GIỚI THIỆU TỔNG QUAN TÔNG HUẤN AMORIS LAETITIA, VỀ TÌNH YÊU TRONG GIA ĐÌNH

Written by xbvn on Tháng Mười 27th, 2017. Posted in Gia đình, Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Tý Linh

LTS: Bài giới thiệu tổng quan này do Hélène BRICOUT và Alain THOMASSET biên soạn và được đăng trong: Exhortation apostolique post-synodale du pape François, La Joie de l’Amour, Edition présentée et annotée sous la direction du Service national Famille et Société – Conférence des évêques de France – et de la Faculté de théologie du Centre Sèvres. Avec un guide de lecture et des témoignages. Nhà xuất bản Fidélité Lessius, 2016. Hélène Bricout là giáo sư tại Học viện Công giáo Paris, chuyên về phụng vụ và thần học bí tích, cách riêng thần học về hôn nhân, và Alain Thomasset là một linh mục dòng Tên, chuyên viên thần học luân lý. Chúng tôi chuyển ngữ để phục vụ cho mục đích học hỏi. Trong cuốn sách này, ở mỗi chương của Tông huấn đều có một bài giới thiệu của các chuyên viên khác nhau, chúng tôi sẽ lần lượt chuyển ngữ và giới thiệu cho quý độc giả.

HƯỚNG ĐẾN MỘT NỀN MỤC VỤ GIA ĐÌNH VUI TƯƠI, TÍCH CỰC VÀ ĐẦY LÒNG THƯƠNG XÓT

Một sự hoán cải sứ mạng

Hiện thực, chân thực, năng động, trắc ẩn: người ta có thể nói như thế trong một vài từ về Tông huấn khá dài hậu THĐ của Đức Giáo hoàng Phanxicô về gia đình. Chỉ cái tựa đề của nó, “Niềm vui của tình yêu”, cũng để cho người ta cảm nhận sức sống và định hướng của nó, trong sự liên tục với Tông huấn Evangelii gaudium, vốn đã nói về “Niềm vui của Tin Mừng”. Những tác nhân của việc chuẩn bị hôn nhân, mục vụ gia đình, mục vụ giới trẻ, các thừa tác viên chức thánh, và dĩ nhiên chính các đôi bạn, sẽ tìm thấy chất liệu để làm mới lại hay đào sâu suy tư của mình, những dấn thân, lòng can đảm hay lòng nhiệt huyết của mình để sống và đồng hành với cuộc phiêu lưu của các đôi vợ chồng. Bởi vì mọi người đều đến từ một gia đình, có một gia đình, sống tiếp xúc với các gia đình, nên mọi người đều có thể cảm thấy bản văn này liên quan đến mình.

MỘT “VĂN PHONG”

Tông huấn là một bản văn vững chắc, vốn đề  cập đến tất cả các vấn đề gia đình dưới những khía cạnh khác nhau của nó: gia đình trong Thánh Kinh, những hoàn cảnh cụ thể trong sự đa dạng cực kỳ của chúng, với những nét đẹp nhưng cũng với những khó khăn và ngay cả những sự khốn cùng của cuộc sống của các đôi bạn và các gia đình, những nền tảng giáo thuyết, những nguyên tắc luân lý cho sự phân định, đồng hành mục vụ đối với những con người, việc giáo dục, linh đạo. Nổi bật ở đó là một cái nhìn tích cực, khoan nhân, vui tươi và đồng thời đòi hỏi về hôn nhân và gia đình; một cái nhìn mà đan xen không ngừng giữa trách nhiệm của những nhân vị và vô số những ân ban của Thiên Chúa.

Để nói với một công chúng rộng lớn, Đức Giáo hoàng đã dùng một cung giọng rất thân mật mà người ta biết đến trong các bài giảng hay các diễn văn của ngài, và giống với cung giọng của một người cha hay của một người ông nói với con hay cháu của mình. Ngài không do dự dùng đại từ nhân xưng “tôi”, hàm ý cách cá nhân trong một cuộc đối thoại với các gia đình, không phải dưới cách thức của người dạy bảo hay tiến sĩ, nhưng là của người mục tử đầy khôn ngoan biết tiếp cận các gia đình trong cái cụ thể của cuộc sống của họ, cách đầy thán phục và lòng trắc ẩn, để nói với họ điều cốt lõi của một Tin Mừng được nói với mỗi gia đình. Lần lượt, ngài nói với các bậc cha mẹ, với các đôi vợ chồng, với những người mẹ, với các vị mục tử để mang lại một lời khuyên rất thực tiễn hay một sự khích lệ, trình bày một định hướng mục vụ, nhắc lại một nguyên tắc nền tảng, đưa ra một tiêu chí phân định. Chẳng hạn như ngài khuyên: “Tôi mến xin tất cả các phụ nữ mang thai: hãy bảo vệ niềm vui của mình, đừng để gì lấy đi niềm vui nội tâm của tình mẹ. Đứa con này xứng đáng niềm vui của chị em” (171).

Cái nhìn hiện thực về hôn nhân, sự quan tâm đến các thực tại cụ thể của đời sống gia đình và mối bận tâm mục vụ phản ảnh phương pháp tiến hành của Thượng hội đồng về gia đình, cách riêng những lối tiếp cận đa dạng, sự tham vấn rộng rãi, thời gian dành cho suy tư. Tông huấn dựa nhiều vào công việc của hai Thượng hội đồng 2014 và 2015, nó trích dẫn cách phong phú các “relationes” (các bản tường trình) và bản tường trình chung cuộc, từ đó cho thấy sự gắn bó của Đức Giáo hoàng với Thượng hội đồng và với sự phân định trong Giáo hội.

Điều đó không ngăn cản bản văn bén rễ trong truyền thống lâu đời của Giáo hội: huấn quyền, nhất là từ công đồng Vatican II và cách riêng thánh Gioan-Phaolô II, các hội đồng giám mục, nhưng cả các Giáo Phụ, các thần học gia của các thời đại khác nhau, cũng như sách Giáo lý Giáo hội Công giáo hay Bộ Giáo luật, như thế lần lượt mang lại sự đóng góp của mình cho tư tưởng của Đức Giáo hoàng.

Từ “văn phong” cá nhân này của Đức Giáo hoàng, vốn biết liên kết sự gần gũi và vai vế huấn quyền, nhiều lối tiếp cận và đóng góp, những người nhận khác nhau, người ta rút ra được một bản văn độc đáo, mới mẻ về nhiều phương diện – mà đồng thời ghi khắc sâu xa trong truyền thống các tông huấn hậu thượng hội đồng, với cùng uy thế giáo luật và cùng mức độ quyền bính.

DÀN BÀI CỦA TÔNG HUẤN

Sau phần mở đầu xác định phong cách và ý định của Tông huấn, chương đầu tiên trình bày gia đình dưới ánh sáng của Lời Chúa, là “người bạn đồng hành” để “chỉ ra mục đích của con đường”, “bao gồm cả các gia đình đang khủng hoảng hay đang đối diện với một đau khổ nào đó” (22). Trong mối bận tâm hiện thực, chương 2 trình bày sự đa dạng của các hoàn cảnh và sự cần thiết tiếp cận thực tại cụ thể của các gia đình, giữa lòng một nền văn hóa được ghi dấu bởi những bóng tối và ánh sáng. Sau khi xem xét các hoàn cảnh hiện nay, chương 3 trình bày một tổng hợp các giáo huấn của Giáo hội về hôn nhân và gia đình, dưới ánh sáng của Chúa Kitô, Đấng hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa và nâng hôn nhân lên hàng dấu chỉ của tình yêu của Ngài dành cho Giáo hội và của sự hiệp thông tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Phần này, có tính giáo thuyết hơn, được theo sau bằng hai chương độc đáo về “tình yêu trong hôn nhân” (chương 4) và “tình yêu trở nên phong nhiêu” (chương 5), trong đó Đức Giáo hoàng trình bày các thái độ “phải vun trồng” để làm cho tình yêu được lớn lên trên con đường tăng trưởng liên lỉ và để đón nhận sự phong nhiêu của nó (với những diễn tả đa dạng) như là ân huệ của Thiên Chúa.

Tiếp đến, chương 6 đề cập một vài viễn ảnh mục vụ và lấy lại nhiều yếu tố được khai triển bởi các nghị phụ về việc chuẩn bị hôn nhân, việc đồng hành trong những năm đầu tiên và những phương sách mục vụ phải vận dụng để đồng hành với các hoàn cảnh phức tạp gặp phải. Chương 7 dành cho việc giáo dục con cái (bao gồm cả việc giáo dục giới tính), bằng cách nhấn mạnh đến vai trò không thể thay thế của các bậc cha mẹ để truyền đạt những giá trị và đức tin, cách kiên nhẫn và hiện thực. Còn về chương 8, mà Đức Giáo hoàng yêu cầu “rằng mọi người đều cảm thấy bị chất vấn” (7), ngài mô tả cách thức mà giáo huấn của Giáo hội này phải được áp dụng, bằng cách nêu rõ “tính tiệm tiến” trong việc thực hiện lề luật, lô-gíc của lòng thương xót và “sự hội nhập”, cũng như “sự phân định” các hoàn cảnh “bất quy tắc”, những yếu tố mà, theo sau Chúa Giêsu, phải hướng dẫn mọi hoạt động mục vụ. Tông huấn kết thúc bằng chương 9, trình bày một vài yếu tố linh đạo hôn nhân và gia đình. Với sự trợ giúp của ân sủng, gia đình được trình bày như là một “con đường nên thánh” và “trưởng thành dần dần” của khả năng yêu thương, như là nơi an ủi, khích lệ và thương xót để “biến đổi thế giới” (324).

NHỮNG CHỦ ĐỀ TRỌNG TÂM CỦA TÔNG HUẤN

Nhiều chủ đề xuyên suốt Tông huấn và cho phép nắm bắt tốt hơn tầm quan trọng của chúng

Hôn nhân Kitô giáo, một tin mừng cho mọi người

Trước tiên, Đức Giáo hoàng muốn lặp lại hôn nhân Kitô giáo là một tin mừng cho Giáo hội và cho xã hội là dường nào. Như ngài chỉ rõ từ ban đầu, “lòng ao ước gia đình vẫn mạnh mẽ” (1), cách riêng nơi giới trẻ, Kitô hữu hay không. Đó là điều thúc đẩy Giáo hội nói lên vẻ đẹp của tình yêu hôn nhân và gia đình, niềm vui và hạnh phúc mà nó mang lại, khi nó diễn tả một sự trao hiến bản thân cho người khác, được sống cách dứt khoát, chung thủy và mở ra cho sự sống. Một tình yêu mà Bí tích Hôn phối không chỉ là một “dấu chỉ lịch sử” của tình yêu Thiên Chúa trong thế giới, “một dấu chỉ của Chúa Kitô trần thế, Đấng đã chấp nhận kết hiệp với chúng ta và đã tự trao hiến chính mình đến đổ máu ra” (161), nhưng còn là một ơn gọi chủ yếu và bất khả thay thế đối với toàn thể xã hội, vì “các đôi bạn Kitô hữu làm sinh động xã hội bằng chứng tá huynh đệ, bằng tính nhạy cảm xã hội, bằng việc bảo vệ những người yếu đuối, bằng đức tin chiếu sáng, bằng niềm hy vọng năng động của mình” (184). Tông huấn không bằng lòng với việc nhắc lại lý tưởng tình yêu của đôi bạn Kitô hữu mà thôi, đặc biệt khi đào sâu cách độc đáo các chiều kích âu yếm, dục vọng và đam mê (xem các chương 4 và 5 khai triển một bài ca ngợi đích thực về tình yêu và sự phong nhiêu gia đình của nó): nó cũng cho thấy sự phong nhiêu xã hội của tình yêu, vì tình huynh đệ được sống trong gia đình làm nên một “lời hứa chiếu sáng trên toàn thể xã hội” (194). Bằng cách này, Đức Giáo hoàng không tách rời mục vụ gia đình khỏi cái khung xã hội rộng lớn hơn của nó. Ngài mời gọi sống nền mục vụ thiết yếu này cách mở ra cho thế giới và những mong đợi của nó.

Quan tâm đến thực tại phức tạp và sự mỏng giòn

Chính việc quan tâm này đến thực tại cụ thể của các gia đình trong sự đa dạng của chúng làm nên một trong những chủ đề của những phát biểu của Đức Giáo hoàng. Với tư cách là vị mục tử tốt lành, Đức Giáo hoàng biểu lộ mong muốn gần gũi với kinh nghiệm hiện thực của các đôi bạn, trong những niềm vui và những khó khăn của họ, những hy vọng và những lo âu. Mối ưu tư là liên lỉ không dừng lại ở “một lý tưởng thần học về hôn nhân quá trừu tượng, hầu như được xây dựng cách giả tạo, xa rời với hoàn cảnh cụ thể và các khả năng tình cảm của các gia đình hiện tại” (36). Theo sau hai Thượng hội đồng, Đức Giáo hoàng lấy lại khá dài sự phân tích hoàn cảnh hiện nay trong “tất cả tính phức tạp của nó với những ánh sáng và bóng tối” (32) và những khó khăn mà các gia đình trên toàn thế giới trong sự đa dạng to lớn của chúng đang phải đương đầu. Nếu phải vui mừng giữa lòng các gia đình và xã hội về những mối tương quan ngày càng nhân vị hơn, về ý thức công bằng, về việc từ bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ và chế độ phụ quyền bạo hành, về sự nổi lên một chủ nghĩa nữ quyền nào đó và một sự hỗ tương lớn lao hơn trong các vai trò của người nam và người nữ, thì người ta cũng có thể lấy làm tiếc sự khép kín cá nhân chủ nghĩa, những hậu quả của một dục tình bấp bênh, việc đòi hỏi cố chấp các quyền lợi, sức mạnh của các ý thức hệ và nỗi sợ hãi những thất bại… Biết bao chướng ngại hiện nay cho sự dấn thân quảng đại đối với người khác (xem chương 2).  Đức Giáo hoàng cũng nhắc nhớ tầm quan trọng của các điều kiện vật chất và xã hội (việc làm, chỗ ở, sự nghèo khổ, di dân, sự già nua, khuyết tật…) đối với sự phát triển và củng cố tình yêu và đời sống gia đình.

Tính hiện thực lành mạnh này của Đức Phanxicô dẫn ngài đến chỗ xem xét những sự mỏng giòn khác nhau vốn đi kèm trên con đường tình yêu: nếu Giáo hội hiểu rằng mọi đoạn tuyệt mối liên hệ hôn nhân đều “đi ngược lại ý muốn của Thiên Chúa, thì [Giáo hội] cũng ý thức về tính mỏng giòn của nhiều con cái của mình” (291). Nếu vấn đề là xích lại gần những con người để loan báo cho họ tin tốt lành của Tin Mừng về hôn nhân, thì còn phải gần gũi họ ở hoàn cảnh họ là. Chính ở đó mà Thiên Chúa mong đợi chúng ta: “Sự hiện diện của Chúa được biểu lộ trong gia đình hiện thực và cụ thể, với tất cả những đau khổ, những cuộc chiến đấu, những niềm vui và những nỗ lực thương ngày của nó” (315).

Tình yêu đang tiến bước, một hành trình tăng trưởng

Việc quan tâm đến tính mỏng giòn, những khó khăn nhưng cả bạo lực vốn ám ảnh đời sống gia đình, đi đôi với một cái nhìn về tình yêu không phải được trao ban một lượt, bằng một thứ phép màu, nhưng luôn luôn đang tiến bước, được đặt trong một hành trình tăng trưởng và trưởng thành. Thật đáng chú ý để ghi nhận Đức Giáo hoàng mời gọi chúng ta quan tâm đến lịch sử và điều kiện lịch sử của chúng ta là dường nào. Những từ “thời gian”, “con đường”, “sự tăng trưởng”, “sự trưởng thành”, “hành trình”, “tiến trình” được gặp thấy ở mọi lúc của Tông huấn để nhấn mạnh đến tính năng động vốn cần phải chi phối việc xây dựng tình yêu và đến tính cần thiết của việc đồng hành với nó cách kiên nhẫn. Trong đoạn kết luận, Đức Giáo hoàng nhấn mạnh: “Chúng tôi đã nhắc lại điều đó nhiều lần trong Tông huấn này, không có gia đình nào là một thực tại trên trời và được hình thành một lần cho tất cả, nhưng gia đình đòi hỏi một sự trưởng thành dần dần trong khả năng yêu thương của nó. Có một lời mời gọi liên lỉ đến từ sự hiệp thông tròn đầy của Chúa Ba Ngôi, từ sự kết hiệp tuyệt vời giữa Chúa Kitô và Giáo hội của Ngài” (325).

Đối với các tín hữu và các mục tử, nó hệ tại một lời mời gọi luôn lớn lên hơn nữa trong đức ái và không bao giờ tuyệt vọng về hoạt động của ân sủng: “Tất cả chúng ta đều được kêu gọi duy trì sống động việc vượt lên trên chính bản thân chúng ta và những giới hạn của chúng ta […]. Hỡi các gia đình, chúng ta hãy tiến bước, hãy tiếp tục bước đi! Điều được hứa cho chúng ta thì luôn luôn hơn nữa” (325). Chính như thế mà sau khi mô tả những thành tố của tình yêu bằng một chú giải tuyệt vời bài ca đức ái (1Cr 13, 4-7) (90-119), Đức Giáo hoàng tuyên bố: “Tất cả điều này được thực hiện trong một hành trình tăng trưởng trường kỳ. Hình thức rất đặc biệt này của tình yêu hôn nhân được mời gọi đến một sự trưởng thành liên lỉ” (134). Bởi vì nó là sự tham dự vào tình yêu vô tận là chính Chúa Thánh Thần, nên “không có gì giới hạn sự tăng trưởng của nó”.

Vượt trên các đôi bạn và các gia đình, chính toàn thể Giáo hội đang tiến bước và được mời gọi hoán cải để trung thành hơn với mẫu gương của Chúa Kitô Giêsu trong thái độ đón tiếp và thương xót của Ngài. Tất cả mọi người đều bị chạm đến bởi tính mỏng giòn và tất cả mọi người đều cần đến lòng thương xót. Đối diện với tính dễ tổn thương và với những hoàn cảnh khó khăn chạm đến các gia đình, “không làm giảm đi giá trị của lý tưởng Tin Mừng, nhưng cần phải đồng hành với lòng thương xót và kiên nhẫn những giai đoạn tăng trưởng khả thể của những con người vốn được xây dựng ngày qua ngày”, mở ra con đường cho “lòng thương xót của Chúa, Đấng thúc giục chúng ta làm điều thiện có thể” (308; x. Evangelii gaudium 44).

Đồng hành, phân định, hội nhập: một cuộc hoán cải mục vụ theo gương Chúa Giêsu

Việc xem xét lịch sử và sự tăng trưởng của tình yêu nơi các gia đình như thế đóng góp vào một nền mục vụ của Giáo hội vốn không cố định trong việc tuân theo quy tắc hay lý tưởng mong muốn, nhưng ước muốn đồng hành với mọi gia đình, dù hoàn cảnh họ thế nào, để khích lệ họ, săn sóc họ. Đức Giáo hoàng có những lời rất cứng rắn đối với những ai mà, “tâm hồn khép kín”, biến giáo huấn của Giáo hội về hôn nhân và gia đình thành “việc bảo vệ thuần túy một học thuyết lạnh lùng và không có sức sống” (59) để biến nó “thành những viên đá chết chóc ném vào người khác” (49, xem diễn văn bế mạc Thượng hội đồng), hay là biến nó thành một thứ “luân lý quan liêu lạnh lùng” (312). Chính như thế mà các mục tử không thể “cảm thấy thỏa mãn bằng việc chỉ áp dụng những luật luân lý cho những ai đang sống nhưng hoàn cảnh ‘bất quy tắc’” (305), cũng không áp đặt “những phán đoán quá cứng nhắc hay thiếu kiên nhẫn” (308). Lấy lại chủ đề “luật tiệm tiến” mà Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã từng đề nghị (x. Familiaris consortio 9 và 34), Đức Phanxicô nhấn mạnh ba từ chủ chốt của toàn bộ bản văn: đồng hành, phân định, hội nhập (xem chương 8). Những yếu tố tích cực đã được sống bởi các gia đình mà không hoàn toàn sống lý tưởng Kitô giáo thì cần phải làm tăng giá trị “bằng việc tìm cách biến đổi chúng thành những cơ hội dẫn tới sự tròn đầy của hôn nhân và gia đình dưới ánh sáng của Tin Mừng. Nó hệ tại đón tiếp họ và đồng hành với họ cách kiên nhẫn và tế nhị” (294). Từ “trật tự”đúng là “hội nhập mọi người” để giúp đỡ mỗi người tìm ra cách thức của mình tham dự vào cộng đồng Giáo hội. “Không ai có thể bị kết án cách vĩnh viễn, bởi vì đó không phải là lô-gíc của Tin Mừng!” Và Đức Giáo hoàng nêu rõ: “Tôi không chỉ nói về những người ly dị dấn thân trong một hôn nhân mới, nhưng về tất cả mọi người trong bất kỳ hoàn cảnh nào” (297).

Từ đó lời mời gọi các tín hữu cũng như các mục tử “phân định rõ các hoàn cảnh” (79, x. Familiaris consortio 84) vừa để trung thành với sự thật (bằng việc phân biệt các trường hợp, bằng việc quan tâm đến các hoàn cảnh, các điều kiện) vừa để thực thi đức ái mục tử (bằng việc khám phá bước mà có thể được thực hiện trong ý thức về một sự tham gia lớn hơn vào đời sống của Giáo hội). “Nếu người ta lưu tâm đến sự đa dạng vô số của những hoàn cảnh cụ thể, […] thì không nên chờ đợi từ Thượng hội đồng hay từ Tông huấn này một bộ luật chung mới thuộc loại giáo luật, có thể áp dụng cho mọi trường hợp. Điều cần là phải có một sự khích lệ mới mẻ cho việc phân định cá nhân và mục vụ có trách nhiệm đối với các trường hợp riêng biệt, mà phải thừa nhận rằng, vì “mức độ trách nhiệm là không như nhau trong mọi trường hợp (Relatio finalis 51), nên những hậu quả hay những hiệu quả của một chuẩn mực không nhất thiết phải luôn luôn như nhau. Các linh mục có sứ mạng “đồng hành những người liên quan trên con đường phân định theo giáo huấn của Giáo hội và những định hướng của giám mục” (Relatio finalis 85)” (300). Đức Giáo hoàng chỉ ra rằng sự phân định này cũng có thể có giá trị đối với kỷ luật các bí tích (các chú thích 336 và 351). Nếu học thuyết về hôn nhân và các bí tích là rõ ràng, thì nó đòi hỏi được vận dụng theo lòng thương xót của Thiên Chúa, vốn là trung tâm của mạc khải, và theo gương Chúa Giêsu, “chính Ngài giới thiệu mình như là Mục Tử của một trăm con chiên, chứ không phải của chín mươi chín con. Ngài muốn tất cả chúng” (309).

Một lời mời gọi xem xét các hoàn cảnh đặc biệt như thế dựa vào sự tin tưởng lần nữa vào lương tâm được giáo dục của các tín hữu và vào công việc của ân sủng nơi mỗi người. Đức Giáo hoàng nhiều lần nhấn mạnh: “Chúng ta được mời gọi đào tạo các lương tâm, nhưng không có tham vọng thay thế chúng” (37). “Lương tâm của con người phải được thực hành của Giáo hội quan tâm nhiều hơn trong một số hoàn cảnh vốn không thể hiện cách khách quan quan niệm của chúng ta về hôn nhân. Rõ ràng, cần phải khuyến khích sự trưởng thành của một lương tâm được soi sáng, đào tạo và đồng hành bởi sự phân định có trách nhiệm và nghiêm túc của người mục tử, và đề nghị một sự tin tưởng luôn luôn lớn lao hơn vào ân sủng” (303).  Ngài mời gọi các tín hữu và các mục tử tin tưởng vào sự kiện rằng, trên một con đường cùng nhau bước đi, những người đang gặp khó khăn sẽ khám phá ra trong thâm tâm mình lời đáp trả quảng đại cho Thiên Chúa.

CÁC HƯỚNG NGHIÊN CỨU, CÁC PHƯƠNG SÁCH VÀ NHỮNG KHAI MỞ CHO VIỆC MỤC VỤ

Cho dầu Tông huấn Amoris laetitia được nói với tất cả mọi người, “với các giám mục, linh mục và phó tế, với những người sống đời thánh hiến, với các vợ chồng Kitô hữu và với tất cả các tín hữu giáo dân”, nhưng có ba nhóm tác nhân mục vụ sẽ tìm thấy ở đó một mối quan tâm đặc biệt: những người đồng hành với việc chuẩn bị hôn nhân, các vị hữu trách và các tác nhân mục vụ gia đình và những người dấn thân phục vụ linh đạo hôn nhân.

Chuẩn bị hôn nhân

Việc chuẩn bị hôn nhân là một lãnh vực mục vụ vừa rất đa dạng tùy theo các giáo xứ, vừa rất tiến triển: các nhóm chuẩn bị hôn nhân có những thiên hướng để đón nhận Tông huấn. Toàn bộ bản văn chứa đựng những lời khuyên bổ ích cho việc mục vụ chuẩn bị hôn nhân. Nhưng chương 4, khi đưa ra những suy tư tốt đẹp về ý nghĩa của tình yêu lứa đôi, việc xây dựng nó – bao hàm cả tính dục -, những phương sách cần thiết để làm cho tình yêu lớn lên, là đặc biệt quý giá, cũng như phần đầu tiên của chương 6, vốn trình bày một vài thách đố và những định hướng:

  • Việc chuẩn bị hôn nhân phải khơi lên một “cuộc hoán cải sứ mạng”, tức là “sứ mạng” chuẩn bị phải tiến triển: nó phải thăng tiến một cuộc loan báo Tin Mừng nhập thể, chứ không trừu tượng; ở đó các giá trị trổi vượt quy tắc (201); chứng tá của gia đình là hàng đầu; trong khuôn khổ gần gũi mà giáo xứ, “gia đình của các gia đình” mang lại (202); với những công cụ thực tiễn cho đời sống của đôi bạn (211) và một sự canh phòng thực sự đới với tất cả những gì gây ngăn trở cho sự phát triển hài hòa của đời sống lứa đôi và gia đình (201).
  • Nó cũng phải hướng dẫn các đôi bạn bằng cách giúp họ khám phá ra giá trị của hôn nhân, ý nghĩa của các nhân đức (206), kinh nghiệm về Giáo hội. Vả lại, việc chuẩn bị phải dẫn đến chẩn đoán các nguy cơ (209-210), hiểu biết hôn nhân như là một ơn gọi, nại đến Bí tích Hòa giải (211), cậy dựa vào Thánh Kinh (216). Một sự dẫn vào Nghi thức hôn phối sẽ giúp họ nhận thấy tầm quan trọng của việc trao đổi sự ưng thuận, giúp họ chuẩn bị một sự cam kết dấn thân chứ không phải một biến cố mà thôi, giúp họ bước vào đời sống cầu nguyện (212-214).
  • Nó phải vận dụng một cuộc nghiên cứu về những gì là thích ứng nhất với các hoàn cảnh hiện thực: “Mỗi Giáo hội địa phương sẽ phân định những gì là tốt nhất, bằng việc mang lại một sự đào tạo thích đáng mà đồng thời không làm cho các bạn trẻ xa rời khỏi bí tích” (207).
  • Một nền mục vụ như thế đòi hỏi việc đào tạo các tác nhân, và cách riêng các thừa tác viên chức thánh tương lai (202-204).

Mục vụ gia đình

Mối bận tâm mục vụ gia đình của các giáo xứ và các giáo phận xuất hiện trong suốt Tông huấn, nhưng cách riêng trong phần hai của chương 6 và ở chương 8. Các ban mục vụ gia đình của giáo phận sẽ tìm thấy ở đó nhiều nguồn khích lệ. Chúng tôi nêu lên một vài công việc:

  • Đồng hành trong những năm đầu tiên của đời sống hôn nhân: hôn nhân là một cuộc xây dựng trường kỳ, không bao giờ hoàn tất, luôn luôn đang trưởng thành. Nó trải qua các giai đoạn, cần được đồng hành với những phương sách của đời sống Giáo hội địa phương (217-230).
  • Soi sáng các cuộc khủng hoảng, những lo âu và những khó khăn. Thách đố của các cuộc khủng hoảng cần thiết có sự điều chỉnh lại một nền mục vụ đặc thù (231-240).
  • Đồng hành sau một cuộc ly dị đòi hỏi một nền mục vụ trung gian và đồng hành với những người đang sống trong hoàn cảnh đoạn tuyệt (241-246). Vấn đề đặc thù của những người ly dị tái hôn được bàn cách rộng rãi ở chương 8 mà mở ra cho những con đường mới mẻ: không sửa đổi luật lệ hay giáo thuyết, nhưng lời mời gọi xem xét các hoàn cảnh rất đa dạng “vốn không được xếp loại hay khép kín trong những khẳng định quá cứng nhắc mà không dành chỗ cho một sự phân định cá nhân và mục vụ thích hợp” (298-312).
  • Những hoàn cảnh phức tạp khác (hôn nhân hỗn hợp, khác đạo, những gia đình chỉ có cha hay mẹ, có một thành viên đồng tính) cũng đòi hỏi một nền mục vụ đặc thù (247-252).
  • Mục vụ tang chế là một nơi hiện diện của Giáo hội và loan báo đức tin như là sự nâng đỡ trong cơn thử thách (253-258).
  • Quan tâm đến việc giáo dục con cái, cách riêng giáo dục đức tin, giáo dục tự do trách nhiệm và một sự đời sống tình cảm quân bình, là một ưu tư nhiều lần được khơi lên, cách riêng ở chương 7.
  • Việc đào tạo tất cả các tác nhân mục vụ gia đình là có tính quyết định. Ở đây, Giáo hội phải chứng tỏ chuyên môn, không do dự nêu cao giá trị và huy động các chuyên ngành trong các vấn đề hôn nhân và gia đình (202-204).

Chúng ta ghi nhận, việc mục vụ gia đình của giáo phận được khích lệ đảm trách những nhu cầu thiết yếu của các đôi bạn và gia đình; đọc lại hay chuẩn bị những dự phóng, những định hướng, nhưng còn củng cố những sự hợp tác sinh hoa trái với các ban khác trong giáo phận, như việc mục vụ phụng vụ và bí tích, mục vụ sức khỏe hay thường huấn.

Suy tư đang tiến triển và về đôi lứa

Chương 4 về “tình yêu trong hôn nhân” và chương 5 về “tình yêu trở nên phong nhiêu” cung cấp những phương sách vốn có thể hữu ích cho tất cả các giai đoạn của đời sống đôi bạn, để sống cuộc mạo hiểm hôn nhân và gia đình như là một kinh nghiệm đức tin và đời sống thiêng liêng. Chương 9, dành cho linh đạo hôn nhân, mở ra hay nhắc lại những hướng nghiên cứu mà những chuyển động đối với các đôi bạn cách cá nhân sẽ có thể dựa theo.

SỐNG HOÁN CẢI

Đức Giáo hoàng ý thức rằng định hướng mục vụ này là rất đòi hỏi. Như ngài nhấn mạnh: “Tôi hiểu những ai vốn thích một nền mục vụ cứng rắn hơn mà không để cho bất kỳ sự mù mờ nào” (308). Chắc chắn một số tín hữu và mục tử sẽ hoang mang hay lo lắng bởi lời mời gọi phân định và xem xét các trường hợp đặc biệt này vốn sẽ đòi hỏi một công việc của sự thật, kiên nhẫn và tế nhị. Nhưng có một xác tín sâu xa định hướng toàn bộ chủ tâm của ngài: “Tôi chân thành tin rằng Chúa Giêsu Kitô muốn một Giáo hội quan tâm đến thiện ích mà Chúa Thánh Thần gieo vào giữa sự mỏng giòn của con người: một bà Mẹ mà, đang khi diễn tả cách rõ ràng giáo huấn khách quan của mình, vẫn không chối bỏ thiện ích khả thể, cho dù bà có nguy cơ bị vấy bùn trên đường đi” (308, x. Evangelii gaudium 45). Vì thế, đó là một sự “hoán cải sứ mạng” mà toàn thể Giáo hội được mời gọi (201) để trở nên chứng tá hơn nữa về niềm vui, sự thiện hảo và tình yêu của Chúa, Đấng đồng hành với dân Ngài trên đường đời của họ.

Về một số khía cạnh của mục vụ, Đức Giáo hoàng chỉ ra rằng ngài không muốn giải quyết dứt khoát những vấn đề phức tạp mà vẫn đòi hỏi có thời gian để giải quyết. Như ngài thường xuyên nói, “thời gian lớn hơn không gian”: Tốt nhất là tạo ra những tiến trình cho phép công việc lâu dài với những người khác hơn là sở hữu những không gian quyền lực trong sự thiếu kiên nhẫn với những kết quả tức thời. Nếu Đức Giáo hoàng là người bảo đảm sự hiệp nhất, thì “tất cả không phải được giải quyết dứt khoát bởi những can thiệp của huấn quyền” (3). Như thế ngài kêu gọi cần thiết hội nhập văn hóa những giải pháp tùy theo các hoàn cảnh và các Giáo hội địa phương. Sự hoán cải của Giáo hội cũng là sự hoán cải của tính hiệp hành (của con đường cùng nhau) và của một sự tản quyền nào đó. Sự kiên nhẫn, đối thoại, quan tâm đến những khác biệt văn hóa sẽ là cần thiết.

Liên quan đến học thuyết, Đức Giáo hoàng không chối bỏ những đòi hỏi của Tin Mừng về hôn nhân và gia đình. “Trong bất cứ cách nào Giáo hội không được chối bỏ đề nghị lý tưởng trọn vẹn của hôn nhân, tức kế hoạch của Thiên Chúa trong tất cả sự cao cả của nó” (307), và có những hoàn cảnh rõ ràng đối nghịch với kế hoạch yêu thương này (292, 297). Nhưng sự mới mẻ của vấn đề là nằm trong mối tương quan với lý tưởng này và trong lối vận dụng mục vụ của nó. Nó hệ tại việc vượt quá một sự xếp loại các hoàn cảnh gia đình thành “quy tắc” và “bất quy tắc”, những từ ngữ mà Đức Giáo hoàng không thích, vì một lô-gíc nhị phân sẽ loại trừ thay vì hội nhập; nó hệ tại thoát khỏi sự “cho phép hay cấm đoán” để đề cập lý tưởng một cách hiện thực, mà không che giấu những yếu hèn và tính phức tạp của cuộc sống. Tất cả mọi người đang tiến bước trong sự tăng trưởng tình yêu và tất cả mọi người đều cần đến lòng thương xót và sự trợ giúp của ân sủng. Đó là một nền đạo đức và mục vụ cho mọi người mà Đức Giáo hoàng đề nghị, một lời mời gọi toàn thể Giáo hội dấn thân hơn nữa qua một thái độ lắng nghe, khích lệ, nâng đỡ, đồng hành với tất cả các gia đình. Một nền mục vụ gia đình vui tươi, tích cực và đầy lòng thương xót.

Hélène BRICOUT và Alain THOMASSET

Lm. Võ Xuân Tiến chuyển ngữ

 

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30