HÃY TRỞ NÊN NGÔI NHÀ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT CHO NGƯỜI KHÁC

Written by xbvn on Tháng Chín 6th, 2023. Posted in Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Trong buổi tiếp kiến ​​chung vào Thứ Tư 6/9/2023, Đức Phanxicô đã kể lại chuyến tông du của ngài đến Mông Cổ. Ngài kêu gọi “mở rộng biên giới cái nhìn của chúng ta”, như dân tộc này “nhìn lên trời và cảm nhận hơi thở của công trình tạo dựng”, mà “không trở thành tù nhân của sự nhỏ bé” để nhận ra điều tốt đẹp nơi tha nhân.

Có rất nhiều người trên quảng trường Thánh Phêrô trong buổi tiếp kiến ​​chung đầu tiên của tháng Chín. Chỉ hai ngày sau khi trở về từ Mông Cổ, Đức Thánh Cha đã đề cập đến chuyến viếng thăm Mông Cổ, chuyến tông du thứ 43 kể từ khi bắt đầu triều đại giáo hoàng của ngài.

Đầu tiên, Đức Thánh Cha Phanxicô cảm ơn những người đã đồng hành với chuyến viếng thăm của ngài, cũng như chính quyền Mông Cổ, đặc biệt là Tổng thống Khurelsukh, cũng như cựu Tổng thống Enkhbayar. Trong chuyến đi này, Đức Phanxicô tiếp tục khuyến khích cộng đồng Công giáo nhỏ bé của đất nước – chưa đến 1.500 tín hữu – một “dân tộc cao thượng và khôn ngoan, những người đã thể hiện với tôi rất nhiều tình thân ái và tình cảm”.

Tính phổ quát được thể hiện bởi Giáo hội Mông Cổ

Người ta có thể tự hỏi tại sao Đức Giáo hoàng lại đi xa đến vậy để thăm đoàn chiên tín hữu nhỏ bé”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, trước khi nói thêm rằng “chính ở đó, xa với ánh đèn sân khấu, mà chúng ta thường tìm thấy những dấu hiệu về sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng không nhìn bề ngoài mà vào tấm lòng (x.1Sm 16, 7)”. Chúa “không tìm kiếm trung tâm sân khấu”, nhưng đúng hơn là “tâm hồn đơn sơ của những ai khao khát và yêu mến Người mà không cần đến vẻ bề ngoài”. Do đó, Giáo hội Mông Cổ nhỏ bé “khiêm tốn và vui tươi” này đã thấy mình “ở trung tâm của Giáo hội” trong vài ngày.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha đề cập đến lịch sử của cộng đồng Công giáo trẻ này, xuất hiện vào những năm 1990 sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ. Một cộng đồng được sinh ra từ “lòng nhiệt thành tông đồ” theo Đức Phanxicô,  như những bài giáo lý trước đây của ngài về niềm say mê loan báo Tin Mừng và lòng nhiệt thành tông đồ. “Một số nhà truyền giáo (…) say mê Tin Mừng, cách đây ba mươi năm đã đến một đất nước mà họ không hề biết. Họ đã học ngôn ngữ của nó và, mặc dù đến từ các quốc gia khác nhau, nhưng họ đã tạo ra một cộng đồng Công giáo hiệp nhất và thực sự công giáo”, Đức Thánh Cha giải thích và đồng thời nhắc lại rằng từ “Công giáo” có nghĩa là “phổ quát”. “Công giáo là như thế này: một tính phổ quát nhập thể, nắm bắt những điều tốt đẹp ở nơi nó sống và phục vụ những người mà nó sống cùng.”

Đức Phanxicô giải thích: “Những nhà truyền giáo này không đến đó để chiêu dụ tín đồ”, mà để “sống như người dân Mông Cổ (…) và rao giảng Tin Mừng” bằng ngôn ngữ của họ. Đây là lý do tại sao họ có tính phổ quát và “hội nhập văn hóa”: “Họ đã tiếp nhận văn hóa Mông Cổ để loan báo Tin Mừng trong nền văn hóa này”.

Trở thành ngôi nhà của lòng thương xót: cởi mở và đón tiếp

Tiếp đến, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại một số sự kiện quan trọng của chuyến tông du này, đặc biệt lễ khánh thành Nhà Lòng Thương Xót, một không gian dành cho những người thiếu thốn nhất trong trường học trước đây của các nữ tu, và là “công trình từ thiện đầu tiên được thành lập ở Mông Cổ”. Ngôi nhà đón tiếp này “cũng nhắc nhở mỗi cộng đồng của chúng ta hãy trở thành một ngôi nhà của lòng thương xót: một nơi cởi mở và đón tiếp, nơi mà những nỗi khốn khổ của mỗi người có thể đi vào một cách không xấu hổ khi tiếp xúc với lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng nâng đỡ và chữa lành”.

Lời kêu gọi mở rộng tầm nhìn của chúng ta

Đức Thánh Cha cũng nói về cuộc gặp gỡ liên tôn và đại kết vào Chúa nhật ngày 3/9/2023, nơi có khoảng 10 nhà lãnh đạo tôn giáo địa phương tụ tập. Trong số đó có đại diện của Phật giáo, tôn giáo trỗi vượt trong nước. Đức Thánh Cha nhấn mạnh : “Mông Cổ có một truyền thống Phật giáo to lớn, với nhiều người, trong thầm lặng, đang sống tôn giáo của họ một cách chân thành và triệt để”.

Đức Phanxicô so sánh những tăng sĩ này với những hạt giống “làm cho khu vườn thế giới nảy mầm một cách âm thầm, trong khi chúng ta thường chỉ nghe thấy tiếng cây đổ!”. Thay vì dừng lại ở “những cây đổ”, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hãy nhìn “khu rừng mọc lên mỗi ngày (…) trong thầm lặng”. Ngài nói thêm rằng điều quan trọng là phải biết cách nhìn và nhận ra những điều tốt đẹp nơi mỗi người. Đức Thánh Cha cảnh giác: “Chúng ta thường chỉ đánh giá cao người khác trong chừng mực họ phù hợp với ý tưởng của chúng ta, nhưng chúng ta phải nhìn thấy điều tốt đẹp”. Ngài nhấn mạnh: “Đây là lý do tại sao điều quan trọng, như người dân Mông Cổ vẫn làm, là nhìn hướng lên trời cao, hướng tới ánh sáng của điều thiện”.

Đức Thánh Cha kết thúc bằng cách nhấn mạnh đến hạnh phúc do cuộc gặp gỡ của ngài với người dân Mông Cổ, “những người bảo tồn cội nguồn và truyền thống của mình, tôn trọng người già và sống hòa hợp với môi trường”. Ngài mời gọi chúng ta noi gương “những người nhìn lên trời và cảm nhận hơi thở của công trình tạo dựng”, để mình được kích thích “bởi nhu cầu mở rộng biên giới cái nhìn của chúng ta” và không “trở thành tù nhân của sự nhỏ bé” để “nhìn thấy những điều tốt đẹp ở người khác và có thể mở rộng chân trời cũng như trái tim của chính chúng ta.”

Tý Linh

(theo Alexandra Sirgant, Vatican News)

Tags: , , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31