ĐỨC PHANXICÔ TỪ CHỐI ĐƠN TỪ NHIỆM CỦA ĐHY MARX
« Và, Hiền đệ thân mến, đây là câu trả lời của Huynh: hãy tiếp tục như Hiền đệ đề nghị, nhưng với tư cách là Tổng Giám mục giáo phận Munich và Freising. Và nếu Hiền đệ bị cám dỗ nghĩ rằng, bằng cách xác nhận sứ mạng của Hiền đệ và khước từ đơn từ nhiệm của Hiền đệ, vị Giám mục thành Rôma này (người anh của Hiền đệ yêu mến Hiền đệ) không hiểu Hiền đệ, thì hãy nghĩ đến những gì mà Phêrô đã cảm thấy trước mặt Chúa khi ngài trình lên Chúa đơn từ nhiệm theo cách của mình: “Xin Thầy xa con vì con là kẻ tội lỗi” và ngài đã nghe câu trả lời: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”. »
Bằng những lời đầy yêu thương và khích lệ này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khước từ đơn từ nhiệm của Đức Hồng y Reinhard Marx và đồng thời mời gọi ngài tiếp tục sứ mạng phục vụ Giáo hội trong sự tin tưởng vào Chúa Thánh Thần và khiêm tốn nhìn nhận thân phận tội lỗi của con cái Giáo hội.
Lá thư của Đức Phanxicô gởi cho ĐHY Marx, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức được viết bằng tất cả trái tim của một người mục tử, một người lãnh đạo Giáo hội, một người anh, một người bạn. Trong thư, ngài mời gọi ĐHY cần phải có thái độ nào khi đối diện với cuộc khủng hoảng hiện nay trong Giáo hội, mà không chỉ tìm những giải pháp ở đời, vốn không thể cứu thoát được, mà chỉ nơi Chúa Giêsu, nơi ân sủng và quyền năng chữa lành thật sự của Người mà thôi.
Dưới đây là toàn văn bức thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gởi cho ĐHY Marx :
Sainte- Marthe, ngày 10 tháng Sáu năm 2021
Hiền đệ thân mến,
Trước hết, cảm ơn vì sự can đảm của Hiền đệ. Đó là một sự can đảm Kitô hữu vốn không sợ thập giá, không sợ hạ mình trước thực tại kinh khủng của tội lỗi. Đó là những gì Chúa đã làm (Pl 2, 5-8). Đó là một ân sủng mà Chúa đã ban cho Hiền đệ và tôi thấy rằng Hiền đệ muốn đảm nhận và giữ gìn ân sủng này để nó mang lại hoa trái. Cảm ơn.
Hiền đệ nói với Huynh rằng Hiền đệ đang trải qua một thời gian khủng hoảng, và không chỉ Hiền đệ mà thôi đâu, nhưng toàn thể Giáo hội Đức. Toàn thể Giáo hội đang khủng hoảng do những vụ lạm dụng; còn hơn nữa, ngày nay Giáo hội không thể tiến thêm một bước nếu không đảm nhận cuộc khủng hoảng này. Chính sách đà điểu (không dám nhìn thẳng vào nguy hiểm, ctcnd) chẳng đưa đến đâu, và cuộc khủng hoảng cũng phải được đảm nhận bằng niềm tin phục sinh của mình. Chủ thuyết duy xã hội học và duy tâm lý học đều vô ích. Đảm nhận cuộc khủng hoảng, cách cá nhân và cộng đoàn, là con đường phong nhiêu duy nhất bởi vì chúng ta không thoát khỏi một cuộc khủng hoảng một mình nhưng trong cộng đoàn; và vả lại, chúng ta phải nhớ rằng chúng ta thoát khỏi một cuộc khủng hoảng tốt hơn hay tồi tệ hơn, nhưng không bao giờ như trước nữa.
Hiền đệ nói với Huynh rằng từ năm ngoái Hiền đệ đã suy nghĩ: Hiền đệ đã ra đi tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa với quyết định chấp nhận thánh ý này, dù thánh ý đó là thế nào.
Huynh đồng ý với Hiền đệ khi Hiền đệ mô tả câu chuyện buồn về các vụ lạm dụng tính dục và cách thức mà Giáo hội đã đương đầu với nó cho đến thời gian gần đây vẫn còn như một thảm họa. Nhận ra sự giả hình này trong cách sống đức tin của chúng ta là một ân sủng, là bước đầu tiên mà chúng ta phải làm. Chúng ta phải đảm nhận lịch sử, cách cá nhân cũng như cộng đoàn. Chúng ta không thể dửng dưng trước tội ác này. Chấp nhận có nghĩa là đặt mình vào cuộc khủng hoảng.
Tất cả mọi người đều không muốn chấp nhận thực tế này, nhưng đó là phương thế duy nhất, vì đưa ra “những nghị quyết” thay đổi cuộc sống mà không “đặt thịt lên lò nướng” thì chẳng đi đến đâu. Những thực tại cá nhân, xã hội và lịch sử đều cụ thể và không được đảm nhận bằng những ý tưởng; vì các ý tưởng thì được bàn luận (và quả thật chúng là như vậy) nhưng thực tại phải luôn được đảm nhận và phân định. Quả thật, các hoàn cảnh lịch sử phải được giải thích theo lối diễn giải của thời đại của chúng, nhưng điều đó không miễn cho chúng ta lãnh trách nhiệm về chúng và đảm nhận chúng như là lịch sử của ‘tội lỗi đang ám ảnh chúng ta’. Do đó, theo tôi, mọi Giám mục của Giáo hội phải đảm nhận nó và tự hỏi: Tôi phải làm gì khi đối diện với thảm họa này?
Chúng ta đã hơn một lần trong nhiều hoàn cảnh đấm ngực “lỗi tại tôi” khi đối mặt với biết bao lầm lỗi lịch sử của quá khứ, cho dù bản thân chúng ta không tham dự vào hoàn cảnh lịch sử này. Và chính thái độ này được yêu cầu đối với chúng ta ngày nay. Chúng ta được yêu cầu cải cách, mà – trong trường hợp này – không hệ tại nơi những lời nói nhưng nơi những thái độ có can đảm đương đầu với cuộc khủng hoảng, đảm nhận thực tại dù những hậu quả là thế nào. Và mọi cuộc cải cách đều bắt đầu bằng chính mình. Cuộc cải cách trong Giáo hội đã từng được thực hiện bởi những người nam và người nữ vốn không sợ đi vào cuộc khủng hoảng và để cho Chúa cải cách bản thân. Đó là cách duy nhất, nếu không chúng ta sẽ chẳng gì khác hơn là ‘những nhà tư tưởng về cải cách’ không dám mạo hiểm thân xác mình.
Chúa không bao giờ chấp nhận làm “cuộc cải cách” (cho phép tôi diễn đạt) với kế hoạch của người Pharisiêu, của người Sa-đốc, của nhóm Nhiệt Thành cũng như của nhóm Essêniên. Nhưng Ngài đã cải cách bằng cuộc sống của mình, bằng lịch sử của mình, bằng thân xác của mình trên thập giá. Hiền đệ thân mến, đó là cách thức mà chính Hiền đệ đã hành động để đệ trình đơn từ nhiệm của mình.
Hiền đệ nói rõ trong lá thư rằng chôn vùi quá khứ chẳng đưa đến đâu. Sự im lặng, những thiếu sót, sức nặng uy tín của thể chế chỉ dẫn đến thất bại cá nhân và lịch sử, và dẫn chúng ta đến chỗ sống với sức nặng “của những bộ xương khô trong tủ”, như ngạn ngữ vẫn nói.
Điều cấp bách là “phơi bày” thực tại những vụ lạm dụng này và cách thức mà Giáo hội đã xúc tiến, và để cho Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta đến hoang mạc u sầu, đến thập giá và sự phục sinh. Chính con đường của Chúa Thánh Thần mà chúng ta phải theo, và điểm xuất phát của nó là sự thú nhận khiêm tốn: chúng ta đã sai lầm, chúng ta đã phạm tội. Những cuộc thăm dò ý kiến hay sức mạnh của các thể chế sẽ không cứu được chúng ta. Uy tín của Giáo hội chúng ta, vốn có khuynh hướng che giấu tội lỗi của mình, sẽ không cứu được chúng ta; sức mạnh của tiền bạc hay dư luận của các phương tiện truyền thông (mà chúng ta thường quá lệ thuộc vào) sẽ không cứu được chúng ta. Chúng ta sẽ được cứu thoát bằng cách mở cửa ra cho Đấng có thể làm được điều đó và bằng cách thú nhận sự trần trụi của mình: “tôi đã phạm tội”, “chúng tôi đã phạm tội”…và bằng cách khóc lóc, bằng cách nhọc nhằn ấp úng lời “xin Thầy xa con vì con là kẻ tội lỗi” này, di sản mà vị Giáo hoàng đầu tiên đã để lại cho các vị Giáo hoàng và các Giám mục của Giáo hội. Và chúng ta sẽ cảm thấy sự xấu hổ chữa lành này mở ra những cánh cửa cho lòng trắc ẩn và sự dịu dàng của Chúa, Đấng luôn ở gần chúng ta. Với tư cách là Giáo hội, chúng ta phải cầu xin ơn xấu hổ, và Chúa gìn giữ chúng ta khỏi trở thành cô điếm vô liêm sỉ trong Êdêkien chương 16.
Huynh thích cách thức mà Hiền đệ kết thúc lá thư của mình: “Con hân hạnh sẽ tiếp tục là Linh mục và Giám mục của Giáo hội này và con sẽ tiếp tục dấn thân trên bình diện mục vụ luôn mãi và như Đức Thánh Cha cho là tốt và thích hợp. Cách mạnh mẽ hơn nữa, con muốn dành những năm sắp đến của việc phục vụ của con cho việc mục vụ và dấn thân cho công cuộc canh tân thiêng liêng của Giáo hội, như Đức Thánh Cha đã không mệt mỏi kêu gọi. ”
Và, Hiền đệ thân mến, đây là câu trả lời của Huynh: hãy tiếp tục như Hiền đệ đề nghị, nhưng với tư cách là Tổng Giám mục giáo phận Munich và Freising. Và nếu Hiền đệ bị cám dỗ nghĩ rằng, bằng cách xác nhận sứ mạng của Hiền đệ và khước từ đơn từ nhiệm của Hiền đệ, vị Giám mục thành Rôma này (người anh của Hiền đệ yêu mến Hiền đệ) không hiểu Hiền đệ, thì hãy nghĩ đến những gì mà Phêrô đã cảm thấy trước mặt Chúa khi ngài trình lên Chúa đơn từ nhiệm theo cách của mình: “Xin Thầy xa con vì con là kẻ tội lỗi” và ngài đã nghe câu trả lời: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”.
Với sự trìu mến huynh đệ
PHANXICÔ
—————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(theo ZENIT)
https://fr.zenit.org/2021/06/10/gestion-des-abus-le-pape-refuse-la-demission-du-cardinal-marx/
Tags: Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO CÁC THAM DỰ VIÊN CUỘC HỌP ĐƯỢC TỔ CHỨC BỞI TÒA THƯỢNG THẨM RÔMA
- THƯ VỀ VIỆC ĐỔI MỚI NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ GIÁO HỘI
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO