ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC PHONG TRÀO CỦA GIÁO HỘI PHỤC VỤ VỚI LÒNG KHIÊM TỐN
Hôm thứ Năm, ngày 13/6/2024, Đức Phanxicô đã tiếp kiến khoảng 200 thành viên của các phong trào của Giáo hội tại Vatican, đang tham dự một cuộc họp về chủ đề: “Thách thức của tính hiệp hành đối với sứ mạng”. Trong bài phát biểu của mình, ngài nhấn mạnh đến sự khiêm nhường và sự hoán cải thiêng liêng, con đường chính yếu để bước đi trong sự hiệp hành.
Đức Phanxicô bày tỏ mong muốn rằng tính hiệp hành, chủ đề của cuộc gặp gỡ của họ, trở thành một “phong cách chung của Giáo hội”, đồng thời vẫn là một cách hành động thường hằng trong Giáo hội. Và để đạt được điều này, Giáo hội cần có sự thay đổi nơi mỗi thành viên của mình, cần có sự hoán cải thực sự. Trong thông điệp của mình, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến “sự hoán cải thiêng liêng”, một con đường để bước đi trong tính hiệp hành, với nhân vật chính duy nhất của Thượng hội đồng là “Chúa Thánh Thần, Đấng giúp chúng ta hành động theo suy nghĩ của Thiên Chúa; vượt qua mọi hình thức khép kín và trau dồi sự khiêm nhường.” Đức Thánh Cha đã phát triển ba nhân đức hiệp hành này, giải thích tác động của chúng trong việc tìm kiếm sự thay đổi nội tâm nhằm đạt được những kết quả lâu dài.
Ngài đề cập đến việc Đức Thánh Cha Phaolô VI cũng như Công đồng Vatican II là nguồn gốc của việc nối lại con đường hiệp hành trong Giáo hội Latinh, thông qua việc thành lập Văn phòng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục. Đức Phanxicô chỉ ra sự tham gia mà hành trình giáo xứ, giáo phận và hoàn vũ mang lại trong tính hiệp hành như là con đường phải theo để đạt được những kết quả lâu dài. Thật vậy, những thái độ phải đảm nhận đều ngang qua “các nhân đức hiệp hành”, tức là: suy nghĩ theo Thiên Chúa, vượt qua mọi sự khép kín và vun trồng sự khiêm nhường. Liên quan đến bất kỳ quyết định lớn nào được đưa ra trong Giáo hội, Đức Phanxicô mời gọi các tham dự viên trước tiên hãy tự hỏi liệu suy nghĩ và ý muốn của Thiên Chúa có được tôn trọng hay không.
Sự cám dỗ của “vòng tròn khép kín”
Tiếp đến, cảnh báo chống lại sự cám dỗ của “vòng tròn khép kín”, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh việc hình thành một “vòng tròn khép kín” là trái ngược với sứ điệp của Chúa Giêsu vốn mở ra cho tất cả mọi quốc gia như thế nào. Đức Thánh Cha giải thích rằng thách thức phải vượt qua là “vượt xa hơn những gì vòng tròn của chúng ta nghĩ” và “rời khỏi những vòng khép kín” trong đó có nguy cơ vẫn là tù nhân. “Tính hiệp hành yêu cầu chúng ta nhìn vượt qua các rào cản với tâm hồn cao cả, để thấy sự hiện diện của Thiên Chúa và hành động của Ngài ngay cả nơi những người mà chúng ta không biết, dấn thân vào các sứ mạng mà chúng ta không biết”. Do đó, Đức Phanxicô mời gọi chúng ta hãy giữ tấm lòng rộng mở đón nhận kinh nghiệm của người khác.
Tính hiệp hành và sự khiêm nhường
Đối với Đức Thánh Cha, việc hoán cải thiêng liêng phải bắt đầu từ sự khiêm nhường, vốn là cửa ngõ dẫn đến mọi nhân đức. “Tôi thật buồn khi thấy những Kitô hữu huênh hoang”, Đức Thánh Cha lấy làm tiếc và tiếp đến lưu ý rằng “sự kiêu ngạo và tự phụ đã thâm nhập vào chúng ta”. Từ đó, việc xin ơn trở lại với sự hoán cải, với sự khiêm nhường. “Thật vậy, chỉ những người khiêm nhường mới thực hiện được những điều lớn lao trong Giáo hội, bởi vì những người khiêm nhường mới có nền tảng vững chắc, dựa trên tình yêu Thiên Chúa, vốn không bao giờ thất bại, và do đó họ không tìm kiếm sự thừa nhận nào khác.” Sự hoán cải thiêng liêng để trở nên khiêm nhường cũng là nền tảng để xây dựng một Giáo hội hiệp hành bằng cách quý trọng người khác và đón nhận sự đóng góp của họ; bằng cách đưa ra không phải cái “tôi” của riêng họ mà là cái “chúng ta” của cộng đồng. Đức Thánh Cha nói: Sự khiêm tốn tránh được những chia rẽ, vượt qua căng thẳng, đóng góp vào các dự án chung và tìm thấy niềm vui phục vụ, đồng thời tránh sự thất đoạt và oán giận.
Sống hiệp hành ở mọi cấp độ thực sự không thể thực hiện được nếu không có sự khiêm nhường. Đức Thánh Cha nhắc lại vị trí của sự khiêm nhường trong các phong trào của Giáo hội: “Họ phải phục vụ Giáo hội, bản thân họ không phải là một sứ điệp, không phải là một trung tâm của Giáo hội; họ ở đó để phục vụ.” Đức Phanxicô kết thúc bài phát biểu của mình bằng việc hy vọng rằng suy tư của ngài sẽ hữu ích cho sự tiến bộ của các phong trào của Giáo hội trên con đường hiệp hành. Ngài mời gọi họ biện phân, đồng thời xác định rằng các phong trào khép kín không thuộc về Giáo hội và không có chỗ đứng trong Giáo hội.
Tý Linh
(theo Marie José Muando Bubualo – Vatican News)
Tags: Phanxicô-I, synode
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH VÀ PHÉP LÀNH URBI ET ORBI 2024 : CẦU MONG TIẾNG SÚNG HÃY IM BẶT !
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS