HỌC HỎI TÔNG HUẤN NIỀM VUI TIN MỪNG

Written by xbvn on Tháng Ba 24th, 2014. Posted in Đại Chủng Viện Huế

Tông huấn Evangelii Gaudium (EG/Niềm Vui Tin Mừng) của Đức Giáo hoàng Phanxicô ra ngày 24/11/2013 là văn kiện huấn quyền chính thức đầu tiên trong triều đại giáo hoàng của ngài. Với tầm mức quan trọng của văn kiện này, Cha Giám đốc ĐCV Huế mong muốn giúp các chủng sinh sớm đón nhận và học hỏi những giáo huấn của vị Cha chung qua các buổi thuyết trình của một số cha trong Ban Giám đốc. Trong buổi huấn đức chiều thứ sáu, 21/3/2014, Cha Giuse Lê Công Đức đã khai mào chương trình học hỏi này bằng 30 phút nói chuyện giới thiệu tổng quan Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng.

Trước hết thuyết trình viên ghi nhận rằng EG là một tổng hợp của rất nhiều ý tưởng, hay tầm nhìn, mà Đức Phanxicô đã từng hé lộ trước đây trong nhiều bối cảnh khác nhau: những bài giảng, những bài phát biểu, những cuộc đón tiếp phái đoàn hay gặp gỡ cá nhân. Trong số những tầm nhìn ấy là: Một Giáo hội đang cần canh tân một cách khẩn cấp, theo hướng đi ra để gặp gỡ, thấu cảm và góp phần chữa trị các vết thương của con người hôm nay, nhất là những người nghèo. Điều này giả thiết một cuộc hoán cải mục vụ toàn diện và sâu xa, trong đó cần qui chiếu mọi sự về điều gì là cốt yếu nhất. Trong chiều hướng này, Đức Thánh Cha lưu ý rằng có một phẩm trật của các chân lý cũng như của các luật luân lý. Cũng đáng ghi nhận sự kiện rằng Đức Thánh Cha cổ võ cho một chuyển biến về phía tản quyền nhiều hơn và bớt tập quyền hơn. Rõ ràng, Đức Thánh Cha ưu tiên quan tâm đến tính đặc sủng của Giáo hội hơn là tính cơ chế, ơn cứu độ hơn là giáo điều, thực tại hơn là lý thuyết.

EG mang tính chất của một văn kiện sứ mạngmục vụ. Một văn kiện sứ mạng, vì đây là Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới (2012) về Tân Phúc Âm hóa. Những từ “sứ mạng” hay “loan báo Tin Mừng” xuất hiện tràn ngập trong bản văn.Đặc biệt, Đức Thánh Cha nhấn mạnh niềm vui như là động lực trước hết của sứ mạng. Hai tiếng “niềm vui” được lặp đi lặp lại không ngừng, cách riêng trong 13 số đầu của Tông huấn. Một văn kiện mục vụ, vì khác với những văn kiện giáo hoàng loại này trước đây vốn đậm tính thần học hàn lâm, EG không bao hàm một lược đồ về nền tảng thần học (chẳng hạn nền tảng Ba Ngôi, nền tảng Giáo hội học, vân vân) mà đi thẳng vào việc vạch đường hướng cho một loạt cácvấn đề sôi sục nóng bỏng trong đời sống Giáo hội hiện nay như: cải tổ Giáo hội để thăng tiến sứ mạng, nhận diện những cám dỗ trong mục vụ, ý thức Hội Thánh như toàn thể Dân Chúa loan báo Tin Mừng, chuẩn bị bài giảng và bài giảng, người nghèo trong xã hội, hòa bình và đối thoại, các động cơ thiêng liêng cho sứ mạng. Đây là những chủ điểm rút từ bối cảnh, và có tính phi hệ thống.

Thuyết trình viên tiếp tục nêu một số ghi nhận về Tông huấn EG. Thứ nhất, như tên gọi của nó, đây là một Tông huấn về niềm vui. Thứ hai, Tông huấn trình bày những cách tiếp cận của Đức Phanxicô đã được dự báo trước. Thứ ba, qua Tông huấn này, Đức Phanxicô thi hành sứ vụ giáo huấn của mình một cách rất thẳng thắn, quyết liệt, mà vẫn chừng mực, quân bình. Thứ tư, với EG, hầu như định hướng mục vụ của Đức Phanxicô đã trở thành ‘ván bài lật ngửa’. Quan điểm của Đức Giáo hoàng về các nguyên tắc cho tiến trình canh tân Giáo hội đã được nói rõ. Bây giờ chỉ còn vấn đề là có làm được hay không mà thôi. Câu trả lời sẽ tùy thuộc vào sự hưởng ứng của toàn thể Giáo hội – trong đó có chúng ta – trong những tháng, những năm sắp đến.

Cuối buổi nói chuyện, Cha Giuse Lê Công Đức khuyến khích các linh mục tương lai dành thời gian đọc kỹ toàn văn Tông huấn EG. Đây là văn kiện huấn quyền phải được ưu tiên tham khảo bởi bất cứ ai liên can đến việc lập trình hay thực thi các chương trình mục vụ / loan báo Tin Mừng.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30