HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH KITÔ GIÁO, MỘT ƠN GỌI NÊN THÁNH
Tập tài liệu này được biên soạn dùng cho việc học hỏi của các gia đình giáo xứ Kim Long, Huế, đặc biệt trong Năm Phúc Âm hóa đời sống gia đình 2014. Nó nêu lên những nét và ý tưởng chính yếu của giáo lý Giáo Hội Công Giáo về hôn nhân và gia đình.
HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH KITÔ GIÁO
MỘT ƠN GỌI NÊN THÁNH
2013-2014
Hôn nhân và Gia đình là một cộng đồng của các nhân vị, được tình yêu làm cho sống động và nhằm phục vụ sự sống, mà chính Chúa Kitô đã nâng lên hàng bí tích và thiết lập như một hành trình nên thánh.
1. Hôn nhân gia đình, một ơn gọi nên thánh.
Một ơn gọi
Cũng như bậc sống tu trì, hôn nhân gia đình là một ơn gọi. Nói đến ơn gọi, trong Kitô giáo, là nói đến một lời đáp trả của con người trước tiếng gọi của Thiên Chúa, nói đến một cách thế diễn tả mối tương quan của thụ tạo thiêng liêng với Thiên Chúa, tức là một chọn lựa có suy nghĩ, có tự do ưng thuận và ý thức trách nhiệm. Ơn gọi Kitô hữu sống đời hôn nhân như thế vừa tự nhiên và siêu nhiên. Hôn nhân Kitô giáo là một ơn gọi siêu nhiên, biến đổi con người thành con Thiên Chúa nhờ ân sủng qua việc thể hiện một cách thế sống mới.
Nên thánh trong bậc sống và bổn phận
Vợ chồng có thể và phải tìm kiếm sự thánh thiện trong bậc sống và bổn phận của mình. Hiến chế Gaudium et spes của Công đồng Vatican II, số 48, nói rõ : « Vợ chồng Kitô hữu được củng cố và được thánh hiến bằng một bí tích riêng để được lãnh nhận các bổn phận và phẩm giá của bậc sống của họ. Nhờ sức mạnh của bí tích này, họ được thấm nhuần tinh thần của Chúa Kitô, để chu toàn bổn phận hôn nhân và gia đình của mình, nhờ đó tất cả đời sống của họ được thấm nhuần đức tin, cậy, mến, và càng ngày họ càng tiến gần hơn đến sự trọn lành riêng biệt của họ và sự thánh hóa lẫn nhau ; và bởi đấy, cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa. » (xem Familiaris Consortio, 56).
Tertulianô đã ca ngợi vẻ đẹp của đôi bạn Kitô hữu : « Có đôi bạn nào đẹp bằng đôi bạn Kitô hữu, được kết hợp do cùng một niềm hy vọng, cùng một ước nguyện, cùng một nề nếp, cùng một công việc phục vụ. Cả hai cùng là con một Cha, cùng phục vụ một Chúa ; không gì phân rẽ họ nổi, trong tinh thần cũng như trong xác thịt ; ngược lại, họ là hai trong cùng một thể xác. Ở đâu có cùng một thể xác, ở đó cũng có một tình thần » (trích trong Familiaris consortio, 13).
Chứng tá cho bậc sống thánh thiện của hôn nhân Kitô giáo
Qua việc nên thánh trong bổn phận và ơn gọi lứa đôi của mình, đôi bạn góp phần làm chứng cho sự thánh thiện của ơn gọi hôn nhân và gia đình Kitô giáo và qua đó góp phần thánh hóa thế giới. « Chính các đôi vợ chồng, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa hằng sống và được an định trong trật tự hài hòa của các nhân vị, hãy luôn hợp nhất với nhau trong tình yêu thương, đồng tâm hiệp ý và thánh hóa lẫn nhau, để khi bước theo Chúa Kitô là nguyên lý sự sống, giữa bao niềm vui cũng như những hy sinh trong ơn gọi, và nhờ luôn sống trong một tình yêu chung thủy, họ trở nên chứng nhân của mầu nhiệm tình thương mà Chúa đã tỏ ra cho thế giới qua sự chết và sự sống lại của Người » (GS, số 52).
Familiaris consortio, số 55, nói rõ : « Qua những thực tại hằng ngày của đời sống hôn nhân và gia đình…, gia đình Kitô hữu được mời gọi tự thánh hóa và thánh hóa cộng đồng Giáo Hội và thế giới ».
Sự nên thánh trong hôn nhân gia đình, một đòi hỏi của Bí tích Hôn Phối
Chính Bí tích Hôn Phối trao ban cho đôi bạn « sự thánh thiện và nghĩa vụ mỗi ngày phải sống sự thánh thiện đã nhận được ». Và cũng do Bí tích này, « họ được ơn và có nghĩa vụ luân lý phải biến đổi toàn thể đời sống của họ thành một hy lễ thiêng liêng triền miên » (FC, 56).
Góp phần xây dựng các ơn gọi khác
« Còn bậc vợ chồng và cha mẹ Kitô hữu, khi theo đuổi lối sống riêng của mình, […] xây dựng tình bác ái huynh đệ, làm chứng và cộng tác vào việc sinh sản của Giáo Hội, trở nên dấu chỉ và thông phần vào tình yêu Chúa Kitô đối với Hiền Thê của Người : bởi yêu thương, Người đã hiến mạng sống vì Hiền Thê » (Lumen Gentium, 41) ; « bằng lời nói và gương sáng, họ huấn luyện con cái sống đời Kitô hữu và làm việc tông đồ. Họ thận trọng giúp đỡ con cái trong việc chọn lựa ơn kêu gọi, và nếu thấy chúng có ơn thiên triệu, họ tận tình nuôi dưỡng ơn kêu gọi đó » (Sắc lệnh Tông đồ giáo dân, 11).
Nơi nào biết cổ võ sự thánh thiện của hôn nhân, thì ở đó sẽ phát sinh nhiều ơn gọi sống đời dâng hiến. « Những gia đình sống đức tin, đức mến và đạo hạnh sẽ trở nên như chủng viện sơ khởi » cho ơn gọi linh mục và tu sĩ (Sắc lệnh Đào tạo linh mục, 2).
2. Nên thánh trong tình yêu và bổn phận.
1) Ơn gọi yêu thương.
Familiaris consortio, số 11, nói về con người, hình ảnh của Thiên Chúa tình yêu: “Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, giống như họa ảnh của Ngài. Khi vì yêu thương mà kêu gọi con người bước vào cuộc sống, Ngài cũng đồng thời mời gọi họ sống cho tình yêu.” Giáo lý Công giáo nhấn mạnh con đường sống ơn gọi hôn nhân gia đình là tình yêu: “Yếu tố căn bản của hôn nhân chính là tình yêu vì hôn nhân được thiết lập do tình yêu và mục đích cuối cùng của hôn nhân cũng chính là tình yêu” (sách giáo lý Hôn nhân & gia đình của HĐGMVN). “Tình yêu là ơn gọi căn bản và bẩm sinh của mọi người” (FC, 11).
Tình yêu ở đây không phải là sự đam mê cũng không phải là tình cảm thông thường, nhưng là một tình cảm nhân linh cao cả phát xuất từ một ý chí tự do và mang cả những xu hướng tự nhiên để làm cho chúng trở nên thanh cao hơn. Tình yêu hôn nhân do đó gồm cả linh hồn và thể xác và là một hành vi nhân linh, chứ không phải là một xung lực mù quáng của bản năng. Chính tình yêu ấy có thể làm nguồn gốc của cộng đồng sự sống vững bền là hôn nhân, qua giao ước tình yêu vợ chồng (x. GS, 48; FC, 11). “Một tình yêu kết hợp yếu tố nhân loại với yếu tố thần linh như thế phải thấm nhuần cả đời sống và hướng dẫn đôi vợ chồng biết tự do trao hiến cho nhau, qua những tâm tình và cử chỉ trìu mến. Hơn nữa, chính nhờ những hành vi quảng đại của mình mà tình yêu giữa hai người được trọn vẹn và lớn lên” (GS, 49).
Hiến chế Lumen Gentium cho thấy đặc tính bí tích của tình yêu Kitô hữu: « Còn bậc vợ chồng và cha mẹ Kitô hữu, khi theo đuổi lối sống riêng của mình, […] xây dựng tình bác ái huynh đệ, làm chứng và cộng tác vào việc sinh sản của Giáo Hội, trở nên dấu chỉ và thông phần vào tình yêu Chúa Kitô đối với Hiền Thê của Người : bởi yêu thương, Người đã hiến mạng sống vì Hiền Thê » (Lumen Gentium, 41)
Và Gaudium et spes, số 49, nêu rõ thêm: “Bởi một ân huệ đặc biệt của ơn sủng và của tình thương, Chúa đã đoái thương chữa trị, cải thiện và nâng cao tình yêu ấy”.
Tình yêu làm nên giao ước và không thể phá hủy giao ước
Cộng đồng sự sống và tình yêu của hôn nhân phát sinh từ “khế ước” hay giao ước của tình yêu vợ chồng. Trong giao ước hôn nhân (nghĩa là “sự ưng thuận cá nhân không thể rút lại”, nghĩa là hành vi nhân linh “trong đó hai vợ chồng tự hiến cho nhau và đón nhận nhau” (GS 48)), tình yêu là một trong những lợi ích thiết yếu trên đó có sự ưng thuận. Bởi vậy, sự ưng thuận tạo nên khế ước, đặt nền tảng trên tình yêu vợ chồng cũng như trên mục đích của hôn nhân, nghĩa là thiện ích của con cái. Vì thế, người ta có thể nói được rằng “giao ước vợ chông không gì khác hơn là sự quyết định yêu thương nhau, nghĩa là bổn phận không thể rút lại của người này rộng mở đối với người kia một cách trọn vẹn, thông truyền và hiến dâng cho người kia bằng cả nam tính và nữ tính của mình. Trong ý nghĩa ấy, giao ước vợ chồng là một động tác của tình yêu làm nên hôn nhân”.
Mặt khác, trong cộng đồng hôn nhân, tình yêu là nguyên lý sống động nhờ chính giao ước tạo nên, nên dù có thiếu tình yêu, cộng đồng ấy cũng không bị hủy diệt: từ một hành vi nhân linh, vợ chồng trao hiến và đón nhận nhau nhằm xây dựng và tăng trưởng như cộng đồng sự sống và tình yêu. Cộng đồng hôn nhân này không lệ thuộc sở thích của vợ chồng, bởi vì giao ước ấy là nguồn gốc của một định chế vững chắc do chính Thiên Chúa thiết lập. Bởi thế, sự vi phạm bất hợp pháp sau này về những đòi hỏi của tình yêu không thể hủy diệt giao ước cũng như cộng đồng ấy. Như vậy, trong cộng đồng hôn nhân, tình yêu cũng tạo nên một lợi ích chính yếu, ít ra như sự đòi hỏi, bởi vì trong thực tế, tình yêu ấy có thể thiếu. Thực vậy, “sự liên kết mật thiết vẫn là sự tự hiến của hai người cho nhau cũng như lợi ích của con cái buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi hỏi kết hợp với nhau bất khả phân ly” (GS 48); và “tình yêu ấy bất khả phân ly giữa cảnh đời thăng trầm” (GS 49).
Tình yêu vợ chồng và linh đạo hôn nhân gia đình
Tình yêu vợ chồng, để hòa hợp và hạnh phúc, cần có những đặc tính sau: Tình yêu kết hợp nên một, tình yêu trao hiến trọn vẹn, tình yêu chung thủy và tình yêu mở ngỏ cho sự sống. Và để cho tình yêu vợ chồng ngày càng thêm đậm đà và bền chặt, vợ chồng cần phải biết tôn trọng nhau (nhìn nhận nhau, đón nhận nhau, qua cách cư xử, lời ăn tiếng nói…), hy sinh cho nhau, đối thoại với nhau, dành thời giờ cho nhau, nói với nhau những lời âu yếm, làm tròn bổn phận vợ chồng, cầu nguyện với nhau và cầu nguyện cho nhau. Nói chung, tình yêu đôi lứa sống một linh đạo hôn nhân gia đình “được gợi hứng từ các chủ đề về sáng tạo, giao ước, thập giá, phục sinh và dấu chỉ bí tích” (FC, 56) (x. sách giáo lý Hôn nhân & gia đình của HĐGMVN).
Ngôn ngữ thân xác: đời sống tình dục
Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ, những hữu thể có thân xác với tính dục của nó, để họ trở nên “một xương một thịt”. Trong quan hệ nam nữ, thân xác là một ngôn ngữ sống động diễn tả tình yêu. Vì thế, “những biểu lộ của thân xác và tâm hồn mặc lấy một phẩm cách đặc biệt và được thăng hoa như những yếu tố và dấu chỉ đặc thù của thân tình vợ chồng…Tình yêu âu yếm đó được biểu lộ và hoàn thiện cách đặc biệt qua những động tác riêng của hôn nhân. Bởi vậy, những hành vi thể hiện sự kết hợp thân mật và trong sạch của đôi vợ chồng đều cao quý và chính đáng. Với cách hành xử thực sự mang tính nhân bản, hành vi ấy biểu hiện và khích lệ sự trao hiến hỗ tương…, tình yêu ấy, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, luôn trung thành bất khả phân ly cả nơi thể xác lẫn trong tâm trí, và do đó loại hẳn mọi hình thức ngoại tình và ly dị…” (GS, 49). Như thế, đôi bạn cần ý thức rằng “tính dục…không phải là một điều thuần túy sinh lý, nhưng có liên hệ đến nhân vị trong mức thâm sâu nhất mà nhân vị ấy có được. Tính dục ấy chỉ được thực hiện một cách nhân bản đích thực, nếu nó là một thành phần làm nên tình yêu…Sự trao hiến hoàn toàn theo thể xác sẽ là giả dối nếu nó không phải là dấu chỉ và kết quả của sự trao hiến cả ngôi vị…” (FC, 11). Vả lại, đôi bạn cũng cần ý thức rằng, theo nguyên tắc nhân vị, một người không thể là phương tiện cho người khác sử dụng để đạt tới mục đích của họ (Gioan-Phaolô II).
Những yêu tố tích cực cho việc sống ơn gọi hôn nhân và gia đình
Có những trợ lực khác nhau giúp con người ngày nay tiến tới trong việc cổ võ cộng đồng tình yêu ấy cũng như trong sự tôn trọng sự sống: “Ý thức sống động hơn về tự do cá nhân và một sự chú ý nhiều hơn đến phẩm chất của các tương quan liên vị trong hôn nhân, đến sự nâng cao phẩm giá phụ nữ, đến sự sinh sản có trách nhiệm, đến việc giáo dục trẻ em; thêm vào đó là ý thức về nhu cầu phải phát triển những liên hệ giữa các gia đình để giúp đỡ lẫn nhau về mặt tinh thần và vật chất, cũng như khám phá lại sứ mạng Hội Thánh riêng biệt của gia đình và trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng một xã hội công bình hơn” (FC, 6).
Những yếu tố tiêu cực
* GS chia ra làm ba nhóm:
+ Nhóm đầu tiên nhắm đến định chế, không chỉ chối bỏ bản chất đích thực nhưng trong thực tế còn hủy diệt cả định chế nữa: như chế độ đa thê chống lại tính duy nhất; nạn ly dị gia tăng và tuyệt đối hóa tự do, như một nạn dịch của xã hội.
+ Nhóm thứ hai gây rối loạn cộng đồng sự sống và tình yêu: tính ích kỷ của hai người hay cá nhân ==} chủ nghĩa khoái lạc và sử dụng những phương thế phi pháp chống lại việc truyền sinh.
+ Nhóm thứ ba liên quan đến những hoàn cảnh bên ngoài có thể ngăn cản vợ chồng dù vợ chồng đều sẵn sàng chu toàn bổn phận của mình: những thay đổi kinh tế và xã hội (ví dụ: nhà ở, việc làm của nữ giới bên ngoài gia đình…), vấn đề dân số… (47).
* FC 6: “Không thiếu những dấu hiệu cho thấy một sự thoái hoá đáng lo ngại về một số giá trị căn bản: một quan niệm sai lầm trên lý thuyết và thực hành về sự độc lập giữa hai vợ chồng, những mập mờ rất trầm trọng về tương quan uy quyền của cha mẹ đối với con cái, những khó khăn cụ thể trong việc lưu truyền các giá trị như nhiều gia đình đã cảm nghiệm, con số các vụ ly dị gia tăng, vết thương về sự phá thai, việc dùng các phương pháp tuyệt sản ngày càng nhiều, việc hình thành một não trạng đích thị là não trạng chống thụ thai.
Căn nguyên của những hiện tượng tiêu cực ấy thường là sự suy đồi trong quan niệm và trong kinh nghiệm về tự do, người ta không còn coi tự do như khả năng thực hiện sự thật Thiên Chúa vạch ra cho hôn nhân và gia đình, nhưng coi nó như một năng lực tự lập để tự xác định chính mình, thường là chống lại người khác, và để lo cho sự thoải mái ích kỷ của mình.
Một sự kiện khác cũng đáng cho chúng ta chú ý: trong các nước thuộc thế giới thứ ba, các gia đình thường thiếu thốn từ những phương tiện căn bản để sống còn, như thực phẩm, việc làm, nhà cửa, thuốc men, cho đến cả những tự do sơ đẳng nhất. Tại các nước giàu có hơn thì ngược lại, người ta quá thoải mái và nặng óc hưởng thụ, nhưng trớ trêu thay sự thoải mái và óc hưởng thụ ấy lại gắn liền với một thứ âu lo nào đó, cảm thấy bấp bênh trước tương lai, nên các đôi bạn mất sự quảng đại và can đảm để làm phát sinh thêm những sự sống mới: người ta không còn coi sự sống như là một lời chúc phúc, nhưng lại coi như một sự nguy hiểm phải tránh né.”
Làm cha làm mẹ có trách nhiệm
Đây là một khái niệm được Công đồng nói đến và được các Đức Giáo Hoàng về sau làm rõ. Nó chỉ cách thế tự do và trách nhiệm mà vợ chồng phải chu toàn bổn phận cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản và giáo dục con cái.
Bổn phận làm cha làm mẹ không đồng nghĩa với việc bắt buộc phải sinh sản hay hạn hạn chế sinh sản, nhưng là ý muốn chu toàn luật Chúa một cách có ý thức và trách nhiệm: “Vợ chồng Kitô hữu hãy ý thức mình không thể làm theo sở thích, nhưng phải luôn tuân theo tiếng nói của một lương tâm phải được khuôn đúc theo luật Chúa, vâng phục Huấn quyền của Giáo Hội, vì Giáo Hội có thẩm quyền giải thích luật Chúa dưới ánh sáng Phúc Âm” (GS 50).
Làm cha làm mẹ Kitô hữu có trách nhiệm cũng bao hàm việc giáo dục con cái. Gia đình, Giáo Hội tại gia, là trường học về nhân tính và đức tin, chính vì thế cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên cho con cái mình về các đức tính nhân bản, xã hội và về đức tin, đời sống cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích. Làm cha mẹ có trách nhiệm cũng đòi hỏi cha mẹ làm gương cho con cái.
2) Các bổn phận của gia đình Kitô hữu.
FC đặc biệt nêu rõ bốn bổn phận hay nhiệm vụ của một gia đình Kitô hữu, với lời kêu gọi các gia đình “hãy sống đúng với bản chất của mình” (số 17).
a. Đào tạo một cộng đồng các nhân vị.
Bổn phận đầu tiên của gia đình Kitô hữu là “trung thành sống thực tại của sự hiệp thông, trong một cố gắng bền bỉ nhằm thăng tiến một cộng đồng các nhân vị đích thực” (số 18).
Điều kiện trước hết cho việc phát triển cộng đoàn các nhân vị mà hôn nhân đã lập nên là lòng kính trọng về những ý nghĩa của tính hiệp nhất và bất khả phân ly (số 19-20). Cộng đồng hôn nhân chỉ có thể lớn lên trong sự kính trọng ý định của Thiên Chúa ghi khắc trong tâm hồn người nam và người nữ, ‘qua việc trung thành mỗi ngày với lời cam kết hôn nhân và trao hiến trọn vẹn cho nhau” (số 19).
Cộng đồng hôn nhân nhằm mở rộng đến cộng đồng gia đình, trong đó “mỗi người theo ơn gọi riêng của mình, đều có ân sủng và trách nhiệm để ngày này sang ngày khác tiếp tục xây dựng sự hiệp thông giữa các nhân vị, bằng cách biến gia đình thành một ‘trường học đào tạo cho nhân tính được hoàn hảo và phong phú hơn’” (số 21). Xây dựng cộng đoàn ấy là bổn phận cao cả, nhưng không mấy dễ dàng, bởi vì “chỉ có một tinh thần hy sinh cao cả mới giúp gìn giữ được…” (số 21 6). Ngoài ra, “việc tham dự vào bí tích hòa giải và bàn tiệc Mình Máu Chúa Kitô sẽ đam lại cho gia đình Kitô hữu ơn sủng cần thiết và tinh thần trách nhiệm tương xứng để thắng vượt mọi chia rẽ và tiến tới sự hiệp thông đích thực và trọn vẹn mà Thiên Chúa muốn” (số 21).
b. Bổn phận phục vụ sự sống
Bổn phận này đặc biệt liên quan đến việc sinh sản và giáo dục con cái.
Chính vì việc phục vụ sự sống là bổn phận căn bản, nên việc mở đường cho sự sống trở thành điều kiện của tình yêu vợ chồng chân thực và là dấu chỉ của tình yêu chân thực ấy. Con cái là “kết quả và là dấu chỉ của tình yêu vợ chồng và là lời chứng sống động cho sự trao hiến trọn vẹn cho nhau giữa đôi bạn” (số 28). Qua việc mở ra cho sự sống, vợ chồng nói không với não trạng chống lại sự sống ngày nay.
Việc phục vụ sự sống bao gồm sự tôn trọng đối với giáo lý của Giáo Hội về việc điều hòa sinh sản và các đôi vợ chồng cần ý thức rằng “không thể có mâu thuẫn giữa luật của Thiên Chúa về việc truyền sinh với luật của Thiên Chúa đòi phải tạo thuận lợi cho một tình yêu vợ chồng đích thực” (số 33).
Việc phục vụ sự sống gồm cả việc giáo dục con cái, để trong khi cộng tác với Thiên Chúa vào việc truyền sinh sự sống con người mới, “bậc cha mẹ cũng từ đó mà lãnh nhận bổn phận phải giúp đỡ hữu hiệu cho ngôi vị ấy được sống một đời sống nhân bản trọn vẹn” (số 36). “Sự dịu dàng, lòng kiên trì, nhân hậu, phục vụ vô vị lợi, tinh thần hy sinh, là những bong hoa quý báu nhất của tình yêu” (số 36).
Về nội dung của công trình giáo dục của cha mẹ, FC nhắc nhở: 1/ huấn luyện về những giá trị và đặc biệt về “một sự tự do chân chính trước các của cải vật chất, biết chọn một nếp sống giản dị khắc khổ, vì xác tín mạnh mẽ rằng: “giá trị của con người là do cái mình là, hơn là do cái mình có”” (số 37); 2/ giúp đỡ con cái để chúng tập tành các nhân đức và nhất là trong thế giới ích kỷ và bạo lực ngày nay, về ý nghĩa của đức công bằng đích thực và hơn thế nữa, về tình yêu chân thực (số 37); 3/ sau hết cần có một sự giáo dục rất tế nhị về tính dục được nuôi dưỡng nhờ đức khiết tịnh (số 37).
Sau cùng FC nhắc nhở rằng gia đình, tuy là đầu tiên, nhưng không phải là cộng đoàn giáo dục duy nhất; và công trình giáo dục ấy mở rộng ra dưới nhiều hình thức khác nhau phục vụ cho sự sống (số 40-41).
c. Tham dự vào việc phát triển xã hội.
FC nhấn mạnh: “Vì bản chất và ơn gọi của mình, thay vì đóng khung nơi chính mình, gia đình mở rộng đến các gia đình khác và đến xã hội, và chu toàn vai trò xã hội của mình” (số 42). Bởi vì “chính giữa lòng gia đình đã sinh ra các công dân, và chính trong gia đình mà các công dân ấy lần đầu tiên thực tập các nhân đức xã hội, là linh hồn cho sinh hoạt và sự phát triển xã hội” (số 42).
Do đó, “sự đóng góp đầu tiên và căn bản nhất” của gia đình cho xã hội là “chính kinh nghiệm về sự hiệp thông và chia sẻ phải là đặc điểm cho đời sống thường nhật của gia đình”. Gia đình như thế sẽ trở thành một trường học đầu tiên và hữu hiệu nhất về tính xã hội, và là “một khích lệ cho các tương quan cộng đồng mở rộng, được đánh dấu bằng các đức tính: kính trọng, công bằng, ý thức đối thoại, tình yêu” (số 43).
Ngoài ra, gia đình còn đóng góp cho thiện ích của xã hội nhờ những công việc phục vụ mang tính chất xã hội, và đặc biệt qua lòng hiếu khách, về vật chất cũng như tinh thần: nghĩa là “mở rộng cửa nhà mình, và hơn nữa mở rộng lòng mình trước những nhu cầu của anh chị em” (số 44).
d. Tham dự vào đời sống và sứ mạng của Giáo Hội.
Gia đình Kitô hữu đặc biệt được mời gọi tham dự vào đời sống và sứ mạng của Giáo Hội. Nếu gia đình làm nền tảng sống động của xã hội, thì trái lại chính Giáo Hội, như một người Mẹ, sinh ra, giáo dục và xây dựng nên các gia đình Kitô hữu.
Gia đình Kitô hữu tham dự vào sứ mạng tiên tri của Chúa Kitô và của Giáo Hội, “bằng cách đón nhận và loan báo Lời Chúa” (số 51), qua đó xây dựng gia đình thành một “cộng đồng tin và rao giảng Tin Mừng”. Đôi vợ chồng và cha mẹ Kitô hữu phải là những con người có đức tin, “bởi vì chỉ trong đức tin họ mới có thể khám phá và thán phục phẩm giá của hôn nhân và gia đình mà Thiên Chúa đã nâng cao, bằng cách lấy đó làm dấu chỉ và môi trường của giao ước yêu thương giữa Thiên Chúa và con người, giữa Chúa Kitô và Giáo Hội…” (số 51). Đức tin này hoạt động nhờ đức ái, được mời gọi lớn lên và nhập thể “qua các sự kiện, các vấn đề, các khó khăn, các biến cố của cuộc sống thường nhật, Thiên Chúa đến với họ và nêu lên cho họ những “đòi hỏi” cụ thể để dự phận vào tình yêu của Chúa Kitô và Giáo Hội” (số 51). Đức tin được đón nhận và sống trong tình yêu như thế sẽ làm cho gia đình trở nên một ngọn đèn soi chiếu cho nhiều gia đình khác (số 52), ngay cả khi phải sống những thập giá của đời thường.
Chính qua nhiệm vụ tư tế, gia đình thi hành giữa “những thực tại hằng ngày của cuộc sống” và qua những thực tại ấy “gia đình Kitô hữu được mời gọi tự thánh hóa và thánh hóa cộng đồng Giáo Hội và thế giới” (số 55). Xây dựng gia đình Kitô hữu như thế là xây dựng một “cộng đồng đối thoại với Thiên Chúa”.
“Do việc kế hợp sống động với Chúa Kitô, được nuôi dưỡng bằng phụng vụ, bằng việc hiến dâng chính mình và bằng kinh nguyện, mà phát sinh sự phong nhiêu của gia đình Kitô hữu trong thừa tác vụ đặc biệt nhằm sự thăng tiến nhân bản, và qua đó, góp phần vào việc biến đổi thế giới” (số 62). Các bí tích là nguồn mạch của sự nên thánh của gia đình. “Gương sống cụ thể, chứng tá sống động của cha mẹ, là yếu tố căn bản và không thể thay thế được trong việc giáo dục cầu nguyện: chỉ khi nào cha mẹ cùng cầu nguyện với con cái…họ mới vào sâu được trong lòng con cái và để lại đó dấu vết mà các biến cố của cuộc sống về sau sẽ không thể xóa nhòa được” (số 60).
Sau hết, gia đình thi hành bổn phận vương đế của mình bằng việc phục vụ con người, như Chúa Kitô đã làm và đòi hỏi các môn đệ của Ngài làm theo (số 63), qua đó xây dựng gia đình như một “cộng đồng phục vụ con người”. Việc phục vụ đầu tiên và quan trọng nhất cho con người là làm thế nào để giải thoát họ khỏi nô lệ và làm cho họ có khả năng sống như là con cái Thiên Chúa. “Được lệnh truyền mới của tình yêu sinh động và nâng đỡ, gia đình Kitô hữu tiếp đón, kính trọng, phục vụ mọi người, luôn nhìn mọi người trong phẩm giá của họ như những ngôi vị và như con cái Thiên Chúa” (số 64).
Đó là hành trình trong ơn gọi nên thánh của đời sống hôn nhân và gia đình Kitô hữu mà Giáo Hội, dưới ánh sáng của Tin Mừng, đã vạch ra và mời gọi các gia đình Kitô hữu thể hiện trong cuộc sống thường ngày của mình. Đời sống hôn nhân và gia đình có những niềm vui và thử thách. Tuy nhiên, với sự quảng đại dấn thân cho nhau và với ơn Chúa, các gia đình Kitô hữu sẽ cùng nhau xây dựng một gia đình mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ.
———————————–
Tài liệu dùng cho bài viết này:
+ Ramón García de Haro, Carla Rossi Espagnet, Hôn nhân và Gia đình trong các tài liệu của Huấn quyền (bản dịch Việt ngữ năm 2004 của linh mục Agostino Nguyễn Văn Dụ).
+ Hiến chế Gaudium et spes (GS).
+ Tông huấn Familiaris consortio (FC).
+ Sách Giáo lý Hôn nhân & gia đình, 2004, của Ủy ban Giáo lý Đức tin, trực thuộc HĐGMVN, do Nxb. Tôn giáo ấn hành.
—-
Tải file word dạng A5 ở đây (kích chuột phải, chọn save target/link as):
hon nhan gia dinh mot on goi nen thanh
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- BÀI HÁT: CÚI LẠY CHÚA TÔI
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ
- HÀNH KHÚC GIÁO HOÀNG, BÀI QUỐC CA CHÍNH THỨC CỦA VATICAN DO MỘT NGƯỜI PHÁP SÁNG TÁC
- CÁC ĐẠI SỨ TẠI TÒA THÁNH ĐƯỢC ĐỨC PHANXICÔ CHẤT VẤN
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH NHÂN DỊP CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025 : NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT NỀN NGOẠI GIAO HY VỌNG
- Ở THÁI LAN, CUỘC CHIẾN HÀNG NGÀY CỦA MỘT LINH MỤC CHỐNG LẠI NẠN LAO ĐỘNG TRẺ EM
- CÁI CHẾT CỦA CHA FELIX WILFRED, “MỘT MẤT MÁT LỚN LAO CHO NỀN THẦN HỌC CHÂU Á”
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 1
- CẦU NGUYỆN VÀ BÓNG ĐÁ, BÍ QUYẾT CỦA NỮ TU INAH CANABARRO LUCAS, NGƯỜI LỚN TUỔI NHẤT THẾ GIỚI
- NỮ TU SIMONA BRAMBILLA TRỞ THÀNH NỮ TỔNG TRƯỞNG ĐẦU TIÊN TẠI VATICAN
- ĐHY FILIPE NERI FERRÃO, TÂN CHỦ TỊCH CỦA FABC
- MỞ CỬA THÁNH CỦA VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHAOLÔ NGOẠI THÀNH: NIỀM VUI VÀ HY VỌNG CHO NĂM THÁNH
- CÁC ĐỨC GIÁO HOÀNG VÀ CÁC NĂM THÁNH: VIỆC MỞ CỬA THÁNH TRONG LỊCH SỬ