GIÁO SƯ JÉRÔME DE GRAMONT VÀ HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ TRIẾT HỌC TẠI ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ
Vào chiều thứ Bảy ngày 01-3-2014, từ 14g00 đến 15g45 tại phòng hội Đại Chủng Viện Huế diễn ra một cuộc hội thảo chuyên đề Triết học về đề tài: “L’absolu retrouvé” (Tuyệt đối được tìm gặp lại) dưới sự chủ tọa và thuyết trình của giáo sư Jérôme de Gramont, Giám đốc bậc đào tạo tiến sĩ và hậu tiến sĩ của phân khoa triết, viện Đại Học Công Giáo Paris.
Tham dự hội thảo có quý Cha trong Ban Giám Đốc ĐCV, Cha Bề Trên dòng Thánh Tâm, quý Cha giáo thỉnh giảng, đại diện nữ tu của hai dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm và Mến Thánh Giá Huế, và các thầy đang theo học tại ĐCV Huế.
Giáo sư Jérôme de Gramont sinh năm 1957, hiện đang giảng dạy tại phân khoa triết học của Học Viện Công Giáo Paris. Giáo sư là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu triết học có giá trị và đang được đón đọc rộng rãi. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi, giáo sư Jérôme de Gramont đã cố gắng trình bày về mối tương quan triết – thần qua các tác giả Emmanuel Kant, Husserl, Trần Đức Thảo và Paul Ricoeur. Với tựa đề “L’absolu retrouvé”, thuyết trình viên mời chúng ta đi tìm gặp Thiên Chúa ở nơi mà ta không ngờ nhất.
Sau đây chúng tôi xin mời độc giả đọc mấy dòng cảm tưởng của một người tham dự.
BBT
“L’absolu retrouvé” (TuyỆt đỐi đưỢc tìm gẶp lẠI)
1/ “Tuyệt Đối” trước hết là một Đấng, một Ai : đối tượng tin kính, tôn thờ của cảm thức và niềm tin tôn giáo. “Tuyệt Đối” cũng còn là đối tượng của suy tư nữa : trước danh hiệu này, quả thật tư tưởng đã nhiều lần chấp nhận rủi ro để dấn bước. Nhưng lần này các tác giả được đề cập trong bài thuyết trình có vẻ như từ chối phát biểu một lời chắc chắn nào về chủ đề này. Sự hiện diện của Trần Đức Thảo, tác giả cuốn Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng (Paris, 1951), càng cũng cố thêm nhận định ấy. Mọi sự có vẻ như quá hiển nhiên, đến nỗi mà một triết gia như Paul Ricoeur đã lấy câu nói khá nghịch lý về một “triết học không cần tuyệt đối” sau đây làm châm ngôn cho riêng mình :
“Tôi không phải là một triết gia kitô hữu, như người ta vẫn thường nói theo một nghĩa xấu cố ý hoặc miệt thị. Một đàng, đơn giản tôi chỉ là triết gia hoặc có thể nói : một triết gia không cần đến tuyệt đối, nhưng chỉ biết quan tâm, dấn bước, dốc hết mình trong Nhân luận triết học. Đàng khác, tôi là một kitô hữu dùng triết học để trình bày, như Rembrandt là một họa sĩ thuần túy và là một kitô hữu dùng hội họa để diễn đạt, hoặc như Bach chỉ đơn giản là một nhạc sĩ không có danh hiệu nào khác thêm vào nhưng đồng thời là một kitô hữu trong diễn ngữ âm nhạc của mình [1]“
Những lý do của sự chối từ này khá cứng cỏi, và chúng ta được khuyến khích đi tìm gặp chúng ở xa hơn, tận phía thượng nguồn trong tư tưởng của Husserl và Kant. Ở Husserl, sự vụ khá rõ rang: bởi vì hiện tượng luận hiến mình vào việc mô tả các hiện tượng trong thể cách xuất hiện của chúng cho ý thức và chỉ trong thể cách xuất hiện của chúng mà thôi – cho nên phương pháp này đi tới chỗ loại trừ mọi siêu việt, kể cả sự siêu việt của Thiên Chúa (Quyết định được đảm nhận ở § 58 của cuốn Những ý tưởng chủ đạo cho một hiện tượng luận thuần túy : “La Transcendance de Dieu mise hors circuit”). Còn Kant ? Bởi vì triết học chỉ có thể là triết học của con người, với tất cả những giới hạn nội tại của một tư tưởng mang trong mình thân phận hữu hạn. Điều này mang lại những hậu quả trầm trọng, đến nỗi những độc giả đầu tiên của cuốn Phê phán lý trí thuần túy đã thấy nơi Kant một “người phá đổ siêu hình học”, theo như kiểu nói của Mendelssohn trong Lời tựa cho cuốn Morgenstunden (L’aurore, 1785) : “Alleszermalmer”, kẻ đập tan tất cả thành tro bụi.
Như vậy, phải chăng đã có thể kết luận rằng không thể tìm ra ở đây một lời nào về Tuyệt Đối, dẫu một tiếng rụt rè nhất cũng không ?
2/ Nhưng. Nhưng. Nhưng…
Từ buổi bình minh Hy lạp, tư tưởng đã phải luôn vâng theo một lệnh truyền kép : một đàng nó phải can đảm tiến bước, đàng khác nó được mời gọi phải cẩn trọng hết sức và dè dặt vô cùng. Về thế đứng này của cuộc phiêu lưu có tên là triết học, tức một bước tiến lên và một bước thoái ẩn của nó, hai câu nói của Héraclite có thể giúp chúng ta. Trước hết, câu 41 định hướng sự khôn ngoan : “hãy đi vào (tìm biết) những gì đang chi phối tất cả mọi sự nhờ vào mọi phương tiện đang có”, và câu 47 nhắc chúng ta đừng quá vội vàng : “về những điều quan trọng nhất, đừng ước đoán mơ hồ”.
Như vậy, nếu có những lý do đủ mạnh để chấp nhận một triết lý chối từ Tuyệt Đối, thì cũng phải biết nghĩ đến những lý do còn mạnh hơn nữa đã chủ trì những phùng ngộ với Tuyệt Đối, và không chỉ một bận mà đến ba lần. Nghĩa là triết học còn phải tuân phục một giới luật khác : lên đường để về với những chi thiết yếu và cao cả nhất. Đó cũng chính là lời mời gọi để chúng ta can đảm tìm giao lộ với Tuyệt Đối ngay cả ở nơi đây, tức trong tư tưởng của các tác giả vừa nêu.
3/ Dấn bước vào hành trình này, chúng ta có thể nghe ra điều gì ?
Trước hết, những dấu hiệu của tự nhiên, của lịch sử, và nhất là của Mạc Khải không đến từ chúng ta, nhưng chúng ta có bổn phận đón nhận chúng để đồng thời được thúc giục suy tư, hành động và hy vọng (Kant).
Để nói một cách khác hơi rườm rà (cho đến khi nào sự vụ có thể được diễn tả bằng cách đơn giản hơn), đó không chỉ là nhiệm vụ duy nhất của chúng ta, nhưng còn là phận vụ riêng biệt nhất của chúng ta nữa. Tại sao ? Tại vì những điều này đến từ một khởi đầu của lịch sử mà chúng ta không có mặt ở đó, và chúng quy hướng chúng ta về một viễn đích vô cùng xa xôi (Husserl).
Giữa thiên đàng đã mất và miền đất hứa, trong thế đứng giữa (giữa gì ? giữa lời đầu tiên và lời cuối cùng, và phải thêm rằng cả hai đều bất khả đối với chúng ta), chúng ta tiếp tục một lịch sử sẽ không có kết thúc thành toàn, lịch sử đó bao người khác đã bắt đầu trước chúng ta. Đó là lời thứ ba của P. Ricœur : “Mọi công cuộc khải nghĩa đều đặt người khải nghĩa in media res chứ không bao giờ ở đầu hay ở cuối. Một cách nào đó, chúng ta đến ngay giữa một cuộc đàm thoại đã bắt đầu và chúng ta cố gắng định hướng mình trong đó, để rồi đến lượt mình chúng ta có thể góp phần vào đó.” (Paul Ricœur, Du texte à l’action, tr. 54).
4/ Thế đứng này cũng là thế đứng của tư tưởng.
Từ đó, tất cả lao nhọc của suy tư có thể định vị thế đứng của mình ở giữa hai câu hỏi. Câu thứ nhất đến từ Kinh Thánh : “Có điều gì bạn có mà bạn đã không nhận lãnh?” (1 Cr 4, 7) và câu thứ hai có thể được rút ra từ đó : “ Bạn đã làm gì với gia tài của bạn ?” (nên nghe câu hỏi này khởi đi từ dụ ngôn những nén bạc, Mt 25, 14-30 et Lc 19, 12-27).
5/ Như thế, bài thuyết trình về chủ đề Tuyệt đối được tìm gặp lại (L’Absolu retrouvé) có thể giúp chúng ta nghe ra những gì ? Với những ai chăm chú, có lẽ người ấy sẽ bắt gặp lại, hay thoáng thấy một diện mạo của Tuyệt Đối ở những nơi ít ai ngờ nhất, ở những nẻo quanh co nào xem ra Tuyệt Đối dường như vắng mặt…
Phêrô Phan Tấn Khánh, pss
Gợi hứng từ lời đầu và lời cuối của G/s Jérôme de Gramont
[1] Xem Paul Ricœur, Vivant jusqu’à la mort, tiếp theo những Fragments, Paris, Seuil, 2007, p. 107. « Philosophie sans absolu » là chữ của triết gia Pierre Thévenaz (1913-1955) được Ricœur bình giải trong một bài khảo luận của cuốn Lectures 3 (« Un philosophe protestant : Pierre Thévenaz », Paris, Seuil, 1994).
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- SÁCH : ĐỜI SỐNG NHÂN BẢN VÀ ĐÔI NÉT TÂM LÝ CHIỀU SÂU
- THƯ MỜI THAM DỰ NGÀY HỘI NGỘ XUÂN BÍCH 2024
- THIỆP MỜI BỔN MẠNG ĐCV HUẾ VÀ NGÀY HỌP MẶT TRUYỀN THỐNG XUÂN BÍCH
- ĐCV HUẾ: THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI
- ĐCV HUẾ: CÁC CHỦNG SINH TĨNH TÂM THƯỜNG NIÊN
- ĐCV HUẾ: TALKSHOW “CÂU CHUYỆN HUYNH TRƯỞNG”
- ĐCV HUẾ: HÌNH ẢNH KHAI MẠC GIẢI BÓNG CHUYỀN CUP XUÂN BÍCH 2024
- ĐCV HUẾ KHAI MẠC TRỌNG THỂ THÁNG MÂN CÔI
- ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: LỄ GIỖ 3 NĂM NGÀY CHA J.B. ETCHARREN QUA ĐỜI
- THÁNH LỄ TẠ ƠN HỒNG ÂN NGÂN KHÁNH LINH MỤC CỦA CHA PHAOLÔ NGUYỄN VĂN BÌNH
- KHAI GIẢNG NĂM HỌC 2024-2025, ĐCV HUẾ: BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC CHA GIUSE ĐẶNG ĐỨC NGÂN
- ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: THÁNH LỄ KHAI GIẢNG NĂM TU HỌC 2024-2025
- ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: NGOẠI KHOÁ TÌM HIỂU LEGIO MARIAE
- ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: NGÀY TỰU TRƯỜNG 03.09.2024
- ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ TU SỬA VÀ XÂY MỚI CÁC CÔNG TRÌNH SINH HOẠT NĂM 2024
- ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: CÔNG TÁC CHUẨN BỊ CHO NĂM HỌC MỚI 2024-2025
- TĨNH TÂM XUÂN BÍCH VIỆT NAM 2024
- HÌNH ẢNH ĐCV HUẾ VÀ HỘI XUÂN BÍCH MỪNG 60 NĂM LINH MỤC QUÝ CHA PHÊRÔ NGUYỄN LÂN MẪN, G.B. NGUYỄN VĂN ĐÁN VÀ BARTÔLÔMÊÔ NGUYỄN QUANG ANH
- ĐCV HUẾ: VIDEO BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC CHA GIUSE ĐẶNG ĐỨC NGÂN TRONG THÁNH LỄ BẾ GIẢNG NĂM HỌC 2023-2024
- ĐCV HUẾ: THÁNH LỄ BẾ GIẢNG NĂM HỌC 2023-2024 VÀ TRAO TÁC VỤ ĐỌC SÁCH, GIÚP LỄ