HIỆP NHẤT KITÔ HỮU : PHẢN ĐỐI CHIẾN TRANH ĐỂ THỰC HIỆN ÂN SỦNG CỦA THIÊN CHÚA

Written by xbvn on Tháng Một 26th, 2023. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Truyền giáo, Tý Linh

« Chúng ta có thể tưởng tượng Chúa phải đau đớn thế nào khi chứng kiến các cuộc chiến tranh và hành động bạo lực do những người tự xưng là Kitô hữu thực hiện ». Hôm 25/1/2023 tại Vương cung thánh đường thánh Phaolô Ngoại Thành, Đức Phanxicô đã tố giác những ai cảm thấy « được đức tin của họ cho phép ủng hộ các hình thức khác nhau của chủ nghĩa dân tộc đần độn và bạo lực » trong buổi đọc Kinh Chiều kết thúc Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô hữu. Ngài kêu gọi các Kitô hữu hoán cải để bước đi hướng đến sự hiệp nhất.

« Khi các ngươi đến trình diện Ta, […] Đừng đem những lễ vật vô ích đến nữa ; […] Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn ; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. » (Is 1, 12.13.15). Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha lặp lại sự phẫn nộ và lời trách móc của Chúa được diễn tả trong sách Isaia, mà chủ đề của Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô hữu được rút ra từ đó, « Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình » (c. 17).

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói : « Chúng ta vừa lắng nghe Lời Chúa đặc trưng cho Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô hữu này. Đó là những lời mạnh mẽ, mạnh mẽ đến nỗi chúng có vẻ không phù hợp khi chúng ta hân hoan quy tụ với nhau với tư cách là anh chị em trong Chúa Kitô để cử hành một phụng vụ long trọng để ca tụng Ngài. Trong khi ngày nay không thiếu những tin tức buồn và đáng lo ngại, thì chúng ta sẵn sàng bỏ qua « những lời chê trách xã hội » của Thánh Kinh. Tuy nhiên, nếu chúng ta lắng nghe những lo ngại của thời đại mà chúng ta đang sống, thì chúng ta càng phải quan tâm đến những gì khiến Chúa đau khổ hơn nữa, Đấng mà chúng ta đang sống vì Ngài ; và nếu chúng ta quy tụ nhân danh Ngài, thì chúng ta chỉ có thể đặt Lời Ngài ở trung tâm ».

Làm theo ý Chúa, chứ không theo ý mình

Đức Phanxicô xác định hai lý do nguồn gốc của những lời rất mạnh mẽ này. Trước tiên, Chúa quở trách rằng trong Đền thờ của ngài, nhân danh Ngài, những gì Ngài muốn lại không được thực hiện. Ngài không cần trầm hương nhưng cần giúp đỡ người bị áp bức. Hôm nay, cũng như hôm qua, xã hội coi người giàu như là người được Chúa chúc lành và coi thường người nghèo, nhưng « đó là hoàn toàn hiểu sai Chúa », Đức Thánh Cha nhấn mạnh. Và như thế « Thiên Chúa đau khổ khi chúng ta, những người tự xưng là tín đồ của Ngài, đặt cái nhìn của mình lên trước cái nhìn của Ngài, chạy theo sự phán đoán của thế gian hơn là từ Trời, bằng lòng với những nghi lễ bên ngoài và dửng dưng với những người mà Ngài quan tâm nhất ». Thiên Chúa đau khổ vì « sự dửng dưng hiểu lầm » của chúng ta.

« Chúa nổi giận vì bạo lực chống lại đền thờ của Thiên Chúa là con người »

Nghiêm trọng hơn nữa, bạo lực báng bổ, lý do thứ hai gây đau khổ cho Chúa, cho thấy rằng bàn tay của các tín đồ của Ngài, những người xây đền thờ cho Ngài, lại « đầy máu » (Is 1, 15). « Chúng ta có thể tưởng tượng Chúa phải đau đớn thế nào khi chứng kiến các cuộc chiến tranh và hành động bạo lực do những người tự xưng là Kitô hữu thực hiện », Đức Thánh Cha khẳng định trước các thành viên của các niềm tin Kitô khác nhau, đặc biệt của Hội đồng các Giáo hội toàn Ucraina và các tổ chức tôn giáo ở Rôma.

 Ở đây, Đức Thánh Cha tái khẳng định cách mạnh mẽ những gì ngài đã nói trong thông điệp Fratelli tutti (số 86), rằng đức tin « do chủ thuyết nhân bản mà nó củng cố » phải gìn giữ « một ý thức phê bình mạnh mẽ » khi đối mặt với những người vẫn còn « dường như cảm thấy được khuyến khích, hay ít ra được cho phép, bởi đức tin của mình, bênh vực các hình thức khác nhau của chủ nghĩa dân tộc đần độn và bạo lực », những hành vi bài ngoại, một sự khinh thường thậm chí là những ngược đãi đối với những người khác biệt. Đối với ngài, dức tin phải giúp phản ứng nhanh chóng khi những khuynh hướng này bắt đầu len lỏi vào.

Chuyển từ sự dữ sang sự thiện

« Để ân sủng trong chúng ta không trở nên vô hiệu », Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyến khích mỗi người chống lại chiến tranh, bạo lực, bất công mà không được chỉ bằng lòng tố giác. « Cũng cần phải từ bỏ sự dữ, chuyển từ sự dữ sang sự thiện ». Đức Thánh Cha tuyên bố : khi phát động « Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình », Lời Chúa nhắm đến sự thay đổi của chúng ta.

Với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể

Đức Thánh Cha nói tiếp : sau khi chẩn đoán các sai lầm, Chúa yêu cầu khắc phục chúng. Vả lại, Ngài cũng đảm bảo rằng chính Ngài sẽ rửa sạch tội lỗi của chúng ta, bởi vì Ngài biết rằng chúng ta bị tê liệt bởi quá nhiều lỗi lầm. « Một mình, chúng ta không thể thành đạt, nhưng với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể ; một mình, chúng ta không thể thành đạt, nhưng cùng nhau thì có thể được. Quả thế, cùng nhau, Chúa đòi hỏi dân Ngài hoán cải ». Sự hoán cải được yêu cầu đối với dân có một sự năng động cộng đồng, một sự năng động giáo hội, và Đức Thánh Cha nhấn mạnh, « vì thế, chúng ta tin rằng sự hoán cải đại kết của chúng ta cũng tiến bộ trong chừng mực chúng ta nhìn nhận mình cần ân sủng, cần cùng một lòng thương xót : khi nhận ra rằng tất cả chúng ta đều tùy thuộc vào Thiên Chúa trong mọi sự, chúng ta sẽ cảm thấy mình và sẽ thực sự nên «một », với sự trợ giúp của Ngài (Ga 17, 21) ».

Đức Thánh Cha vui mừng vì sự cởi mở chung này đối với sự thay đổi viễn cảnh. Ngài bày tỏ lòng biết ơn về sự quan tâm của các Kitô hữu của các cộng đồng và truyền thống khác nhau đối với tiến trình hiệp hành, mà ngài cầu chúc « ngày càng đại kết hơn ».

Không làm việc vì phe nhóm của mình nhưng vì Nước Thiên Chúa

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha khôgn quên mời gọi rằng việc « bước đi cùng nhau » và nhìn nhận mình « hiệp thông với nhau trong Chúa Thánh Thần » bao hàm một sự thay đổi, một sự phát triển mà, như  Đức Bênêđíctô XVI đã viết trong thông điệp « Deus Caritas est », chỉ có thể được thực hiện « từ sự gặp gỡ thân mật với Thiên Chúa », để học cách « nhìn người khác này không chỉ bằng đôi mắt và tình cảm của tôi, nhưng còn theo viễn cảnh của Chúa Giêsu-Kitô. Bạn của Ngài là bạn của tôi ».

Trong khi các Kitô hữu cử hành sự trở lại của thánh Phaolô Tông đồ, Đức Thánh Cha cầu xin thánh Phaolô để thánh nhân ban cho các Kitô hữu « lòng can đảm bất khuất », để trên đường đi, không ai rơi vào cạm bẫy làm việc cho nhóm của riêng mình hơn là cho Nước Thiên Chúa, hay vào cạm bẫy thiếu kiên nhẫn, tệ hơn nữa là đánh mất niềm hy vọng  vào ngày mà « tất cả các Kitô hữu, trong việc cử hành Thánh Thể duy nhất, sẽ thấy mình được quy tụ trong sự hiệp nhất của Giáo hội duy nhất mà Chúa Kitô đã ban cho Giáo hội của Ngài ngay từ đầu ».

Tý Linh

(theo Vatican News)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30