GIÁO PHẬN QUI NHƠN: TỌA ĐÀM VỀ LM. GIOAKIM ĐẶNG ĐỨC TUẤN, DANH NHÂN CÔNG GIÁO VIỆT NAM
Dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử (2012), cách nay hơn một thập kỷ, Tòa Giám mục Qui Nhơn đã tổ chức họp mặt các tác giả Văn thơ Công giáo Việt Nam lần đầu vào hai ngày 21-22/9/2012. Tiếp đó, Giải Viết Văn Đường Trường rồi Giải Sáng Tác Cho Tuổi Thơ, suốt 7 năm liền luôn trao giải vào ngày 21-22/9, đã tạo nên truyền thống cho các tác giả Văn thơ Công giáo Việt Nam họp mặt hằng năm vào dịp này.
Năm 2021, giữa tình cảnh đại dịch, ngày truyền thống lần thứ X đã được cử hành với cuộc tọa đàm trực tuyến về Văn học Công giáo Việt Nam đương đại.
Năm nay, cuộc họp mặt Văn thơ Công giáo lần thứ XII được đánh dấu bằng tọa đàm về chủ đề: “Lm. Gioakim Đặng Đức Tuấn, danh nhân Công giáo ái quốc Việt Nam”.
Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn đã khai mạc Tọa đàm lúc 8g00 ngày 23-9-2023 tại hội trường Chủng viện Qui Nhơn, 120 Trần Hưng Đạo, Tp. Quy Nhơn. Đoàn chủ tịch gồm có: Lm Giuse Trương Đình Hiền, Tổng đại diện Giáo phận Qui Nhơn, Pgs. Ts. Nguyễn Hữu Sơn, viện Khoa học Xã hội thuộc viện Hàn Lâm Việt Nam, Pgs. Ts. Đoàn Lê Giang và Pgs. Ts. Võ Văn Nhơn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. HCM, Nhà văn Micae Bùi Công Thuấn (Giáo phận Xuân Lộc), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Cùng tham dự Tọa đàm-kỷ niệm 149 năm ngày mất của Lm Gioakim Đặng Đức Tuấn, có hơn 100 tham dự viên, gồm các hậu duệ cùng huyết thống của vị linh mục họ Đặng, từ Ban Thường trực Hội đồng Họ Đặng Việt Nam, những hậu duệ về văn thơ và lòng yêu nước, và cả những hậu duệ trong đức tin.
Tọa đàm được gợi hứng với quyển sách ĐẶNG ĐỨC TUẤN, tinh hoa Công giáo ái quốc Việt Nam của hai tác giả Lam Giang và Võ Ngọc Nhã, tác giả xuất bản tại Sài Gòn năm 1970. Năm nay, Tủ sách Nước Mặn của Giáo phận Qui Nhơn in lại nhân dịp tọa đàm, với những chỉnh sửa và bổ sung cần thiết.
Ngoài quyển sách ấy, mỗi tham dự viên đều nhận được tập Tài liệu tham khảo cho Tọa đàm, dày 472 trang A5 gồm 3 tác phẩm của Lm Đặng Đức Tuấn mới tìm thấy và 35 bài viết liên quan đến Lm. Đặng Đức Tuấn của 28 tác giả. Tài liệu tham khảo cho Tọa đàm giúp hiểu sâu hơn về vị linh mục nổi tiếng của chúng ta.
Hai bài tham luận được trình bày trực tiếp tại tọa đàm là:
- “Đặng Đức Tuấn trong phong trào canh tân ở Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX” của Pgs. Ts. Đoàn Lê Giang, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Tp. HCM.
- “ Gioakim Đặng Đức Tuấn – tác gia tiêu biểu của văn học Hán Nôm Bình Định” của Ts. Võ Minh Hải, Trường Đại học Quy Nhơn.
Lm. Gioakim Đặng Đức Tuấn sinh năm 1806, qua đời ngày 24-7-1874, thọ 69 tuổi. Các tham luận đều khẳng định ngài là người đi đầu trong cuộc vận động canh tân đất nước hồi thế kỷ XIX, với những bản điều trần đã được vua Tự Đức lắng nghe. Nhà vua đã bổ nhiệm ngài làm thông dịch viên cho phái bộ của Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp, đàm phán với người Pháp, dẫn đến hòa ước Nhâm Tuất (1862).
Sống giữa hoàn cảnh đau thương của đất nước hồi ấy, cha Gioakim Đặng Đức Tuấn đã đối diện với những bài toán khó của phận người, cho cá nhân, cho dân tộc, cho Đạo Chúa. Thế rồi, noi gương Đấng Cứu Thế là Con Thiên Chúa làm người, vị tiền bối của chúng ta đã giải đáp thật suôn sẻ.
Trong những khoảnh khắc chia sẻ, cử tọa đã có dịp cùng ngưỡng mộ một gương sáng, một cõi lòng thao thức cho tình hiệp nhất con dân Đất Việt và thao thức cho Tin mừng của Chúa, thể hiện qua cuộc sống và qua những vần thơ sáng chói.
Tham gia thảo luận có nhiều ý kiến góp thêm vào làm sáng tỏ hơn cuộc đời, tác phẩm, tư tưởng và tầm vóc lịch sử, tầm vóc văn học, tầm vóc văn hóa của Lm Đặng Đức Tuấn. Pgs-Ts Nguyễn Hữu Sơn đề xuất gọi Lm Đặng Đức Tuấn là “danh nhân văn hóa” cuối thế kỷ XIX.
Mười tháng nữa sẽ là kỷ niệm đúng 150 năm ngày Lm. Gioakim Đặng Đức Tuấn về với Chúa. Các con cháu, các môn sinh và những người cùng chung mối đồng cảm cùng ngồi ôn lại chuyện xưa. Chuyện một linh mục dấn thân vì đoàn chiên, một tác giả hoàn thiện thơ văn chữ Nôm Nam Trung Bộ thế kỷ XIX, một nhà cải cách quan tâm sâu sắc đến vận mệnh nước nhà.
Tọa đàm đã kết thúc lúc 12g00 trưa cùng ngày. Hy vọng Tọa đàm lần này là một khởi đầu có sức gợi hứng cho những nghiên cứu và hội thảo quy mô hơn trong tương lai về Lm. Gioakim Đặng Đức Tuấn.
Ban Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn.
Tags: các thánh-nhân vật, Giáo-dục, Văn hóa
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- VIDEO BÀI CA QUAM PULCHRE GRADITUR (Tiếng Việt)
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- BAN BÁC ÁI HỘI DÒNG KHIẾT TÂM ĐỨC MẸ TRAO HỌC BỔNG CHO 57 HỌC SINH – SINH VIÊN CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN
- NGUỒN GỐC LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ VÀ LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG BẮT ĐẦU GIAI ĐOẠN CUỐI CÙNG
- TẠI SAO CHA MATTHIEU JASSERON, NGÔI SAO TIKTOK, THÔNG BÁO “RÚT” KHỎI CHỨC LINH MỤC ?
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: NHIỀU ĐÓNG GÓP VỀ CÁC VẤN ĐỀ KHÁC NHAU CỦA GIÁO HỘI
- THƯ CỦA ĐỨC PHANXICÔ GỞI CÁC TÂN HỒNG Y
- BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỚI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, PHÓ TẾ, TU SĨ, CHỦNG SINH VÀ CÁC NHÂN VIÊN MỤC VỤ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI GIÁO HỘI BỈ: “KHÔNG CÓ CHÚA THÁNH THẦN, KHÔNG CÓ GÌ LÀ KITÔ GIÁO XẢY ĐẾN CẢ”
- AD EXTRA, LÀM THẾ NÀO BIẾT TIN TỨC VÀ SUY TƯ VỀ SỨ MẠNG Ở CHÂU Á MỘT CÁCH SÂU XA HƠN
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾP TỤC HƯỚNG VỀ NGƯỜI DÂN VIỆT NAM ĐANG ĐAU KHỔ VÌ BÃO LŨ
- CUỘC GẶP GỠ VỚI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, PHÓ TẾ, NHỮNG NGƯỜI SỐNG ĐỜI THÁNH HIẾN, CHỦNG SINH VÀ GIÁO LÝ VIÊN
- ĐỨC PHANXICÔ KÊU GỌI TRỞ THÀNH VÀ LAN TỎA HƯƠNG THƠM CỦA TIN MỪNG
- 62 LINH MỤC LỚN TUỔI BỊ LỪA GẠT: MỘT VỤ “LỪA ĐẢO TỪ THIỆN” PHI THƯỜNG TRƯỚC TÒA ÁN
- TẠI JAKARTA, ĐỨC PHANXICÔ CẢM ƠN CÁC GIÁO LÝ VIÊN: “CÁC CON LÀ SỨC MẠNH CỦA GIÁO HỘI”
- ĐỨC PHANXICÔ KHUYẾN KHÍCH GIÁO HỘI INDONESIA SỐNG TÌNH HUYNH ĐỆ VÀ LÒNG TRẮC ẨN
- NGÀY 1 THÁNG CHÍN: NGÀY TÔN VINH QUYẾT ĐỊNH TẠO DỰNG CỦA THIÊN CHÚA
- SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO TẠI CHÂU Á, MỘT CUỘC HỘI NHẬP VĂN HÓA THEO BƯỚC CHÂN CỦA CÁC CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA ĐỨC TIN
- GIÁO PHẬN HUẾ: LỄ ĐỨC MẸ LA VANG, BỔN MẠNG GIÁO PHẬN