« GIẢM THIỂU ĐỨC GIÁO HOÀNG THÀNH MỘT NỀN VĂN HÓA KHÁC LÀ MỘT CÁCH HẠ THẤP GIÁ TRỊ CỦA NGÀI »

Written by xbvn on Tháng Ba 5th, 2023. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Thế Giới, Tý Linh

Cách đây mười năm, vào ngày 13/3/2013, Đức Jorge Bergoglio đã được bầu làm Giáo hoàng. Đối với bà Emilce Cuda, thần học gia người Argentina, một trong những vị hữu trách của Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh, Đức Thánh Cha Phanxicô dựa vào kinh nghiệm Châu Mỹ Latinh của mình về dân Thiên Chúa để áp dụng Công đồng Vatican II trong toàn Giáo hội.

La Croix : Có phải bà sẽ xác định Đức Thánh Cha Phanxicô là một vị Giáo hoàng thuộc Châu Mỹ Latinh ?

Emilce Cuda : Chúng ta đang ở mười năm sau khi bắt đầu triều đại giáo hoàng của một vị Giáo hoàng đến từ Châu Mỹ Latinh. Điều đầu tiên chúng ta phải nói, đó là Châu Mỹ Latinh không phải là một tổng thể đồng nhất. Lưu ý sự phức tạp này, chúng ta có thể đặt ngài Bergoglio ở Argentina, với các quy chiếu kèm theo đó.

Thứ hai, khi ngài được bầu chọn, nhiều người đã bày tỏ sự ngạc nhiên khi nghe một vị Giáo hoàng nói bằng ngôn ngữ bình thường, không có quy chiếu thần học rõ ràng nào. Không ngang qua trung gian của triết học Đức. Ngài sử dụng một trung gian khác là nền văn hóa Châu Mỹ Latinh. Vào đầu triều đại giáo hoàng của ngài, người ta đã nói nhiều về thần học giải phóng hay thần học về nhân dân, nhưng ngày nay điều đó không còn nữa.

La Croix : Tại sao ?

Emilce Cuda : Nhiều người đã dùng việc quy chiếu đến nền thần học giải phóng như một lập luận để hạ thấp Đức Giáo hoàng, và nói rằng, về cơ bản, đó không phải là thần học. Nhưng không có gì là sai lạc hơn. Đó chỉ đơn giản là một nền thần học với sự trung gian khác với triết học Đức, trong một bối cảnh văn  hóa khác.

Nói như thế, việc quy chiếu này đã biến mất, bởi vì, với năm tháng, người ta đã nhận ra rằng Đức Giáo hoàng đang làm một điều gì đó hoàn toàn khác. Vì Đức Phanxicô ngày nay là người thúc đẩy việc áp dụng Công đồng Vatican II. Trong bối cảnh này, nếu nền thần học giải phóng ra đời ở Châu Mỹ Latinh, thì nó đã là một hệ quả trực tiếp của Công đồng Vatican II. Các thần học gia, các Hồng y, các Giám mục đã chọn con đường  thỏa hiệp với hiện thực này. Nhưng ở Châu Âu, con đường thỏa hiệp này ít xuất hiện hơn, do sức nặng của những tiếng nói bảo thủ.

La Croix : Ngôn ngữ được Đức Phanxicô sử dụng có phải là  thần học không, hay nó thuộc về một lĩnh vực khác ?

Emilce Cuda : Thần học nói về điều gì ? Về Thiên Chúa và những công trình của Thiên Chúa. Đó là một lời về Thiên Chúa. Thần học đã bắt đầu sử dụng trung gian triết học với Giáo phụ học, vào những thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên của chúng ta. Vào thời đại này, các Kitô hữu phải tham gia vào cuộc thảo luận vào thời của họ với thế giới Hy Lạp và Do Thái giáo, vì thế thần học đã sử dụng ngôn ngữ của họ. Nhưng để nói về Thiên Chúa, chúng ta có cần thần học không ? Không. Bởi vì Tin Mừng là một điều đơn giản : Chúa Giêsu nói với những người bình thường, chứ không phải với các tiến sĩ luật.

Ở Châu Mỹ Latinh, sự trung gian được sử dụng sau Công đồng Vatican II không phải là thần học, nhưng là văn hóa. Không chỉ ngôn ngữ, mà còn truyền thống nữa. Truyền thống, như Đức Thánh Cha nói, là ký ức về sự đau khổ của một dân tộc và ước mơ về một cuộc sống xứng đáng đối với mọi người.

La Croix : Đó có phải là một trung gian đền từ dưới, từ nhân dân ?

Emilce Cuda : Nhân dân không được lẫn lộn với người nghèo, hoặc những gì bên dưới. Khi Đức Thánh Cha muốn nói về những người nghèo khổ nhất, ngài nói vệ những người bị bỏ rơi hay loại bỏ, nhưng không phải về nhân dân. Dân Thiên Chúa là điều gì đó khác. Đó là cuộc thảo luận lớn của thế kỷ XX, tức là việc thích ứng với khái niệm nhân dân. Nhân dân là gì ? Phải chăng đó là những người nghèo hay là những người được hưởng quyền  tư hữu ? Và trong Giáo hội, phải chăng đó là các Hồng y và Giám mục, hay tất cả những người được rửa tội ? Chúng ta có thể giao phó cho tất cả mọi người việc phân định ?

Về điều này, Giáo hội ở Châu Mỹ Latinh trả lời khá rõ ràng, khi thành lập các Hội đồng của các Giáo hội, ngoài Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh, nơi quy tụ các Giám mục. Các Hội đ ồng này quy tụ toàn thể dân Thiên Chúa : các Hồng y, Giám mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân nam nữ. Ở Châu Âu, rõ ràng là quan niệm này về dân Thiên Chúa vẫn còn ở cấp độ diễn ngôn. Ở Châu Mỹ Latinh, đó là một thực tại cụ thể. Giáo hội phải tập hợp những khác biệt, chứ không phải là một Giáo hội của những hết mực trung thành.

La Croix : Nơi Đức Thánh Cha Phanxicô, khái niệm « tình bạn xã hội », rất hiện diện trong nền thần học ở Argentina, là đặc biệt quan trọng. Nó bao gồm những gì ?

Emilce Cuda : Tình bạn xã hội này, mà người ta gọi là đối thoại xã hội, không phải là một cuộc đối thoại giữa những người bạn. Đó là một cuộc đối thoại có thể xảy ra khi chúng ta có xung đột. Nhưng để có một cuộc đối thoại, trước hết, điều cần thiết, đặc biệt trong triết học, là phải nhìn nhận người khác như một chủ thể. Điều đó có nghĩa rằng cần phải nhìn nhận nơi người khác một người đối thoại hợp pháp và chính đáng. Vì thế, điều đó muốn nói rằng có một khả năng cùng nhau quyết định.

Đó chính xác là những gì đang diễn ra với tính đồng nghị. Để có thể bước đi cùng nhau, chúng ta phải lắng nghe, và nhìn nhận nơi người khác một người đối thoại chính đáng. Nhưng chúng ta cũng phải là một người đối thoại có giá trị đối với người khác, kể cả nơi các xã hội thế tục, với các tín hữu của các tôn giáo khác chẳng hạn. Tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn còn chưa thực hiện biện pháp của một đòi hỏi như thế.

La Croix : Theo bà, việc bầu chọn vị Giáo hoàng này có phải là một cú sốc văn hóa đối với Giáo hội Châu Âu không ?

Emilce Cuda : Không. Giảm thiểu Đức Giáo hoàng thành một nền văn hóa khác, bởi vì ngài là người nước ngoài, là một cách hạ thấp giá trị của ngài. Nó đến từ những người kế thừa của 15% Nghị phụ đã bỏ phiếu chống lại sự tiến triển được đề nghị ở Công đồng. Các ngài có quyền diễn đạt, nhưng các ngài là thiểu số.

La Croix : Bà trả lời thế nào với những người cho rằng Đức Phanxicô yếu kém bởi vì ngài không phải là thần học gia ?

Emilce Cuda : Phân tâm học dạy chúng ta rằng kiểu nhận xét này có mục tiêu loại bỏ một người với tư cách là chủ thể chính đáng, bằng cách chuyển người đó sang một sự thiếu hụt, một khuyết điểm, như thể đó là một lỗi. Đức Phanxicô biết rất rõ những cuộc tranh luận này.  Ngài không mất thời gian để biện hộ mình đối với những người cáo buộc ngài không phải là một thần học gia, nhưng thích nói chuyến với mọi người hơn. Ngài biết nền thần học Đức, và có thể trả lời trên bình diện đó, nhưng ngài chọn không làm vậy.

———————————————

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : nhật báo La Croix)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30