« HỠI NHỮNG NGƯỜI CHA, HÃY GẦN GŨI CON CÁI MÌNH »
Đức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ những người cha gia đình hãy « gần gũi con cái » của mình : « chúng cần anh em, sự hiện diện của anh em, sự gần gũi của anh em, tình yêu của anh em ».
Vào ngày 19/3, lễ thánh Giuse, cũng là « ngày lễ của những người cha » ở Ý, Đức Thánh Cha chúc mừng và khích lệ « tất cả những người cha » trong buổi tiếp kiến chung ở Quảng trường thánh Phêrô.
Đức Thánh Cha đã dành bài giáo lý nói về thánh Giuse, quan thầy của Giáo Hội hoàn vũ, « khuôn mẫu của nhà giáo dục và của người ba, người cha », cũng là khuôn mẫu cho « các linh mục – là những người cha – và những ai có một nhiệm vụ giáo dục trong Giáo Hội và xã hội ». Dưới đây là tóm tắt bài giáo lý của ngài :
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em !
Hôm nay, 18/3, chúng ta cử hành trọng thể lễ thánh Giuse, bạn trăm năm của Đức Maria và là quan thầy của Giáo Hội hoàn vũ… Làm người gìn giữ là đặc điểm của thánh Giuse, đó là sứ mạng cao cả của ngài, làm người gìn giữ.
Hôm nay, tôi xin lấy lại chủ đề này, « làm người gìn giữ », trong một viễn ảnh đặc biệt, viễn ảnh giáo dục. Chúng ta hãy nhìn thành Giuse như là khuôn mẫu của nhà giáo dục, ngài đã biết gìn giữ và đồng hành với Chúa Giêsu trên con đường tăng trưởng của Người « về sự khôn ngoan, vóc dáng và ân sủng », như Tin Mừng thánh Luca nói. Ngài không phải là cha của Chúa Giêsu, Cha của Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhưng ngài đã phục vụ Chúa Giêsu như một người bố, ngài đã phục vụ Chúa Giêsu như người cha để giúp đỡ Người lớn lên. Và làm thế nào ngài đã giúp cho Người lớn lên ? Trong sự khôn ngoan, vóc dáng và ân sủng.
Chúng ta hãy bắt đầu về vóc dáng, vốn là chiều kích tự nhiên nhất, sự tăng trưởng thể lý và tâm lý. Thánh Giuse, cùng với Đức Mẹ, đã săn sóc Chúa Giêsu trước tiên trên bình diện đó, tức là ngài đã « nuôi dưỡng » Người, bằng cách ưu tư không để cho Người thiếu đi những gì cần thiết cho một sự phát triển lành mạnh. Chúng ta không được quên rằng việc gìn giữ ân cần cuộc sống của Hài Nhi cũng bao hàm việc chạy trốn sang Ai Cập, bao gồm kinh nghiệm khó khăn sống như những người tỵ nạn – Thánh Giuse đã từng là một người tỵ nạn, cùng với Đức Maria và Chúa Giêsu – để thoát khỏi sự đe dọa của bạo vương Hêrôđê. Rồi, một khi trở về lại quê hương của mình và ở tại Giêrusalem, có cả một giai đoạn lâu dài cuộc sống trong gia đình. Trong những năm tháng này, thánh Giuse cũng đã dạy cho Chúa Giêsu công việc của mình, và Chúa Giêsu đã học biết nghề thợ mộc, như cha của Người là thánh Giuse. Chính bằng cách này mà thánh Giuse đã nuôi dưỡng Chúa Giêsu.
Chuyển sang chiều kích thứ hai của việc giáo dục Chúa Giêsu, chiều kích « khôn ngoan ». Đối với Chúa Giêsu, thánh Giuse đã từng là một mẫu gương và một người thầy về sự khôn ngoan này vốn được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa. Chúng ta có thể hình dung làm thế nào thánh Giuse đã dạy dỗ Hài Nhi Giêsu lắng nghe Thánh Kinh, cách riêng đồng hành với Người vào ngày thứ Bảy đến hội đường Nadarét. Và thánh Giuse đã đồng hành với Người để Chúa Giêsu lắng nghe Lời Chúa trong hội đường.
Và sau cùng, chiều kích « ân sủng ». Thánh Luca còn nói với chúng ta, liên quan đến Chúa Giêsu, rằng : « Ân sủng của Thiên Chúa hằng ở với Người » (2,40). Ở đây, chắc chắn, phần dành cho thánh Giuse là có giới hạn hơn, so với những gì liên quan đến vóc dáng và sự khôn ngoan. Nhưng sẽ là một sai lầm nghiêm trọng khi nghĩ rằng một người cha và một người mẹ không thể làm gì để giáo dục con cái mình lớn lên trong ân sủng của Thiên Chúa. Lớn lên về vóc dáng, lớn lên về sự khôn ngoan, lơn lên trong ân sủng : đó là công việc mà thánh Giuse đã làm cùng với Chúa Giêsu, làm cho Người lớn lên trong ba chiều kích này, giúp Người lớn lên.
Anh chị em thân mến, sứ mạng của thánh Giuse chắc chắn là độc nhất và không thể mô phỏng được, bởi vì Chúa Giêsu là hoàn toàn độc nhất. Thế nhưng, khi gìn giữ Chúa Giêsu, khi dạy cho Người lớn lên về vóc dáng, sự khô ngoan và ân sủng, thánh Giuse là khuôn mẫu cho mọi nhà giáo dục, cách riêng cho tất cả những người cha. Thánh Giuse là khuôn mẫu của nhà giáo dục và của người ba, người cha. Do đó, tôi phó thác cho sự che chở của ngài tất cả những người cha, các linh mục – là những người cha – và những ai có nhiệm vụ giáo dục trong Giáo Hội và xã hội. Cách đặc biệt, hôm nay, vào « ngày của người cha » này, tôi xin chào mừng tất cả các bậc cha mẹ, tất cả những người cha : tôi hết lòng chúc mừng anh em… Tất cả những lời cầu chúc của tôi, tất cả những lời cầu chúc của tôi vào ngày này đều là của anh em ! Tôi cầu xin cho anh em ân sủng luôn rất gần gũi với con cái của mình, bằng cách để cho chúng lớn lên, nhưng gần gũi , gần gũi ! Chúng cần đến anh em, sự hiện diện của anh em, sự gần gũi của anh em, tình thương của anh em. Hãy trở nên như thánh Giuse đối với chúng : những người gìn giữ sự tăng trưởng của chúng về vóc dáng, sự khô ngoan và ân sủng… Hãy bước đi cùng với chúng. Và bằng sự gần gũi này, anh em sẽ là những nhà giáo dục đích thực… Xin thánh Giuse chúc lành và đồng hành với anh em. Và một số người trong chúng ta đã mất đi người cha của mình, …, Chúa nhớ đến họ… Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người cha trên thế giới, cho những người cha đang sống và cũng như những người đã chết và cho những người thân của chúng ta, và chúng ta có thể cùng với nhau làm điều đó, mỗi người trong chúng ta đều nhớ đến người cha của mình, dù còn sống hay đã chết. Và chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha, người cha vĩ đại của chung ta cho mọi người : một kinh « Lạy Cha », cho những người cha của chúng ta.
Tý Linh
Theo ZENIT
Tags: Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH VÀ PHÉP LÀNH URBI ET ORBI 2024 : CẦU MONG TIẾNG SÚNG HÃY IM BẶT !
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS