ĐỨC PHANXICÔ : YÊU THƯƠNG NHƯ CHÚA YÊU THƯƠNG LÀ NÓI KHÔNG VỚI NHỮNG TÌNH YÊU SAI LẦM KHÁC

Written by xbvn on Tháng Năm 10th, 2021. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

«Yêu thương như Chúa Kitô có nghĩa là nói không với « những tình yêu » khác mà thế giới đề nghị cho chúng ta : yêu tiền bạc – người nào yêu tiền bạc thì không yêu thương như Chúa Giêsu – yêu thành công, yêu hư danh, yêu quyền lực… Những con đường « tình yêu » sai lầm này làm chúng ta xa rơi tình yêu của Chúa và dẫn chúng ta đến chỗ trở nên ngày càng ích kỷ hơn, quá say mê bản thân hơn và chuyên chế hơn », đó là lời nhắc nhở của Đức Thánh Cha Phanxicô khi suy niệm về đoạn Tin Mừng Chúa Nhật VI Phục Sinh, năm B, hôm Chúa Nhật 9/5/2021.

Đối với ngài, « yêu thương như Chúa Kitô yêu thương có nghĩa là phục vụ anh chị em, như Ngài đã làm khi rửa chân cho các môn đệ. Điều đó cũng có nghĩa là ra khỏi chính mình, không bám víu vào những an toàn nhân loại riêng của mình, những tiện nghi trần tục, để mở ra cho tha nhân, đặc biệt cho những ai cần nhất. Điều đó có nghĩa là sẵn sàng ứng trực, với những gì chúng ta là và những gì chúng ta có. Điều đó muốn nói yêu thương không phải bằng lời nói nhưng bằng hành động ».

Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha Phanxicô :

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em !

Trong Tin Mừng Chúa Nhật này (Ga 15, 9-17), Chúa Giêsu, sau khi đã ví mình với cây nho và chúng ta là cành nho, đã giải thích đâu là hoa trái mà những người kết hợp với Ngài phải trổ sinh : hoa trái này là tình yêu. Ngài tiếp tục lấy lại động từ chủ chốt : ở lại. Ngài mời gọi chúng ta ở trong tình yêu của Ngài để niềm vui của Ngài ở trong chúng ta và niềm vui của chúng ta được trọn vẹn (c. 9-11). Ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu.

Chúng ta tự hỏi : đâu là tình yêu mà Chúa Giêsu nói chúng ta ở lại để có niềm vui của Ngài ? Đâu là tình yêu này ? Đó là tình yêu có nguồn gốc nơi Chúa Cha, vì « Thiên Chúa là Tình Yêu » (1Ga 4, 8). Như một dòng sông chảy trong Chúa Giêsu và xuyên qua Ngài đến với chúng ta, những thụ tạo của Ngài. Quả thế, Ngài nói : « Như Chúa Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em » (Ga 15, 9). Tình yêu mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta chính là tình yêu mà Chúa Cha yêu mến Ngài : một tình yêu thuần khiết, vô điều kiện, nhưng không. Người ta không thể mua nó, nó là nhưng không. Khi ban tình yêu này cho chúng ta, Chúa Giêsu đã đối xử chúng ta như bạn hữu – bằng tình yêu này – bằng cách cho chúng ta biết Chúa Cha, và bao hàm chúng ta trong sứ mạng của Ngài vì sự sống của thế gian.

Và chúng ta có thể tự hỏi chúng ta làm thế nào để ở lại trong tình yêu này ? Chúa Giêsu nói : « Nếu anh em giữ các giới răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình yêu của Thầy » (c.10). Chúa Giêsu đã tóm tắt các giới răn của Ngài  trong một giới răn duy nhất : « Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em » (c. 12). Yêu thương như Chúa Kitô yêu thương có nghĩa là phục vụ anh chị em, như Ngài đã làm khi rửa chân cho các môn đệ. Điều đó cũng có nghĩa là ra khỏi chính mình, không bám víu vào những an toàn nhân loại riêng của mình, những tiện nghi trần tục, để mở ra cho tha nhân, đặc biệt cho những ai cần nhất. Điều đó có nghĩa là sẵn sàng ứng trực, với những gì chúng ta là và những gì chúng ta có. Điều đó muốn nói yêu thương không phải bằng lời nói nhưng bằng hành động.

Yêu thương như Chúa Kitô có nghĩa là nói không với « những tình yêu » khác mà thế giới đề nghị cho chúng ta : yêu tiền bạc – người nào yêu tiền bạc thì không yêu thương như Chúa Giêsu – yêu thành công, yêu hư danh, yêu quyền lực… Những con đường « tình yêu » sai lầm này làm chúng ta xa rơi tình yêu của Chúa và dẫn chúng ta đến chỗ trở nên ngày càng ích kỷ hơn, quá say mê bản thân hơn và chuyên chế hơn. Và sự chuyên chế dẫn đến chỗ làm thoái hóa tình yêu, lạm dụng người khác và làm cho người mình yêu đau khổ. Tôi nghĩ đến tình yêu bệnh hoạn biến thành bạo lực – và biết bao người nữ ngày nay là nạn nhân của bạo lực. Đó không phải là tình yêu. Yêu thương như Chúa yêu thương chúng ta muốn nói cảm kích người ở bên cạnh ta và tôn trọng tự do của người đó, yêu người đó như họ là chứ không như chúng ta muốn họ là ; như họ là, cách nhưng không. Cuối cùng, Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta ở lại trong tình yêu của Ngài, sống trong tình yêu của Ngài, chứ không phải trong các ý tưởng  của chúng ta, trong việc phụng thờ chính chúng ta. Ai ở lại trong việc phụng thờ chính bản thân mình thì ở lại trong tấm gương : luôn soi vào mình. Ngài mời gọi chúng ta ra khỏi tham vọng kiểm soát và quản lý người khác. Không phải kiểm soát họ, nhưng là phục vụ họ. Mở rộng tâm hồn cho người khác, và hiến mình cho người khác, đó là tình yêu.

Anh chị em thân mến, việc ở lại trong tình yêu của Chúa dẫn đến đâu ? Nó dẫn chúng ta đến đâu ? Chúa Giêsu đã nói : « Để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em nên trọn vẹn » (c. 11). Chúa Giêsu muốn rằng niềm vui mà Ngài có bởi vì Ngài hoàn toàn hiệp thông với Chúa Cha, cũng ở trong chúng ta, những người đang kết hiệp với Ngài. Niềm vui biết chúng ta được  Thiên Chúa yêu thương bất chấp sự bất trung của chúng ta giúp chúng ta đương đầu trong đức tin với những thử thách của cuộc sống, giúp chúng ta vượt qua cuộc khủng hoảng để thoát ra khỏi đó được tốt hơn. Việc chúng ta là những chứng nhân đích thực hệ tại ở chỗ sống niềm vui này, bởi vì niềm vui là dấu chỉ đặc trưng của người Kitô hữu. Kitô hữu đích thực thì không buồn, họ luôn có niềm vui này nơi bản thân, ngay cả trong những thời điểm tồi tệ.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu và lớn lên trong tình thương đối với mọi người, bằng việc làm chứng cho niềm vui của Chúa phục sinh.

——————-

Tý Linh chuyển ngữ

(theo ZENIT)

Regina Coeli : « non par des paroles mais par des actes »

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31