ĐỨC TIN VÀ THAY ĐỔI

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 4th, 2012. Posted in Tâm linh, Thiên Phong

Tôi lên mạng và thấy hôm 17.10.2012 Đức Thánh Cha bắt đầu loạt bài giáo lý mới về Năm Đức Tin, trong đó ngài nhấn mạnh rằng “Tin nơi Chúa, không phải là một điều chỉ liên hệ tới trí tuệ, tức lãnh vực tri thức mà thôi, nhưng còn bao trùm trọn cả con người: tình cảm, con tim, trí thông minh, ý chí, thể xác, cảm xúc, những tương quan với con người.” Ngài nói: Với đức tin, tất cả đều được biến đổi trong chúng ta…” Rồi ngay sau đó Đức Thánh Cha mời gọi tự hỏi: “Đức tin có thực sự là sức mạnh biến đổi cuộc sống chúng ta hay không? Hay nó chỉ là một trong những yếu tố trong cuộc sống, chứ không bao trùm cả cuộc sống?”

 Đức tin là động lực thay đổi cuộc sống. Đức tin được thấy và được đo lường nơi sự thay đổi.

 Tôi chọn nói về “Thay Đổi” – và vì thay đổi là điều cần nhưng không dễ, nên đó là thách đố: Thách đố thay đổi! Nhưng tôi không dám đường đột thách đố bất cứ ai trước khi thách đố chính mình. Những ý tưởng tản mạn này, vì thế, mong được mọi người coi như một tự sự, một chia sẻ. Câu chuyện có thể không đầu không đuôi, xin bạn đọc lượng thứ.

 Sau hai tháng làm một ‘nhà đào tạo’, chứ không chỉ là một ‘giáo sư’ ở ĐCV, tôi thấy nơi mình có mối quan tâm đáng kể là làm sao (cùng với quí cha) giúp các chủng sinh của mình thay đổi. Tôi nghĩ, nói cho cùng, mục tiêu của đào tạo là thay đổi. Điều này càng đúng cách riêng trong lãnh vực đời sống thiêng liêng – vì nên thánh, nên hoàn thiện luôn giả thiết sự không ngừng thay đổi!

 Sau một lượt gặp ‘đồng hành thiêng liêng’ với vài chục thầy, tôi chủ yếu nghe chuyện của các thầy, mỗi thầy là một câu chuyện, muôn màu muôn vẻ, rất đáng trân trọng và quan tâm. Và tôi có chút băn khoăn, không biết ý chí muốn thay đổi nơi các thầy có mãnh liệt không.

 Nhưng điều thực sự đáng nói hơn, đó là nhìn lại chính mình trong cùng thời gian ấy, tôi cũng … chẳng thấy chi thực sự là thay đổi!

 Thế mà, thay đổi là ‘luật tiến bộ’, nhất là khi điều đang được nói đến ở đây là đời sống thiêng liêng! Thay đổi là hoán cải; thay đổi là canh tân trên đường thực hành nhân đức; ngay cả đối với những tâm hồn đã đạt mức kết hiệp thường xuyên với Chúa thì vẫn …cần thay đổi, vì đời sống thiêng liêng chỉ có thể có mức ‘sàn’ và không bao giờ có mức ‘trần’.

 Dịp Ngày Quốc Tế Thánh Hóa Các Linh Mục vừa qua, Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Sĩ, đã gởi đi một lá thư cho các linh mục, kèm với một bản xét mình chi tiết, dài nhiều trang, mà ngay câu đầu tiên ngài dẫn Gioan 17,19: “Con xin thánh hiến mình con cho họ, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến”, rồi ngài đặt câu hỏi tự vấn như sau: “Tôi có nghiêm chỉnh đặt vấn đề sự thánh thiện trong đời linh mục của tôi không?”

 Tôi không biết có cái cám dỗ đặc loại cho những người làm sứ vụ giảng dạy, đào tạo, chữa trị người khác hay không. Với riêng mình thì tôi thấy hình như là có – đó là cái tâm lý, dù chỉ ẩn đâu đó trong tiềm thức, rằng phần mình coi như là đã tạm đủ, tạm xong, rằng việc thay đổi chính mình không cần lắm hay ít ra là không cấp bách lắm, rằng công việc chính yếu của mình là đưa ra những câu trả lời, là đề nghị các phương thế cho … người khác!

 Ở đây tôi nghĩ đến thành ngữ thời danh “nhà chữa trị mang thương tích” mà người ta đã dùng cả trong lãnh vực tâm lý (C. Jung) lẫn linh đạo (H. Nouwen). Vâng, tạ ơn Chúa, Chúa đặt con vào sứ vụ chữa trị, nhưng Chúa vẫn nhắc rằng con là một “nhà chữa trị mang thương tích”, một nhà chữa trị cần được chữa trị, cần thay đổi.

 Khổ nỗi, thay đổi không đơn giản chút nào.

 Như bà Harriet Goldhor Lerner trong quyển sách tâm lý The Dance of Intimacy, khi bàn về thay đổi, đã nhận xét: “Trong xã hội đang thay đổi rất nhanh hiện nay, có thể kể ra chỉ hai điều sẽ không bao giờ thay đổi. Hai điều ấy là: ý muốn thay đổi và nỗi sợ thay đổi. Chính ý muốn thay đổi thúc đẩy người ta kiếm tìm sự trợ giúp. Và rồi chính nỗi sợ thay đổi thúc đẩy người ta chống cưỡng lại sự trợ giúp mà mình kiếm tìm!”

 Thay đổi là điều mà người ta muốn. Nhưng thay đổi cũng là điều mà người ta đề kháng! Tôi tin rằng cái nan đề này không xa lạ với kinh nghiệm thực tế của bản thân mình.

 Thay đổi càng khó khi người ta đã đạt đến một độ tuổi nào đó, khi mà các quan điểm, lập trường và nhất là cấu trúc tâm lý của người ta đã ‘ổn định’, hay dùng từ khác: đã ‘đông cứng’. Tôi năm nay 54 tuổi, cảm nghiệm được phần nào cái hội chứng ‘ổn định’ hay ‘đông cứng’ này. Lạy Chúa, nguy hiểm thật đây chứ chẳng chơi. ‘Ổn định’ kiểu này thì không… ổn rồi Chúa ơi! Và trong khi về mặt tâm lý, tâm thần, có những phương pháp của các chuyên gia đề ra giúp người ta ‘mềm hóa’, làm ‘tan chảy’ những cái ‘đông cứng’ nơi mình, thì sự khích lệ rõ nhất mà tôi nhận được ở đây đến từ một người thật việc thật: Đức TGM Oscar Romero, Tôi Tớ Chúa, và câu chuyện của ngài. Ngài đã thay đổi, hay ‘hoán cải’, khi đã 59 tuổi và đã là tổng giám mục! Chính cuộc hoán cải này đã bắt đầu mọi sự rất là tốt đẹp nơi con người này, con người mà ngày nay các tác giả linh đạo không ngần ngại nêu ra như một gương mẫu minh họa cho linh đạo linh mục giáo phận.

 Những người viết tiểu sử ghi nhận Oscar Romero vốn nhút nhát bẩm sinh, thủ cựu và cầu an. Ngài theo dõi Công đồng Vatican II và từng nhìn những cuộc canh tân của Công đồng này với đôi mắt dè dặt, nghi ngại. Sau Công đồng, ngài cũng tiếp tục dè dặt, nghi ngại trước những chọn lựa mục vụ có tính dấn thân cụ thể của các giám mục Mỹ la-tinh. Nhưng rồi, ở tuổi mấp mé lục tuần và đã ‘lên tới đỉnh danh vọng’ trong Giáo hội địa phương, ngài đã được ơn thay đổi, khi chiêm niệm các biến cố xảy đến trong cuộc sống thực xung quanh mình, nhất là khi đứng trước cái chết bi tráng của một linh mục bạn ngài. Sự thay đổi này nơi Oscar Romero – nhiều người sẽ gọi là ‘hoán cải’, còn chính ngài gọi là một cuộc ‘trở về nhà’ – đã làm nhiều người bất ngờ, một số người khác thì chưng hửng (vì trước đây thấy ngài là đồng minh, nhưng nay thì ngài trở thành đối thủ của họ). Điều đáng nói hơn, sự thay đổi này đã đụng chạm đến toàn thể con người ngài và thực tế là chính sự thay đổi này đã dẫn Oscar Romero tới cái chết – có thể nói đó là cái chết đẹp nhất của một linh mục của dân Chúa, nghĩa là một linh mục của Giáo hội, và một linh mục của Chúa.

 Tôi thấy câu chuyện Đức cố TGM Oscar Romero, Tôi Tớ Chúa, là câu chuyện của một con người vốn muốn yên hàn trong hiện trạng (status quo) – hiện trạng của xã hội, Giáo hội, và cả hiện trạng của bản thân – nhưng cuối cùng đã được ơn biến đổi để nhận ra hiện trạng không phải là cái gì tốt nhất, thậm chí nó tệ, để biết vượt qua nó và thay đổi nó.

 Nghĩ về sự vượt qua và thay đổi hiện trạng, tôi liên tưởng đến một biển quảng cáo sản phẩm gặp thấy đó đây, người ta ghi dòng chữ tiếng Anh: Better than the best! Tốt hơn cái tốt nhất! Nghe nghịch lý, và hơi đại ngôn! Nhưng nó lại thâm thúy, khi đặt vào bối cảnh đời sống thiêng liêng. Một chiếc xe, một ngôi nhà, hay bất cứ một món đồ vật gì đó… chỉ được chờ mong giữ nguyên hiện trạng là quí lắm rồi. Chỉ mong chúng đừng xuống cấp – hay thực tế hơn: chúng chậm xuống cấp – là quí lắm, tốt lắm rồi. Và việc tốt nhất mà người ta có thể làm cho chúng là bảo trì chúng, cố gắng giữ nguyên, kéo dài hiện trạng của chúng. Một con người thì khác. Hiện trạng của con người không bao giờ tốt nhất. Con người luôn luôn được mời gọi lớn lên hơn, tốt hơn, hoàn thiện hơn. Ngay cả khi thân xác đã qua đỉnh phát triển ‘max’ và bắt đầu suy thoái dần, tàn tạ dần, chết dần, thì con người vẫn luôn đứng trước tiếng gọi mời nên tốt hơn. Tôi ngạc nhiên, và thú vị, khi thấy điều này được xác nhận không chỉ trong linh đạo Kitô giáo mà còn bởi nhiều tác giả tâm lý hiện đại nữa.

 Lạy Chúa, Chúa thấy con có thực sự tốt hơn gì không, trong hai tháng, hai năm, thậm chí trong hai mươi năm vừa qua? Tôi làm linh mục đã gần 10 năm. Năm tới là kỷ niệm con số tròn ấy. Con số tròn gợi trước hết tâm tình tạ ơn, vâng, nhưng nó cũng là một ám ảnh nữa. Rất có thể 10 năm khác với 1 năm chỉ ở một con số không tròn vo!

 Câu hỏi gợi ý của Đức Hồng Y Mauro Piacenza trên kia – “Tôi có nghiêm chỉnh đặt vấn đề sự thánh thiện trong đời linh mục của tôi không?” – nhắc tôi về một câu chuyện khác, câu chuyện Cha B. Haring kể trong quyển sách Priesthood Imperiled của ngài, câu chuyện mà tôi rất thích và đã kể lại nhiều lần cho nhiều người nghe. Dưới tiêu đề “Hối Nhân Thánh Thiện”, tác giả dẫn lời Cha Karl Rahner nói rằng “Giáo hội thánh thiện trong mức độ Giáo hội là một hối nhân thánh thiện”. Điều này, theo tác giả, cũng áp dụng cho các linh mục. Và tác giả kể câu chuyện thực để minh họa, như sau:

 Vào một dịp tĩnh tâm năm, một linh mục đã đến gặp tôi và tâm sự: “Thưa cha, việc xưng tội còn có ý nghĩa gì cho con nữa, khi mà con biết rằng tình trạng của mình hết hy vọng rồi?” … Chúng tôi đã có một cuộc trao đổi tốt đẹp và cặn kẽ với nhau. Tôi kết luận rằng nếu ước mơ của anh ta không gì hơn là trở thành một kẻ giữ luật một cách xoàng xoàng như bao kẻ xoàng xoàng khác, thì tôi không có mấy hy vọng đặt nơi anh. Đàng khác, tôi nói: “Anh còn một chọn lựa khác nữa. Anh có thể trở thành một vị thánh!” Anh ta rất đỗi ngạc nhiên, và trong ràn rụa nước mắt, anh trả lời tôi: “Thưa cha, với ơn Chúa giúp, con sẽ cố gắng.”

Trong nhiều năm, anh vẫn giữ liên lạc với tôi – và quả thực, nhờ ơn Chúa, anh đã triệt để đổi đời. Thỉnh thoảng, anh viết cho tôi những dòng đại loại như: “Vâng, thưa cha, mọi sự đang diễn tiến tốt đẹp cho con, bao lâu con còn can đảm sống đời sống của một hối nhân thánh thiện.”

 Tôi thấy trong câu chuyện trên, tác giả muốn xác nhận rằng chấp nhận chủ nghĩa xoàng xoàng là nan y; trong khi đó, khát khao nên thánh sẽ là phương chữa trị. Và nỗi khát khao đó giả thiết rằng người ta chấp nhận vào cuộc thay đổi (bất luận người ta đang ở cấp độ nào trong đời sống thiêng liêng của mình).

 Thay đổi thật khó, nên tôi tin rằng mình cần động lực đủ lớn. Và nếu như người ta nói “kinh nghiệm là ông thầy dạy khôn”, thì tôi nghĩ vấn đề đề kháng thay đổi nơi mình là do mình chưa rút đủ động lực từ kinh nghiệm bản thân – nói cách khác, do chưa chiêm nghiệm cho đủ tình yêu của Thiên Chúa, vốn tràn ngập, trên lịch sử đời mình. Đây chính là nguyên nhân bất trung của dân It-ra-en, như tác giả TV 78 đã đúc kết.

 Động lực thay đổi cũng nằm ngay trong sứ vụ đào tạo hiện tại nữa. Tôi tin rằng cách thứ nhất và cũng là cách tốt nhất để giúp những người được ủy thác cho mình thay đổi, đó là chính mình thay đổi. Đây cũng là trực giác nguyên thủy của Cha Olier: để thánh hóa dân Chúa, cần thánh hóa linh mục. Cha De Mello, một bậc thầy linh đạo hiện đại, sẽ nói về điều này bằng một thứ ngôn ngữ ‘thần bí’ hơn, và cũng thách thức hơn: “Thế giới, mọi người, vốn vẫn tốt đẹp; chỉ có bạn mới cần thay đổi thôi”.

 Vâng, chỉ có tôi mới cần thay đổi thôi. Và tôi sẽ chẳng bao giờ thay đổi được, nếu không “nhờ Chúa Thánh Thần” (suy ngắm thứ tư, Năm Sự Sáng).

 tháng 10.2012

Thiên Phong

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31