ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ: GIA ĐÌNH KITÔ HỮU TRẢI NGHIỆM NIỀM VUI TRONG ĐỨC TIN

Written by xbvn on Tháng Mười 28th, 2013. Posted in Gia đình, Thế Giới, Xuân Tịnh

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô để đánh dấu Chúa Nhật 30 Mùa Thường niên và Ngày Gia Đình Thế Giới vào lúc kết thúc Đại Hội lần thứ 21 của Hội Đồng Tòa Thánh về Gia Đình đã họp tại Roma tuần qua để suy tư về chủ đề sống niềm vui Đức Tin. Trong bài giảng lễ, Đức Thánh Cha đã nói về gia đình Kitô hữu như một định chế cầu nguyện, gìn giữ đức tin, và nếm trải niềm vui.

Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha

—————————————————

Các bài đọc của Chúa Nhật nầy mời gọi chúng ta suy nghĩ về một vài điểm căn bản của gia đình Kitô giáo.

1. Điểm đầu tiên: gia đình cầu nguyện. Bài Tin Mừng nói về hai cách cầu nguyện, một cách thì sai -cách của người Pharisiêu- và cách kia là đích thực-cách của người thu thuế. Người Pharisiêu biểu hiện một thái độ vốn không diễn tả việc tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn lành và lòng thương xót của Ngài, mà là sự tự mãn. Người Pharisiêu cảm thấy mình công chính, ông ta cảm thấy cuộc sống mình đúng đắn, và ông phán xét người khác từ bệ đứng của mình. Trái lại, người thu thuế không nhiều lời. Lời cầu nguyện của anh ta khiêm tốn, không tô vẽ, đầy tràn một ý thức về sự bất xứng của chính mình, về nhu cầu của mình. Đây là một người nhận thức được rằng anh ta cần sự tha thứ của Thiên Chúa.

Lời cầu nguyện của người thu thuế là lời cầu của người nghèo hèn, một lời cầu làm đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là một lời cầu nguyện mà, như bài đọc một nói, “sẽ vượt ngàn mây thẳm” (Hc 35, 20), không giống như lời cầu của người Pharisiêu vốn trĩu nặng bởi lòng tự cao.

Các gia đình thân mến, trong ánh sáng Lời Chúa tôi muốn hỏi các bạn: Thỉnh thoảng các bạn có cầu nguyện cùng nhau như một gia đình không? Một số bạn thì có, tôi biết. Nhưng rất nhiều người nói với tôi: Làm sao tôi có thể làm thế được? Cầu nguyện là cái gì đó cá nhân, và ngoài ra không bao giờ có thời gian thích hợp, một lúc yên bình… Vâng, tất cả chuyện đó đúng thật, nhưng đó cũng là vấn đề của sự khiêm tốn, của việc nhận ra rằng chúng ta cần đến Thiên Chúa, giống như người thu thuế! Và chúng ta cần sự đơn sơ! Đọc kinh Lạy Cha cùng nhau, quanh chiếc bàn, là điều gì đó tất cả các bạn có thể làm. Và đọc kinh Mân Côi cùng nhau, như một gia đình, thì tuyệt vời và là một nguồn sức mạnh lớn lao! Và cầu nguyện cho nhau!

2. Bài đọc thứ hai gợi nên một suy nghĩ khác: gia đình gìn giữ đức tin. Thánh Phaolô tông đồ, vào cuối đời của ngài, đã làm một sự tính toán cuối cùng: “Tôi đã giữ vững đức tin” (2Tim 4,7). Nhưng ngài đã giữ vững đức tin thế nào? Không phải trong một chiết hộp chắc chắn! Ngài cũng không chôn nó dưới đất, nhưng người tôi tớ lười biếng. Thánh Phaolô so sánh đời ngài như một cuộc chiến đấu và như một cuộc đua. Ngài giữ vững đức tin bởi vì ngài đã không chỉ bảo vệ nó, nhưng công bố ra, loan truyền nó, mang nó đến những vùng đất xa xôi. Ngài dũng cảm đương đầu với tất cả những ai muốn bảo quản, muốn “ướp xác” sứ điệp của Đức Kitô bên trong giới hạn của Palestine. Đó là lý do tại sao ngài đã thực hiện những quyết định can đảm, ngài đi vào những vùng lãnh thổ thù địch, ngài để cho mình được thách đố bởi những dân tộc xa xôi và những nền văn hóa khác nhau, ngài đã nói thẳng thắn và không sợ hãi. Thánh Phaolô giữ vững đức tin bởi vì, trong cùng một cách mà ngài đã lãnh nhận nó, ngài đã trao tặng nó, ngài đã đi ra tận biên rìa, và không cắm mình vào trong những vị trí phòng thủ.

Ở đây cũng thế, chúng ta có thể hỏi: Chúng ta gìn giữ đức tin của mình thế nào? Chúng ta giữ nó cho mình, trong gia đình chúng ta, như một kho báu cá nhân, hay là chúng ta có thể chia sẻ nó bằng chứng tá của chúng ta, bằng cách chấp nhận người khác, bằng sự cởi mở của chúng ta? Chúng ta tất cả đều biết rằng các gia đình, đặc biệt các gia đình trẻ, thường “đua” từ nơi nầy đến nơi khác, với nhiều việc phải làm. Nhưng các bạn đã có bao giờ nghĩ rằng cuộc “đua” nầy cũng có thể là cuộc đua của đức tin? Những gia đình Kitô giáo là những gia đình truyền giáo, trong cuộc sống thường ngày của họ, trong công việc làm hằng ngày của mình, như thể họ mang đến cho mọi sự muối và men của đức tin!

3.Có thêm một suy nghĩ mà chúng ta có thể rút ra từ Lời Chúa: gia đình nếm trải niềm vui. Trong Thánh vịnh đáp ca chúng ta thấy được những lời nầy: “kẻ nghèo hèn hãy lắng nghe và vui mừng” (Tv 33/ 34, 2). Toàn bộ Thánh vịnh là một bài ca ngợi Thiên Chúa, Đấng là suối nguồn của niềm vui và sự an bình. Lý do của sự vui mừng nầy là gì? Đó là vì Chúa rất gần gũi, Ngài nghe tiếng kêu của người thấp hèn và giải thoát họ khỏi sự dữ. Như thánh Phaolô đã viết: “Hãy vui luôn… Chúa đã gần đến” (Pl 4,4-5).

Các gia đình thân mến, các bạn biết rõ rằng niềm vui đích thật mà chúng ta nếm trải trong gia đình không phải là cái gì hời hợt; nó không đến từ các thứ vật chất, từ thực tế là mọi sự dường như đang diễn ra tốt đẹp… Niền vui thật sự đến từ một sự hòa hợp sâu xa giữa những con người, cái gì đó mà chúng ta cảm thấy trong tâm hồn chúng ta và nó khiến chúng ta cảm nghiệm được vẻ đẹp được ở bên nhau, nâng đỡ nhau suốt hành trình cuộc đời. Nhưng nền tảng của cái cảm nhận niềm vui sâu xa nầy chính là sự hiện diện của Thiên Chúa trong gia đình và tình yêu của Ngài, đang chào đón, xót thương, và tôn trọng tất cả. Chỉ một mình Thiên Chúa biết làm thế nào để tạo ra sự hòa hợp từ những khác biệt. Nhưng nếu thiếu vắng tình yêu Thiên Chúa, gia đình mất đi sự hòa hợp, lối sống lấy mình làm trung tâm thắng thế và niềm vui phai lạt. Nhưng các gia đình nếm trải niềm vui đức tin thì thông truyền nó một cách tự nhiên. Gia đình đó là muối đất và ánh sáng của thế gian, nó là chất men của xã hội.

Các gia đình thân mến, hãy luôn sống với niềm tin và lòng đơn sơ, như Thánh Gia Na-da-rét! Ước gì niềm vui và sự bình an của Chúa luôn ở cùng các bạn!

XT (theo Radio Vatican)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30