ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ: CẦN CẦU NGUYỆN CHO CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO

Written by xbvn on Tháng Chín 17th, 2013. Posted in Thế Giới, Xuân Tịnh

Khiêm nhường và tình thương là những đặc điểm không thể thiếu của những người cầm quyền, trong khi người dân, đặc biệt nếu họ là người Công giáo, thì không thể dửng dưng với chính trị. Đó là thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô sáng nay trong thánh lễ thường ngày của ngài tại Nhà Thánh Matta, khi ngài kêu gọi cầu nguyện cho những người cầm quyền.

Đoạn Tin Mừng về người đại đội trưởng, với sự khiêm nhường và tin tưởng, đã xin chữa lành cho người đầy tớ của mình; và thư của Thánh Phaolô gởi ông Timôtê với lời mời gọi cầu nguyện cho những người cai trị, đã gợi hứng cho Đức Thánh Cha để “suy nghĩ về sự phục vụ của nhà cầm quyền”. Đức Thánh Cha nói, những người cai trị “cần phải thương yêu người dân của mình”, bởi vì “một nhà lãnh đạo mà không thương yêu thì không thể cai trị – họ có thể có kỷ luật tốt nhất, họ có thể đưa ra một số mệnh lệnh, nhưng họ không thể cai trị.” Đức Thánh Cha nghĩ về Đa-vít, “ông thương yêu người dân của mình biết bao”, đến nỗi sau khi kiểm tra tội lỗi ông đã cầu xin Chúa đừng trừng phạt người dân, mà trừng phạt chính mình. Vậy thì, đây là “hai đức tính của người lãnh đạo”: tình yêu thương đối với người dân và sự khiêm tốn.

“Bạn không thể cai trị mà không thương yêu người dân và không khiêm tốn! Và mọi người nam và mọi người nữ phải làm việc phục vụ trong chính quyền, cần phải tự hỏi mình hai câu hỏi: ‘Tôi có yêu thương người dân của mình để phục vụ họ tốt hơn không? Tôi có khiêm tốn và tôi có lắng nghe mọi người, lắng nghe những ý kiến khác nhau để lựa chọn con đường tốt nhất không?’ Nếu bạn không hỏi những câu đó, sự cai trị của bạn sẽ không được tốt đẹp. Những người nam hay người nữ cai trị -mà họ thương yêu người dân mình là một người nam hay người nữ khiêm tốn”.

Từ một điểm nhìn khác, Thánh Phaolô khuyến khích những người dân hãy cất cao lời cầu nguyện cho những người cầm quyền của mình, để họ có thể sống một cuộc sống êm đềm và bình an. Người công dân không thể dửng dưng với việc chính trị:

“Không ai trong chúng ta có thể nói, ‘Tôi không có gì để làm với chuyện nầy, họ cai trị…’ Không, không, tôi có trách nhiệm về việc cai trị của họ, và tôi phải cố hết sức để họ cai trị tốt, và tôi phải nổ lực hết sức mình để tham dự vào việc chính trị tùy theo khả năng của mình. Theo Học thuyết Xã hội của Giáo Hội, chính trị là một trong những hình thức cao nhất của việc từ thiện, bởi vì nó phục vụ lợi ích chung. Tôi không thể rửa tay của mình, đúng không? Chúng ta tất cả phải trao ra một cái gì đó!”

Đức Thánh Cha nhận xét, có một xu hướng chỉ nói xấu những nhà lãnh đạo, và thì thầm về “những điều không diễn ra tốt đẹp”. “Bạn nghe truyền hình và người ta đang đánh vào họ, đánh vào họ; bạn đọc báo và người ta đang đánh vào họ… ” Ngài nói tiếp, “Vâng, có thể người lãnh đạo là một tội nhân, như Vua Đa-vít đã là, nhưng tôi phải làm việc với ý kiến của tôi, với lời nói của tôi, ngay cả với sự chỉnh sửa của tôi” bởi vì chúng ta tất cả phải tham gia vì lợi ích chung. Không đúng khi người Công giáo không nên can thiệp vào chuyện chính trị:

“‘Một người Công giáo tốt không tham dự vào chuyện chính trị’. Điều đó không đúng. Đó không phải là một đường lối tốt. Một người Công giáo tốt thì can thiệp vào việc chính trị, đưa ra cái tốt nhất của mình, để người cầm quyền có thể cai trị tốt. Nhưng điều gì là tốt nhất mà chúng ta có thể trao tặng cho người cầm quyền? Cầu nguyện! Đó là điều Thánh Phaolô nói: “Hãy cầu nguyện cho moị người, và cho đức vua và cho tất cả những người cầm quyền”. “Nhưng thưa cha, người đó xấu xa lắm, hắn phải xuống hỏa ngục…” Hãy cầu nguyện cho ông ấy, cầu cho bà ấy, để họ có thể lãnh đạo tốt, để họ có thể yêu thương dân của họ, để họ có thể phục vụ dân của họ, để họ có thể khiêm nhường”. Một Kitô hữu mà không cầu nguyện nhũng người cầm quyền thì không phải là một Kitô hữu tốt! “Nhưng thưa cha, con làm sao cầu nguyện cho người đó được, một người có những vấn đề…” “Hãy cầu nguyện để họ có thể thay đổi!”

Như vậy, Đức Thánh Cha kết luận, chúng ta trao ra điều tốt nhất của mình, ý tưởng của chúng ta, những đề nghị, cái tốt nhất, và trên tất cả những cái tốt đẹp đó là lời cầu nguyện. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo của chúng ta, để họ có thể cai trị tốt, để họ có thể đưa quê hương của chúng ta tiến tới, để họ có thể lãnh đạo quốc gia chúng ta và ngay cả thế giới chúng ta tiến về phía trước, vì lợi ích của hòa bình và công ích.

XT (theo Radio Vatican)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31