GIẢNG LỄ TIỄN BIỆT CHA CỐ ĐA MINH TRẦN THÁI HIỆP (Đcv. Huế, 02/12/2022)

Written by lcd on Tháng Mười Hai 2nd, 2022. Posted in Hội Linh Mục Xuân Bích - St Sulpice, Lm Lê Công Đức, Thiên Phong, Xuân Bích Việt Nam

MỘT CHUYẾN ĐI VỚI NHỮNG CHUYẾN ĐI…

Kính thưa […] cộng đoàn phụng vụ trong Thánh lễ tiễn biệt Cha Cố Đa minh! Chúng ta, các thân nhân, thân hữu, huynh đệ, học trò của Cha Cố Đa minh, chỉ còn vài khoảnh khắc ngắn ngủi nữa thôi trước khi gửi tro cốt của ngài vào yên nghỉ trong lòng đất. Cha Cố từng tổng kết cuộc đời của ngài là những chuyến đi: đi ngang, đi dọc, đi loanh quanh – đi từ bắc vào nam, ra trung; rồi lại vào nam, ra trung, ra bắc… cuối cùng nghỉ hưu ở tuổi ngoài 80 tại giáo xứ Xuân Khánh thân yêu của ngài. Cha Cố qua đời, lễ an táng xong xuôi rồi, mà vẫn còn chuyến đi cả ngàn cây số từ miền nam ra đây cho cuộc tiễn biệt cuối cùng này. ĐCV Huế là mối tình đầu, nơi bắt đầu sứ vụ XB của Cha Cố, và là nơi Cha Cố đã gắn bó phục vụ trong ngót 23 năm, cả thường trú lẫn vãng lai. Nơi này, hồi mừng Kim Khánh sớm dịp lễ Mẹ Dâng Mình 2012, Cha Cố đã tuyên bố đây là “một cõi đi về” của ngài.

Đón Cha Cố đi về lần cuối cùng này, mấy ngày trước đây các chủng sinh đã trưng lên hai câu Thánh Vịnh 126: “Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong vui sướng; ai đi trong nước mắt, sẽ về giữa tiếng cười”. Lại cũng là đi, là về, lại âm vọng những chuyến đi đã từng đan kết thành cuộc đời ơn gọi và sứ vụ tuyệt đẹp của Cha Cố kính yêu.

Kính thưa cộng đoàn! ‘Gặt trong vui sướng’ và ‘về giữa tiếng cười’ là những hình ảnh ăn mừng, và ăn mừng (célébrer, célébration) là một đặc nét rất hồn nhiên dễ nhận ra nơi Cha Cố Đa minh, cách đặc biệt trong khoảng 10 năm cuối đời…

Thứ nhất, Cha Cố ăn mừng sứ vụ giảng dạy và đào tạo linh mục, cũng như sứ vụ mục vụ giáo xứ của ngài, với những thành quả thật đáng nể và đáng tự hào (2 tiểu chủng viện, 6 đại chủng viện, hàng ngàn chủng sinh, chưa kể các thầy dòng, và các nữ tu ở học viện liên dòng mà ngài dí dỏm gọi là những ‘chủng sinh tóc dài’; bên cạnh đó, là vai trò mục tử ở một số giáo xứ tại Xuân Lộc, nhất là giáo xứ Xuân Khánh, ngay từ những năm còn rất khó khăn sau 1975).

Thứ hai, Cha Cố ăn mừng ơn gọi linh mục mà ngài rất trân quí – 50 năm, rồi 55, 57, 59 năm – với niềm vui đơn sơ tự nhiên không ngại ngần giấu giếm… Đức Cha Nguyễn Chu Trinh, nguyên Giám mục Xuân Lộc, rất gần gũi Cha Cố, đã dám nói về ngài như “một mục tử hiếm có trên thế giới này. Còn Cha Quản hạt Ngô Công Sứ, một người rất thân thiết khác, từng giảng lễ mừng cho Cha Cố không chỉ một lần, thì nhìn nhận: Cha Cố là “một linh mục hơn cả tuyệt vời”! Thiển nghĩ không phải các đấng ‘xông hương’ đâu. Cha Cố phải có sao thì các đấng mới nói vậy chứ!…

Cha Cố được Chúa cho phép ăn mừng, và chúng ta ăn mừng với Cha Cố, bởi vì những chuyến đi trong cuộc đời ơn gọi và sứ vụ của ngài thật sự là những chuyến đi gieo trong nước mắt, những chuyến đi cần mẫn, lặng lẽ như con tằm rút ruột nhả tơ, và bao giờ cũng mau mắn, vui tươi, để trở nên mọi sự cho mọi người – như khẩu hiệu đời linh mục của Cha Cố.

Cha Cố có rất nhiều chuyến đi vào thời xuân trẻ sức lực dồi dào đã đành: Bùi Chu, Hà Nội, Sài Gòn, Qui Nhơn, Kon Tum, Paris, Huế, Đà Nẵng, Xuân Lộc… Khi tuổi đã xế chiều, Cha Cố vẫn sẵn sàng tiếp tục đảm nhận những chuyến đi vì sứ vụ, nhất là sứ vụ XB, và không chỉ là đi về trong vài ngày, vài tuần, mà cả những cuộc dời cư hẳn hoi – như dọn ra Huế hồi 70 tuổi, rồi đi Thái Bình, trở về Xuân Lộc khi đã 79, 80! …

Có thể nói rằng “đâu cần, cố có; đâu khó, có cố” – bởi Cha Cố cứ cười cười mà cần cù, cúc cung tận tụy như vậy! Anh em XB đặc biệt cảm động khi trong những năm nghỉ hưu xuống sức, chân yếu, mắt mờ, tai nghểnh ngãng, Cha Cố vẫn chuyên cần chịu khó hết sức để có mặt trong những kỳ tĩnh tâm và họp mặt XB hằng năm, dù là ở Huế hay Đà Lạt, Vũng Tàu… Không chỉ là có mặt cách chung chung, ngài trung thành đến ngồi đó tham dự từng giờ nghe giảng, nghe đọc bài suy niệm, và những buổi họp thảo luận XB, ngay cả dù khi được hỏi Cố có nghe được gì hông, Cố chỉ lắc đầu, cười đáp “Hihi, tui chẳng nghe được gì!”…

Quả thật, sau bao năm cống hiến dồi dào dọc theo những chuyến đi sứ vụ lừng lẫy, bước vào tuổi ngoài 80, Cha Cố vẫn tiếp tục cống hiến, ngần nào có thể, bằng sự hiện diện khiêm tốn mà đầy ấm áp của ngài. Thật lạ, một con người dấn thân, liên can, cởi mở và quảng giao như vậy, mà dường như không thấy ai có bất cứ điều gì phiền lòng đáng kể về Cha Cố! Ngược lại, dường như ai biết ngài cũng thực sự quí mến ngài!… Sẽ giải thích bằng cách nào đây, nếu không nghĩ đến tính cách hiền lành đơn sơ khiêm nhường của Cha Cố? Có dạo, hồi sau 1975, người ta nói về bộ tứ cộng sự viên đắc lực xung quanh Đức Cha Cố Đa minh Nguyễn Văn Lãng, đó là: Cha Trinh, Cha Tú, Cha Trâm, và Cha Hiệp. Cha Trâm rồi Cha Trinh trở thành Đức Cha Trâm, Đức Cha Trinh, Cha Tú trở thành Đức Ông Tú, chỉ Cha Hiệp là không có duyên với chữ ‘Đức’ nào – không có chữ ‘Đức’, nhưng đức của ngài vẫn đầy!…

Rồi khi ngày giờ của Cha Cố đến gần kề, lại là những chuyến đi, lần này là những chuyến đi đến bệnh viện, trong cơn hấp hối – có thể nói – kéo dài hơn 5 tháng! Xem lại hồ sơ thông tin về Cha Cố, qua hộp thư email của Cha Hồ Thứ, Đại diện XBVN và Giám đốc ĐCV Huế, thấy lần lượt như sau: NGÀY 14/6/22: Cha Cố Hiệp nhập viện, Bv Bình Dân, Sài Gòn, sắp phẩu thuật; hai tháng rưỡi sau, NGÀY 30/8: Cầu nguyện cho Cha Cố Đaminh, nhập viện ở Đồng Nai, rất nguy kịch; ba tuần sau đó, NGÀY 21/9: Cha Cố Đaminh đang hấp hối, Bv Long Khánh, hôn mê sâu, được đưa vào phòng cấp cứu, nguy kịch; rồi một tháng sau, NGÀY 25/10: Cha Cố vẫn ở phòng cấp cứu, thở máy…; và gần một tháng sau, tin cuối cùng, NGÀY 23/11: Cha Cố Đaminh qua đời!

Tất cả những chuyến đi trong cuộc đời Cha Cố Đa minh khép lại, giờ đây được thấy là thuộc về một chuyến đi duy nhất của ngài: Chuyến đi sequela Christi, imitatio Christi, chuyến đi in persona Christi, chuyến đi nối gót hành trình kenosis, hủy mình ra không, vâng phục cho đến chết của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người – mầu nhiệm mà chúng ta đang chiêm ngắm trong Mùa Vọng…

Trong Chúa Kitô, Cha Cố là hạt lúa gieo vào lòng đất, hạt lúa chấp nhận chết đi, để trổ sinh nhiều bông hạt.

Cho Chúa Kitô, Cha Cố là người đã dành cả một đời phục vụ, như tinh thần của Cha Jean-Jacques Olier, Đấng sáng lập XB: Vivere summe Deo in Christo Jesu, sống hết mình cho Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu! Và Chúa đã hứa: “Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó; ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quí trọng người ấy”.

Kính thưa cộng đoàn, chúng ta tin tưởng mãnh liệt vào lời hứa này của Chúa, khi tiễn biệt Cha Cố Đa minh kính yêu của chúng ta lần cuối cùng, và gửi chút tro cốt còn lại của ngài vào lòng đất… “Gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt”. Amen.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31