GIÁO HỘI CHÍNH THỐNG VÀ CÁC CUỘC HÔN NHÂN THỨ HAI

Written by xbvn on Tháng Sáu 5th, 2014. Posted in Luân lý, Tâm linh, Thế Giới, Tín lý, Tý Linh

 

Mới đây, ĐHY Walter Kasper đã dựa vào thực hành của các Giáo Hội Chính Thống liên quan đến các cuộc hôn nhân thứ hai để chủ trương rằng những người Công giáo ly dị tái hôn cũng nên có khả năng rước lễ.

Tuy nhiên có lẽ ngài đã không quan tâm đến sự kiện rằng những người Chính thống giáo không rước lễ vào lúc diễn ra nghi thức các cuộc hôn nhân thứ hai, bởi vì những gì được dự kiến trong nghi thức hôn phối của Byzantin, đó không phải là rước lễ, nhưng chỉ là việc trao đổi chén rượu chung, vốn không phải là rượu được truyền phép.

Vả lại, người ta nghe nói, nơi người Công giáo, rằng những người Chính thống giáo cho phép các cuộc hôn nhân thứ hai và do đó họ bao dung việc người ta ly dị với người phối ngẫu đầu tiên của mình.

Thực ra, vấn đề không phải như thế, bởi vì đó không phải là thể chế pháp lý hiện đại. Giáo Hội Chính Thống sẵn sàng bao dung cho các cuộc hôn nhân thứ hai đối với những người mà mối liên hệ hôn nhân của họ đã bị tiêu hủy không phải bởi Nhà Nước, nhưng bởi chính Giáo Hội, dựa trên cơ sở quyền hạn « tháo cởi và cầm buộc » đã được Chúa Giêsu ban cho Giáo Hội, và sẵn sàng nhượng bộ cho một cơ hội hôn nhân thứ hai trong một số trường hợp riêng biệt (điển hình là những trường hợp ngoại tình lâu dài, nhưng còn mở rộng đến một số trường hợp trong đó mối liên hệ hôn nhân trở thành một điều viễn tưởng). Khả năng cho một cuộc hôn nhân thứ ba cũng được dự kiến, nhưng người ta tìm cách làm cho các ứng viên nản lòng. Vả lại, khả năng tái hôn, trong các trường hợp tiêu hủy hôn phối, chỉ được ban cho người phối ngẫu vô tội.

Nơi những người Chính Thống giáo, các cuộc hôn nhân lần hai và lần ba, khác với lần thứ nhất, được cử hành theo một nghi thức riêng biệt, được xác định như là « thuộc loại sám hối ». Trong nghi thức của các cuộc hôn nhân thứ hai, vì ngày xưa thiếu giây phút đặt vương miện lên đầu đôi bạn – mà  thần học Chính thống giáo xem như là giây phút chính yếu của hôn nhân – nên cuộc hôn nhân thứ hai không phải là một bí tích đích thực nhưng là, để dùng thuật ngữ latinh, một « nghi thức trịnh trọng » (« sacramentel »), cho phép đôi vợ chồng mới xem cuộc kết hợp của họ hoàn toàn được chấp nhận bởi cộng đoàn Giáo Hội. Nghi thức của các cuộc hôn nhân thứ hai cũng được áp dụng trong trường hợp vợ chồng vẫn ở góa.

Đặc tính không bí tích của các cuộc hôn nhân thứ hai tìm thấy sự xác nhận trong sự kiện rằng việc rước lễ đã biến mất khỏi các nghi thức hôn phối Byzantin và nó đã được thay thế bởi chén rượu, vốn được xem như là một biểu tượng của đời  sống chung. Điều đó có vẻ như là một mưu toan « phi bí tích hóa » hôn nhân, có lẽ do sự bối rối gia tăng được tạo ra bởi các cuộc hôn nhân lần hai và lần ba, vì sự vi phạm mà chúng tạo nên so với nguyên tắc bất khả phân ly của mối liên hệ, mà trực tiếp tương xứng với bí tích của sự hiệp nhất : Bí tích Thánh Thể.

Về vấn đề này, thần học gia Chính thống giáo Alexandre Schmemann đã viết rằng thực tế là chén rượu, được nâng lên hàng biểu tượng đời sống chung, « làm nổi bật việc phi bí tích hóa hôn nhân, mà chỉ còn là một hạnh phúc tự nhiên. Trong quá khứ, hạnh phúc này được đạt tới bằng việc rước lễ, việc chia sẻ Thánh Thể, dấu ấn tối hậu của việc hoàn thành hôn nhân trong Chúa Giêsu-Kitô. Chúa Kitô phải là yếu tính đích thực của đời sống  chung ». Làm thế nào « yếu tính » này có thể được duy trì ?

Bởi thế đây là một « sự lẫn lộn » vốn có thể được quy trách, trong thế giới Công giáo, cho mối quan tâm không  vững hay không có  mà học thuyết này gợi lên, điều vốn đã có kết quả là việc phát triển quan điểm, hay chính xác là lạc giáo, theo đó thánh lễ mà không có rước lễ là không thành sự. Mọi bận tâm liên quan đến việc rước lễ dành cho những người ly dị tái hôn, vốn không quan hệ gì với quan niệm và thực hành của Đông phương, là một hệ quả của điểm này.

Về điều này, cách nay chừng mười năm, khi tôi cộng tác vào việc chuẩn bị Thượng hội  đồng về bí tích Thánh Thể, Thượng hội đồng mà tiếp đến tôi đã tham dự với  tư cách là  chuyên viên vào năm 2005, thì « quan điểm » này đã được xúc tiến bởi ĐHY Claudio Hummes, thành viên của hội đồng thư ký của Thượng hội đồng. Theo lời mời của ĐHY Jan Peter Schotte, lúc đó là Tổng thư ký, tôi đã phải nhắc lại cho ĐHY Hummes rằng các dự tòng và hối nhân – trong số đó đã có những người hai vợ/hai chồng – ở những mức độ sám hối khác nhau, tham dự vào việc cử hành Thánh lễ hay các phần của Thánh lễ, mà không lên rước lễ.

« Quan điểm » sai lầm này ngày nay rất được phổ biến nơi các giáo sĩ và giáo dân. Chính vì thế, như Đức Joseph Ratzinger nhận xét : « Cần phải ý thức lại cách rõ ràng hơn nhiều về sự kiện rằng việc cử hành Thánh lễ không thiếu giá trị đối với những ai không rước lễ. […] Vì Thánh lễ không phải là một bàn tiệc nghi thức, nhưng là lời nguyện cộng đoàn của Giáo Hội, trong đó Chúa cầu nguyện với chúng ta và liên kết với chúng ta, nên Thánh lễ vẫn là điều quý giá và cao cả, một ân huệ đích thực, cho dầu chúng ta không thể rước lễ. Nếu chúng ta khám phá lại một sự hiểu biết tốt nhất về sự kiện này và nếu chúng ta nhận thức chính Thánh lễ như thế cách đúng đắn hơn, thì có nhiều vấn đề mục vụ, chẳng hạn như vấn đề hoàn cảnh của những người ly dị tái hôn, sẽ tự động mất đi phần lớn những gánh nặng của chúng ».

Những gì vừa được mô tả là một hệ quả của sự chênh lệch và thậm chí là đối lập giữa tín điều và phụng vụ. Thánh Phaolô Tông đồ đã đòi hỏi những ai muốn rước lễ phải tự xét mình, để không ăn và uống sự kết án của họ (1Cr 11,29). Điều đó có nghĩa : « Người nào muốn Kitô giáo chỉ là một lời loan báo hạnh phúc, trong đó người ấy không có sự răn đe phán xét, thì đang xuyên tạc nó ».

Chúng ta tự hỏi làm thế nào chúng ta đạt tới điểm này. Các tác giả khác nhau, trong suốt hậu bán thế kỷ vừa qua, đã chủ trương – Đức Ratzinger nhắc lại – lý thuyết vốn « làm phát sinh Thánh thể – cách ít nhiều cố chấp – từ những bữa ăn mà Chúa Giêsu thực hiện với người tội lỗi. […] Nhưng từ lý thuyết này, tiếp đến người ta đi tới một ý tưởng về Thánh thể vốn không có gì giống với thói quen của Giáo Hội sơ khai ». Đang khi thánh Phaolô  bảo vệ, bằng việc nại đến vạ tuyệt thông, việc rước lễ khỏi sự lạm dụng có thể có (1Cr 16,22), thì lý thuyết trên đây đề nghị « như là yếu tính của Thánh thể rằng Thánh thể cần được ban cho mọi người mà không có sự phân biệt nào và không có điều kiện tiên quyết nào, […] ngay cả cho các tội nhân, hay còn hơn nữa, cho những người vô tín ».

Không, Đức Ratzinger viết tiếp : từ ban đầu, Thánh Thể được hiểu như là một bữa ăn được dùng không phải với người tội lỗi, nhưng với những ai đã được giao hòa với nhau : « Đối với Thánh Thể, cũng có, từ ban đầu, những điều kiện đón nhận được xác định rõ ràng […] và theo cách này Thánh Thể xây dựng Giáo Hội ».

Do đó, Thánh Thể vẫn là « bàn tiệc của những người được giao hòa », những gì mà phụng vụ Byzantin nhắc lại, vào lúc rước lễ, bằng lời mời « Sancta sanctis », những sự thánh thiện cho những người thánh thiện.

Nhưng, bất chấp điều đó, lý thuyết theo đó một thánh lễ không có  rước lễ là không thành sự tiếp tục ảnh hưởng đến phụng vụ hiện hành.

Nicola Bux

Tý Linh chuyển ngữ

Nguồn: Sandro Magister

——–

Nicola Bux là chuyên viên phụng vụ và là giảng sư tại phân khoa thần học Bari. Ngài cũng là cố vấn của Bộ Phụng Tự.

Bản văn này của Nicola Bux được rút ra từ lời bạt mà ngài đã viết cho cuốn sách mới nhất sắp sửa xuất bản của Antonio Livi, thần học gia và là triết gia của Đại Học Giáo Hoàng Latran :

A. Livi, Dogma e liturgia. Istruzioni dottrinali e norme pastorali sul culto eucaristico e sulla riforma liturgica promossa dal Vaticano II, Casa Editrice Leonardo da Vinci, Rome, 2014.

 

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31