« HÃY BIẾN CĂN TÍNH VÀ SỰ THUỘC VỀ CỦA CÁC CON THÀNH MỘT TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT »

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 28th, 2022. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Thế Giới, Tý Linh

Trong sứ điệp video gởi cho các tham dự viên của cuộc Gặp gỡ giới trẻ thế giới do tổ chức « Scholas Occurentes » tài trợ, diễn ra ở Buenos Aires, Argentina, từ ngày 29/10 đến 1/11/2018, Đức Phanxicô đã đưa ra một giáo huấn về sự gắn bó với « căn tính », với « sự thuộc về » (tư cách thành viên), với « gốc rễ »…như là điều kiện của « sự tăng trưởng » và mở ra cho tha nhân, cho sự khác biệt, và như là điều kiện của « cuộc gặp gỡ », của « sự đối thoại » đích thực và của hòa bình.

Tổ chức Scholas là một tổ chức thuộc quyền giáo hoàng được hình thành từ sáng kiến của Đức Tổng Giám mục Buenos Aires, Jorge Mario Bergoglio, hướng đến các vùng ngoại vi. Được thành lập lại vào năm 2013 dưới sự thúc đẩy của Đức Phanxicô , trong Viện hàn lâm Khoa học của Tòa Thánh, Scholas Occurentes làm việc bên canh các trẻ em gặp khó khăn bằng cách thúc đẩy các chiến lược giáo dục vốn cho phép phát triển thông qua thể thao, nghệ thuật và công nghệ.

Không thể thương lượng căn tính của mình

Trong sứ điệp của mình, Đức Thánh Cha cho thấy « để gặp gỡ nhau », một « cuộc gặp gỡ giữa các căn tính khác nhau », « cần phải xác tín về căn tính của riêng mình. Bạn không thể đi thương lượng căn tính của mình để gặp gỡ người khác, bạn không thể hóa trang căn tính của mình, bạn không thể che đậy nó, bởi vì cuộc sống không phải là một lễ hội hóa trang, nó là một điều gì đó rất nghiêm túc. Và một cuộc gặp gỡ phải nghiêm túc, với nhiều niềm vui, nhưng phải nghiêm túc tận đáy lòng ».

Đức Thánh Cha nói tiếp : « Từ căn tính không phải dễ dàng. Và đó là câu hỏi về « tôi là ai ? ». Và đó là một trong những câu hỏi quan trọng nhất mà chúng ta có thể đặt ra cho mình: trước bản thân mình, trước tha nhân, trước Thiên Chúa, trước lịch sử. Tôi là ai? »

Trung thành với một căn tính đang hình thành

Đối với Đức Thánh Cha, câu hỏi này « đi với câu hỏi về ý nghĩa của đời tôi: tôi là ai và đời tôi có ý nghĩa gì? ». Ngài nhấn mạnh việc trung thành với một căn tính đang hình thành: « Căn tính của chúng ta không phải là một dữ kiện được gán cho chúng ta, nó không phải là một số của nhà máy, không phải là thông tin mà tôi có thể tra cứu trên Internet để biết tôi là ai. Chúng ta không phải là một cái gì đó hoàn toàn được xác định, thiết lập. Chúng ta đang trên hành trình, chúng ta đang phát triển, và cốt lõi của căn tính này đang phát triển và chúng ta tiếp tục tiến bước. Chúng ta lớn lên với phong cách của chúng ta, với lịch sử của riêng mình, với cốt lõi của căn tính riêng của chúng ta. Chúng ta là chứng nhân, chúng ta là biên tập viên và độc giả của đời mình và chúng ta không phải là tác giả duy nhất: chúng ta là những gì Thiên Chúa ước mơ cho chúng ta, chúng ta là những người mà chúng ta nói với chính mình, những người mà người khác nói với chúng ta, bao lâu chúng ta trung thành. Trung thành với sự toàn vẹn bản thân, trung thành với sự cao quý bên trong chúng ta, trung thành với một lời mà mọi người sợ hãi: trung thành với sự nhất quán. Không có những căn tính trong phòng thí nghiệm ».

Căn tính là sự thuộc về

Bởi vì đối với Đức Thánh Cha, « mọi căn tính đều có một lịch sử, và vì có một lịch sử, nên nó có một sự thuộc về. Căn tính của tôi đến từ một gia đình, một dân tộc, một cộng đồng. Không thể nói về căn tính mà không nói đến sự thuộc về. Căn tính là sự thuộc về. Thuộc về một điều gì đó siêu vượt tôi, điều gì đó lớn hơn tôi. Một nguy cơ hiện hữu trong thời đại này, đó là khi một căn tính quên đi nguồn gốc của mình, quên đi lịch sử của mình, thì nó không mở ra cho sự khác biệt của việc chung sống hiện tại; nó nhìn người khác cách sợ hãi, như một kẻ thù, và chính ở đó mà chiến tranh bắt đầu. »

Căn tính và sự gặp gỡ đối thoại

Đức Thánh Cha nói tiếp : « Do đó, để  căn tính không trở nên bạo lực, không trở nên độc đoán, không phủ nhận sự khác biệt, nó cần gặp gỡ người khác luôn, nó cần đối thoại, nó cần phát triển qua mỗi lần gặp gỡ và nó cần ký ức về sự thuộc về của mình. Đâu là nguồn gốc của tôi? Tôi đến từ đâu? Đâu là văn hóa của dân tộc tôi? Không có căn tính trừu tượng. Chỉ có một căn tính trừu tượng mà thôi, đó là thẻ căn cước, là một miếng giấy. Nhưng nó vô dụng, nó không làm cho bạn trưởng thành. Cùng lắm, điều đó sẽ mang lại cho bạn sự yên tâm khi ai đó của an ninh yêu cầu nó từ bạn. Không có căn tính phòng thí nghiệm, không có căn tính bất động ».

« Căn tính là sự thuộc về. Xin lưu ý điều đó, hãy quan tâm đến sự thuộc về của bạn. Biết bao lần chúng ta chẳng phải đã nghe nói: “Đừng tin người đó, vì anh ta sẽ đi đến chỗ bán mẹ mình!”? Mỗi người hãy tự hỏi: tôi có đang bán sự thuộc về của tôi không? Tôi có bán lịch sử của dân tộc tôi không? Tôi có bán văn hóa của dân tộc tôi không? Tôi có bán rẻ văn hóa và những gì tôi đã nhận được từ gia đình và cộng đồng của tôi không?…Đừng bán những gì sâu xa nhất trong chúng ta, tức là sự thuộc về, căn tính và những gì, trên cuộc hành trình, trở thành sự gặp gỡ của các căn tính đa dạng để làm phong phú lẫn nhau. Trở thành tình huynh đệ. »

Cuối cùng, Đức Thánh Cha khuyên các bạn trẻ hãy « biến căn tính của các con, sự thuộc về mà các con đã nhận được, thành một tác phẩm nghệ thuật ».

Tý Linh

(theo Anita Bourdin, ZENIT)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30