GIÁO HỘI LUXEMBOURG KHIÊM TỐN, NHƯNG CHẮC CHẮN VỀ MÌNH
Từ vài năm nay, có sự tách biệt nghiêm ngặt giữa Giáo hội và Nhà nước ở Luxembourg. Do đó, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp gỡ một Giáo hội Công giáo khiêm tốn nhưng tự do hơn, trong chuyến thăm kéo dài 9 giờ tới Đại Công quốc thịnh vượng. Phỏng vấn trưởng kinh sĩ đoàn Nhà thờ chính tòa Luxembourg, Cha Georges Hellinghausen.
Từ ngày 26 đến 29 tháng 9, chưa đầy hai tuần sau khi trở về từ Châu Á và Thái Bình Dương, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Luxembourg và Bỉ, thực hiện chuyến tông du lần thứ 46 của ngài.
Tại Luxembourg, Đức Thánh Cha sẽ gặp “một Giáo hội Công giáo khiêm tốn nhưng tự do hơn” và nơi mà “Người Công giáo là thiểu số trong một môi trường đa nguyên và thế tục hóa mạnh mẽ”, như Cha Georges Hellinghausen nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn dành cho truyền thông Vatican.
Đức Thánh Cha Phanxicô đến làm gì ở Luxembourg? Đây không phải là điểm đến điển hình đối với vị Giáo hoàng này.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức được Đại công tước và chính phủ mời. Những động lực không được biết đến. Tổng giáo phận chỉ biết đến nó sau đó. Tất nhiên, chúng tôi rất vui mừng khi người đứng đầu Giáo hội Công giáo đến thăm đất nước chúng tôi và ngài sẽ cầu nguyện với cộng đồng Công giáo trong nhà thờ chính tòa. Chúng tôi đặc biệt vui mừng khi Năm Thánh Đức Mẹ sắp tới – 400 năm hành hương đến “Đức Bà An Ủi Kẻ Âu Lo”, quan thầy của thành phố và đất nước Luxembourg – sẽ được khai mạc trước sự hiện diện của Đức Thánh Cha. Và dự kiến có một cử chỉ rất đẹp: Đức Phanxicô sẽ mang Bông Hồng Vàng làm quà.
Cha là một chuyên gia về lịch sử Giáo hội Công giáo ở Luxembourg. Trong bối cảnh này, Giáo hội Công giáo ở Luxembourg ngày nay như thế nào? Tóm lại, đâu là điểm mạnh và điểm yếu của họ?
Trong nhiều thế kỷ, Luxembourg là một đất nước rất Công giáo. Ngày nay, người Công giáo là thiểu số trong một môi trường đa nguyên và rất tục hóa. Nhiều thứ đang chết dần, đặc biệt đời sống giáo hội cổ điển ở nông thôn. Ơn gọi giáo sĩ bản địa càng hiếm hoi. Con số các cuộc rút lui của các tín hữu vẫn tiếp tục.
Nhưng cũng có sự đổi mới và những dấu hiệu hy vọng, chẳng hạn như hoạt động truyền giáo của các cộng đồng mới như “Các Nữ tỳ của Chúa và Trinh Nữ Matarà” hay huynh đoàn “Verbum Spei”. Hiện tại chúng tôi có một hội đồng mục vụ giáo phận tích cực dấn thân, cố gắng đáp ứng nhu cầu hiệp hành. Các sáng kiến mới đang bắt đầu mang lại kết quả, chẳng hạn như dự án tỵ nạn của giáo phận “Reech eng Hand” (Hãy chìa tay ra), “Trường Tôn giáo & Xã hội Luxembourg” mới, xây dựng cầu nối cho xã hội đa văn hóa thông qua đối thoại và nghiên cứu khoa học, Chủng viện giáo phận mới “Redemptoris Mater” của Con đường Tân Dự tòng, Trung tâm Huấn luyện Giáo phận Gioan XXIII, được thành lập cách đây vài năm.
Cộng đồng Công giáo Luxembourg rất nhỏ. Các cộng đồng ngôn ngữ rất sống động. Làm thế nào chúng ta có thể tưởng tượng được việc chung sống?
Về mặt cơ cấu, hai cấp độ được liên kết với nhau, nghĩa là các cơ quan truyền giáo hải ngoại đã được giải tán và sáp nhập vào các giáo xứ. Tuy nhiên, ở cấp độ hiện sinh, mối liên kết này vẫn chưa hoàn thành. Phải mất rất nhiều thời gian và cam kết của cả hai bên để sự chung sống thân thiện trở thành sự hợp tác thực sự.
Chẳng hạn, cụ thể, điều này có nghĩa là trong tương lai, các buổi lễ ngôn ngữ cụ thể cũng sẽ được cử hành bằng tất cả các ngôn ngữ có thể cho các cộng đồng tương ứng ở cấp độ vùng miền, bên cạnh các buổi lễ của giáo xứ địa phương. Nhưng đây cũng là trường hợp ở các nước khác. Là một Kitô hữu luôn có một nền tảng văn hóa gắn liền với nguồn gốc, phong tục và căn tính dân tộc. Ở thế hệ thứ hai và thứ ba, việc gắn kết và tương tác trở nên dễ dàng và khả thi hơn nhiều.
Đâu là vai trò của giáo dân trong Giáo hội địa phương của cha?
Vai trò của giáo dân cũng gần giống như ở các nước láng giềng. Điều thảm hại hiện nay, đó là thực tế không còn có nhà thần học giáo dân nào đang nghiên cứu nữa. Trong tương lai, chúng tôi sẽ đặc biệt dựa vào các tình nguyện viên, chẳng hạn kể cả đối với việc dạy giáo lý.
Giáo dân tích cực trong nhiều lĩnh vực của đời sống Giáo hội: phụng vụ, phục vụ, loan báo. Những đổi mới về cơ cấu trong những năm gần đây mang lại cho họ những lĩnh vực trách nhiệm mới: trong các hội đồng mục vụ địa phương mới được thành lập và trong các ủy ban tài chính giáo xứ. Phần lớn các thành viên của hội đồng giám mục là giáo dân, kể cả phụ nữ. Ba phụ nữ là đại diện của Giám mục về các lĩnh vực đời sống thánh hiến, phục vụ cũng như truyền giáo và đào tạo; và hai người nam đại diện trong lĩnh vực nhân quyền và phát triển bền vững. Gần đây, việc chăm sóc mục vụ tang lễ cũng kêu gọi sự dấn thân của giáo dân, phụ nữ và nam giới.
Năm 2018, chính phủ Luxembourg tuyên bố hoàn tất việc tách biệt Giáo hội và Nhà nước. Kể từ đó, Tòa Tổng Giám mục đã tự chủ quản lý các nhà thờ của mình. Cuộc cải cách này có ý nghĩa gì đối với Giáo hội và ngày nay Giáo hội làm quen với điều đó như thế nào?
Tòa Tổng Giám mục không còn có thể dựa vào tài chính công như trước, khi Nhà nước tài trợ lương cho các thừa tác viên phụng tự (linh mục và giáo dân toàn thời gian) và các chính quyền thành phố bảo trì các tòa nhà tôn giáo. Từ nay, Giáo hội phần lớn phải tự lo liệu cho những nhu cầu của mình. Đây là một thách thức lớn không dễ vượt qua. Tuy nhiên, người Công giáo đang thích nghi và quyên góp cho đời sống của Giáo hội.
Việc xóa bỏ giáo dục tôn giáo trong các trường học gây ra hậu quả là nhiều trẻ em và thanh thiếu niên – ngoại trừ những người theo lớp giáo lý giáo xứ, tức là khoảng 15% – không còn biết bất kỳ khái niệm cơ bản nào về tôn giáo hay Kitô giáo. Giáo xứ, giám mục, Thiên Chúa, Đức Maria, các ngày lễ Giáng sinh và Phục sinh là gì? Bên cạnh tình trạng mù chữ tôn giáo ngày càng tăng, điều này còn có nghĩa là sự nghèo nàn về văn hóa. Chúng tôi đang ngày càng trở thành một xã hội mang dấu ấn ngoại giáo, với nhiều lời đề nghị cạnh tranh, trong đó cộng đồng Kitô giáo phải tự khẳng định mình.
Bằng cách tách rời khỏi Nhà nước, Giáo hội đã trở nên tự do hơn và không còn cần phải tính đến một số cân nhắc nữa. Giáo hội có thể thể hiện bản thân một cách tự do hơn ở nơi công cộng. Chương trình giáo dục tôn giáo trong các trường học trước đây phải được Nhà nước phê duyệt, điều này không còn là trường hợp đối với việc dạy giáo lý tại các giáo xứ nữa. Tương tự như vậy, việc bổ nhiệm giám mục hiện nay được thực hiện một cách tự do, trong khi trước đây chính phủ phải đưa ra sự đồng ý.
Ngay trước chuyến thăm của Đức Thánh Cha, một vụ bê bối tài chính lớn đã nổ ra ở Luxembourg trong nội bộ Caritas, liên quan đến việc biển thủ 60 triệu euro. Ngoài bất kỳ vấn đề kỹ thuật nào, cha giải thích (về mặt tinh thần) sự kiện này như thế nào? Điều này có nghĩa là gì, người ta có thể học được gì từ nó (về mặt tinh thần)?
Tôi giải thích sự kiện, vốn đã đủ khủng khiếp – nhất là đối với chính Caritas – ít hơn là những hậu quả.
Với sự giúp đỡ của chính phủ, một tổ chức kế thừa Caritas đã được thành lập để tiếp tục các hoạt động của Caritas trong nước và tiếp quản nhân sự của nó, với sự tài trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, chính phủ muốn tổ chức mới này phải “độc lập” (tức là độc lập với Giáo hội). Phải chăng điều này không cho thấy rằng ngay cả một chính phủ do Đảng Kitô giáo – xã hội lãnh đạo vẫn nuôi dưỡng sự ngờ vực lớn đối với Kitô giáo và Giáo hội sao? Và tại sao? Cho đến nay, Caritas lấy cảm hứng từ Kitô giáo đã không cung cấp những dịch vụ tốt hay sao? – Mọi người ở Luxembourg đều biết nó đã cống hiến vô số những dịch vụ đáng chú ý, đặc biệt cho những người yếu thế và bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Và chẳng phải là nước đôi sao: người ta mời Đức Giáo hoàng và người ta tách mình ra khỏi Giáo hội trong một lĩnh vực quan trọng như vậy?
Liên quan đến vấn đề bạo lực tình dục, Giáo hội Công giáo ở Luxembourg đã có biện pháp sớm hơn nhiều so với các nước khác. Tại sao? Cha có gì ở Luxembourg mà những nước khác không có?
Dưới thời Đức Tổng Giám mục Fernand Franck, chủ đề này đã được xem xét rất nghiêm túc và nhanh chóng khi vấn đề được đặt ra trong tổng giáo phận chúng tôi đến từ nước ngoài. Một ủy ban ngay lập tức được thành lập, để có thể làm việc hoàn toàn tự do và độc lập. Các nạn nhân bị lạm dụng đã được lắng nghe và báo cáo cuối cùng sau đó được công bố đầy đủ. Đức Tổng Giám mục Franck đã tiếp đón từng nạn nhân muốn điều đó. Một số tiền nhất định đã được trả cho họ để ghi nhận sự đau khổ của họ. Trên hết, các biện pháp đã được thực hiện để tránh những hành vi lạm dụng như vậy của nhân viên Giáo hội trong tương lai: tất cả những người mới đến, bao gồm, tùy theo lĩnh vực, các tình nguyện viên, đều phải được kiểm soát và phải tuân theo khóa đào tạo cụ thể phù hợp. Kể từ đó, chính sách này đã được Đức Tổng Giám mục Hollerich tiếp tục một cách nhất quán.
Giáo hội Luxembourg nằm trong một bối cảnh rất tục hóa. Giáo hội Tây Âu có thể học được gì từ các bạn ở Luxembourg?
Giáo hội Tây Âu có thể học được rằng chúng ta có thể sống với các phương tiện vật chất bị suy giảm. Chúng ta phải, nếu cần thiết, tự giới hạn ở những điều cơ bản. Nhưng cũng trong một môi trường mà các trụ cột xã hội của Kitô giáo và Giáo hội đang biến mất, cần phải khẳng định bản thân và dấn thân với lòng khiêm tốn, sáng tạo, tin tưởng vào Thiên Chúa và sự dấn thân. Cho dù một Giáo hội hùng mạnh một thời giờ đây phải tỏ ra rất khiêm tốn, nhưng cũng chắc chắn về mình.
Đức Phanxicô chỉ ở lại nơi đất nước một ngày ngắn ngủi. Cha mong đợi điều gì từ sự hiện diện của ngài đối với Giáo hội ở Luxembourg?
Chắc chắn đây sẽ là một ngày rất đẹp mà chúng tôi sẽ trải qua với Đức Thánh Cha Phanxicô. Tôi hy vọng ngài sẽ mang lại cho chúng tôi một thông điệp về niềm vui và hy vọng, một sự khích lệ. Nhưng ở đây, tôi tin tưởng: sự tỏa sáng của ngài, sức thu hút cá nhân của ngài, cũng sẽ có – tôi tin như vậy – một tác động rất tích cực đến chúng tôi. Chúng tôi chờ đợi Đức Thánh Cha Phanxicô với sự sốt ruột và vui mừng!
—————————————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : Gudrun Sailer –Vatican News)
Tags: Âu Châu, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO