HÃY CỨU LẤY VÀ BẢO VỆ GIA ĐÌNH CÙNG TRẺ THƠ
Lễ Rạng Đông Giáng Sinh tại Giáo xứ Kim Long, Huế
Kính thưa Cộng đoàn Phụng Vụ,
Trong những ngày này, khắp nơi trên thế giới, mọi người tưng bừng mừng lễ Giáng Sinh, chứ không chỉ riêng người Công giáo chúng ta. Nhưng cách thức và tinh thần mừng lễ lại rất khác biệt. Đáng buồn thay ý nghĩa thiêng liêng của lễ Giáng Sinh có nguy cơ bị tổn thương và phàm tục hóa: nhiều người chỉ coi đây là cơ hội phát triển và tranh đua làm ăn thương mại, một lễ hội, một dịp vui chơi, văn nghệ, hát xướng, tiệc tùng, trao đổi quà cáp, hẹn hò yêu đương… chứ chẳng có tinh thần tôn giáo cần thiết nào hết, chẳng hạn người ta đua nhau lập kỷ lục lịch sử về cây thông Giáng sinh như cây thông cao nhất thế giới tại Brasil cao 85m, nặng 542 tấn, thắp đến 3,1 triệu bóng đèn; cây thông bằng socola tại Pháp cao 10m, nặng 4 tấn; cây thông đắt nhất thế giới tại Abu Dhabi tốn hết 11 triệu mỹ kim; cây thông bằng vàng thật cao 2,4m tại Nhật bản, được làm bằng 88 kg vàng; cây thông lego ở Malaysia cao 9m, nặng 6 tấn, gồm 400.000 mảnh ghép lego; cây thông bằng kính tại Ý cao 8,5m, nặng 3 tấn, gồm 1.000 tấm kính; ngay tại khu công nghiệp Bình Dương Việt Nam năm nay cũng dựng một cây thông nhân tạo lợp bằng mica màu cao 36m, trội hơn cây thông 32m của Hà Nội năm rồi; nhưng bù lại, Hà Nội lại tổ chức tại Hồ Tây một lễ hội Noel lớn nhất Việt Nam. Nhưng bên cạnh những cây thông vĩ đại đó lại có hàng trăm gian hàng ăn uống, mua bán, và thậm chí vui chơi hưởng lạc nữa. Vì thế, chúng ta cùng nhau dừng lại ít phút để suy tư và chia sẻ đôi điều, đặt trọng tâm vào sứ điệp mà Chúa Giêsu Hài Đồng mang đến cho chúng ta trong Năm Tân Phúc Âm Hóa Giáo xứ, Gia đình và Cộng đoàn đời sống thánh hiến này.
Phúc âm Luca[1] vừa cho chúng ta biết rằng khi được thiên sứ báo tin, các mục đồng hối hả tới Bêlem gặp thấy bà Maria, ông Giuse cùng Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Họ đã kể lại những điều tai nghe mắt thấy về Hài Nhi Giêsu khiến ai nấy đều ngạc nhiên. Còn Mẹ Maria thì ghi nhớ tất cả những điều ấy và hằng suy đi nghĩ lại trong lòng. Chúng ta tự hỏi lòng mình xem có “hối hả” chạy đến với Chúa, nói với Chúa, và mạnh dạn tìm mọi cơ hội và phương thế để nói về Chúa cho người khác, như ĐTC Phanxicô hằng thúc dục chúng ta đi ra ngoại biên truyền giáo để gặp gỡ tha nhân, nhất là những người nghèo khổ bất hạnh, bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề không? Chúng ta có bắt chước gương ‘ghi nhớ và suy niệm’ của Đức Mẹ về mầu nhiệm, lòng thương xót, sự tha thứ và kế hoạch cứu độ của Chúa, cho chúng ta và cho những ai chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống hằng ngày, cũng như cho toàn thể nhân loại không?
Kính thưa Anh Chị Em,
Nhìn vào hang đá trong tiết đông lạnh lẻo rét mướt, ai trong chúng ta lại không chạnh lòng thương cảm khi nhìn thấy một gia đình nghèo, không nhà không cửa, phải ở chung với súc vật, nhất là khi nhìn thấy một trẻ thơ mới khóc chào đời đã phải vất vả lầm than như thế. Đối với phận người bình thường như vậy đã là quá khốn khổ rồi, huống chi đối với Thiên Chúa làm người! Tuy nhiên, nơi máng cỏ Bêlem, một bầu không khí đầm ấm, yêu thương và hạnh phúc toả ra bao trùm cảnh tối tăm nghèo khổ cơ cực ấy. Ánh mắt của Hài Nhi Giêsu, của Đức Mẹ, của thánh Giuse, bừng lên tình thương yêu, đón đợi cuộc viếng thăm của các mục đồng đơn sơ thấp hèn, cũng như ba đạo sĩ giàu sang cao quí.
Chúng ta không thể mường tượng được cuộc đời trần thế của Hài Nhi Giêsu sẽ ra sao nếu không có gia đình Nazareth. Chính gia đình thánh thiện này đã đưa hài nhi Giêsu vượt qua mọi khó khăn gian khổ, trở nên người thực sự là của Thiên Chúa và người cho mọi người, để hoàn thành sứ mạng cứu nhân độ thế. Chúng ta liên tưởng đến gia đình chúng ta, cộng đoàn sống đời thánh hiến chúng ta và giáo xứ chúng ta, để khi đáp lại lời mời gọi của Giáo Hội canh tân, đổi mới, tân Phúc Âm hóa gia đình, cộng đoàn, giáo xứ thì phải bắt đầu canh tân, đổi mới, tân Phúc Âm hóa chính bản thân mỗi người chúng ta trước, vì canh tân, đổi mới, tân Phúc Âm hóa bản thân mỗi người chúng ta thì dễ hơn là nỗ lực canh tân, đổi mới, tân Phúc Âm hóa các người khác trong gia đình, trong cộng đoàn, và trong giáo xứ chúng ta.
Năm nay cũng là năm chuẩn bị cho THĐGM Thường lệ về Gia Đình từ 4-25/10/2015 với Bản câu hỏi suy tư về mọi khía cạnh nhằm thăng tiến các giá trị gia đình đích thực, việc đào tạo hàng giáo sĩ trong sứ vụ về gia đình, cách thức Giáo hội có thể hiện diện nhiều hơn nơi những người sống xa rời đức tin Kitô giáo và việc chăm sóc cho những gia đình bị tổn thương và đang lung lay, gồm cả những người đã ly dị và tái hôn hay việc chăm sóc những người đồng tính. Trong bối cảnh đó và nhìn vào Máng Cỏ, chúng ta được mời gọi hãy cứu lấy và bảo vệ các gia đình cùng trẻ thơ. Chúng ta tin, chúng ta hy vọng và chúng ta quyết tâm làm một cái gì cho những người kém may mắn hơn chúng ta.
Thật thế, nhìn Chúa Hài Đồng như mở rộng vòng tay mời gọi, chúng ta nức lòng nghĩ đến những em bé được chờ đợi và chào đón, nhưng cũng đau lòng nghĩ đến những trẻ sơ sinh không được đón nhận, những trẻ em bị bỏ rơi không thể sống sót vì thiếu sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ và người thân. Quả vậy, hiện có biết bao trẻ thơ bị bỏ rơi, mồ côi cha mẹ, vì nghèo đói bệnh tật và ly dị, vì bạo lực khủng bố, vì chiến tranh, vì nạn lạm dụng và buôn người, đang phải chịu cảnh đói nghèo thiếu thốn, không chỉ là thiếu thốn vật chất mà còn thiếu thốn tình thương của một mái ấm gia đình, của những vòng tay ôm ấp vỗ về. Không có cảnh nghèo nào khốn cùng hơn cảnh trẻ thơ thiếu tình thương cha mẹ và gia đình. Không có mái nhà nào rách nát hơn mái gia đình tan vỡ. Không có mùa đông nào giá lạnh hơn mùa đông của trái tim, của tình người. Muốn cứu lấy trẻ thơ phải cứu lấy gia đình. Gia đình là tương lai của trẻ thơ. Trẻ thơ là tương lai của Giáo Hội và thế giới.
Ngày xưa, bạo vương Hêrôđê săn đuổi Hài Nhi Giêsu để giết đi hầu trừ hậu họa cho địa vị và ngai vàng của ông, mà giết oan các anh hài từ hai tuổi trở xuống. Ngày nay, biết bao trẻ thơ cũng đang bị săn đuổi, giết chết bởi những bạo vương thời đại mới. Các bạo vương thời đại mới này rất đa dạng. Đó có thể là những kẻ tôn giáo cuồng tín cực đoan như Nhà Nước Hồi Giáo IS chặt đầu phân thây các em bé nhất quyết trung thành theo Chúa Giêsu, không chịu cải đạo theo Hồi giáo; đó có thể là những kẻ chạy theo lợi nhuận mà phát tán nọc độc chết chóc trong các sách báo, trò chơi điện tử và phim ảnh xấu, trong nạn nghiện ngập xì ke ma tuý, mại dâm; đó có thể là những cơ chế xã hội phi nhân thiếu vắng Thiên Chúa hoạch định việc giết chết thai nhi, trong đó có những cha mẹ vì chức tước địa vị giàu sang hay công việc và miếng cơm manh áo mà trở thành bạo chúa giết chết chính con mình đang còn trong bụng mẹ; đó có thể là những học sinh sinh viên sống thử phóng túng buông thả luân lý để rồi phải phá thai hay phải làm mẹ khi tuổi đời còn quá non nớt, không đủ khả năng nuôi dạy con, đành phải bỏ rơi con trong thùng rác, trên vỉa hè bệnh viện hay xó chợ, cho ruồi bâu, kiến rúc (đáng buồn là Việt Nam chúng ta đang có tỉ lệ phá thai cao nhất thế giới!), khiến các em gánh chịu không biết bao nhiêu cơ cực cay đắng trên tâm hồn và trên thân xác, vì không có được một mái ấm gia đình, không biết cha mình là ai, mẹ mình là ai và giờ đang ở nơi đâu!; đó có thể là những đôi vợ chồng ích kỷ chỉ nghĩ đến tự ái, đau khổ hay vui sướng của bản thân mà không nghĩ đến những hậu quả đau thương cho con cái, làm cho gia đình đổ vỡ, ly dị khiến các em trở nên mồ côi cha mẹ, dù cha mẹ các em đang còn sống cả đó; đó có thể là những chức sắc tôn giáo hư hỏng, những thầy cô xuống cấp đạo đức, những quan chức xã hội suy đồi, những bà con và láng giềng vô lương tâm đã lạm dụng tình dục trẻ em. Các em không chỉ bị giết chết về thân xác, mà còn bị giết chết dần mòn về tâm hồn và đức tin: những lạm dụng và tội lỗi đã giết chết lòng trong trắng của các em, đã đánh mất tình thương, niềm tin và hy vọng của các em vào con người, vào cuộc đời, và lắm khi cả vào Thiên Chúa nữa.
Vì Hài Nhi Giêsu, chúng ta hãy cứu lấy trẻ thơ khỏi tay các bạo vương thời đại mới này. Chúng ta hãy cùng nhau nỗ lực cầu nguyện và ưu tiên làm mọi cách làm cho những tiêu cực đó đừng xảy ra nữa, đồng thời khắc phục giải quyết các hậu quả. Chúng ta nghiêng mình cảm phục và ca ngợi những Trung tâm từ thiện, đặc biệt của các tu sĩ các tôn giáo, những tấm lòng quảng đại và những đôi vợ chồng son sẻ hay hiếm muộn đã mở rộng lòng nhân ái đón nhận các trẻ em mồ côi hay bị bỏ rơi, khuyết tật để cho các em có cha có mẹ, có một mái ấm gia đình và một tương lai. Chúng ta không tự mình đứng ra làm được như thế, thì hãy cộng tác bằng tinh thần và vật chất, thăm viếng động viên, nhất là cầu nguyện. Đối với sức con người giới hạn thì không thể, nhưng không phải đối với sức Chúa. Chúng ta hãy tin tưởng cầu nguyện và tín thác. Trẻ thơ là tương lai của chúng ta. Chúng ta hãy cứu lấy tương lai chúng ta. Nếu chúng ta thực sự yêu thương trẻ thơ, trân trọng tương lai của chúng ta, của Giáo hội và của thế giới, chúng ta hãy tha thiết cầu nguyện, đặc biệt trong năm nay, năm mà Giáo Hội dành để cầu nguyện, học hỏi và canh tân gia đình, cộng đoàn và giáo xứ trở thành cái nôi làm phát sinh và nuôi dưỡng đức tin, trở thành môi trường đào tạo đầu tiên ơn gọi hôn nhân và đời sống thánh hiến. Xin Chúa Giêsu bé thơ luôn gần gũi, thương yêu nâng đỡ và bảo vệ các trẻ em hôm nay, ban cho các em được sự quan tâm chăm sóc của mọi người trong gia đình, trong giáo xứ, cũng như trong toàn thể Giáo Hội và Xã hội. Xin Chúa Hài Đồng, tuy bé mọn mà có phép tắc, luôn đồng hành, gìn giữ các gia đình được yên vui đầm ấm để tương lai trẻ thơ được tươi sáng hơn. Amen.
Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS
Tags: Giáng-sinh
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- BÀI HÁT: CÚI LẠY CHÚA TÔI
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ
- HÀNH KHÚC GIÁO HOÀNG, BÀI QUỐC CA CHÍNH THỨC CỦA VATICAN DO MỘT NGƯỜI PHÁP SÁNG TÁC
- CÁC ĐẠI SỨ TẠI TÒA THÁNH ĐƯỢC ĐỨC PHANXICÔ CHẤT VẤN
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH NHÂN DỊP CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025 : NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT NỀN NGOẠI GIAO HY VỌNG
- Ở THÁI LAN, CUỘC CHIẾN HÀNG NGÀY CỦA MỘT LINH MỤC CHỐNG LẠI NẠN LAO ĐỘNG TRẺ EM
- CÁI CHẾT CỦA CHA FELIX WILFRED, “MỘT MẤT MÁT LỚN LAO CHO NỀN THẦN HỌC CHÂU Á”
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 1
- CẦU NGUYỆN VÀ BÓNG ĐÁ, BÍ QUYẾT CỦA NỮ TU INAH CANABARRO LUCAS, NGƯỜI LỚN TUỔI NHẤT THẾ GIỚI
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA HIỂN LINH 2025: GẶP GỠ CHÚA GIÊSU NƠI ANH CHỊ EM CHÚNG TA