ĐỨC TRINH NỮ MARIA VÀ CÁC THÁNH TRONG VIỆC ĐÀO TẠO, ĐỜi SỐNG VÀ THỪA TÁC VỤ LINH MỤC
Đấng Đáng Kính Giáo hoàng Phaolô VI đã coi chương VIII của Hiến chế Lumen gentium về Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm của Chúa Kitô và Giáo Hội, là « đỉnh cao và là sự hoàn thành » của toàn bộ Hiến chế tín lý về Giáo Hội của Công đồng Vatican II, đồng thời tuyên bố Đức Maria là Mẹ của Giáo Hội (Diễn từ, tại Công đồng, ban bố Hiến chế Lumen gentium, 21/11/1964). Chương kết thúc này không thể tách rời với chương V về Ơn gọi nên thánh phổ quát và chương VII về Đặc tính cánh chung của Giáo Hội lữ hành và sự kết hiệp của Giáo Hội với Giáo Hội Thiên Quốc. Đó là những giáo huấn lớn của Công đồng vốn soi sáng cách sâu xa chủ đề của chúng ta : Đức Maria và các Thánh trong việc đào tạo, đời sống và thừa tác vụ linh mục. Quả thế, trong Ánh Sáng của Chúa Kitô (Lumen gentium) rạng ngời cách mới mẻ sự thánh thiện của Đức Maria và của Giáo Hội Thiên Quốc như trên Trái Đất và ơn gọi nên thánh chung của tất cả các thành phần của Giáo Hội. Linh đạo sâu xa của Công đồng được Đức Phaolô VI sống, đó là Tình yêu Chúa Kitô, Đức Maria và Giáo Hội một cách không tách rời nhau. Theo như lời ngài nói, « tình yêu đối với Giáo Hội sẽ được thể hiện thành tình yêu đối với Đức Maria và ngược lại ; vì bên này không thể tồn tại mà không có bên kia » (Marialis Cultus, số 28), và, trong cùng ý nghĩa : « Ai yêu mến Đức Maria phải yêu mến Giáo Hội ; cũng như ai muốn yêu mến Giáo Hội phải yêu mến Đức Trinh Nữ » (Buổi Tiếp kiến chung ngày 27/5/1964).
Tiếp đến, Đức Chân phước Gioan-Phaolô II đã khai triển cách tuyệt vời chính linh đạo quy Kitô, Thánh Mẫu và Giáo Hội đó của Công đồng. Trong bài giảng lễ phong chân phước cho ngài (1/5/2011), Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã mang lại cho chúng ta một tổng hợp rõ ràng về chủ đề này :
“Anh Chị Em thân mến, hôm nay đôi mắt chúng ta, trong ánh sáng chan hòa của Chúa Kitô Phục Sinh, hướng nhìn về hình ảnh dấu yêu và đáng kính của Đức Gioan Phaolô II. Hôm nay tên của ngài được nối vào danh sách của những người mà ngài đã phong Thánh hoặc phong Chân Phước trong suốt hai mươi bảy năm ngài làm giáo hoàng, qua đó ngài mạnh mẽ nhấn mạnh ơn gọi phổ quát của mọi người đạt tới chóp đỉnh đời Kitô hữu, đạt tới sự thánh thiện, như giáo huấn của Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế Lumen gentium về Giáo Hội. Tất cả chúng ta, là thành viên của Dân Thiên Chúa – Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế, Giáo Dân, nam nữ Tu Sĩ – chúng ta đang hành hương về quê hương thiên quốc nơi Đức Trinh Nữ Maria đã đi trước chúng ta, chúng ta được gắn kết, như Mẹ đã gắn kết một cách độc đáo và hoàn hảo, vào mầu nhiệm Đức Kitô và Hội Thánh. Karol Wojtyla đã tham dự Công Đồng Vatican II, đầu tiên trong tư cách Giám Mục phụ tá, rồi trong tư cách Tổng Giám Mục của Kraków. Ngài đã hoàn toàn ý thức rằng quyết định của Công Đồng dành chương cuối cùng của Hiến Chế về Hội Thánh cho Đức Maria có nghĩa rằng Mẹ Đấng Cứu Thế được biểu dương như hình ảnh và kiểu mẫu của sự thánh thiện cho mọi Kitô hữu và cho toàn Giáo Hội. Đây là tầm nhìn thần học mà Chân Phước Gioan Phaolô II đã khám phá khi còn là một thanh niên, và ngài đã tiếp tục duy trì và đào sâu cho đến suốt đời. Một tầm nhìn được diễn tả qua hình ảnh Thánh Kinh Đức Kitô chịu đóng đinh, với Đức Maria, Mẹ Ngài, đứng bên cạnh. Hình ảnh này từ Tin Mừng theo Thánh Gioan (19,25-27) được sử dụng trong biểu tượng Giám Mục và sau đó là biểu tượng Giáo Hoàng của Karol Wojtyla: một Thánh Giá vàng với chữ “M” phía dưới, bên phải, cùng với khẩu hiệu “Totus tuus”, lấy lại từ câu nói nổi tiếng của Thánh Louis Marie Grignion Montfort mà Karol Wojtyla lấy làm ánh sáng soi dẫn cả đời mình: “Totus tuus ego sum et omnia mea tua sunt. Accipio te in mea omnia. Praebe mihi cor tuum, Maria – Con hoàn toàn thuộc về Mẹ, và mọi sự của con là của Mẹ. Mẹ là tất cả của con. Lạy Mẹ Maria, xin ban cho con trái tim của Mẹ” (Về lòng tôn sùng đích thực đối với Đức Trinh Nữ, 266)” (bản dịch của Thiên Phong).
Như thế cả hai chương lớn V và VIII của Hiến chế Lumen gentium đều được giải thích dưới ánh sáng của Tin Mừng và phù hợp với cuốn sách vốn đã ảnh hưởng nhất đến cuộc đời của Karol Wojtyla, từ năm ngài 20 tuổi cho đến khi chết, tức là từ khởi đầu ơn gọi linh mục của ngài cho đến lúc hoàn tất sau cùng sứ mạng Đấng Kế Vị thánh Phêrô của ngài (hằng ngày Đức Gioan-Phaolô II đã mở cuốn Về lòng tôn sùng Đức Maria đích thực của Montfort, bản văn và những lời sau cùng của ngài sẽ là : Totus tuus). Vì thế đây là minh họa tốt nhất cho chủ đề của chúng ta, tức là vị trị của Đức Trinh Nữ Maria trong việc đào tạo, đời sống và thừa tác vụ linh mục của Karol Wojtyla. Quả thế, thời kỳ ngài khám phá ra cuốn “Về lòng tôn sùng Đức Maria đích thực” lên đến năm 1940, vào thời Đức quốc xã đàn áp, khi ngài đang làm việc như là công nhân và sống như là một chủng sinh hầm trú. Kể từ thời điểm đó, “sợi chỉ Maria” này sẽ liên tục là sợi chỉ hướng dẫn toàn bộ cuộc sống của ngài.
Những từ bằng tiếng Latinh này của Monfort, vốn tóm tắt toàn bộ học thuyết tu đức của ngài, sẽ được một Karol Wojtyla, chủng sinh, linh mục, rồi giám mục và Giáo hoàng, liên tục lấy lại, trên những trang đầu tiên của các bản chép tay của ngài. Học thuyết đó là việc đón nhận những lời của Tin Mừng cách cá nhân, khi thánh Gioan lãnh nhận từ Chúa Giêsu chịu đóng đinh ân huệ Đức Maria làm Mẹ: “Người môn đệ đón bà về nhà mình” (Accepit eam discipulus in sua, Ga 19,27). Nhưng để thực sự đón nhận ân huệ lớn lao này từ phía Chúa Giêsu, thì phía người môn đệ, việc trao ban chính mình hoàn toàn, sự trao ban được diễn tả trong “Totus tuus”, là cần thiết. Quả thế, theo nhưng những gì thánh Têrêsa Lisieux đã viết trong bài thơ cuối cùng của mình “Ôi Maria, tại sao con yêu mến Mẹ”: “Yêu mến, đó là trao ban tất cả và trao ban chính mình” (Bài thơ 54, đoạn 22). Không có tình yêu đích thực nào mà không có sự trao ban hoàn toàn chính mình. Quả thực, nói “Con yêu mến Mẹ” tất thiết có nghĩa là: Con hoàn toàn hiến dâng cho Mẹ, con hoàn toàn và mãi mãi thuộc về Mẹ. Hành vi tình yêu này được nói với Chúa Giêsu qua Đức Maria nhưng nó cũng được nói với Đức Maria để trở nên có thể yêu mến Chúa Giêsu với Trái Tim của Đức Maria. Như thế lời cầu xin “Ôi Maria, xin ban cho con trái tim của Mẹ” được nhận lời đến độ Đức Gioan-Phaolô II đã dám nói đến một sự “nên giống của người tín hữu với Đức Maria đích thực trong tình yêu của Mẹ đối với Chúa Giêsu, trong sự phục vụ đối với Chúa Giêsu”, nhấn mạnh sự kiện rằng một sự “nên giống thần bí với Đức Maria như thế là hoàn toàn nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu” (Thư gởi các Gia đình Montfort, 8/12/2003). Theo những lời của Montfort, chính Chúa Thánh thần “tạo nên Đức Maria trong các tâm hồn” cho đến độ làm cho họ trở thành “những bản sao sống động Đức Maria để yêu mến và tôn vinh Chúa Giêsu-Kitô” (Lòng tôn sùng đích thực, số 217). Như thế, trong linh đạo của Montfort và học thuyết của Công đồng, mà Đức Gioan-Phaolô II đã tổng hợp, rõ ràng “lòng sùng kính Đức Maria đích thực là có tính quy về Kitô” (Thư gởi các Gia đình Montfort).
Chân phước Gioan-Phaolô II trình bày linh đạo sâu xa này như là con đường nên thánh của Giáo Hội hành trình với Đức Maria, chia sẻ đức ái hoàn hảo của Mẹ, đức tin thuần khiết của Mẹ và đức cậy vững chắc của Mẹ (Thư gởi các Gia đình Montfort). Chính ân sủng phép Rửa mà Đức Maria giúp chúng ta sống cách trọn vẹn, trong việc lắng nghe Lời Chúa và trong sự kết hiệp với Mình và Máu Con của Mẹ. Đó là một linh đạo cho toàn thể dân Thiên Chúa, hoàn toàn được kêu gọi nên thánh, nhưng linh đạo này có một giá trị đặc biệt và một tính hữu hiệu đặc biệt cho tất cả những ai được kêu gọi đến chức linh mục thừa tác, do mối tương quan đặc biệt của họ với Chúa Kitô, với Lời và Mình Máu Ngài. Với tư cách là Mẹ của Chúa Kitô và của Giáo Hội, Đức Maria là nhà đại giáo dục của các chủng sinh và linh mục vì Mẹ giúp họ lớn lên luôn mãi trong tình yêu Chúa, không tách rời với Bí tích Thánh Thể và với việc suy niệm Lời Chúa (Lectio divina).
Vì Mẹ hoàn toàn thánh thiện và không vết nhơ tội lỗi, nên, cách độc nhất, Mẹ là người đào tạo con tim của linh mục như là người được thánh hiến trong bậc độc thân, bằng cách dạy cho người linh mục tình yêu đích thực và thuần khiết đối với Chúa Giêsu và than nhân, tức là đối với mọi người được giao phó cho việc săn sóc mục vụ của ngài. Đời sống độc thân, như là tự sự bỏ đời sống hôn nhân vì lòng yêu mến Chúa Giêsu và Giáo Hội của Ngài, nối dài con người của linh mục trong Mầu Nhiệm khôn dò của tình yêu hôn ước của Chúa Kitô và Giáo Hội. Chân phước Gioan-Phaolô II, thánh Maximilianô Kôn-bê và Đấng Đáng Kính Phaolô VI là những mẫu gương gần đây cho các linh mục thánh thiện thực sự yêu mến Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Giáo Hội và do đó có khả năng yêu mến mọi người bằng một tình yêu hoàn toàn trong sáng, vô vị lợi và không dính bén. Một tình yêu lớn lao dành cho Đức Trinh Nữ đặc biệt ban cho người linh mục, với tư cách là người cha, người an hem và là người con, một tương quan đúng đắn với nữ giới. Chính trong nghĩa này mà thánh Catarina Xiêna đã gọi một trong những người bạn linh mục của ngài: “Cha, anh và con rất thân mến trong Chúa Giêsu-Kitô” (Thư 225). Thực ra, trong mối tương quan với linh mục, người phụ nữ không chỉ là một người con và một người chị em nhưng còn là một người mẹ giúp cho ngài lên lên về mặt thiêng liêng. Khía cạnh tình mẫu tử thiêng liêng này đối với các lình mục, một khía cạnh được sống bởi nhiều thánh nữ dâng hiến hay lập gia đình (chẳng hạn, Đấng Đáng Kính Louise-Marguerite Claret de la Touche và Đấng Đáng Kính Concepcíon Cabrera de Armida) đã đặc biệt được nhấn mạnh bởi Huấn quyền gần đây (x. Thư của Đức Gioan-Phaolô II gởi các linh mục nhân ngày thứ Năm Tuần Thánh 1995, các bài giáo lý của Đức Bênêđíctô XVI về các thánh nữ và văn kiện của Bộ Giáo Sĩ: Adoration, Réparation, Maternité spirituelle pour les prêtres, en 2007). Như thế, linh mục có thể sống tốt căn tính linh mục của mình mà không có hình thức não trạng cha chú hay não trạng giáo sĩ trị nào, trong sự tôn trọng và quý mến sâu xa đối với phẩm giá người nữ.
Các thánh nam và các thánh nữ, xét như là những người bạn và là những người thầy tốt nhất của sự thánh thiện, cùng với Đức Maria, có một vị trí quan trọng trong việc đào tạo và đời sống linh mục. Vị trí đầu tiên là thánh Giuse, Bạn Trăm Năm của Đức Maria, người Cha pháp lý của Chúa Giêsu và là Quan Thầy của Giáo Hội hoàn vũ. Mẫu gương hoàn hảo nhất của đời sống vợ chồng và tình phụ tử đối với mọi người nam, sống đời hôn nhân hay dâng hiến trong bậc sống độc thân, bậc thầy lớn của đời sống nội tâm do sự thân mật của ngài với Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong đời sống ẩn dật (x. thánh Têrêsa Avila và Tông huấn Redemptoris Custos của Đức Gioan-Phaolô II).
Để kết thúc, cần luôn ưu tiên “Đại Khoa Học của các thánh” (thánh Louis-Marie de Montfort) trong việc đào tạo thần học cho các linh mục. Sau các thánh Tông đồ và các Thánh sử, theo như thánh Têrêsa Lisieux nói, chính các Giáo Phụ, các vị đại tiến sĩ của thời Trung Cổ và tất cả các nhà Thần bí đã múc lấy khoa học này ở cùng nguồn mạch, nguồn mạch cầu nguyện: chị thánh nói, “chẳng phải trong đời sống cầu nguyện mà các thánh Phaolô, Augustin, Gioan Thánh Giá, Tôma Aquinô, Phanxicô, Đaminh và biết bao người bạn lừng danh khác của Thiên Chúa đã múc lấy khoa học thánh vốn làm say mê những tâm trí lớn lao nhất sao?” (Ms C, 36r).
François-Marie Léthel, OCD
Tý Linh chuyển ngữ
Nguồn: Bộ Giáo Sĩ
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025