ĐỨC THÁNH CHA CA NGỢI SỰ TỬ ĐẠO CỦA CÁC NỮ TU NGƯỜI BA LAN

Written by xbvn on Tháng Sáu 13th, 2022. Posted in Ơn gọi, Thế Giới, Tu sĩ, Tý Linh

Sau Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 12/6/2022, Đức Phanxicô đã nhắc đến việc phong chân phước hôm 11/6 ở Ba Lan cho nữ tu Paschalis Jahn và 9 nữ tu khác, cùng thuộc Dòng Thánh Elisabeth, đã bị giết vì hận thù đức tin, vào cuối Thế Chiến II, bởi các binh lính của Hồng quân Liên Xô.

Đức Thánh Cha nói: « Mười nữ tu này, dù ý thức về nguy hiểm mà họ phải đối mặt, vẫn ở bên cạnh những người già và bệnh tật mà họ chăm  sóc. Ước gì gương trung tín với Chúa Kitô của họ giúp tất cả chúng ta, đặc biệt các Kitô hữu bị bách hại ở nhiều nơi trên thế giới, can đảm làm chứng cho Tin Mừng ». Họ đã bị cưỡng bức rồi bị giết chế bởi các binh lính Liên Xô từ tháng Hai đến tháng Năm năm 1945 ở Basse-Silésie, trong vùng lãnh thổ giữa sông Oder và Nysa.

Các nữ tu này đã được phong chân phước hôm 11/6/2022 ở Wroclaw trong thánh lễ do ĐHY Semeraro, Tổng tưởng Bộ Phong Thánh, chủ tế. ĐHY đã tuyên bố trong thánh lễ : « Tất cả mười người, với tính cách và đặc điểm riêng của mỗi người, đã chấp nhận sự tàn bạo của đau khổ, sự tàn ác của sự sỉ nhục và đi đến cái chết. Giờ đây sự thánh thiện của họ được Giáo hội công nhận, họ được ban cho chúng ta như những công cụ cầu bầu trước mặt Thiên Chúa ».

Nữ tu Paschalis Jahn và 9 bạn tử đạo của mình đã được Giáo hội nhìn nhân, vì đã bảo vệ đức khiết tịnh của mình. « Tôi thuộc về Chúa Giêsu, Ngài là Hôn Phu của tôi », đó là những lời cuối cùng là nữ tu Paschalis đã thốt lên trước khi chết vào năm 1945 khi quân đội Liên Xô xâm lược Ba Lan.

Maria Paschalis Jahn, với trái tìm tràn đầy yêu thương ; Melusja Rybka, một phụ nữ mạnh mẽ ; Edelburgis Kubitzki, một tấm gương nghèo khó Tin Mừng ; Adela Schramm, một trinh nữ cẩn trọng ; Acutina Goldberg, một người yêu chuộng công lý ; Adelheidis Töpfer, một mẫu gương đức tin ; Felicitas Ellmerer, vâng phục cho đến cùng ; Sabina Thienel, với ánh mắt đầy tin tưởng ; Rosaria Schilling, mạnh mẽ trong sự sám hối ; Sapientia Heymann, một trinh nữ khôn ngoan. ĐHY Marcello Semeraro đọc tên của họ cách chậm rãi, lần lượt từng người, trong bài giảng của mình trong thánh lễ phong chân phước.

Tình yêu trung tín đến cùng

Khi đọc câu chuyện của sơ Paschalis và các sơ khác, người ta hiểu ngay rằng việc trao hiến bản thân đối với các nữ tu này không chỉ hệ tại trong sự hy sinh tột cùng để bảo vệ sự dâng hiến cho Chúa Kitô của mình, nhưng đã bắt đầu sơm hơn nhiều trong việc phục vụ : một số ở nhà bếp, số khác làm y tá, số khác chăm sóc trẻ em, số khác nữa chăm sóc các nữ tu cao tuổi. ĐHY tuyên bố : « Đó là một đức ái vô vị lợi và anh hừng đến độ nó đã giữ họ lại ngay cả khi việc chạy trốn sẽ tránh cho họ khỏi những rủi ro lớn nhất. Khi sự xâm nhập của quân đội Nga vào Wroclaw sắp diễn ra, nhiều thường dân phải đối mặt với chọn lựa giữa chạy trốn hay ở lại, giữa việc tự cứu mình bằng cách chạy trốn hay đương đấu với một nguy hiểm nghiêm trọng bằng cách ở lại. Các nữ tu dòng thánh Elisabeth đã quyết định ở lại trong những ngôi làng bị quân Liên Xô xâm lược ». Trong số khoảng 4500 nữ tu của Hội Dòng sau Thế Chiến II, khoảng 100 người đã chết trong các hoàn cảnh khác nhau, một số tử vì đạo. Chiến tranh đã kết thúc, nhưng Hồng quân vẫn tiến chậm, mang theo họ sự hận thù tôn giáo : Các nhà nguyện và nhờ thờ Công giáo bị xúc phạm, các linh mục bị tra tấn và giết hại dã man, các nữ tu bị hãm hiếp và giết hại cách tàn bạo. Sự hãm hiếp đã trở thành một vũ khí sỉ nhục, thậm chí còn tàn ác hơn nếu nạn nhân là một nữ tu dâng mình cho Chúa.

« Chỉ thuộc về Chúa Giêsu »

Mười tân Chân phước đã bị binh lính Nga giết chết từ tháng Hai đến tháng Năm năm 1945 ở Basse-Silésie, trong vùng lãnh thổ giữa sông Oder và Nysa. Khi quân đội tiến tới Nysa, Paschalis và một nữ tu khác, là những người trẻ nhất của tu viện, đã được gởi đi xa, trong khi các nữ tu khác ở lại với các bệnh nhân và người già. Sau nhiều lần lang thang, họ đến được Sobotin, Cộng hòa Séc, nơi họ can đảm phục vụ giáo xứ. Chính ở đó mà, vào ngày 11/5/1945, sơ Paschalis đã bị một lính Nga bắt và yêu cầu đi  theo hắn. Sơ trả lời rằng sơ sẽ không đi theo hắn, sơ đang mặc áo dòng và sơ chỉ thuộc về Chúa Giêsu mà  thôi. Rồi, tên lính Nga, tìm cách đe dọa sơ, đã bắn một phá đạn xuyên qua trần nhà. Đáp lại, sơ quỳ xuống và bắt đầu cầu nguyện : « Mong ý Cha được thể hiện ». Phát súng thứ hai trúng tim sơ. « Chính vào thời điểm đó mà sự trao hiến bản thân của sơ cho Thiên Chúa và tha thân, với một trái tim không chia sẻ, đã được thể hiện rõ nhất », ĐHY Semeraro nhấn mạnh.

Hôm qua cũng như hôm nay, chiến tranh làm nên những người tử vì đạo

« Sự tử vì đạo của họ khiến chúng ta nghĩ đến các hoàn cảnh mà chúng ta đang sống hôm nay ở Châu Âu của thế kỷ XXI. Đó là những hoàn cảnh trong đó, đối diện với những cảnh bạo lực tàn khốc, sự tàn ác dã man, lòng hận thù vô cớ, chúng ta cảm thấy nhu cầu nuôi dưỡng khát  vọng hòa bình và xây dựng sự hòa hợp bằng những cử chỉ bác ái, cởi mở, đón tiếp và hiếu khách ». Chúng ta chỉ có thể nghĩ đến Ucraina và đến nhu cầu hòa bình của thế giới, một nền hòa bình « được xây dựng bởi những cử chỉ cụ thể của đức ái vô vị lợi, dùng đến sự tận tụy và lòng trung tín khi người ta yêu cầu chúng ta chăm sóc người khác. Đó là câu trả lời cụ thể mà, bên cạnh lời cầu nguyện, mỗi người chúng ta có thể mang lại khi đối diện với biết bao sự tàn ác, man rợ và bất công mà chúng ta đang chứng kiến », ĐHY kết luận và đồng thời trích dẫn lời cảm ơn của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với dân tộc Ba Lan, là dân tộc đầu tiên đã đón tiếp và chăm sóc người tỵ nan Ucraina, bắt chước mẫu gương của mười tân Chân phước mà, kể từ hôm nay, làm cho Giáo hội Ba Lan càng tự hào hơn nữa.

Tý Linh

(theo Vatican News)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31