GIỚI THIỆU CHƯƠNG 1 TÔNG HUẤN AMORIS LAETITIA: DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA

Written by xbvn on Tháng Mười Một 29th, 2017. Posted in Gia đình, Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý

Chương đầu tiên hệ tại khai mở Thánh Kinh nhằm mời gọi mỗi người để cho Lời Chúa soi sáng. Đối diện với những vấn đề nhân chủng học và xã hội mà chúng ta đang đương đầu, không phải Thánh Kinh mang lại cho chúng ta những câu trả lời then chốt sẵn có. Không phải đơn giản được trình bày ở đó một chuẩn mực để đánh giá và phán đoán, hay tố giác những tiến triển gây bối rối. Vấn đề tham chiếu Thánh Kinh này đúng hơn là nhắc nhớ về chân lý thích đáng vốn cho phép xây dựng một niềm tin vững chắc : mọi đời sống hôn nhân và gia đình đều được Thiên Chúa đi trước, được mời gọi tham dự vào sự phong nhiêu của Ngài, được đồng hành bởi lòng khoan dung và trung tín của Ngài mà những thất bại của chúng ta không thể làm nản lòng. Từ khởi đầu lịch sử nhân loại, Thiên Chúa muốn chia sẻ những thiện hảo của Ngài cho một người nam và một người nữ mà Ngài tạo dựng « theo hình ảnh của Ngài » (AL, 10) và đã giao phó việc quản lý sự sống mà từ đó các thế hệ của chúng ta được sinh ra. Đó là ánh sáng được chiếu giãi trên toàn bộ suy tư sẽ theo sau. Được đặt lên đầu cầu, Lời Chúa như thế được đề nghị như là « người bạn đồng hành » trong mọi hoàn cảnh (22), nhưng còn như là « ánh sáng » mà từ đó gia đình được mời gọi trở thành ngọn nến (8).

Việc chọn lựa các tham chiếu Thánh Kinh cần phải được chú ý. Thánh vịnh 128 dùng làm mở đầu, giúp hiểu ngay thông điệp toàn xá của phúc lành mà Thiên Chúa ban xuống trên mái ấm đang nối kết vợ chồng, cha mẹ và con cái. Hạnh phúc là nét chủ đạo của những câu này vốn được dùng làm điểm tựa cho toàn thể phần đầu tiên của chương. Nó hệ tại cảm nghiệm « niềm vui của tình yêu » – Amoris laetitia -, vốn tìm thấy nguồn mạch của nó trong « niềm vui của Tin Mừng » – Evangelii gaudium – được biểu dương bởi Tông huấn năm 2013. Đoạn sau của chương lấy lại những trích dẫn quen thuộc về đôi bạn và gia đình (Mt 19, Kn 1-2, Êph 5), đồng thời khơi lên những đoạn khác bất ngờ hơn, trong văn chương khôn ngoan (Châm Ngôn, Huấn Ca, Gióp, Tôbia, Diễm Ca…). Lấn sang phần tiếp theo của Tông huấn mà, theo một phương thức văn chương khôn ngoan, sẽ đảm nhận hiện thực của đời sống gia đình, những tham chiếu này dạy xem cuộc sống này như là việc học tập mối tương quan với người khác, mối ưu tư truyền sinh, con đường tăng trưởng xuyên qua những niềm vui và thử thách.

Cách tổng quát hơn nữa, bản văn quy chiếu đến cả chặng đường dài trình thuật Thánh Kinh trong đó nối tiếp nhau nhiều câu chuyện gia đình trong sự ô hợp của các hình thể và các diễn biến của chúng. Như thế, trong Thánh Kinh, « gia đình » được viết ở số nhiều, số nhiều của  đời sống cụ thể, vốn luôn là số ít. Vì nếu gia đình là « một » theo kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng sắp đặt nó đến chia sẻ sự sống và hạnh phúc, thì cuộc sống của nó chỉ được ghi khắc qua thời gian và lịch sử của thể xác mà nó thành hình. Trong Tông huấn, nhiều tham chiếu Tin Mừng, không chỉ liên quan đến gia đình của Chúa Giêsu, nhưng còn đến sứ vụ công khai của Ngài, dẫn vào thực tại phức tạp của những cuộc đời đang đương đầu với những bất ngờ của cuộc sống hay bị đảo lộn bởi những khó khăn của mối tương quan giữa người nam và người nữ. Chú thích phong phú và hiện thực của những tham chiếu này ngăn cho việc suy tư khỏi mải miết trong sự trừu tượng hay trong một cái nhìn lý tưởng vốn đã xa lạ với cuộc sống thực tế của chúng ta. Thực ra, vấn đề của Tông huấn đơn giản là trung thành với lô-gíc của mầu nhiệm Nhập thể, như nó được tỏ rõ từ Cựu Ước : chính trong cái cụ thể của những cuộc đời được ghi dấu bởi « chiều kích u tối » của cuộc sống (19) mà Thiên Chúa đến gần và tỏ cho thấy sức mạnh của tình yêu của Ngài, mạnh hơn tất cả những hình thức sự chết vốn đe dọa các mối tương quan của chúng ta. Nói cách khác, chính mầu nhiệm vượt qua, như là hoàn tất mầu nhiệm hôn ước của tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Ngài và là bí mật của niềm vui của tình yêu, mà bản văn này muốn giảng dạy. Như thế, giao ước làm nên hình bóng của những trang này bằng việc đề cập đến tình âu yếm phụ tử của Thiên Chúa đối với dân Israel (Hs 11 ; số 28), đến chứng tá tuyệt đỉnh của Chúa Giêsu hiến mạng sống vì bạn hữu của Ngài (Ga 15, 13 ; số 27) hay cái nhìn cánh chung về « tiệc cưới của Con Chiên » (Kh 3, 20; số 15). Đằng sau giao ước của người nam và người nữ, do đó có thực tại đầu tiên của Giao ước của Thiên Chúa với chúng ta, Giao ước vốn cần đến, có thể nói thế, những lời nói của kinh nghiệm nhân loại của chúng ta về đời sống hôn nhân. Một mầu nhiệm hỗ tương thật đẹp !

Anne-Marie Pelletier (Faculté Notre-Dame, Collège des Bernardins) và Bertrand Pinçon (Université catholique de Lyon)

Lm. Võ Xuân Tiến chuyển ngữ

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31