GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VÀ VẤN ĐỀ DI CƯ (*)

Written by xbvn on Tháng Tư 1st, 2021. Posted in Học thuyết xã hội, Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Tý Linh

Nếu có một vấn đề mà thế giới Công giáo – các Đức Giáo hoàng, các cấp Tòa Thánh, các Hội đồng Giám mục, các phong trào giáo dân – đã lên tiếng một cách mạnh mẽ từ vài thập niên qua, đó là vấn đề di cư. Điều đó được giải thích bởi cả tầm quan trọng được tác động bởi hiện tượng (thế nhưng cần tương đối hóa : 250 triệu người di cư – những người đang sống cách lâu dài trong một đất nước không phải nơi họ sinh ra – con số này chỉ chiếm 3,3% dân số thế giới) và bởi cường độ các cuộc tranh luận chính trị và xã hội mà nó khơi dậy nơi nhiều nước đón tiếp, những cuộc tranh luận trong đó các Kitô hữu hiện diện rất nhiều.

Sự quan tâm của thẩm quyền Công giáo đối với người di cư không phải mới đây. Vào cuối thế kỷ XIX, chủ yếu là những lý do mục vụ : đó là chăm lo làm sao để người di cư Công giáo có thể tiếp tục, nơi đất nước họ đến, sống và thông truyền đức tin của mình, đặc biệt nhờ sự đồng hành của các linh mục và nữ tu nói ngôn ngữ của họ. Việc thành lập hai dòng tu (một dòng nam, một dòng nữ) hoàn toàn dành riêng cho việc đồng hành mục vụ người di cư Ý trên thế giới, bởi một Giám mục người Ý, Đức cha Jean-Baptiste Scalabrini, vào năm 1887 và 1895, chứng tỏ mối quan tâm này. Mục tiêu sau đó được phổ biến cho toàn thể người di cư, không phân biệt nguồn gốc hay tôn giáo. Theo sáng kiến của vị tiên phong này, được gọi là « cha của người di cư », được phong chân phước vào năm 1997, vào năm 1905, Vatican đã thành lập một « Văn phòng chăm sóc thiêng liêng cho người di cư », tiền thân của « Hội đồng Tòa Thánh chăm sóc mục vụ cho người di cư và người đi lại » hiện nay. Vào năm 1914, Đức Bênêđíctô XV đã thiết lập « Ngày thế giới di dân và tỵ nạn », ngày mà ban đầu do mỗi giáo phận tự do chọn lựa, rồi được ấn định từ năm 2004 vào Chúa Nhật thứ ba của tháng Giêng. Mỗi năm, nhân dịp ngày này, các Đức Giáo hoàng công bố một sứ điệp bàn về một khía cạnh của vấn đề di cư (mục vụ, thiêng liêng hay đạo đức), cũng bao gồm những khai triển về các khía cạnh xã hội, thậm chí cả chính trị của nó.

Ba văn kiện quan trọng của Rôma, từ giữa thế kỷ XX, đã khai triển những đề nghị mục vụ đối với người di cư : Exsul familia vào năm 1952, Pastoralis migratorum cura vào năm 1969 và Erga migrantes caritas Christi vào năm 2004. Toàn bộ các bản văn này làm nên nguồn chính yếu, dĩ nhiên cùng với Hiến chế Gaudium et spes và các thông điệp xã hội, cho việc nghiên cứu giáo huấn xã hội Công giáo về những vấn đề liên quan đến di cư, lưu vong và các điều kiện « sống chung ».

Những vấn đề được đề cập trong giáo huấn này có thể được phân chia thành 4 lãnh vực chính : 1) hiện tượng di cư ; 2) những nguyên tắc chi phối quyền di cư và quy định của các Nhà nước : 3) những khuyến cáo về việc « sống chung » ; 4) một vài điểm quan tâm cụ thể.

Hiện tượng di cư

Việc di cư phân bố con người trên trái đất

Sự kiện di cư là đối tượng của những nhận định trái ngược nhau theo thời gian. Khi Đức Piô XII đề cập chủ đề này, rõ ràng ngài nghĩ đến các cuộc di chuyển dân số to lớn vốn đã chứng kiến, vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, rất nhiều người di cư Châu Âu rời bỏ châu lục của mình để đến cư ngụ nơi những mảnh đất xa xôi ít dân cư hơn. Đối với ngài, hiện tượng này là rất tích cực. Vì thế, trong Sứ điệp ngày lễ Hiện Xuống (6/1944) của mình, Đức Giáo hoàng đã vui mừng khi thấy đạt được điều mà ngài gọi là « mục đích tự nhiên của di cư », tức là « một sự phân phối con người tốt hơn trên mặt trái đất thích hợp cho việc khai thác nông nghiệp ». Hiện tượng này có lợi cho tất cả mọi người, nếu một số điều kiện được hội đủ : « Các gia đình sẽ nhận một mảnh đất mà đối với họ sẽ là mảnh đất cha ông, quê hương theo nghĩa đích thực của từ này; các vùng đất đông dân cư sẽ được nhẹ gánh và các dân tộc của họ sẽ được tạo nên bởi những người bạn mới nơi lãnh thổ nước ngoài ; sau cùng, các Nhà nước tiếp nhận người di cư sẽ được giàu có lên nơi những công dân chăm chỉ. Như thế các quốc gia cho và các Nhà nước nhận sẽ đua nhau đóng góp vào sự gia tăng phúc lợi của con người và vào sự tiến bộ của văn minh nhân loại ». Vào năm 1952, trong « Exsul familia », lấy lại ý tưởng rằng việc di cư có « mục đích tự nhiên » thực hiện « sự phân phối con người cách thuận lợi nhất trên mặt trái đất được canh tác », cũng chính Đức Piô XII nói thêm : « Bề mặt mà Thiên Chúa đã tạo dựng và chuẩn bị cho mọi người hưởng dùng này ». Kiểu nói này rõ ràng ám chỉ đến nguyên tắc « mục đích phổ quát của của cải » (xem mục này). Do đó, Giáo hội coi người di cư như là tiếp tục chuyển động mà nhân loại, từ nguyên thủy của mình, đã được lan rộng trên toàn thể mặt hành tinh, do đó thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa là làm cho « của cải của công trình tạo dựng chảy vào tay của mọi người » (Gaudium et spes, 69, 1).

« Sự xấu cần thiết »

Cái nhìn lạc quan mà các văn kiện này thể hiện là hơi muộn so với thực tế lịch sử : tiếp theo những cuộc định cư mà Đức Piô XII nghĩ là những cuộc di cư nhân công mà, quan trọng ở Pháp từ những năm 1920, sẽ là đặc điểm của những năm được gọi là « ba mươi năm vinh quang » (1945-75). Việc di cư không còn cung cấp lao động nông nghiệp cho những vùng đất bỏ hoang, nhưng chủ yếu là lao động phổ thông cho các nhà máy và công trường của thế giới công nghiệp hóa. Ghi nhận những điều kiện thường phi nhân trong đó những công nhân di cư này sống và làm việc, Giáo hội sẽ thay đổi cách rõ nét hơn nhận định lạc quan của mình : như ta sẽ thấy, trong khi tiếp tục bảo vệ quyền của mọi người di cư cách tự do, thì Giáo hội nhắc lại rằng có một quyền còn căn bản hơn nữa, « quyền không phải di cư ». Lời nhắc nhở này đặc biệt có giá trị đối với « hiện tượng tỵ nạn chính trị », mà Đức Gioan XXIII đã bày tỏ « cách buồn bã », vào năm 1963 trong thông điệp « Pacem in terris », rằng nó ở mức rộng lớn (PT 103), nhưng còn đối với những cuộc di cư nói chung, mà các Nghị Phụ của Công đồng cho là « cần thiết cho các nền kinh tế tiến triển », dù ghi nhận rằng người di cư và gia đình của họ sống trong « những điều kiện sống thiếu ổn định và bấp bênh » cần phải được sửa chữa (Gaudium et spes, 66,2).

Vào năm 1981, trong thông điệp của mình về lao động, Đức Gioan Phaolô II đã trình bày một cái nhìn rất khác với cái nhìn của Đức Piô XII về sự kiện di cư : ngài coi đó là một « sự xấu cần thiết ». Việc di cư của một công nhân « nói chung là một mất mát cho đất nước mà từ đó người ta di cư. Đó là sự xa rời của một người mà đồng thời cũng là một thành viên của một cộng đồng lớn được thống nhất bởi lịch sử, truyền thống, văn hóa của mình, và bắt đầu lại một cuộc sống ở một xã hội khác, được thống nhất bởi một nền văn hóa khác và cũng rất thường bởi một ngôn ngữ khác… Tuy nhiên, cho dầu việc di cư dưới một số khía cạnh nào đó là một điều xấu, thì sự xấu này, trong những hoàn cảnh nhất định, là những gì mà người ta gọi là một sự xấu cần thiết » (Laborem exercens, 23).

Di cư, triệu chứng của sự mất cân bằng của thế giới

Thành ngữ « sự xấu cần thiết » có thể đặc trưng cho cái nhìn về sự kiện di cư toàn cầu lộ rõ nơi các bản văn gần đây của Giáo hội. Đó là một « sự xấu », vì « sống ở quê hương của mình là một quyền cơ bản của con người », Đức Gioan Phaolô II nhắc nhớ, nhưng là một sự xấu « cần thiết » bao lâu những nhân tố thúc đẩy người ta phải lưu vong vẫn còn : « Những cuộc xung đột nội bộ, những cuộc chiến tranh, những hệ thống cai trị, sự phân phối bất công các tài nguyên kinh tế, chính sách nông thôn không thích đáng, nền công nghiệp hóa phi lý, nạn tham nhũng lan tràn » (Diễn văn cho Hội nghị về chăm sóc mục vụ cho người di dân và tỵ nạn, 9/10/1998). Những nhân tố này từ nay sẽ  được đề cập trong nhiều tuyên bố của Giáo hội về sự kiện di cư, được trình bày như là một hệ quả của sự rối loạn chức năng của các xã hội và thế giới của chúng ta : sự kém phát triển, những bất công trong  mối tương quan Nam-Bắc, sự quản trị tồi, nạn tham nhũng, những vi phạm nhân quyền, chiến tranh….

Đối với Đức Bênêđíctô XVI, sự kiện di cư là một thực tại phức tạp và có tính đôi ngả. Trong Caritas in veritate, ngài coi là « kịch tính » những thách đố mà hiện tượng này đặt ra cho các cộng đồng quốc gia và cộng động quốc tế (CV, 62), lưu ý rằng làn sóng di cư đi kèm theo một « sức nặng đau khổ, bất an » và các công nhân nước ngoài biết những khó khăn gắn liền với sự hội nhập của họ. Nhưng ngài cũng cho thấy rằng những làn sóng này thể hiện « những khát vọng » và các công nhân này « mang lại, qua lao động của họ, một sự đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế của đất nước đón tiếp, nhưng còn cho cả đất nước nguyên quán của họ bằng việc gởi tiền về ».

Về phần Đức Phanxicô, ngài mời gọi xem hiện tượng di cư như là một « dấu chỉ thời đại », một dấu chỉ « nói lên công trình quan phòng của Thiên Chúa trong lịch sử và trong cộng đồng nhân loại nhằm hướng tới sự hiệp thông phổ quát » (Sứ điệp ngày thế giới di dân và tỵ nạn, 15/1/2017). Nhưng ngài không ngừng nhấn mạnh « những thảm kịch và những bi kịch của các cuộc di cư, cũng như những khó khăn gắn liền với việc đón tiếp những người này cách xứng đáng ». Ngài đặc biệt lấy làm tiếc sự thiếu tình liên đới của các vị hữu trách chính trị của các nước nơi mà những người di cư này đến, đặc biệt là những người xin tỵ nạn để trốn những cuộc chiến tranh và những cuộc bắt bớ. Khi các chính sách đóng cửa gây ra cái chết của hàng ngàn người này, ngài đã cho thấy sự phẫn nộ của mình trước « việc toàn cầu hóa sự dửng dưng » (bài giảng ở Lampedusa, tháng 7/2013) và khuấy động một cuộc nổi dậy đạo đức bằng một số cử chỉ hùng hồn.

Quyền di cư và quy định của các Nhà nước

Để trình bày những gì mà giáo huấn xã hội Công giáo nói về quyền di cư và những bổn phận của các Nhà nước và các xã hội đối với người di cư, và của người di cư đối với các nước đón tiếp, cần phân biệt – dù sự phân biệt này càng ngày càng được tranh cãi bởi nhiều chuyên gia (1) – trường hợp chung với các trường hợp mà việc đón tiếp phải vô điều kiện, bởi vì đó là một vấn đề sống còn.

Di cư bó buộc

Ở những nơi bất an (chiến tranh, bắt bớ) hay khốn cùng, vấn đề di cư không phải là để sống tốt hơn, nhưng đơn giản là để sống sót. Lúc đó, người ta nói đến « di cư bó buộc ». Về những trường hợp như vậy, truyền thống Kitô giáo là rất rõ ràng : nhân danh mệnh lệnh luân lý chính yếu là việc bảo vệ sự sống, những người này phải được đón tiếp ở nơi mà sự sống của họ sẽ không còn nguy hiểm nữa. Việc đón tiếp này không phải là một ân huệ, đó là một quyền.

Đối với các nước giàu có và hòa bình, quyền này tạo nên một bổn phận đón tiếp, như được diễn tả trong số 2241 của sách Giáo lý Giáo hội Công giáo : «Những quốc gia giàu hơn có bổn phận đón nhận theo khả năng, những người nước ngoài đến tìm kiếm an ninh và nguồn lực sinh tồn (ressources vitales ) mà họ không có được nơi chính quê hương họ. » 

Kiểu nói « tìm kiếm an ninh » đặt luân lý xã hội Công giáo hoàn toàn hài hòa với luật quốc tế : đó là « quyền tỵ nạn », như được trình bày trong Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền (khoản 14), được nêu rõ trong Công ước Genève tháng 7/1951 và được phổ biến cho toàn hành tinh vào năm 1967. Trái lại, kiểu nói « tìm kiếm nguồn lực sinh tồn mà họ không có được nơi chính quê hương họ» mô tả một hoàn cảnh mà luật quốc tế im lặng. Tuy nhiên, Giáo hội cho rằng quyền được đón tiếp cũng tồn tại đối với những người di cư như thế, bởi vì đó là những nguồn lực « sinh tồn » (tức là cần thiết cho sự sống) mà họ đi tìm kiếm ở nơi khác hơn là ở đất nước nguyên quán của họ. Một Kitô hữu không thể dựa vào sự thinh lặng pháp lý để chối bỏ bổn phận đạo đức : giúp thoát khỏi nguy cơ tử vong những người mà sự sống của họ đang bị đe dọa bởi những mối nguy hiểm không được đề cập trong các công ước quốc tế.

Nền tảng của bổn phận này không phải là pháp lý, nhưng là thần học : đó là sự áp dụng nguyên tắc « mục đích phổ quát của của cải » (xem mục này), theo đó Thiên Chúa muốn mọi người tìm được trên trái đất những gì để sống , và những gì để sống xứng phẩm giá. « Những nguồn lực sinh tồn » này, nếu chúng thiếu ở nơi họ đang sống, thì họ có quyền tìm kiếm chúng ở nơi khác. Trong trường hợp như thế, người ta không thể viện dẫn chủ quyền quốc gia – mà học thuyết Công giáo mời  gọi tôn trọng trong trường hợp chung – vì, như Đức cha Luis Morales Reyes, chủ tịch Hội đồng Giám mục Mêxicô, viết : «Sự ban tặng trái đất cho con người, vận mệnh phổ quát của của cải bởi mong ước của Đấng Tạo Hóa và tình liên đới nhân loại đi trước mọi luật pháp của các Nhà nước …. Các Nhà nước và luật lệ hợp pháp của họ bảo vệ biên giới sẽ luôn là một quyền đến sau và thứ yếu đối với quyền của con người và các gia đình được sinh sống » (2).

Như thế, khi đặt trên cùng bình diện hai lý do di cư bắt buộc (« tìm kiếm an ninh » và tìm kiếm « nguồn lực sinh tồn »), số 2241 của sách Giáo lý chung xem chúng như là tương đương đối với « bổn phận đón tiếp » mà chúng tạo nên. Các văn kiện Rôma không đi đến chỗ đề nghị cung cấp cho sự tương đương này một thể hiện pháp lý – điều này sẽ đòi hỏi mở rộng định nghĩa chính thức về « người tỵ nạn » – nhưng Hội đồng Giám mục Đức đã thấy hợp lý khi đưa ra vấn đề này : « Số người không tuân thủ các quy định của các công ước quốc tế về việc bảo vệ người tỵ nạn không ngừng gia tăng. Thật cấp bách lưu tâm đến sự thay đổi các nguyên nhân trốn tránh…Việc bảo vệ người tỵ nạn, được chuẩn hóa theo luật pháp quốc tế, cần thiết phải mở rộng, … bên cạnh sự bắt bớ chính trị, mà quyền tỵ nạn bàn tới, có rất nhiều nguyên nhân ra đi mà cần phải được xem xét cách nghiêm túc » (La Documentation catholique, 7/5/1995, tr. 453). Vấn đề vẫn sẽ được đặt ra một lần nữa, đặc biệt do sự nổi lên nhanh chóng của một nguyên nhân lưu vong bắt buộc mới, mà luật không nói gì : những hậu quả của sự biến đổi khí hậu.

Việc hạn chế « hết sức có thể » phải được lưu tâm, nhân danh một đạo đức trách nhiệm, theo đó « không ai bị ràng buộc vào điều bất khả ». Thế nhưng, chúng ta hãy ghi nhận rằng nó chỉ miễn cho một « quốc gia được ưu đãi tốt hơn » khỏi bổn phận đón tiếp này trong những trường hợp mà một sự đón tiếp như thế là thật sự bất khả.  Quốc gia đó không thể viện dẫn nó để từ chối một sự đón tiếp được coi như là không đúng lúc, gây phiền toái hay quá tốn kém, nhưng thực sự không « bất khả ».

Trường hợp chung

Khi không phải là vấn đề di cư bó buộc, lập trường trong các văn kiện của Giáo hội, cả Rôma lẫn quốc gia, có thể được tóm tắt như sau : các Nhà nước, với tư cách là những người đảm bảo « công ích », có quyền điều chỉnh việc tiếp cận lãnh thổ của họ, nhưng chỉ là một ngoại lệ với nguyên tắc chung là quyền tự do di cư. « Mọi người đều có quyền…, với những lý do chấp nhận được, được ra nước ngoài và định cư ở đó », Đức Gioan XXIII khẳng định và đồng thời nêu rõ rằng đó là một « quyền gắn liền với nhân vị » (Pacem in terris, số 25 và 106). Lập trường tương tự nơi Đức Phaolô VI : luật chung, đó là quyền tự do di cư và nhập cư, vì đó là một « quyền của nhân vị » mà các cơ quan công quyền có bổn phận tôn trọng. Các Nhà nước chỉ có thể giới hạn quyền tự do này, bằng cách hạn chế việc nhập cảnh vào lãnh thổ của họ, nếu điều đó « được đòi hỏi bởi những lý do nghiêm trọng và có cơ sở khách quan, liên quan đến công ích » (Pastoralis migratorum cura, La Documentation catholique, 1970, n°1555, tr 58-72).

Các cuộc tranh luận mà đã được khải triển, đặc biệt từ hai mươi năm qua, giữa thẩm quyền Giáo hội và công quyền xoay quanh mối tương quan giữa luật chung và luật trừ này : điều vốn phải là một luật trừ chẳng phải đã trở thành thực hành chung ? Những lý do được đưa ra để hạn chế việc đón tiếp người di cư mới phải chăng thực sự thuộc về « những lý do nghiêm trọng và có cơ sở khách quan » ? Các vị hữu trách các Giáo hội cho rằng các chính sách di cư ít được gợi hứng bởi mục tiêu « công ích » hơn là bởi ý muốn thỏa mãn những lợi ích của một nhóm người hay vuốt ve các ý thức hệ (chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa dân túy, não trạng bản sắc hay những ý thức hệ khác).

Thêm vào đó là một sự khác biệt trong cách giải thích về chính khái niệm « công ích » : đó là « công ích » của một nước riêng biệt, hay công ích của gia đình nhân loại ? Việc tham chiếu đến « lợi ích quốc gia » chắc chắn không có gì không chính đáng, nhưng người ta ghi nhận rằng, từ Công đồng, thành ngữ « công ích » hầu như không được sử dụng mà không có tính từ « phổ quát » kèm vào. Chắc chắn, điều đó không làm vô hiệu bổn phận, đối với các vị hữu trách chính trị của một nước, tìm kiếm công ích của cộng đồng chính trị mà họ có trách nhiệm trực tiếp ; nhưng điều đó nghiêm cấm coi lợi ích của một nước riêng biệt như là tiêu chí quyết định duy nhất và tối hậu : khi « công ích quốc gia » và « công ích phổ quát » không trùng nhau, thì chính công ích phổ quát phải thắng thế, như Đức Gioan Phaolô II đã nói cách rõ ràng trong sứ điệp ngày 1/1/2000 : « Việc theo đuổi công ích của một cộng đồng chính trị riêng biệt không thể đối lập với công ích của nhân loại ». Đức Bênêđíctô XVI lặp lại điều này theo cách của ngài, có tính thần học hơn : « Trong một xã hội đang trong quá trình toàn cầu hóa, công ích và sự dấn thân cho công ích phải đảm bảo các chiều kích của toàn thể gia đình nhân loại, tức là của cộng đồng các dân tộc và quốc gia, đến độ mang lại hình thức hiệp nhất và hòa bình cho thành đô con người, và,  cách nào đó, biến nó thành hình ảnh tiên báo cho thành đô không biên giới của Thiên Chúa » (Caritas in veritate, số 7). Xem xét cách nghiêm túc một giáo huấn như vậy, trong nhiều trường hợp, đó là được dẫn đến phản đối các chính sách di cự hiện nay của nhiều Nhà nước.

Chắc chắn, Giáo huấn xã hội của Giáo hội không phản đối mọi quy định về các phong trào di cư ; theo nghĩa này, nó ít triệt để hơn những người bênh vực một quyền tự do đi lại hoàn toàn, không biết đến các biên giới (3). Nhưng sự quy định này, theo Giáo hội Công giáo, không được để mặc cho thiện chí duy nhất của mỗi Nhà nước : vì hiện tượng di cư đã trở thành toàn cầu, nên sẽ là phù hợp khi một sự thương lượng được thực hiện trên quy mô hành tinh sẽ thiết lập một vài quy định bằng cách quan tâm đến công ích phổ quát nhất. Vì, như Đức Bênêđíctô XVI nhận xét một cách sáng suốt, « không một đất nước nào có thể nghĩ là có thể đối mặt một mình với những vấn đề di cư của thời đại chúng ta » (CV, 62). Quả thế, đó là một « hiện tượng xã hội đặc trưng của thời đại chúng ta, vốn đòi hỏi một chính sách hợp tác quốc tế mạnh mẽ và sáng suốt về lâu dài để được quan tâm cách thích đáng ». Đó là lý do tại sao vị Giáo hoàng này mời gọi khai triển một chính sách như thế « bằng cách khởi đi từ một sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước nguyên quán của người di cư và các nước mà họ đến ;  nó phải đi kèm những chuẩn mực quốc tế và các quyền của con người và các gia đình di cư và, đồng thời, quyền của các xã hội nơi mà những người di cư này đến » (CV, 62).

Một « sự quản trị toàn cầu về di cư » như thế, Giáo hội không phải là người duy nhất khuyên làm ; các chuyên gia và các nhà ngoại giao khác nhau cũng suy nghĩ về điều này, dựa trên những cân nhắc rất thực dụng (4). Đức Phanxicô cũng đi theo hướng này, qua tiếng nói của Đức cha Jurkovic, đại diện Tòa Thánh tại các tổ chức quốc tế ở Genève, tuyến bố, ngày 8/5/2017, dịp phát biểu về một « Hiệp ước toàn cầu cho một sự di cư an toàn, trật tự và hợp thức » : « cách duy nhất để thành công trong việc cải tiến việc quản trị toàn cầu về di cư là tạo nên một Hiệp ước toàn cầu lâu dài…. Kết quả của các cuộc thương lượng về Hiệp ước này sẽ thực sự là bảng trắc nghiệp quyết định cho tình huynh đệ và tình liên đới giữa gia đình của các quốc gia vượt qua những chia rẽ chính trị hay những biên giới địa lý ».

Giáo hội cũng chất vấn về sự mâu thuẫn lạ lùng của Luật quốc tế về vấn đề này : quyền rời khỏi nước mình – di cư – mà một « quyền của con người », được nhìn nhận bởi khoản 13 của Tuyên ngôn phổ quát về Nhân quyền năm 1948, đang khi hệ quả lô-gíc của nó, quyền được đón tiếp nơi một nước khác – nhập cư – , lại không được đề cập trong Tuyên ngôn nói trên và được giao phó cho chỉ thiện chí của các Nhà nước. Do đó, trong sứ điệp năm 1996 cho ngày di dân, Đức Gioan Phaolô II đã chất vấn « về giá trị của quyền di cư mà không có một quyền tương ứng với nhập cư » ; ta có thể nghĩ rằng công thức này thể hiện ước muốn của ngài rằng một ngày nào đó Luật quốc tế sẽ tiến triển về vấn đề này.

Những khuyến cáo cho việc « sống chung »

Các văn kiện đương đại của diễn từ xã hội Công giáo không chỉ bàn về những vấn đề liên quan đến việc di chuyển và việc đón tiếp con người, nhưng còn về những gì mà người ta có thói quen gọi là « hội nhập » : làm thế nào các dân cư có đặc điểm là sự đang dạng văn hóa và tôn giáo mạnh mẽ có thể sống chúng ? Về chủ đề này, liên quan đến cả những người di cư theo nghĩa chặt (và con cháu của họ) và xã hội mà họ đã định cư và bám rễ, có hai lập trường cực đoan lập tức bị loại bỏ vì không phù hợp với tình huynh đệ Kitô giáo và với mục đích hòa bình xã hội : sự đồng hóa và sự phân biệt sắc tộc. Bản văn rõ ràng nhất về điểm này là của Đức Gioan Phaolô II, vào năm 2005, ngay trước khi ngài qua đời : « Trong các xã hội của chúng ta bị ảnh hưởng bởi hiện tượng di cư toàn cầu, cần thiết là phải tìm kiếm một sự quân bình đúng đắn giữa việc tôn trọng căn tính riêng của mình và việc nhìn nhận căn tính của người khác. Quả thế, cần phải nhìn nhận tính đa nguyên chính đáng của các nền văn hóa hiện diện trong một nước, giữ gìn việc bảo vệ trật tự mà hòa bình xã hội và tự do của các công dân tùy thuộc vào. Quả thế, chúng ta phải loại trừ các mô hình dựa trên sự đồng hóa, có khuynh hướng biến người khác thành một bản sao của chính mình, cũng như các mô hình đẩy người nhập cư ra bên lề xã hội, bao gồm những thái độ có thể đi đến chỗ chọn lựa sự phân biệt sắc tộc. Con đường phải theo là sự hội nhập đích thực trong một viễn cảnh cởi mở, khước từ việc chỉ xem xét những sự khác biệt giữa người nhập cư và dân cư địa phương » (Sứ điệp cho Ngày thế giới di dân và tỵ nạn, 2005).

Cùng một quan điểm được vạch ra bởi Đức Hồng y Vingt-Trois, trong một cuộc họp bàn tròn được tổ chức bởi Trường chính tòa của giáo phận ngài, ngày 14/1/2006 : « Giúp đỡ người nước ngoài có một chỗ tốt hơn trong đất nước chúng ta không phải là  cố gắng biến người ta thành như chúng ta. Đây không phải là « bình thường hóa » họ trong nền văn hóa Pháp như chúng ta hiểu. Một trong những mục tiêu là cho phép họ, không chỉ gìn giữ và vun trồng cội rễ quốc gia và văn hóa của họ, nhưng, đối với một số người trong họ, những người trẻ nhất, khám phá hay tái khám phá nó ».

Việc khước từ rõ ràng mô hình « phân biệt sắc tộc » sẽ không có gì ngạc nhiên. Trái lại, các Kitô hữu có thể ngạc nhiên khi thấy mình không đồng thuận với Đức Giáo hoàng và các Giám mục của mình về việc lên án mô hình « đồng hóa », vì lẽ gần đây nó đã tìm lại được, ít ra là ở Pháp, sự ủng hộ của một số trào lưu chính trị, vì những lý do ngược lại : cánh hữu nhân danh việc bảo vệ « căn tính quốc gia », cánh tả nhân danh việc bảo vệ tính thế tục và « mô hình cộng hòa »…. Lập trường này không dựa trên lý do ý thức hệ, nhưng thần học : Giáo hội nhớ rằng mình được sinh ra vào ngày lễ Hiện Xuống, khi chính Tin Mừng, được đề nghị cho mọi người, không phân biệt kỳ thị, đã được lắng nghe bởi mỗi người trong ngôn ngữ của mình (Cv 2, 6). Do đó, Giáo hội, từ lúc khai sinh, là phổ quát (công giáo), nhưng một tính phổ quát tương thích với sự đa dạng :  các Kitô hữu không nhận thấy sự khác biệt như là chướng ngại cho sự hiệp thông, nhưng như là sự phong phú cần chia sẻ. Chính bằng những từ ngữ này mà Đức Phanxicô biện hộ cho « quyền được hội nhập » : « Chúng ta không được sợ hãi sự khác biệt ! Tình huynh đệ giúp cho chúng ta khám phá ra rằng nó là sự phong phú, một quà tặng cho mọi người ! Chúng ta hãy sống tình huynh đệ ! »

Quan niệm về tình phổ quát này, khá khác với quan niệm của truyền thống cộng hòa Pháp, giải thích tại sao các vị hữu trách của các Giáo hội Kitô đã không che giấu sự dè dặt của mình đối với luật năm 2005 về màn che mặt, cũng như những cảnh giác của các ngài chống lại chứng sợ Hồi giáo trên toàn cầu, thậm chí bắt đầu xâm chiếm cả môi trường Kitô giáo. Các cô gái Hồi giáo trẻ tuổi mang màn che mặt, không thể được theo học ở các trường của nền Cộng hòa, đều được đón tiếp tại các trường Công giáo.

Thế nhưng, cần lưu ý rằng việc hội nhập mà Giáo hội đề nghị chắc chắn giả thiết rằng sự khác biệt phải được xem như là sự phong phú hơn là chướng ngại, nhưng còn giả thiết rằng sự khác biệt này không được đánh giá cao quá mức đến độ quên đi sự tương đồng thiết yếu giữa tất cả mọi người. Nếu Giáo hội khước từ không hùa theo một số đả kích quá đơn giản chống lại « chủ thuyết cộng đồng » (một khái niệm phức tạp hơn nhiều những gì người ta nói), thì Giáo hội cũng khước từ như thế cái nhìn của « các cộng đồng » vốn không để cho mình được sửa đổi bởi tất cả những gì mà việc « sống chung » mang lại, về mặt các giá trị, văn hóa, lối sống…. Điều này đặc biệt được chứng thực trong các chỉ dẫn mục vụ của Giáo hội đối với người Công giáo đến từ các nước khác : nếu họ được phép, thậm chí được khuyến khích, họp thành « cộng đoàn » để càu nguyện trong ngôn ngữ của họ và theo phong tục của họ, thì đó là luôn với điều kiện rằng các cộng đồng như thế phải sống trong mối liên hệ chặt chẽ với các Kitô hữu khác, và trong viễn cảnh của sự hội nhập dần dần vào cộng đồng Kitô hữu địa phương : mục tiêu là làm sao để sự khác biệt của người Công giáo đến từ nơi khác được sống không phải « bên cạnh » Giáo hội địa phương, nhưng giữa lòng Giáo hội này. Chính viễn cảnh này thúc đẩy, nơi một nước như Pháp, sứ mạng đồng hành với các cộng đồng được Hội đồng Giám mục giao phó cho Ủy ban quốc gia Mục vụ di dân (http://www.eglisemigrations.org/).

Các trào lưu mà, như các thẩm quyền của Giáo hội, đề nghị con đường hội nhập không được tham vọng rằng mọi sự khác biệt đều có thể chấp nhận được : cần phải phân định giữa sự khác biệt tương thích với việc « sống chung » và sự khác biệt mà không tương thích. Trong việc thực thi một sự phân định như thế, thật chính đáng khi tất cả các Kitô hữu không có cùng sự nhạy cảm và điều đó được thể hiện qua những sự bất đồng. Giáo hội cũng nhắc lại rằng sự hội nhập đích thực đòi hỏi nỗ lực điều chỉnh phải là hỗ tương : « Vì công ích, chính quyền có thể quy định một số điều kiện pháp lý cho quyền nhập cư, nhất là đòi hỏi các người di cư phải tôn trọng các bổn phận đối với quốc gia tiếp nhận họ… » (GLGHCG, 2241).

Một số điểm lưu ý đặc biệt

Quyền sống trong gia đình

Chúng ta biết sự gắn bó của Giáo hội Công giáo với gia đình. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi Giáo hội đặc biệt chăm lo bảo vệ quyền của mọi người, di cư hay không, được sống trong gia đình. Vào thời điểm mà việc đoàn tụ gia đình vẫn chưa có tầm quan trọng như sau này, Công đồng khuyến khích công quyền, trong Hiến chế Gaudium et spes, “tạo điều kiện cho gia đình họ hiện diện bên cạnh họ” (số 66). Đức Gioan Phaolô II sẽ nhấn mạnh hơn: “Cần phải tránh nại đến việc sử dụng các quy định hành chánh nhằm giảm thiểu  các tiêu chí thuộc về gia đình, và hệ quả là đặt ra ngoài vòng pháp luật, một cách vô căn cớ, những người mà không có luật pháp nào có thể chối bỏ quyền được chung sống trong gia đình” (Sứ điệp năm 1996).  Đó là lý do tại sao các Giáo hội được huy động mạnh mẽ hơn khi việc thực thi quyền đoàn tụ gia đình bị đe dọa. Vì thế, trong cuộc tranh luận về dự luật năm 2006, CECEF (Hội đồng các Giáo hội Kitô ở Pháp) đã công khai bày tỏ, trong thư gởi cho Thủ tướng, những lo ngại mà dự luật này khơi dậy: “Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc tôn trọng quyền sống riêng tư và gia đình. Được dẫn dắt chủ yếu bởi ưu tư tránh sự gian lận, các biện pháp được chứa đựng trong dự luật, nếu được thông qua, sẽ có hậu quả làm suy yếu hay trì hoãn sự đoàn tụ các gia đình nước ngoài hay các cặp vợ chồng hỗn hợp, và khiến toàn bộ gia đình rơi vào tình trạng không chắc chắn lâu dài về khả năng của họ được định cư bền vững ở Pháp” (La Documentation catholique, 21/5/2006, tr. 480). Cùng một sự đồng thuận đại kết đã được biểu lộ vào năm sau đó chống lại dự luật nại đến việc thử AND để xác minh mối liên hệ của con cái người di cư: một biện pháp như thế sẽ thể hiện một định nghĩa hẹp về gia đình, rút lại thành mối liên hệ sinh học, xa lạ với quan niệm Kitô giáo.

Những người di trú không có giấy tờ tùy thân

Hoàn cảnh của người nước ngoài “trong hoàn cảnh cư trú bất hợp pháp” (nói chung được chỉ rõ bằng thành ngữ “những người di trú không có giấy tờ tùy thân”), đối với người Kitô hữu, là một điểm quan tâm khác. Về điểm này nữa, chính Đức Gioan Phaolô II đã diễn tả cách mạnh mẽ nhất: « Giáo hội là nơi mà người nhập cư trong hoàn cảnh bất hợp pháp được nhìn nhận và tiếp nhận như là anh em. Các giáo phận khác nhau có bổn phận vận động để những người này, bị bó buộc phải sống bên ngoài sự bảo vệ của xã hội dân sự, tìm thấy một tình cảm huynh đệ trong cộng đoàn Kitô hữu…. « Ngươi đã làm gì em ngươi ? » (x. St 4, 9-10). Câu trả lời không phải được đưa ra trong những giới hạn do luật pháp áp đặt, nhưng trong quan điểm của tình liên đới » (Sứ điệp của Đức Gioan Phaolô II nhân ngày thế giới di dân năm 1996).

Đối với Đức Phanxicô, “mọi người di cư là một người mà, xét như thế, có những quyền căn bản và bất khả tước bỏ cần phải được tôn trọng bởi mọi người và trong mọi hoàn cảnh….Một quy chế pháp lý bất hợp pháp không thể làm cho người di cư mất đi phẩm giá của mình, vì họ được phú ban những quyền bất khả tước bỏ, mà không thể bị vi phạm hay không biết đến” (Diễn văn cho các tham dự viên tại Diễn đàn quốc tế về di cư và hòa bình, Thành Vatican, 21/2/2017).

Sự phục vụ đầu tiên mà người Kitô hữu được mời gọi làm cho những người này là giúp đỡ họ đạt được việc hợp thức hóa hoàn cảnh của họ, một nhiệm vụ mà nhiều người trong số họ đã đảm nhận cách kiên trì. Nhưng khi khả năng hợp thức hóa, vốn đã quá bị hạn chế trước mắt họ, lại còn có nguy cơ bị hạn chế hơn nữa bởi những biện pháp mới, thì các Giáo hội công khai không bằng lòng. Chúng ta đọc thấy như thế trong bức thư năm 2006 đã được trích dẫn: “Phải chăng chúng ta chỉ có thể đề nghị họ quay trở về đất nước nguyên quán của họ, tự nguyện hay bằng vũ lực? Đối với chúng tôi, điều đó tỏ ra vừa phi thực tế theo quan điểm thực tiễn vừa có vấn đề trên bình diện con người. Do đó, chúng tôi lấy làm tiếc rằng dự luật chỉ chứa đựng những biện pháp vốn sẽ có tác dụng hạn chế hơn nữa khả năng hợp thức hóa những người nước ngoài này”.

Đưa trở về, nhưng với điều kiện nào?

Chúng ta đã thấy rằng Giáo hội nhìn nhận các Nhà nước có quyền kiểm soát việc tiếp cận lãnh thổ của họ (với điều kiện đó là những lý do nghiêm trọng, thuộc về công ích). Vì thế, trên nguyên tắc, Giáo hội không phản đối việc những người trong hoàn cảnh bất hợp pháp này bị đưa trở lại biên giới, nếu đã được xác minh rằng họ không hội đủ tiêu chí để biện minh cho việc hợp thức hóa và họ đã thể có quyền kháng cáo chống lại một quyết định như thế. Nhưng Giáo hội lo ngại về những điều kiện mà những người này bị giam giữ, rồi “bị đưa trở về”. Đức Hồng y Vingt-Trois, trước các Giám mục Pháp nhóm họp tại Lộ Đức, đã tuyên bố vào ngày 1/4/2008: “Một người không đáp ứng các điều kiện đón tiếp trên lãnh thổ của chúng ta không phải vì thế mà ngưng là một nhân vị, một người nam, một người nữ, một trẻ em, mà chúng ta phải tôn trọng và đối xử với phẩm giá. Một người không thể bị giam giữ trong những điều kiện phi nhân. Giáo hội vui mừng vì nhiều người Công giáo đã dấn thân trên mặt trận liên đới này”. Và ngài nói thêm rằng Giáo hội “khuyến khích các quan chức và các thành viên của lực lượng trật tự thực thi nhiệm vụ của mình trong sự tôn trọng những người liên hệ. Giáo hội kêu gọi các cộng đoàn địa phương suy nghĩ và hành động để đến giúp đỡ những người đã đặt hy vọng của họ, hy vọng tối hậu của họ, vào rủi ro nhập cư. Giáo hội nâng đỡ các chính trị gia tham gia vào sự nghiệp này, dù Giáo hội không có lợi ích gì về mặt bầu cử” (la DC, 4/5/2008, tr. 435).

Ở Pháp, việc tố giác các điều kiện giam giữ nơi các Trung tâm giam giữ hành chánh (CRA) đã có những hình thức mới mẻ, theo sáng kiến của các Kitô hữu ( đặc biệt là của gia đình Phanxicô), với sự nhân tăng từ năm 2007 của “các vòng thinh lặng”, một hình thức phản đối, vừa bất bạo động vừa thiêng liêng, vốn huy động người ta tránh xa các hình thức phản kháng truyền thống hơn.

Tuân theo luật pháp: đến mức nào?

Liên quan đến những người di trú không có giấy tờ tùy thân, khi Đức Gioan Phaolô II khẳng định rằng câu trả lời của các Kitô hữu cho câu hỏi “Ngươi đã làm gì em ngươi?” phải được đưa ra không phải “trong những giới hạn do luật pháp áp đặt, nhưng theo quan điểm của tình liên đới”, thì ngài mở ra vấn đề tế nhị về việc bất tuân dân sự. Nếu việc tôn trọng luật pháp làm nên một bổn phận luân lý tiên thiên đối với mọi Kitô hữu, thì không được tuyệt đối hóa nó; trong lãnh vực này cũng như trong các lãnh vực khác, có thể xảy ra rằng những quy định của luật thiết định mâu thuẫn với một đòi hỏi luân lý mạnh mẽ. Vấn đề này đã được đặt ra cách rất cụ thể nơi những nước mà luật pháp tuyên bố là đáng chê trách về mặt hình sự mọi hành vi trợ giúp người trong hoàn cảnh bất hợp pháp. Vào tháng 6/2004, một văn kiện của Hội đồng Giám mục Pháp (5), để biện minh cho việc một Kitô hữu có thể đến giúp đỡ những người “không có giấy tờ”, đã viện dẫn số 2242 của sách Giáo lý: “Người công dân có nghĩa vụ, theo lương tâm, không tuân theo những luật lệ của chính quyền dân sự khi các luật lệ này nghịch với những đòi hỏi của trật tự luân lý, nghịch với những quyền căn bản của con người hoặc với những giáo huấn của Tin Mừng.” Một linh mục của giáo phận Saint-Etienne, cha Riffard, đã bị đưa ra tòa vì đã đón tiếp trong nhà thờ của mình những người di trú không có giấy tờ tùy thân, bất chấp lệnh cấm của tỉnh; ngài đã được Giám mục của ngài, Đức cha Lebrun, ủng hộ.

Giáo dục lương tâm Kitô hữu

Các thẩm quyền Giáo hội, khi phát biểu trước công chúng về vấn đề này, đều rất ý thức về sự dè dặt, thậm chí là sự đối lập, mà họ khơi dậy ngay cả nơi “những người trung thành” nhất. Chính Đức Gioan Phaolô II đã tự hỏi vào năm 1996: “Vấn đề là phải biết làm thế nào liên kết với công cuộc liên đới này những cộng đoàn Kitô hữu thường bị chinh phục được bởi một dư luận đôi khi thù nghịch với người nhập cư”. Ngài đã đưa ra câu trả lời của mình: “ Khi sự hiểu biết vấn đề bị điều kiện hóa bởi những thành kiến và những thái độ bài ngoại, thì Giáo hội không được quên làm cho tiếng nói về tình huynh đệ được lắng nghe, kèm theo đó bằng những cử chỉ chứng thực sự trỗi vượt của lòng bác ái ”.

Kết luận

Mặc dù ở đây chỉ là vấn đề các điểm mốc do Diễn từ xã hội Công giáo đề nghị, nhưng rõ ràng Thánh Kinh đáng được khai triển rộng rãi hơn, vì, đối với những Kitô hữu luôn quan tâm đến việc bảo vệ các quyền của người di cư và thăng tiến một “cuộc sống chung” hài hòa, Thánh Kinh làm nên một nền tảng quan trọng hơn học thuyết xã hội Công giáo. Những nguồn mạch Thánh Kinh này, chính các bản văn đương đại quy chiếu về đó cách thường xuyên, đặc biệt để đặt để đúng đắn trong phạm vi thiêng liêng, thậm chí thần học, một thái độ đón tiếp mà ta sẽ có nguy cơ nhận thấy như là chỉ thuộc về pháp lý hay đạo đức. Đối với con người của Thánh Kinh, bổn phận đón tiếp người ngoại kiều không phải là một lệnh truyền trừu tượng, nhưng nằm trong một kinh nghiệm, kinh nghiệm về chính mình là “ngoại kiều”: “Các ngươi phải đối xử với người ngoại kiều cư ngụ với các ngươi như với một người bản  xứ và các ngươi phải yêu nó như chính mình, vì các ngươi đã từng là ngoại kiều tại đất Ai Cập” (Lv 19, 34). Do việc Chúa Giêsu đồng hóa mình với khách lạ (người ngoại kiều) được đón tiếp (Mt 25, 35), nên thái độ của người Kitô hữu đối với người ngoại kiều sẽ không bao giờ chỉ là một vấn đề đạo đức và chính trị: đó là một vấn đề đối thần, như Đức Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh trong sứ điệp năm 1998: “Đối với người Kitô hữu, việc đón tiếp và tình liên đới đối với người ngoại kiều không chỉ làm nên một bổn phận hiếu khách của con người, nhưng còn là một đòi hỏi rõ ràng phát sinh từ chính lòng trung thành với giáo huấn của Chúa Kitô”.

Christian Mellon, s.j., nguyên thư ký của Ủy ban Công lý và Hòa bình, Hội đồng Giám mục Pháp.

————————

(*) Nguyên tựa đề của bài viết là « Migrations ». Để giúp dễ hiểu hơn, chúng tôi xin đổi lại thành « Giáo hội Công giáo và vấn đề di cư », ctcnd.

(1) François Gemenne, « Une convention vaut mieux que deux tu l’auras », Projet 358, pp24-33.

(2) Sứ điệp ngày 15/11/2002, được trích dẫn trong B. Fontaine, Les Églises, les migrants et les réfugiés, éd. de l’Atelier, 2006, p. 19.

(3) Như bộ sưu tập các bài viết được thu thập choUNESCO, năm 2007, bởi Antoine Pécoud và Paul de Guchteneire, Migrations sans frontières, essais sur la libre circulation des personnes (Editions Unesco, 2009).

(4) Theo nghĩa này, xem dự thảo báo cáo theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao bởi Bertrand Badie, Emmanuel Decaux, Guillaume Devin và Catherine Wihtol de Wenden : Pour un autre regard sur les migrations, Construire une gouvernance mondiale (La Découverte, 2008).

(5) Quand l’étranger frappe à nos portes, hồ sơ do Ủy ban Giám mục về di cư và du khách thực hiện, Documents-Épiscopat 7/8, 2004, fiche D4.

—-

Tý Linh chuyển ngữ

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31