GIỚI THIỆU VẮN TẮT TÀI LIỆU LÀM VIỆC SYNOD 16
Văn Phòng Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng Giám Mục
Giới thiệu vắn tắt Tài Liệu Làm Việc cho Khóa Thứ Hai của Hội nghị Thượng Hội đồng Giám mục Thường kỳ Lần Thứ 16
Năm 2021, Hội Thánh của Thiên Chúa đã được “triệu tập trong Thượng Hội đồng” (cf. Tài liệu Chuẩn bị, số 1). Kể từ đó, các Giáo hội địa phương – chính ở đây và từ nơi đây mà Giáo hội Công giáo hiện hữu trong tính hiệp nhất và phổ quát của mình – đã đón nhận lời mời gọi tự vấn về những bước đi mà Thiên Chúa đang kêu gọi Hội Thánh của Ngài đảm nhận. Hôm qua cũng như hôm nay, điều quan trọng là loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ trần gian, Đấng chữa lành và đưa trần gian này đến chỗ hoàn thành. Cùng bước đi với nhau – tức “hiệp hành” – trên nẻo đường được Chúa Giêsu chỉ dẫn, đó là cung cách của mọi người trong Giáo hội, sống hiệp thông, để tham gia vào sứ mạng chung.
***
Tài liệu Làm việc, như tên gọi của nó, tiên vàn là một “công cụ giúp làm việc” cho các thành viên của Hội nghị sẽ nhóm họp ở Rôma vào tháng Mười sắp tới (từ ngày 2 đến ngày 27).
Đó không phải là một bản văn cung cấp những câu trả lời tiền chế, cũng không phải là một tài liệu nhắm đề cập tất cả các vấn đề nối kết với nhu cầu ngày càng tăng về tính “hiệp hành trong sứ mạng”. Đó là một bản văn căn bản, rành rẽ nhưng cốt yếu, được phác họa để thúc đẩy việc cầu nguyện, đối thoại, phân định, sự chín chắn của một đồng thuận khởi đi từ một số điểm đồng qui được chín muồi trong tiến trình, hướng tới việc đệ đạt cho Đức thánh cha Tài liệu Chung kết của Hội nghị Thượng Hội đồng Lần Thứ 16 này.
Dĩ nhiên bản văn có thể được dùng trong những tháng sắp tới tại những thực thể khác nhau của Giáo hội để khích lệ toàn Dân Thiên Chúa – qua việc cầu nguyện và chia sẻ các ý hướng – cùng tham gia vào công việc được ủy thác cho các thành viên của Hội nghị.
Dựa vào những kết quả của hành trình cho đến nay, cách riêng những đóng góp của các Giáo hội kể từ Bản Tổng Hợp Khóa Hội nghị Thứ Nhất, Tài liệu Làm việc cho Khóa Thứ Hai của Hội nghị Thượng Hội đồng Giám mục Lần Thứ 16 đưa ra một số chỉ dẫn và một số đề nghị về cách thức mà Giáo hội hoàn vũ, các Giáo hội địa phương, và các nhóm Giáo hội có thể và có triển vọng đáp ứng cho nhu cầu “hiệp hành trong sứ mạng”.
Vì thế, Tài liệu Làm việc này phải được đọc trong toàn bộ tiến trình Thượng Hội đồng bắt đầu từ năm 2021 và trong tính tiếp tục với tiến trình đó: từ việc thỉnh ý tại các Giáo hội địa phương, tới các Hội nghị cấp quốc gia và châu lục, Khóa Hội nghị Thứ Nhất của Thượng Hội đồng Giám mục, Bản Báo cáo Tổng hợp, cuộc Gặp gỡ Quốc tế của các Cha Quản xứ hưởng ứng Thượng Hội đồng, và việc kích hoạt mười nhóm được Đức thánh cha ủy nhiệm nghiên cứu chuyên sâu nhiều chủ đề, qua đó phối kết một số chỉ dẫn hiện lộ lên từ Khóa Hội nghị Thứ Nhất và đã bắt đầu “giai đoạn áp dụng” của tiến trình Thượng Hội đồng, như được ấn định trong Tông hiến Episcopalis Communio.
Tài liệu Làm việc bao gồm năm phần. Sau phần Giới thiệu, Tài liệu bắt đầu với một phần dành nói về Các Nền Tảng của việc nhận hiểu tính hiệp hành, nhắc lại nhận thức đạt được trong tiến trình và được đồng thuận bởi Khóa Hội nghị Thứ Nhất. Tiếp theo là ba phần đan kết chặt chẽ với nhau, soi sáng cho đời sống hiệp hành có tính thừa sai của Giáo hội từ các nhãn giới khác nhau: (I) nhãn giới Các Mối Tương Quan – với Chúa, giữa anh chị em, và giữa các Giáo hội – sẽ nâng đỡ sức sống của Giáo hội cách căn bản hơn nhiều so với các cơ cấu của mình; (II) nhãn giới Các Nẻo Đường, sẽ hỗ trợ và nuôi dưỡng năng động của các mối tương quan cách cụ thể; (III) nhãn giới Các Nơi Chốn, chống lại cái cám dỗ của một phổ quát tính trừu tượng, nhãn giới này nói về cái cụ thể của những bối cảnh trong đó các mối tương quan được thể hiện, với tính đa dạng, đa nguyên và tính nối kết lẫn nhau giữa chúng, cũng như với sự cắm rễ của chúng trong nền tảng co giãn của việc tuyên tín. Mỗi phần như vậy sẽ là chủ đề của việc cầu nguyện, trao đổi và phân định theo một trong các mô-đun vốn sẽ đánh dấu công việc của Khóa Hội nghị Thứ Hai.
* * *
Giới thiệu
Phần Giới thiệu nhắc lại con đường đã đi cho đến nay và tạ ơn Chúa về những hoa trái mà tiến trình Thượng Hội đồng đã sản sinh và được nhìn nhận trong một Giáo hội tỏ ra sống động và đang đi tới. Trong số những hoa trái này có việc sử dụng rộng rãi phương pháp hiệp hành gọi là Đối thoại trong Thánh Thần. Tài liệu bắt đầu bằng một bản văn lấy từ sách ngôn sứ Isaia, mô tả một bữa tiệc được Chúa chuẩn bị cho mọi dân tộc, một biểu tượng của liên hoan và hiệp thông. Chủ đề này được nối kết với sứ mạng của Giáo hội là mang lại niềm hy vọng và ơn cứu độ cho nhân loại, nhất là cho những ai đau khổ. Hành trình Thượng Hội đồng, đã bắt đầu vào năm 2021, được coi là một cơ hội để canh tân Dân Thiên Chúa trong sứ mạng của mình, cắm rễ trong căn tính chung do Phép Rửa và trong tính đa dạng của các bối cảnh Giáo hội.
Ở trung tâm của suy tư là câu hỏi nòng cốt: “Bằng cách nào trở thành một Giáo hội hiệp hành trong sứ mạng?” Tài liệu nhấn mạnh rằng đây không phải chỉ là vấn đề cải thiện các cơ cấu và các qui trình của Giáo hội, nhưng là vấn đề đổi mới tinh thần dấn thân sứ mạng của mọi người. Điều này đòi hỏi một nhận thức sâu sắc về tính hiệp hành và về sự không ngừng hoán cải. Cuối cùng, phần giới thiệu nhắc lại rằng Khóa Thứ Hai của Hội nghị Thượng Hội đồng Lần Thứ 16 không thể bị tách rời khỏi Khóa Thứ Nhất: hai Khóa nối tiếp nhau “và nhất là cả hai đều thuộc về một tiến trình rộng lớn hơn vốn dĩ sẽ không chấm dứt vào cuối tháng Mười năm 2024 – như chỉ dẫn của Tông hiến Episcopalis communio”.
***
Các Nền Tảng (số 1-21)
Trong tiến trình Khóa Thứ Hai, Hội nghị sẽ dành để thảo luận các nền tảng dẫn dắt nẻo đường hoán cải và canh tân mà Dân Thiên Chúa muốn theo để ngày càng có tính hiệp hành hơn trong sứ mạng, hòa hợp tính đa dạng và sự khác biệt, trong sự trao đổi hỗ tương của nam và nữ, trong một hành trình không ngừng hoán cải và canh tân.
Chương này cung cấp chân trời để định vị các suy tư và các đề nghị thần học và mục vụ, khảo sát những nền tảng của Giáo hội hiệp hành mang tính thừa sai, đặc biệt là căn tính của Giáo hội xét như là Dân Thiên Chúa và là bí tích của sự hiệp nhất. Tầm nhìn này cắm rễ trong truyền thống sống động của Giáo hội và được diễn tả trong những điểm đồng qui đã hiện lộ lên qua hành trình Thượng Hội đồng. Tính hiệp hành được xem như một nẻo đường hoán cải và canh tân, được định hướng nhắm đến sứ mạng và sự tham gia của tất cả mọi người đã lãnh Phép Rửa. Giáo hội được mời gọi trở thành một dấu chỉ hiệp nhất và một khí cụ hòa giải, trong một thế giới mang dấu chia rẽ và xung đột. Điều này đòi hỏi một nhận thức mới về sự hiệp thông Giáo hội và một sự dấn thân sống tính hiệp hành trong mọi chiều kích của nó. Phần lớn chương này được dành để suy tư về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội. Thật vậy, những đóng góp thu được tại mọi giai đoạn của tiến trình đã nêu bật nhu cầu phải nhìn nhận đầy đủ hơn các đặc sủng, ơn gọi và vai trò của phụ nữ trong mọi khung cảnh của đời sống Giáo hội, xét như một bước tất yếu để thúc đẩy sự trao đổi có tính tương quan lành mạnh.
Trong cuộc Hội nghị
Qua kinh nghiệm Đối thoại trong Thánh Thần – vốn đã được áp dụng trong Khóa Thứ Nhất – và trong việc đào sâu những nhãn giới này, Hội nghị sẽ được mời gọi chứng thực có một sự đồng thuận chân thực trong Giáo hội về những khía cạnh nền tảng này của đời sống Dân Thiên Chúa, cách riêng về một số yêu cầu cụ thể liên quan tới việc thăng tiến phụ nữ trong Giáo hội, cũng như được mời gọi thể hiện sự đồng thuận ấy.
***
BA PHẦN CỐT YẾU
Phần I – CÁC MỐI TƯƠNG QUAN (số 22-50)
Trên những nền tảng được nhận diện ở phần thứ nhất của Tài liệu, các mối tương quan giúp cho Giáo hội có tính hiệp hành trong sứ mạng phải được khảo sát và chứng thực. Đó là mối tương quan với Chúa Cha, trong Chúa Giêsu Kitô và trong Thánh Thần, được diễn tả về mặt bí tích trong hành trình khai tâm Kitô giáo. Đó cũng là mối tương quan giữa nam và nữ trong cộng đoàn mà trong đó Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người khả năng để hành động, theo những cách đa dạng nhất, cho thiện ích của tất cả (các đặc sủng); trong đó có những người được kêu gọi làm những việc phục vụ khác nhau (các thừa tác vụ); trong đó qua bí tích Truyền Chức Thánh một số người được được mời gọi tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô, là mục tử và đầu, tức những tác vụ chức thánh. Từ mối tương quan giữa các tín hữu tới mối tương quan giữa các Giáo hội, trong một thế giới và cho một thế giới mà giữa quá nhiều mâu thuẫn vẫn đang tìm kiếm công lý, hòa bình, tìm kiếm một niềm hy vọng lớn hơn những giới hạn trong thời điểm hiện nay hay trong một tương lai gần.
Sức sống Giáo hội vượt quá những cơ cấu của mình, do đó mời gọi sự phát huy những tương quan sâu xa và chân thực. Các mối tương quan là nền móng của đời sống có tính hiệp hành và thừa sai của Giáo hội, được diễn tả nơi sự hiệp thông và tham gia của mọi thành phần Dân Thiên Chúa trong một sứ mạng duy nhất. Một đàng, một Giáo hội tương quan là sứ điệp rút ra từ các bản báo cáo của các Giáo hội địa phương, cách riêng từ tiếng nói của giới trẻ đang kêu gọi một Giáo hội của tương quan, chứ không phải của những cơ cấu, không nặng hình thức quan liêu nhưng đặt nền trên những mối tương quan năng động và được sống tận lực.
Trong cuộc Hội nghị
Hội nghị sẽ đưa ra được những chỉ dẫn về các chủ đề như: Khai tâm Kitô giáo; việc nhìn nhận và thúc đẩy các đặc sủng và các tác vụ; mối tương quan giữa giám mục, linh mục và phó tế trong Giáo hội địa phương, cũng như việc phân tích loại hình các tác vụ dựa trên bí tích Phép Rửa, và đề nghị khai mở những tác vụ mới như “lắng nghe và đồng hành”. Đây cũng là một cơ hội để khảo sát ý niệm về “trao đổi các ân ban” trong khung cảnh đại kết cũng như trong đối thoại với các truyền thống tôn giáo và với tất cả mọi người.
***
Phần II – CÁC NẺO ĐƯỜNG (số 51-79)
Như vậy chúng ta sẽ xem xét các nẻo đường trong đó có thể chăm sóc các mối tương quan và phát triển chúng theo một phong cách Kitô giáo, nhằm phục vụ cho sứ mạng. Trước hết, đó là những nẻo đường huấn luyện, ở mọi cấp độ của đời sống Giáo hội. Tài liệu Làm việc nhắc lại rằng “không có sứ mạng nếu không có bối cảnh, không có Giáo hội nếu không có sự cắm rễ tại một nơi rõ ràng, với những đặc nét văn hóa và những khả tính lịch sử của nó. Vì thế không thể phác thảo các kế hoạch huấn luyện trong trừu tượng”. Trong số những nẻo đường để khảo sát, có các phương thức và các tiêu chuẩn giúp ấn định hình thức cụ thể của “việc phân định trong cộng đoàn” nhằm cho phép việc lắng nghe trong những hoàn cảnh khác nhau đối với “những gì Chúa Thánh Thần đang nói với các Giáo hội” và đưa ra những chọn lựa theo đó, với những quyết định phù hợp, nêu rõ trách nhiệm và sự tham gia của mọi người cũng như nhiệm vụ chuyên biệt của những ai đảm trách việc thực thi quyền bính. Trong số những nẻo đường phải theo có bao gồm những nẻo đường giúp cho các vị hữu trách Giáo hội trở nên đáng tin cậy với sự minh bạch trong các hành động của mình, nhằm phục vụ cho thiện ích của Giáo hội và cho sứ mạng.
Trong cuộc Hội nghị
Hội nghị được mời gọi đề ra những cách thức cụ thể để đáp ứng các nhu cầu này về huấn luyện, về việc phân định trong cộng đoàn và về tính minh bạch, về sự khả tín và việc lượng giá, trong xem xét đến tính hiệp nhất của Giáo hội Công giáo và tính đa dạng của các bối cảnh.
***
Phần III – CÁC NƠI CHỐN (số 80-108)
Các mối tương quan và các nẻo đường được định hình ở các nơi chốn. “Nơi chốn” không chỉ đơn thuần được định nghĩa theo địa lý hay theo không gian thuần túy; đúng hơn, nó gợi tính cụ thể và đồng thời gợi đặc nét bối cảnh thuộc nền văn hóa đặc trưng của nó, cũng như tính cá biệt đầy năng động biến hóa của hoàn cảnh con người. Tài liệu Làm việc phân tích các bối cảnh cụ thể trong đó các mối tương quan được thể hiện, nhìn nhận tính đa dạng và đa nguyên của các kinh nghiệm Giáo hội, mời gọi chúng ta vượt qua một lối nhìn tĩnh tại về các nơi chốn, và vượt quá hình ảnh về các tương quan theo dạng kim tự tháp giữa các thực thể Giáo hội khác nhau (các giáo xứ, giáo phận hay giáo khu, giáo tỉnh, Giáo hội hoàn vũ). Giáo hội, duy nhất và phổ quát, sống ‘tại các nơi chốn’ và ‘từ các nơi chốn’, trong một vòng tròn năng động (hay trong ‘tính nội thuộc lẫn nhau’). Tránh cả sự phân hóa và cục bộ, cũng như tránh khuynh hướng đồng nhất hóa và cào bằng, các chủ đề quan trọng về đối thoại đại kết, đối thoại liên tôn giáo và đối thoại với các nền văn hóa ăn khớp với chân trời này.
Trong cuộc Hội nghị
Vì thế Hội nghị sẽ đề cập những chủ đề như đời sống của Giáo hội địa phương (cách riêng việc thúc đẩy các dạng thức có tính tham gia), những mối nối kết giữa các Giáo hội và giám mục của mình (các Hội đồng Giám mục, các cơ cấu Giáo phẩm Đông phương, các Hội đồng địa phương), việc phục vụ cho sự hiệp nhất được đảm nhiệm bởi Giám mục Rôma trong một Giáo hội hiệp hành (trong bối cảnh này, cũng sẽ suy tư về những phát triển mà Thượng Hội đồng Giám mục đã trải nghiệm trong những năm gần đây và việc tìm kiếm những hình thức thực thi sứ vụ Phêrô mở ra với “hoàn cảnh mới” của nẻo đường đại kết, hướng đến sự hiệp nhất hữu hình của các Kitô hữu).
Kết luận (số 109-112)
Tài liệu khép lại với việc nhắc nhớ rằng mỗi câu hỏi đề cập ở đây nhằm mục đích phục vụ cho Giáo hội và qua hành động của Giáo hội sẽ có khả năng chữa lành những vết thương thâm sâu nhất của thời đại chúng ta. Tài liệu nhắc lại rằng thế giới là dấu chỉ bí tích về một sự hiện diện siêu vượt trên nó và làm sinh động nó, một nơi chốn mà mọi sự được nối kết và được ghi dấu bởi một khát vọng hướng tha. Mọi sự đều là một tiếng gọi tương quan và là một chứng từ về tình trạng bất-túc-nơi-chính-mình. Tài liệu kết thúc với một lời mời gọi tiếp tục cuộc hành trình trong tư cách những người lữ hành của niềm hy vọng.
Lm. Lê Công Đức dịch
14.7.2024
Tags: synode
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 17. THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ NÓI : « XIN NGƯỜI NGỰ ĐẾN ! ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO