ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ: BÀI GIẢNG TRONG THÁNH LỄ BẾ MẠC NĂM ĐỨC TIN

Written by xbvn on Tháng Mười Một 25th, 2013. Posted in Tâm linh, Thế Giới, Xuân Tịnh

Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban huấn từ trong Thánh lễ Chúa nhật để đánh dấu Lễ trọng Chúa Kitô Vua và kết thúc Năm Đức Tin đã được công bố bởi vị tiền nhiệm của ngài, Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Dưới đây là bài giảng của ngài.

***

Hôm nay là ngày lễ trọng Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ, đỉnh cao của năm phụng vụ, cũng là đánh dấu sự kết thúc Năm Đức Tin đã được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khai mở, người mà chúng ta đang hướng về với lòng trìu mến và biết ơn. Bởi sáng kiến quan phòng nầy, ngài đã trao cho chúng ta một cơ hội để tái khám phá vẻ đẹp của hành trình đức tin được khởi đầu vào ngày chúng ta chịu phép Rửa Tội, vốn làm cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa và anh chị em với nhau trong Giáo Hội. Một hành trình mà, như là cùng đích của nó, có sự gặp gỡ trọn vẹn của chúng ta với Thiên Chúa, và qua đó Chúa Thánh Thần thanh tẩy chúng ta, nâng chúng ta lên và thánh hóa chúng ta, để chúng ta có thể đi vào niềm hạnh phúc mà tâm hồn chúng ta hằng mong đợi.

Tôi chân thành gởi lời chào đến các Thượng phụ và Tổng Giám mục trưởng của các Giáo Hội Công giáo Đông phương đang hiện diện. Việc trao đổi lời chúc bình an mà tôi sẽ chia sẻ với họ trên hết là một dấu chỉ đánh giá cao của Giám mục Rôma dành cho những cộng đoàn nầy vốn đã tuyên xưng danh Chúa Kitô với lòng trung thành gương mẫu, mà thường phải trả một cái giá rất cao.

Với cử chỉ nầy, qua họ, tôi muốn gần gũi với tất cả những Kitô hữu đang sống ở Thánh Địa, ở Syria và trong toàn cõi Đông Phương, và cầu chúc cho họ ơn bình an và sự hòa hợp.

Các bài đọc Kinh Thánh đã công bố cho chúng ta có sự tập trung vào Chúa Kitô, như là chủ đề chung. Chúa Kitô là trung tâm của tạo vật, trung tâm của dân Ngài và trung tâm của lịch sử.

1. Trong bài đọc hai, trích từ thư gởi tín hữu Côlôsê, thánh Phaolô tông đồ đã cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về vai trò trung tâm của Chúa Giêsu. Ngài trình bày cho chúng ta Đức Kitô là trưởng tử của mọi tạo vật: trong Ngài, nhờ Ngài và cho Ngài mà muôn vật được tạo thành. Ngài là trung tâm của mọi sự, Ngài là sự khởi đầu. Thiên Chúa đã ban cho Ngài sự viên mãn, để trong Ngài mọi vật được hòa giải (x. Col 1,12-20).

Hình ảnh nầy cho thấy rằng Chúa Giêsu là trung tâm của tạo vật; và như thế thái độ mà chúng ta phải có như những tín hữu đích thực là thái độ nhận biết và đón nhận vị trí trung tâm của Đức Giêsu Kitô trong cuộc đời của chúng ta, trong tư tưởng, trong lời nói và trong việc làm của chúng ta. Khi tâm điểm nầy mất đi, khi nó bị thay thế bằng một cái gì khác, thì chỉ có thể dẫn đến sự tổn hại cho mọi sự chung quanh chúng ta và cho chính chúng ta.

2. Ngoài việc là trung tâm của tạo vật, Đức Kitô là trung tâm của dân Ngài. Chúng ta thấy điều nầy trong bài đọc một diễn tả thời gian các chi tộc Israel đến tìm Đa-vít và xức dầu phong ông làm vua Israel trước mặt Thiên Chúa (x. 2Sam 5,1-3). Trong khi tìm kiếm một vị vua lý tưởng, người dân đã tìm kiếm chính Thiên Chúa: một Thiên Chúa có thể gần gũi họ, có thể đồng hành với họ, có thể là một người anh của họ.

Chúa Kitô, hậu duệ của Vua Đa-vít, là “người anh” mà quanh Ngài dân Thiên Chúa qui tụ lại với nhau. Chính Ngài là Đấng chăm sóc dân Ngài, chăm sóc tất cả chúng ta, đến độ trả giá bằng chính mạng sống của mình. Ngài chúng ta tất cả nên một; hiệp nhất với Ngài, chúng ta cùng chia sẻ một hành trình duy nhất, một số phận duy nhất.

3. Cuối cùng, Chúa Kitô là trung tâm của lịch sử nhân loại và của mỗi người nam và người nữ. Chúng ta có thể dâng lên Ngài những niềm vui và hy vọng, những nỗi buồn và khó khăn trong đời sống chúng ta. Khi Chúa Giêsu là trung tâm, ánh sáng tỏa chiếu ngay cả những lúc đen tối nhất trong cuộc sống chúng ta; Ngài ban cho chúng ta hy vọng, như Ngài đã thể hiện với người trộm lành trong Tin Mừng hôm nay.

Trong khi tất cả những người khác tỏ ra khinh dể Chúa Giêsu -“Nếu ông là Đức Kitô, Đấng Mêsia, hãy tự cứu mình mà xuống khỏi thập giá đi!”- người trộm cướp đã lạc lối trong đời sống nhưng nay ăn năn hối cải, bám chắc vào Chúa Giêsu bị đóng đinh, khẩn cầu Ngài: “Xin nhớ đến tôi, khi Ngài vào Nước của Ngài” (Lc 23, 42). Và Chúa Giêsu hứa với anh ta: “Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (c. 43). Chúa Giêsu chỉ nói một lời tha thứ, không lên án; bất cứ khi nào hễ có một ai can đảm cầu xin sự tha thứ, Chúa sẽ không chối từ lời khấn xin đó.

Lời hứa của Chúa Giêsu với người trộm lành đem lại cho chúng ta một niềm hy vọng lớn lao: nó nói với chúng ta rằng ơn Chúa luôn lớn hơn điều chúng ta cầu khẩn. Chúa luôn luôn ban nhiều hơn điều mà Ngài đã được cầu xin: bạn xin Ngài nhớ đến bạn, và Ngài đem bạn vào Vương quốc của Ngài!

Chúng ta hãy cầu xin Chúa nhớ đến chúng ta, trong niềm xác tín rằng với lòng thương xót của Ngài chúng ta sẽ được chia sẻ vinh quang của Ngài trên thiên đàng. Amen!

XT (Radio Vatican)

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31