộc sống khác. Tôi không có sức mạnh, và tình bạn cho tôi sức mạnh. Trái lại, tôi cần bạn bè, họ ít nhưng thực sự ».
Thời thơ ấu, âm nhạc và truyền hình
Trong buổi phỏng vấn, có những đề cập đến quá khứ : thời thơ ấu của ngài ở Buenos Aires, việc ngài ủng hộ đội bóng San Lorenzo, « ơn gọi » bán thịt của ngài, nguồn gốc xứ Pi-ê-mông của ngài, kinh nghiệm ở phòng thí nghiệm hóa học, một khóa đào tạo « đã hấp dẫn tôi rất nhiều » nhưng tiếng gọi của Thiên Chúa đã thắng thế. Đức Thánh Cha cũng nhắc lại lời thề mà ngài đã hứa với Đức Mẹ Núi Cát Minh, ngày 16/7/1990, là không xem ti vi : « Tôi không xem ti vi, không phải vì tôi kết án nó ». Trái lại, âm nhạc là một đam mê, nhất là nhạc cổ điển và tăng gô. Đối với khiếu hài hước của mình, ngài tuyên bố : « đó là một phương thuốc » giúp « tương đối hóa mọi sự và giúp ích cho bạn ».
100 lời cầu nguyện
Như mọi khi kể từ năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào từ biệt bằng cách xin cầu nguyện. « Tôi cần những lời cầu nguyện, và nếu một số người trong các bạn không cầu nguyện bởi vì họ không tin, không biết hay không thể, thì ít nhất hãy để bạn gởi cho tôi những tư tưởng tốt, những làn sóng tốt ». Cuộc phỏng vấn kết thúc bằng một hình ảnh được rút ra từ cuốn phim « Phép lạ ở Milan » : « Để kết thúc buổi nói chuyện, tôi tin rằng Vittorio De Sica là người đóng vai trò của người nhìn thấy, đọc bàn tay : « Cảm ơn 100 đồng lia ». Tôi nói « 100 lời cầu nguyện », « 100 đồng lia, 100 lời cầu nguyện ». Cảm ơn ».
———————–
Tý Linh
(theo Vatican News)
Tags: Di dân, Giới trẻ, Hòa-bình, Môi-trường, Nhân quyền, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG