ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ: HÒA BÌNH CẦN THỜI GIAN VÀ KIÊN NHẪN; NÓI KHÔNG VỚI NHỮNG CUỘC CHIẾN TRANH ĐƯỢC TIẾN HÀNH ĐỂ BUÔN BÁN VŨ KHÍ

Written by xbvn on Tháng Chín 9th, 2013. Posted in Thế Giới

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thúc giục mọi người hãy tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình ở Trung Đông, khi nói rằng sự tìm kiếm hòa bình là một việc làm lâu dài đòi hỏi sự nhẫn nại và kiên trì. Phát biểu trong bài nói chuyện ở buổi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha cũng đã lên án việc làm gia tăng những cuộc chiến tranh và xung đột và đặt câu hỏi có phải họ tiến hành chiến tranh vì những vấn đề hệ trọng hay cho những cuộc chiến thương mại để buôn bán vũ khí trên thị trường chợ đen. Nhận định của ngài đưa ra chỉ vài giờ sau khi hàng ngàn người đã tham dự một buổi cầu nguyện ở quảng trường Thánh Phêrô tối Thứ bảy như là một phần của các sự kiện dành cho ngày đặc biệt ăn cầu nguyện và ăn chay cho hòa bình ở Syria và thế giới, được Đức Thánh Cha kêu gọi và được làm nổi bật bởi mọi người khắp thế giới theo nhiều phương cách khác nhau.

Sau đây là bài huấn từ của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, chào mọi người!

Trong bài tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắc lại những điều kiện để trở thành môn đệ của Ngài: Đừng đặt bất cứ điều gì trước tình yêu của các bạn dành cho Ngài, vác lấy thập giá của mình, và theo Ngài. Rất nhiều người đến với Chúa Giêsu, muốn trở thành một trong những môn đệ của Ngài; và đặc biệt điều nầy có thể xảy ra khi vừa tỉnh giấc sau một giấc mơ kỳ lạ nào đó, nó biểu thị Ngài như là Đấng Messia, Vua của Israel. Nhưng Chúa Giêsu không muốn tạo nên ảo tưởng cho bất cứ ai. Ngài biết rất rõ điều gì đang chờ đợi Ngài ở Giêrusalem, con đường mà Chúa Cha đang đòi ngài phải đi: đó là con đường của thập giá, của hy sinh chính mình Ngài vì sự cứu chuộc tội lỗi chúng ta. Theo Chúa Giêsu không có nghĩa là tham dự vào một cuộc diễu hành mừng chiến thắng! Nó có nghĩa là chia sẻ tình yêu đầy thương xót của Ngài, là trở nên một phần của sứ vụ thương xót tuyệt vời của Ngài đối với mỗi người và mọi người. Sứ vụ của Chúa Giêsu chính xác là một sứ vụ của lòng thương xót, của sự thứ tha, của tình yêu! Chúa Giêsu rất nhân từ! Và sự tha thứ phổ quát nầy, lòng thương xót nầy, đến qua thập giá.

Chúa Giêsu không muốn thực hiện sứ vụ nầy một mình: Ngài cũng muốn chúng ta dự phần vào, trong sứ vụ mà Chúa Cha đã ủy thác cho Ngài. Sau khi sống lại, Ngài nói với các môn đệ của Ngài “Như Cha đã sai Ta, Ta cũng sai các con như vậy…Các con tha tội cho ai thì họ được tha” (Ga 20, 21.22). Một người môn đệ của Chúa Giêsu từ bỏ tất cả những điều tốt đẹp của anh hay cô ấy, bởi vì anh hay cô ấy tìm thấy nơi Ngài Sự Thiện Hảo tuyệt vời nhất, trong đó mọi sự tốt đẹp khác nhận được giá trị và ý nghĩa đích thực của nó: những quan hệ gia đình, các mối liên hệ khác, công việc, sự phong phú văn hóa và kinh tế, vâng vân… Một người Kitô hữu tách rời khỏi mọi sự, và sau đó tìm thấy mọi sự trong lo-gic của Tin Mừng, lo-gic của tình yêu và phục vụ.

Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn để giải thích sự đòi hỏi nầy: dụ ngôn xây tháp và dụ ngôn vị vua tiến hành chiến tranh. Dụ ngôn thứ hai kể thế nầy: “Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiên đanh mình chăng? Nếu không đủ sức thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hòa.” (Lc 14,31-32). Ở đây Chúa Giêsu không muốn bàn thảo về chiến tranh, đây chỉ là một dụ ngôn. Nhưng đúng ở thời điểm nầy, khi chúng ta đang cầu nguyện mạnh mẽ cho hòa bình, đoạn Lời Chúa nầy tác động chúng ta cách gần gũi, và cơ bản nói với chúng ta rằng: có một cuộc chiến tranh sâu kín hơn mà chúng ta phải chiến đấu, tất cả chúng ta! Đó là một quyết định mạnh mẽ và can đảm để từ chối sự dữ và những cám dổ của nó, và chọn lựa điều thiện hảo, được chuẩn bị đầy đủ để trả giá cá nhân: đó là đi theo Chúa Kitô, đó là mang lấy thập giá của chúng ta! Cuộc chiến sâu kín nầy chống lại sự dữ!

Đâu là vấn đề của những cuộc chiến tranh, nhiều cuộc chiến tranh, nếu chúng ta không thể chiến đấu trong cuộc chiến chống lại cuộc chiến sâu kín chống lại sự dữ nầy? Không có vấn đề nào cả! Nó không tốt… Điều nầy có nghĩa là, giữa những chuyện khác, cuộc chiến chống lại sự dữ có nghĩa là nói không với sự thù hận huynh đệ tương tàn, và với sự dối trá mà nó sử dụng; nói không với bạo lực trong tất cả mọi hình thức; nói không với sự gia tăng vũ khí và việc buôn bán nó trên thị trường chợ đen. Có rất nhiều người buôn bán vũ khí! Có rất nhiều bọn họ! Và sự nghi ngờ luôn tồn tại: cuộc chiến tranh nầy ở đây, cuộc chiến tranh khác ở kia –bởi vì có các cuộc chiến tranh ở mọi nơi- có thật sự là một cuộc chiến về các vấn đề hệ trọng, hay nó là một cuộc chiến kinh tế, để buôn bán vũ khí trên thị trường chợ đen? Đây là những kẻ thù mà chúng ta phải chiến đấu, đoàn kết và thống nhất, không đi theo những mối lợi khác nhưng là những lợi ích hòa bình và thiện ích chung.

Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta cũng kính nhớ Sinh nhật của Đức Trinh Nữ Maria, một lễ mừng được các Giáo hội Đông phương đặc biệt yêu thích. Và giờ đây tất cả chúng ta có thể gởi đến tất cả những anh chị em, các Giám mục, nam nữ tu sĩ của các Giáo hội Đông phương, Chính Thống và Công Giáo lời chào mừng nông ấm của chúng ta! Chúa Giêsu là mặt trời, Mẹ Maria là ánh sáng đầu tiên thông báo bình minh của Mặt Trời ấy. Tối qua chúng ta đã tổ chức canh thức, kêu cầu sự chuyển cầu của Mẹ trong lời cầu nguyện cho hòa bình thế giới, đặc biệt ở Syria và trong toàn vùng Trung Đông. Chúng ta khẩn cầu Ngài là Nữ Vương Hòa Bình. Lạy Nữ Vương Hòa Bình, xin cầu cho chúng con! Lạy Nữ Vương Hòa Bình, xin cầu cho chúng con!

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha sau Kinh Truyền Tin:

Tôi xin cám ơn mọi người, theo nhiều cách khác nhau, đã tham dự vào buổi Canh thức Cầu nguyện và Ăn chay tối hôm qua. Tôi cám ơn nhiều người đã liên kết việc dâng các đau khổ của họ. Tôi bày tỏ lòng biết ơn đến các chính quyền dân sự, cũng như các thành viên của các cộng đoàn Kitô khác và của các tôn giáo khác, và đến những người nam và người nữ thiện chí, trong dịp nẩy, thời gian để cầu nguyện, đã thực hiện việc chay tịnh và suy ngắm.

Nhưng nhiệm vụ vẫn còn đó: Chúng ta tiến tới với sự cầu nguyện và các công việc cho hòa bình. Tôi mời gọi các bạn tiếp tục cầu nguyện để bạo lực và sự tàn phá ở Syria có thể ngưng lại ngay lập tức và cho một nổ lực đổi mới được thực hiện hầu đạt được một giải pháp đúng đắn cho cuộc xung đột huynh đệ tương tàn nầy. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho các quốc gia khác ở Trung Đông, đặc biệt ở Li-Băng, cho họ tìm thấy sự hòa bình bền vững và tiếp tục là một mẫu thức của sự sống chung hòa bình; cầu cho I-Rắc để bạo lực phe phái có thể nhường đường cho sự hòa giải; và cho tiến trình hòa bình giữa những người Israel và Palestin có thể tiến tới với sự quyết tâm và lòng can đảm. Cuối cùng chúng ta hãy cầu nguyện cho Ai Cập, để tất cả những người Ai Cập, Hồi giáo và Kitô giáo, có thể cam kết để cùng nhau xây dựng một xã hội dành cho thiện ích của toàn dân.

Việc tìm kiếm hòa bình thì lâu dài và đòi hỏi sự nhẫn nại và kiên trì! Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho điều nầy!

XT (theo Radio Vatican)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31