GIỮA TIẾP BIẾN VĂN HÓA VÀ HỘI NHẬP VĂN HÓA, BÀI HỌC CỦA BA NGHỆ SĨ CÔNG GIÁO VIỆT NAM

Written by xbvn on Tháng Tư 13th, 2025. Posted in Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh, Đức Maria

Cho đến ngày 4 tháng Năm, Bảo tàng Cernuschi ở Paris sẽ vinh danh ba họa sĩ Việt Nam chứng nhân của một ​​cuộc gặp gỡ kín đáo, kiên nhẫn và khiêm tốn giữa đức tin và văn hóa của họ. Nhà sử học nghệ thuật Pierre Téqui nhìn thấy ở đó còn hơn sự ra đời của nghệ thuật Việt Nam hiện đại: một hình thức hội nhập văn hóa sâu sắc và tinh tế giữa phương Đông và phương Tây.

Phong cảnh Bắc Kỳ Hà Nội, giữa năm 1932 và 1934. Bức bình phong bằng ba tấm gỗ sơn mài. Bộ sưu tập của Gia đình Lam.

Tại Bảo tàng Cernuschi, ba nghệ sĩ đến từ Việt Nam đang mang đến ánh sáng rực rỡ cho mùa xuân Paris. Lê Phổ, Mai Thứ và Vũ Cao Đàm: tên của họ kể một câu chuyện với ba tiếng nói – câu chuyện của những người được đào tạo ở Đông Dương thuộc địa đã chọn nước Pháp làm vùng đất lưu vong và sáng tạo. Các tác phẩm của họ, với sự thanh lịch ấn tượng, mở ra một Việt Nam được tạo nên từ những khuôn mặt phụ nữ trẻ trung, những cử chỉ lơ lửng, những chiếc áo dài thướt tha và những người mẹ thầm lặng. Mọi thứ đều thì thầm ký ức về một đất nước mơ ước, đã qua, được tái hiện trên lụa trong một cử chỉ trong đó hiện đại không bao giờ xóa bỏ truyền thống. Triển lãm tại Bảo tàng Cernuschi không chỉ cho chúng ta biết về sự ra đời của nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Đây là một hình thức hội nhập văn hóa sâu sắc, một sự kết hợp tinh tế: giữa Đông và Tây, chủ nghĩa cổ điển Nho giáo và phong cách tiên phong Paris, lụa và dầu, sự im lặng và màu sắc.

Một phương pháp sư phạm hiệu quả

Lê Phổ, Mai Thứ và Vũ Cao Đàm đều được đào tạo tại Trường Mỹ thuật Đông Dương, được thành lập tại Hà Nội vào năm 1925 trong bối cảnh chế độ thực dân. Người sáng lập, Victor Tardieu, một họa sĩ người Pháp đến từ Trường Mỹ Thuật Lyon và sau đó là Paris, có một tham vọng duy nhất: khai tâm cho các nghệ sĩ Việt Nam về các kỹ thuật phương Tây mà không làm họ mất đi thiên tài của chính họ. Ngược lại, việc giảng dạy khuyến khích sử dụng các vật liệu địa phương – lụa, mực, sơn mài – tái hiện các họa tiết truyền thống và gắn kết với nền văn hóa thị giác của đất nước. Vấn đề không phải là Âu hóa nghệ thuật Việt Nam, mà là mang đến một nét hiện đại vốn vẫn còn bén rễ sâu.

Phương pháp sư phạm hiệu quả này đã mang lại thành quả. Lê Phổ, Mai Thứ và Vũ Cao Đàm rời Đông Dương vào cuối những năm 1930. Họ đã trải qua chiến tranh, lưu vong và biến động của lịch sử, và định cư tại Pháp – ở Nice, ở Paris – nơi họ đã phát triển một tác phẩm độc đáo.

Những người lính hướng về phía Đức Mẹ

Anne Fort, người phụ trách Bảo tàng Cernuschi và giám tuyển khoa học của triển lãm, đã vách lại hành trình của họ một cách tinh tế. Bà cho thấy chân dung của họ trên lụa, những cảnh đời thường, các tác phẩm cách điệu và thơ mộng của họ. Chúng ta có thể thấy di sản của hội họa Việt Nam cũng như ảnh hưởng lan tỏa của chủ nghĩa hiện đại Pháp. Giữa hai điều đó, có một sự cân bằng mong manh, một hơi thở tinh tế. Triển lãm là bài học về cái đẹp.

Nhưng Bảo tàng Cernuschi không phải là nơi đầu tiên tôn vinh họ. Bảo tàng Ursulines ở Mâcon đã dành một cuộc triển lãm cảm động cho Mai Thứ, hé lộ một loại hình nghệ thuật từ lâu đã bị gạt ra bên lề của một lịch sử về những người tiên phong được quá thương xuyên ít nhắc tới. Nhân dịp này, văn phòng du lịch đã nhắc lại rằng nhà thờ Saint-Pierre ở Mâcon có một bức bích họa do chính ông ký, được vẽ vào năm 1941. Vinh danh những người lính trong Thế chiến thứ nhất, bức bích họa này thể hiện hình ảnh những người lính hướng về Đức Trinh Nữ Maria, ánh mắt đang hướng về phía Thánh Tâm. Chúng ta tìm thấy phong cách của Mai Thứ ở đó: hình thức tinh tế, sự dịu dàng kín đáo, một bố cục trong đó lời cầu nguyện xuất hiện. Đây không chỉ là giai thoại về di sản, mà còn là dấu hiệu của một Giáo hội có khả năng mở cửa đón nhận nghệ thuật từ nơi khác. Bởi vì đó chính là điều quan trọng: cho phép mỗi nền văn hóa thể hiện, bằng ngôn ngữ riêng của mình, vẻ đẹp của mầu nhiệm Kitô giáo.

Đức Mẹ Việt Nam, nằm ở lối vào nhà hàng Ba Miền, đại lộ Choisy, Paris. Pierre Tequi, [2025].

Sự tinh tế của một công cuộc loan báo Tin Mừng được hội nhập văn hóa

Khi đến thăm triển lãm tại Bảo tàng Cernuschi, người ta sẽ bị ấn tượng bởi trực giác của Victor Tardieu. Một sự tổng hợp thẩm mỹ ở đây kết hợp với tham vọng của một chủ nghĩa hỗn hợp chung sống – bởi vì sự tiếp biến văn hóa nghệ thuật mà chúng ta quan sát thấy ở đó vang vọng, tận nơi sâu thẳm, sự tinh tế của một công cuộc loan báo Tin Mừng được hội nhập văn hóa. Từ “hội nhập văn hóa” không cũ lắm. Nó chỉ quá trình mà Phúc Âm đi vào một nền văn hóa, không phải để xóa bỏ mà là để làm cho nó phong nhiêu. Đây không phải là chủ nghĩa hỗn hợp: đây là sự nhập thể. Chúa Kitô đã trở thành người Việt Nam, cũng giống như Người đã trở thành người Hy Lạp, La Mã, Celt hay Peul. Chúng tôi đã có cơ hội gợi lên vấn đề này cách đây vài tuần trên chuyên mục của Aleteia. Trong nghệ thuật, hội nhập văn hóa là sự căng thẳng phong nhiêu giữa lòng trung thành với đức tin và sự tiếp nhận ngôn ngữ của người khác. Và đó chính là những gì các nghệ sĩ này đã biết thực hiện. Ngay cả khi không biểu lộ đức tin một cách rõ ràng, họ vẫn truyền tải sự dịu dàng, nội tâm, sự im lặng chạm đến trái tim người tin một cách sâu xa.

Tôi nghĩ rằng nếu cuộc triển lãm này làm tôi xúc động nhiều đến vậy, đó là vì nó gợi cho tôi nhớ đến bức tượng Đức Trinh Nữ mà tôi gặp trong một nhà hàng ở quận 13 của Paris, tại quán Ba Miền. Đứng trên một cái bệ, Đức mẹ đứng một cách thanh thản: một Đức Trinh Nữ Maria mặc trang phục như một phụ nữ Việt Nam, nón lá trên khuỷu tay, bế Chúa Hài Đồng trên tay. Đây là Đức Mẹ La Vang. Bức tượng Đức Mẹ này được tạo ra vào cuối thế kỷ XVIII, trong bối cảnh các cuộc bách hại. Vào năm 1798, tại khu rừng La Vang ở miền Trung Việt Nam, Đức Mẹ được cho là đã hiện ra với các Kitô hữu tỵ nạn và hứa sẽ che chở họ. Từ đó, Đức Mẹ La Vang đã trở thành biểu tượng của người Công giáo Việt Nam. Đức Mẹ La Vang được mừng lễ vào ngày 15 tháng Tám, giống như ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời. Mặc dù những lần hiện ra của Mẹ chưa bao giờ được Rôma công nhận, nhưng Đức Gioan Phaolô II vẫn xúc động nói về sự tôn kính Mẹ trong một thánh lễ năm 1998.

Các chứng nhân của một cuộc gặp gỡ kín đáo

Bức tượng này nằm trên Đại lộ Choisy, trong một khu phố thường bị giảm thiểu sai thành một “Phố Tàu”, là minh chứng cho sự hiện diện kín đáo: sự hiện diện của những người Công giáo Việt Nam đến Pháp vào những năm 1970 để chạy trốn chế độ cộng sản. Một cộng đồng hội nhập, nhiệt thành, được chào đón tại các giáo xứ như Saint-Hippolyte, và những đứa con của họ lớn lên ở một đất nước không còn luôn biết gọi tên những khuôn mặt của sự thánh thiện.

Đức Mẹ La Vang là một hình tượng của sự hội nhập văn hóa. Mẹ không áp đặt bất cứ điều gì: Mẹ kết duyên. Mẹ không xóa bỏ văn hóa Việt Nam; Mẹ tiếp nhận nó và biến đổi nó. Trang phục, dáng vẻ, nét mặt của Mẹ: mọi thứ nơi Mẹ đều nói với những ai nhìn Mẹ rằng họ có vị trí trong đức tin Kitô giáo. Như Mẹ, Lê Phổ, Mai Thứ và Vũ Cao Đàm là những chứng nhân của ​​một cuộc gặp gỡ kín đáo, kiên nhẫn, khiêm tốn – nhưng vô cùng phong nhiêu. Mong rằng trong các nhà thờ, viện bảo tàng, trái tim chúng ta, chúng ta hãy dành chỗ cho những nghệ thuật đến từ rất xa và rất gần, và cho những khuôn mặt này của Chúa Kitô và Mẹ Maria vốn không giống chúng ta. Vì những hình ảnh này tiết lộ mầu nhiệm lớn nhất trong đức tin của chúng ta: một Thiên Chúa trở thành tất cả cho mọi người, để mọi người được cứu rỗi.

—————————————

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : Pierre Téqui, Aleteia)

———————————————

ChatGPT vẽ hình Đức Mẹ La Vang và Đức Mẹ Việt Nam:

Đức Mẹ La Vang

Đức Mẹ Việt Nam

 

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2025
H B T N S B C
« Th3    
  1 2 3 4 5 6
7 8 9 10 11 12 13
14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27
28 29 30