ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CÓ CHỐI BỎ CHÚA GIÊSU KHÔNG ?

Written by xbvn on Tháng Chín 18th, 2024. Posted in Tâm linh, Thế Giới, Tín lý, Tý Linh

Gần đây, các phương tiện truyền thông dường như bùng nổ với tuyên bố của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Singapore trong một cuộc đối thoại liên tôn, khiến nhiều người nói rằng Đức Thánh Cha đã phủ nhận Chúa Giêsu Kitô là ĐƯỜNG, bởi vì trong Gioan 14, 6 có viết rằng “Chúa Giêsu là đường, sự thật và là sự sống,” và “không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Chúa Giêsu. Bài viết này chỉ đơn giản là lời giải thích về tuyên bố của Đức Giáo hoàng và nó phù hợp với các sự thật và thực hành trong Thánh Kinh như thế nào. Vì vậy, tôi mời các bạn kiên nhẫn đọc đến cuối trước khi bình luận, đồng thời nỗ lực chia sẻ để soi sáng cho những ai đã xuyên tạc Đức Thánh Cha.

Để bắt đầu, bản dịch của các phương tiện truyền thông về những giải thích của Đức Thánh Cha Phanxicô đã gợi ý rằng ngài nói: “Tất cả các tôn giáo đều là một con đường để đến với Thiên Chúa”. Tuy nhiên, bản ghi chính thức của Vatican cho thấy một sự làm rõ đầy tinh tế: “Các tôn giáo được coi là những con đường cố gắng đạt tới Thiên Chúa”. Cho dù chúng ta xem theo tường thuật của các phương tiện truyền thông thế tục hay theo trang web chính thức của Vatican, tuyên bố của Đức Thánh Cha mô tả rằng mọi người trong các truyền thống tôn giáo khác nhau đang chân thành tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng điều này không đánh đồng tất cả các tôn giáo đều sở hữu sự thật trọn vẹn, mà Giáo hội dạy là được tìm thấy trong Chúa Kitô. Chúng ta có thể hiểu điều này như thế nào?

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh đối thoại liên tôn, cho thấy tầm quan trọng như thế nào việc chúng ta phải hiểu cả bản chất của đối thoại liên tôn lẫn bối cảnh chính xác của những nhận xét của ngài. Đối thoại liên tôn đề cập đến các cuộc đối thoại mang tính xây dựng và tôn trọng giữa những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác nhau, nhằm mục đích thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác lẫn nhau, trong khi vẫn duy trì sự trung thành với niềm tin của mình.

Bây giờ, quay lại bản ghi của Vatican, nó nói thêm, “Chỉ có một Thiên Chúa, và các tôn giáo giống như những ngôn ngữ cố gắng diễn đạt những cách để tiếp cận Thiên Chúa.” Chúng ta có thể liên hệ điều này với sự tương tác của Thánh Phaolô với người Athen trong sách Công vụ 17, 22-23. Thánh Phaolô, người được biết đến là Kitô hữu đầu tiên tham gia vào cuộc đối thoại liên tôn trong Tân Ước, thừa nhận rằng người Athen, trong các hoạt động tôn giáo của họ, đang cố gắng để biết Thiên Chúa. Khi thánh Phaolô đến thăm Athen, ngài chỉ vào bàn thờ mà họ đã dâng “cho một vị thần vô danh” và cho họ biết rằng “vị thần vô danh” này chính là một vị Thiên Chúa chân thật mà họ đang tìm kiếm, mặc dù họ chưa biết Ngài (Cv 17, 22-23). Không cần phải nói, thánh Phaolô nhận ra rằng bản năng tôn giáo tự nhiên của họ là một bước hướng tới sự thật, mà cuối cùng sẽ được ứng nghiệm trong Chúa Kitô. Thay vì bác bỏ việc họ chân thành tìm kiếm Thiên Chúa, thánh Phaolô chỉ ra rằng “vị thần vô danh” mà họ đang tìm kiếm thực ra chính là Thiên Chúa chân thật duy nhất được mặc khải trọn vẹn nơi Chúa Giêsu Kitô. Điều này cho thấy rằng tôn giáo của họ giống như một con đường để nhận biết Thiên Chúa. Theo cách tương tự, những nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô phản ánh sự thừa nhận của Giáo hội rằng mọi người thuộc các tôn giáo khác nhau thực sự đang tìm kiếm Thiên Chúa, cho dù họ chưa hoàn toàn hiểu về Ngài.

Và thực ra, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần khẳng định Chúa Giêsu Kitô là con đường dẫn đến ơn cứu độ trong các bài giảng, suy tư và các tác phẩm chính thức của ngài. Tôi sẽ chỉ đề cập đến hai điều:

1. Bài giảng ngày 16 tháng 10 năm 2013:

Trong bài giảng hằng ngày tại Casa Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rõ ràng về Chúa Giêsu là cánh cửa duy nhất dẫn đến ơn cứu độ: “Chúa Giêsu là cửa. Tất cả những người đến và nói phải làm gì mà không qua cửa này đều là kẻ trộm cướp. Cánh cửa duy nhất là Chúa Giêsu. Chúng ta không thể bước vào cuộc sống vĩnh cửu bằng bất kỳ cánh cửa nào khác.” Trong bài giảng này, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng Chúa Giêsu là con đường duy nhất dẫn đến Chúa Cha, và chỉ qua Người chúng ta mới có thể đạt được ơn cứu độ.

2. Bài suy niệm trong buổi đọc Kinh Truyền Tin ngày 25 tháng 8 năm 2019:

Trong bài suy niệm về Lc 13, 22-30, nơi Chúa Giêsu nói về việc đi qua cửa hẹp, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh sự cần thiết của lòng trung thành khi theo Chúa Kitô, như cánh cửa duy nhất mà qua đó chúng ta có thể đạt được ơn cứu độ.

Hai tuyên bố trên của Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn là nền tảng của giáo huấn Công giáo và sứ mạng truyền giáo của chúng ta.

Dưới ánh sáng của những điều đã nói ở trên, chúng ta cũng phải nhớ rằng kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa bao trùm toàn thể nhân loại, ngay cả những người chưa rõ ràng biết hoặc theo Chúa Kitô. Điều này giải thích tại sao trước khi Chúa Kitô đến, con người đã được tiếp cận với Thiên Chúa dưới ánh sáng của luật tự nhiên và lòng khao khát tìm kiếm Thiên Chúa vì trong Sáng thế ký 3, 15, lời tiên tri về Đấng Cứu Chuộc sẽ đến đã được công bố, cho thấy rằng ngay từ đầu, Thiên Chúa đã đã có một kế hoạch để cứu rỗi nhân loại thông qua Chúa Kitô. Điều này có nghĩa là ngay cả trước khi Chúa Kitô bước đi trên trần gian, con người đã có thể được Thiên Chúa lôi cuốn trong sự mong đợi ơn cứu rỗi mà Ngài sẽ mang lại. Vì vậy, con người có thể đạt tới Thiên Chúa một cách trực tiếp qua Chúa Kitô – với tư cách là những người rõ ràng đi theo Người – hoặc gián tiếp thông qua việc chân thành tìm kiếm sự thật và hoạt động ân sủng của Thiên Chúa trong cuộc sống của họ. Cái chết của Chúa Kitô trên thập tự giá là dành cho toàn thế giới (1 Ga 2, 2), kể cả những người chưa biết Người. Theo nghĩa này, Chúa Kitô là nhân vật trung tâm của ơn cứu rỗi, và công trình cứu chuộc của Người đạt tới mọi người, ngay cả những người ở bên ngoài sự hiểu biết rõ ràng về Kitô giáo.

Chẳng hạn, trong Sáng thế ký 14,18-20 – nơi Menchixêđê, một vị vua tư tế không thuộc dân giao ước, đã dâng bánh và rượu và được công nhận là thầy tế lễ của Thiên Chúa Tối Cao. Ngoài ra, giao ước Nôê (Stk 9, 9-17) thể hiện sự cam kết của Thiên Chúa với toàn thể nhân loại trước khi Chúa Kitô đến trong xác thịt. Tương tự như vậy, giao ước của Abraham (Stk 12, 1-3) đã thiết lập một mối quan hệ đặc biệt giữa Thiên Chúa và dòng dõi của Abraham, tuy nhiên phúc lành này sẽ được mở rộng đến “tất cả các chủng tộc trên trần gian”. Do Thái giáo, thông qua giao ước với Thiên Chúa và Luật Môsê, đã báo trước sự xuất hiện của Chúa Kitô, Đấng sẽ hoàn thành Lề Luật và mở đường cứu rỗi cho mọi quốc gia.

Nói đến cả những người ngoại giáo, chúng ta đã thấy rằng Thiên Chúa đã làm việc qua các nhân vật trong lịch sử, để thực hiện ý muốn thần linh của Ngài. Ví dụ, Cyrus, vua Ba Tư, được mô tả là “người được xức dầu” của Thiên Chúa (Is 45, 1), mặc dù ông không biết Thiên Chúa theo cách giống như dân Israel. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã sử dụng Cyrus để cho phép dân Israel trở về quê hương và xây dựng lại Đền thờ, cho thấy rằng ân sủng của Thiên Chúa có thể hoạt động qua những cá nhân không ngờ tới.

Tất cả những điều này đều có trước khi Chúa Kitô đến trong xác thịt, tuy nhiên con người đã được đến gần Chúa Cha; và ngay cả sau khi Chúa Kitô đến, thánh Phaolô đã sử dụng một khía cạnh của tôn giáo của người Athen – bàn thờ dâng kính Thiên Chúa vô danh như một phương tiện để đạt tới Thiên Chúa chân thực.

Do đó, giáo huấn của Giáo hội là, Chúa Kitô là sự mặc khải dứt khoát của Thiên Chúa, nhưng ân sủng của Thiên Chúa không bị giới hạn bởi sự hiểu biết hay kiến ​​thức của con người. Công đồng Vatican II, trong Hiến chế Lumen Gentium, số 16, khẳng định rằng những ai chân thành tìm kiếm Thiên Chúa, ngay cả khi họ không biết Chúa Kitô một cách rõ ràng, vẫn có thể được cứu độ nhờ ân sủng của Thiên Chúa vì hành động cứu chuộc của Chúa Kitô trên thập giá là dành cho toàn thể nhân loại, quá khứ, hiện tại, và tương lai. Như Công đồng tuyên bố: “Những người không phải do lỗi của mình mà không biết Tin Mừng của Chúa Kitô hay Giáo hội của Người, nhưng vẫn tìm kiếm Thiên Chúa với tấm lòng chân thành và được ân sủng thúc đẩy, cố gắng thực thi ý muốn của Người qua hành động của mình, như họ biết được điều đó qua tiếng gọi của lương tâm – những người đó cũng có thể đạt được sự cứu rỗi đời đời.” Điều này không có nghĩa là tất cả các tôn giáo đều bình đẳng hoặc họ cung cấp sự thật trọn vẹn như được mặc khải nơi Chúa Kitô. Đúng hơn, nó có nghĩa là ân sủng của Thiên Chúa có thể hoạt động theo những cách vượt quá sự hiểu biết đầy đủ của chúng ta. Trong khi Chúa Kitô là con đường duy nhất dẫn đến ơn cứu rỗi, thì công trình cứu rỗi của Người mang tính phổ quát, bao gồm cả những người, không phải do lỗi của họ, không biết Người một cách rõ ràng, nhưng sống theo ánh sáng họ đã nhận được.

Vì vậy, tuyên bố của Đức Thánh Cha Phanxicô, khi được hiểu đúng đắn, sẽ minh họa sự hiểu biết này theo nghĩa rộng hơn về cách thức ân sủng của Thiên Chúa có thể hoạt động trên thế giới. Trong khi sứ mạng của Giáo hội vẫn là công bố Chúa Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất, chúng ta cũng phải nhận ra rằng Thiên Chúa đang hoạt động theo những cách đôi khi vượt quá sự hiểu biết của chúng ta, thu hút mọi người đến với Ngài bằng nhiều cách khác nhau, dù trực tiếp qua Chúa Kitô hay gián tiếp qua việc họ chân thành tìm kiếm Thiên Chúa. Chúa Kitô vẫn là Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người (1Tm 2, 5), ngay cả đối với những người chưa hoàn toàn nhận biết Người. Lòng thương xót và ân sủng của Thiên Chúa không bị giới hạn trong những ranh giới hữu hình của Giáo hội, và Ngài có thể hướng dẫn mọi người đến với chính Ngài theo những cách mà cuối cùng họ tìm thấy sự viên mãn trong Chúa Kitô, cho dù họ có biết Người một cách rõ ràng hay không.

Shalom !

Tác giả: cha Chinaka Justin Mbaeri, OSJ (Dòng Hiến sĩ Thánh Giuse)

—————————

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: Facebook)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30