GÂY CHẾT ÊM DỊU VÀ BÁM RIẾT ĐIỀU TRỊ : VATICAN LÀM RÕ GIÁO LÝ CỦA MÌNH VỀ VIỆC KẾT THÚC SỰ SỐNG

Written by xbvn on Tháng Chín 23rd, 2020. Posted in Huấn thị, Luân lý, Tý Linh, Đạo đức sinh học

Trong một bản văn cô đọng được công bố hôm 22/9/2020, Bộ Giáo lý Đức tin lần đầu tiên khai triển cách chi tiết giáo lý của mình về việc kết thúc sự sống, đặc biệt lên án mọi hình thức bám riết chữa trị và cấm những ai đã chọn rút ngắn cuộc sống của mình lãnh nhận các Bí tích sau cùng.

Qua mười hai điểm được khai triển trong 20 trang, Bộ Giáo lý Đức tin đã công bố, hôm 22/9, một văn kiện cô đọng về việc kết thúc sự sống. Có tựa đề « Người Samaritanô nhân lành, về việc săn sóc dành cho những người trong giai đoạn nguy kịch và tận cùng của sự sống », bản văn không thay đổi gì về giáo thuyết nhưng làm rõ hơn quan điểm về việc gây chết êm dịu và việc trợ tử được Giáo hội Công giáo diễn tả từ năm 1980. Việc nói rõ lập trường của Giáo hội là cần thiết trong bối cảnh các cuộc tranh luận gần đây về các thực hành này, mà nơi một số nước thậm chí đã đi đến chỗ hợp pháp hóa.

Các bệnh viện Công giáo không thể thực hành việc gây chết êm dịu

Bộ Giáo lý Đức tin đã tuyên bố rất rõ ràng, và lần đầu tiên bằng những thuật ngữ này, chống lại việc bám riết điều trị. Loại bỏ mọi hình thức bám riết điều trị, theo Bộ Giáo lý Đức tin, là một « bổn phận luân lý ». Bộ khẳng định : « Đứng trước cái chết không thể  tránh khỏi sắp diễn ra, vì thế thật là hợp pháp, theo khoa học và theo lương tâm, đưa ra quyết định từ bỏ những việc điều trị vốn chỉ dẫn đến việc kéo dài sự sống cách bấp bênh và đau đớn ».

Bộ Giáo lý  Đức tin khẳng định rằng các bệnh viện mang danh Công giáo không thể tự cho mình danh đó nếu chúng thực hành việc gây chết êm dịu hay việc trợ tử. Gần đây, Tòa Thánh Vatican đã cấm Hội điều hành các công việc y tế của  tổ chức Anh Em Bác Ái của Bỉ lấy danh nghĩa bệnh viện « Công giáo ».

Một đoạn trong văn kiện này nói về hoàn cảnh của những người đang sống trong tình trạng thực vật và thiếu ý thức, như trường hợp Vincent Lambert, qua đời vào tháng 7/2019 ở Reims sau 10 năm đấu tranh pháp lý. « Luôn luôn hoàn toàn sai lầm khi nghĩ rằng tình trạng thực vật và tình trạng ý thức tối thiểu, nơi những người hít thở cách tự trị, là dấu chỉ rằng bệnh nhân đã ngừng là một nhân vị với tất cả phẩm giá của mình », văn kiện khẳng định.

Cung cấp thực phẩm và nước uống, « những săn sóc căn bản »

Bản văn nói thêm, các bệnh nhân này có quyền « được cung cấp thực phẩm và nước uống », mà Bộ Giáo lý Đức tin coi như là « những săn sóc căn bản ». Tuy nhiên, Bộ cũng nhìn nhận rằng « trong một số trường hợp, (dinh dưỡng và nước uống nhân tạo) có thể trở nên bất tương xứng », nhất là khi chúng gây ra « những đau khổ không thể chấp nhận được đối với bệnh nhân ».

Khi bàn cách chi tiết các vấn đề như thế, Bộ Giáo lý Đức tin cho thấy một sự quân bình giữa việc  cấm gây chết êm dịu và việc lên án việc bám riết điều trị.

Về trường hợp tế nhị của việc đồng hành thiêng liêng với những người chọn lựa rút ngắn sự sống của mình, Bộ Giáo lý Đức tin đã rất rõ ràng khi khẳng định rằng những ai đã có một chọn lựa như thế thì không thể lãnh nhận Bí tích Hòa Giải, và do đó, các Bí tích sau cùng (Bí tích Thánh Thể và Xức dầu Bệnh nhân, ctnd). Theo Bộ Giáo lý Đức tin, vấn đề là niềm tin của « một người vốn, vượt trên các khuynh hướng chủ quan, đã chọn lựa một hành vi nghiêm trọng về mặt luân lý và khăng khăng dai dẳng như thế cách tự do ». « Người ấy sẽ có thể lãnh nhận các Bí tích này khi ý muốn đưa ra những biện pháp  cụ thể  của mình sẽ cho phép thừa tác viên kết luận rằng hối nhân đã thay đổi quyết định ».

Nếu Bộ Giáo lý  Đức tin khuyến khích một sự lắng nghe thiêng liêng, thì Bộ cũng cho rằng « không thể chấp nhận được về phía những người mà giúp đỡ về mặt thiêng liêng cho những bệnh nhân này làm một cử chỉ bên ngoài nào đó vốn có thể được giải thích như là một sự tán thành việc gây chết êm dịu, chẳng hạn vẫn hiện diện vào lúc thực thi việc gây chết êm dịu ». Điều này như muốn ám chỉ đến một số linh mục ở Bỉ đã điều chỉnh lại nghi thức tiễn biệt, vào lúc thực hành việc gây chết êm dịu. « Một sự hiện diện như thế chỉ có thể được giải thích như là một sự đồng lõa », Bộ Giáo lý Đức tin tuyên bố.

—————–

« Chúng ta không thể  trực tiếp chọn lựa làm tổn hại đến sự sống của một con người »

Trích đoạn của thư « Samaritanus bonus » (« Người Samaritanô nhân lành ») của Bộ Giáo lý Đức tin :

« Giá trị bất khả xâm phạm của sự sống là một chân lý nền tảng của luật luân lý tự nhiên và là một nền tảng thiết yếu cho trật tự pháp lý. Cũng như chúng ta không thể chấp nhận rằng một người khác là nô lệ của chúng ta, cho dầu người đó xin chúng ta điều đó, thì chúng ta không thể trực tiếp chọn lựa làm tổn hại đến sự sống của một con người, cho dầu người ấy đòi điều đó. Do đó, loại bỏ một bệnh nhân xin gây chết êm dịu không hoàn toản có nghĩa là nhìn nhận quyền tự trị của người đó và làm tăng giá trị cho quyền đó, nhưng trái lại, đó là hiểu sai giá trị của sự tự do của người ấy, vốn bị điều kiện hóa rất nhiều bởi căn bệnh. »

Tý Linh

(theo Loup Besmond de Senneville, nhật báo La Croix, ngày 22/9/2020).

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31