HIỂU THÊM VỀ VATICAN

Written by xbvn on Tháng Bảy 18th, 2021. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Thế Giới, Tý Linh

Người ta thường lẫn lộn các thuật ngữ « Rôma », « Vatican », « Thành Vatican », « Tòa Thánh », « Tông Tòa », « Giáo Triều ». Bài này giúp hiểu hơn về những từ ngữ đó.

+ Rôma

Thủ đô của Đế quốc Rôma nơi thánh Phêrô và Phaolô đến rao giảng Tin Mừng và chịu tử vì đạo ở đó. Từ những thế kỷ đầu tiên, nó trở thành trung tâm hữu hình củ Giáo hội, mà đấng kế vị thánh Phêrô là Giám mục. Sự hiệp thông đức tin với Giám mục Rôma là đá thử vàng đối với người Công giáo về việc họ thực sự thuộc về Giáo hội của Chúa Giêsu-Kitô hay không. Sự xác tín đức tin này biến mỗi người Công giáo trở thành một thành viên của Giáo hội Công giáo Rôma, dù họ là người Châu Âu, Châu Phi hay Châu Á… !

+ Vatican

Theo nghĩa chặt, đó là một trong bảy ngọn đồi của Rôma, nơi hành hình và chôn cất thánh Phêrô dưới thời bách hại của hoàng đế Néron khoảng năm 67. Lúc đó Vatican nhanh chóng trở thành một nơi hành hương, và một vương cung thánh đường được xây lên ở đó. Thế nhưng, vương cung thánh đường Thánh Gioan Latêranô sẽ trở thành nhà thờ chánh tòa của Giám mục Rôma, chứ không phải vương cung thánh đường thánh Phêrô.

+Thành Vatican (la Cité du Vatican)

Nó là nơi đặt trụ sở của Nhà nước Thành Vatican, vốn chỉ tồn tại từ hiệp định Latêranô, được ký năm 1929 giữa Đức Giáo hoàng và  chính phủ Ý. Phần mở đầu nêu rõ giá trị biểu tượng đặc biệt của Nhà nước nhỏ nhất thế giới (44 ha) : « Để đảm bao cho  Tòa Thánh sự độc lập tuyệt đối và hữu hình, cần phải bảo đảm cho Tòa Thánh một chủ quyền cần thiết, ngay cả trong phạm vi quốc tế. Đó là lý do tại sao thật cần thiết phải thành lập, với những hình thái cụ thể,  Thành Vatican, công nhận cho Tòa Thánh, trên chính Thành này, toàn quyền sở hữu, quyền hạn chuyên biệt và tuyệt đối, và quyền tài phán chủ quyền ».

Nhà nước Thành Vatican tồn tại để cho phép Tông Tòa sự tự do thiêng liêng cần thiết để thực hiện sứ mạng phục vụ của mình vì lợi ích của Giáo hội hoàn vũ và của toàn thể nhân loại.

+ Tòa Thánh (Saint-Siège) hay Tông Tòa (Siège apostolique)

Đó là thành ngữ pháp lý về việc cai quản mục vụ của Giáo hội Công giáo Rôma, mà Đức Giáo hoàng là vị lãnh đạo hữu hình. Không thể tách rời với thừa tác vụ Phêrô, nó có từ thời đầu của Giáo hội. Tóm lại, Tòa Thánh đã tồn tại và sẽ tiếp tục tồn tại ngay cả khi không có Nhà nước Thành Vatican.

Một vài ví dụ để hiểu điều này :

– Khâm sứ « Tòa Thánh » ở Pháp là « đại sứ » của Tòa Thánh , chứ không phải của Nhà nước Thành Vatican !

– Đại sứ Pháp được bổ nhiệm ở Tòa Thánh, chứ không ở Nhà nước Thánh Vatican.

– Nhà nước Thành Vatican không có bất kỳ trụ sở nào ở Liên Hiệp Quốc, nhưng chính Tòa Thánh đại diện Giáo hội Công giáo ở đó với vị trí quan sát viên thường trực,  giống như Hội Chữ Thập Đỏ hay Hiệp Hội Malta (những thực thể đạo đức được công nhận bởi luật pháp quốc tế).

– Khi Đức Giáo hoàng đến thăm một nước, ngài không thăm nước đó với tư cách là nguyên thủ quốc gia (cho dù ngài có tất cả các vinh dự đó) nhưng với tư cách người đứng đầu Tòa Thánh.

– Nói cách chính xác, luôn luôn là Tòa Thánh (chứ không phải Rôma hay Vatican) công bố một thông điệp, một văn kiện…

+ Giáo Triều Rôma

Giáo Triều Rôma, vốn hoạt động từ những thời kỳ xa xưa, là toàn thể các Bộ và cơ quan trợ giúp Đức Giáo hoàng trong trách nhiệm mục vụ tối cao của ngài vì lợi ích và để phục vụ toàn thể Giáo hội và các Giáo hội địa phương.

Giáo Triều chủ yếu bao gồm :

Phủ Quốc Vụ Khanh : các vấn đề chung (bộ phận I) ; tương quan với các Nhà nước (bộ phận II) ; nhân sự ngoại giao (bộ phận III).

12 Bộ : Bộ Giáo lý Đức tin, Bộ các Giáo hội Đông phương ; Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật các Bí tích ; Bộ Phong Thánh ; Bộ Giám mục ; Bộ Phúc Âm hóa các dân tộc ; Bộ Giáo sĩ, Bộ các Dòng đời sống thánh hiến và các Hội đời sống tông đồ ; Bộ Giáo dục Công giáo ; Bộ Phục vụ sứ phát triển con người toàn diện (công lý, hòa bình…), Bộ Truyền Thông ; Bộ Giáo dân, Gia Đình và Sự sống.

– 8 Hội đồng Giáo hoàng (tất cả đều được thành lập sau Công đồng Vatican II) : về việc cổ võ sự hiệp nhất Kitô hữu (đối thoại đại kết và tương quan với dân tộc Do Thái), về Đồng Tâm (người nghèo, tình liên đới…), về mục vụ di dân (di dân, du lịch, tông đồ biển), về mục vụ các Dịch vụ y tế, về giải thích các bản văn pháp luật, về Đối thoại liên tôn, về Văn hóa,  về cổ võ tân Phúc Âm hóa.

3 Tòa án Giáo hội : Tòa Ân Giải Tối Cao, Tòa Tối Cao Pháp viện Tòa Thánh, Tòa Thượng Thẩm Rôma.

Ngoài ra còn có các Ủy ban (thần học Thánh Kinh, thần học quốc tế, khảo cổ thánh, Châu Mỹ Latinh…), các viện hàn lâm (Khoa học xã hội ; Sự sống ; Thánh Tôma Aquinô ; Thần học, Nghệ Thuật, Khảo Cổ học ; Ngoại giao, Thánh Mẫu quốc tế…) và một số cơ quan khác nữa.

Tý Linh

(theo cha N. Dubasque, và cập nhật)

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31