BÀI GIÁO LÝ VỀ NIỀM SAY MÊ LOAN BÁO TIN MỪNG : LÒNG NHIỆT THÀNH TÔNG ĐỒ CỦA NGƯỜI TÍN HỮU – BÀI 30 : EPHPHATHA, HỠI GIÁO HỘI, HÃY MỞ RA !
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến,
Bài giáo lý hôm nay kết thúc loạt suy tư của chúng ta về lòng nhiệt thành tông đồ và sứ mạng phép rửa của chúng ta để trở thành những chứng nhân vui tươi cho Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Trong nghi thức Rửa tội, đôi môi của chúng ta được chúc lành như một dấu hiệu cho thấy rằng, được tái sinh trong Chúa Kitô nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, chúng ta được sai đi để chia sẻ với người khác Tin Mừng về ơn cứu độ và phẩm giá mới được tìm thấy của chúng ta như những nghĩa tử của Chúa Cha. Ước gì tình yêu của Thiên Chúa, được đổ vào tâm hồn chúng ta nhờ hồng ân Chúa Thánh Thần, khơi dậy trong chúng ta lòng nhiệt thành hơn bao giờ hết đối với sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội, thu hút mọi tâm hồn đến với Chúa Kitô và hoạt động để truyền bá Vương quốc thánh thiện, công bằng và hòa bình.
Dưới đây là bài giáo lý ngày 13/12/2023 :
Anh chị em thân mến,
Hôm nay, chúng ta sẽ kết thúc loạt bài về lòng nhiệt thành tông đồ, trong đó chúng ta đã để cho Lời Chúa truyền cảm hứng cho chúng ta, giúp nuôi dưỡng niềm say mê loan báo Tin Mừng. Và điều này liên quan đến mọi Kitô hữu. Chúng ta hãy xem xét sự kiện là trong Bí tích Rửa tội, vị chủ tế, khi chạm vào tai và môi của người được rửa tội, sẽ nói: “Xin Chúa Giêsu, Đấng đã làm cho kẻ điếc được nghe và kẻ câm nói được, ban cho con sớm nhận được lời Người và tuyên xưng đức tin”. (x. Mc 7, 31-35).
Và chúng ta đã nghe về phép lạ của Chúa Giêsu. Thánh sử Marcô đi xa đến chỗ mô tả nơi điều này xảy ra: tới “Biển hồ Galilê” (Mc 7, 31). Hai khu vực này có điểm gì chung? Thực tế là chúng chủ yếu là nơi sinh sống của những người ngoại giáo. Đó không phải là những khu vực có người Do Thái sinh sống mà chủ yếu là người ngoại giáo. Các môn đệ cùng ra đi với Chúa Giêsu, Đấng có thể mở tai và mở miệng, do đó, hiện tượng câm, điếc, vốn cũng là ẩn dụ trong Thánh Kinh, biểu thị việc khép kín trước những lời mời gọi của Thiên Chúa. Có bệnh điếc thể lý, nhưng trong Thánh Kinh, người điếc trước Lời Chúa là người câm, và không truyền đạt Lời Chúa.
Có một dấu hiệu chỉ dẫn khác: Tin Mừng thuật lại lời kiên quyết của Chúa Giêsu bằng tiếng Aram. Ephphatha có nghĩa là “hãy mở ra”, tai hãy mở ra, lưỡi hãy mở ra. Và đó là một lời mời gọi không chỉ dành cho người điếc, người không thể nghe được lời Người nói, mà chính xác là cho các môn đệ thời đó và mọi thời đại. Cả chúng ta nữa, những người đã nhận được ephphatha của Chúa Thánh Thần trong Bí tích Rửa tội, cũng được mời gọi hãy mở ra. “Hãy mở ra”, Chúa Giêsu nói với mọi tín hữu và với Giáo hội của Người: hãy mở ra vì sứ điệp Tin Mừng cần anh chị em làm chứng và loan báo nó! Và điều này cũng khiến chúng ta suy nghĩ về thái độ của người Kitô hữu: người Kitô hữu phải mở ra với Lời Chúa và phục vụ người khác. Những Kitô hữu khép kín luôn kết thúc tồi tệ vì họ không phải là Kitô hữu. Họ là những kẻ ý thức hệ về sự khép kín. Người Kitô hữu phải mở ra với việc rao giảng Lời Chúa và chào đón anh chị em. Và đây là lý do tại sao ephphatha, lời “hãy mở ra” này là một lời mời gọi tất cả chúng ta hãy cởi mở chính mình.
Ngay cả ở cuối Tin Mừng, Chúa Giêsu đã trao phó cho chúng ta ước muốn truyền giáo của Người: hãy đi xa hơn, hãy ra đi và chăm sóc, hãy ra đi và rao giảng Tin Mừng.
Thưa anh chị em, tất cả chúng ta hãy cảm thấy được mời gọi, với tư cách là những người đã được rửa tội, làm chứng và loan báo Chúa Giêsu. Và chúng ta hãy cầu xin ân sủng, với tư cách là Giáo hội, để thực hiện một cuộc hoán cải mục vụ và truyền giáo. Trên bờ Biển hồ Galilê, Chúa hỏi Phêrô liệu ông có yêu mến Người không và rồi xin ông hãy chăn dắt đoàn chiên của Người (x. câu 15-17). Chúng ta cũng hãy tự hỏi mình. Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi câu hỏi này, chúng ta hãy tự hỏi: Tôi có thực sự yêu mến Chúa đến độ muốn loan báo Người không? Tôi có muốn trở thành nhân chứng của Người hay tôi bằng lòng làm môn đệ của Người? Tôi có ghi nhớ những người tôi gặp và đưa họ đến với Chúa Giêsu trong lời cầu nguyện không? Tôi có muốn làm điều gì đó để niềm vui của Tin Mừng, vốn đã biến đổi cuộc đời tôi, có thể làm cho cuộc đời của họ trở nên tươi đẹp hơn không? Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này, chúng ta hãy suy nghĩ về những câu hỏi này và tiến bước với chứng tá của chúng ta.
————————————————————-
Sau bài giáo lý, Đức Thánh Cha kêu gọi:
Tôi đang tiếp tục theo dõi cuộc chiến ở Israel và Palestin với sự quan tâm sâu sắc.
Tôi nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức. Ở đó có rất nhiều đau khổ. Tôi khuyến khích tất cả các bên liên quan nối lại đàm phán và tôi xin mọi người thực hiện cam kết khẩn cấp để đảm bảo rằng viện trợ nhân đạo sẽ đến tay người dân Gaza, những người đang kiệt sức và rất cần nó.
Cầu mong tất cả con tin được giải thoát. Họ đã nhìn thấy hy vọng nào đó trong thỏa thuận ngừng bắn gần đây. Cầu mong nỗi đau khổ to lớn của người Israel và người Palestin chấm dứt.
Xin vui lòng: nói không với vũ khí, nói vâng với hòa bình!
———————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Audience, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ĐỨC PHANXICÔ MỞ CỬA THÁNH TẠI NHÀ TÙ REBIBBIA: “HÃY BÁM LẤY NIỀM HY VỌNG”
- LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 2024: BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
- THÁNH GIOAN: “THÁNH TÔNG ĐỒ VÀ THÁNH SỬ KHÔNG PHẢI LÀ CÙNG MỘT NGƯỜI”
- CÁC NĂM THÁNH QUA DÒNG LỊCH SỬ
- NĂM THÁNH 2025: CHỈ BỐN CỬA THÁNH ĐƯỢC MỞ TẠI RÔMA
- THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH VÀ PHÉP LÀNH URBI ET ORBI 2024 : CẦU MONG TIẾNG SÚNG HÃY IM BẶT !
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”