HỌP BÁO GIỚI THIỆU TÔNG HUẤN « EVANGELII GAUDIUM » CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ VỀ VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG TRONG THẾ GIỚI HIỆN NAY (26/11/2013)

Written by xbvn on Tháng Mười Một 29th, 2013. Posted in Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tông huấn, Truyền giáo, Tý Linh

Nền mục vụ truyền giáo cần tập trung vào điều cốt lõi

Evangelii gaudium : Tông huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô được viết dưới ánh sáng của niềm vui, để tái khám phá nguồn mạch của việc loan báo Tin Mừng trong thế giới hiện đại. Ta có thể tóm tắt nội dung của Tông huấn như thế, một văn kiện mà Đức Thánh Cha Phanxicô trao cho Giáo Hội để nêu rõ những con đường mà nền mục vụ phải theo trong một tương lai gần kề. Đó là một lời mời gọi tìm lại một cái nhìn ngôn sứ và tích cực về thực tại, mà không vì thế che giấu những khó khăn. Đức Phanxicô khuyến khích chúng ta và thúc giục chúng ta nhìn về phía trước, bên kia thời kỳ khủng hoảng này, một lần nữa biến thập giá và sự phục sinh của Chúa Kitô thành « ngọn cờ chiến thắng » (85).

Nhiều lần, Đức Thánh Cha Phanxicô tham chiếu các Đề nghị của Thượng Hội Đồng tháng Mười 2012, như thế ngài cho thấy sự đóng góp của Thượng Hội Đồng quan trọng là dường nào trong việc soạn  thảo Tông huấn này. Thế nhưng văn kiện này đi xa hơn kinh nghiệm của Thượng Hội Đồng. Trong văn kiện này, Đức Thánh Cha đã in dấu không chỉ kinh nghiệm mục vụ riêng của ngài, nhưng còn lời mời gọi đón nhận thời điểm ân sủng mà Giáo Hội đang sống, để xúc tiến cách tin tưởng, xác tín và nhiệt thành giai đoạn mới của việc Phúc Âm hóa. Lấy lại giáo huấn của Tông huấn Evangelii nuntiandi của Đức Phaolô VI, một lần nữa ngài đặt con ngươi Chúa Giêsu-Kitô ở trung tâm, người loán báo Tin Mừng đầu tiên kêu gọi mỗi người trong chúng ta dự phần cùng với Ngài vào công trình cứu độ (12). Đức Thánh Cha khẳng định : « Hoạt động truyền giáo là khuôn mẫu của mọi hoạt động của Giáo Hội » (15). Vì thế chúng ta phải đón nhận thời điểm thuận lợi này để phân định và sống « giai đoạn mới » của việc Phúc Âm hóa (17) vốn xoay quanh hai chủ đề làm nên cốt lõi của Tông huấn. Một mặt, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các Giáo Hội địa phương, đang đối diện với những thách độ và những cơ hội riêng cho những khung cảnh văn hóa khác nhau, để chúng có thể cụ thể hóa công việc tân Phúc Âm hóa nơi các nước của mình. Mặt khác, Đức Thánh Cha chỉ ra một mẫu số chung, để toàn thể Giáo Hội, và mỗi người loan báo Tin Mừng, có thể thông qua một phương pháp chung, dấu chỉ rằng việc Phúc Âm hóa là một con đường mà nhiều người cùng nhau bước đi, chứ không bao giờ cách đơn độc. Bảy điểm, được gộp trong năm chương của Tông huấn, tạo nên cái nhìn của Đức Thánh Cha về tân Phúc Âm hóa : việc cải cách Giáo Hội trên con đường sứ vụ, những cám dỗ của các tác nhân mục vụ, Giáo Hội được hiểu như là toàn bộ Dân Thiên Chúa loan báo Tin Mừng, bài giảng và việc chuẩn bị bài giảng, giúp người nghèo hội nhập xã hội, hòa bình và đối thoại xã hội, những động cơ thiêng liêng của việc dấn thân truyền giáo. Mối liên hệ giữa những chủ đề này là tình yêu đầy lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng đến gặp gỡ mỗi người để biểu lộ  trung tâp của mạc khải : đời sống của mỗi người tìm thấy ý nghĩa trong việc gặp gỡ Chúa Kitô và trong niềm vui chia sẻ kinh nghiệm yêu thương này với người khác (8).

Chương đầu tiên khai triển việc cải cách Giáo Hội trên con đường sứ vụ, được mời gọi « đi ra » khỏi chính mình để đến gặp gỡ tha nhân. Trong chương này, Đức Thánh Cha diễn tả « tính năng động của sự xuất hành và của việc trao ban được biểu lộ trong sự kiện đi ra khỏi chính mình, tiến bước và luôn gieo vãi, và luôn xa hơn » (21). Giáo Hội phải lấy làm của mình « sự thân thiết với Chúa Giêsu vốn là một sự thân thiết lữ hành » (23). Như chúng ta đã được quen, Đức Thánh Cha dừng lại ở những kiểu nói vốn gây nên ấn tượng và tạo ra những từ ngữ mới để giúp hiểu bản chất của  việc loan báo Tin Mừng. Trong số đó, « primerear », tức là Thiên Chúa đi trước chúng ta trong tình yêu, chỉ ra cho Giáo Hội con đường phải theo. Giáo Hội không ở trong một ngõ cụt tối tăm, nhưng tiến bước theo chân Chúa Kitô (x. 1 Pr 2, 21), đó là con đường chắc chắn Giáo Hội phải theo. Vì thế Giáo Hội tiến bước không sợ hãi. Giáo Hội biết rằng mình phải « đến gặp gỡ, tìm kiếm những người ở xa, đến khắp các ngả đường để mời gọi những người bị loại trừ. Ước muốn đề nghị lòng thương xót của Giáo Hội là bất tận » (24). Để bước đi trên con đường này, Đức Thánh Cha Phanxicô nhất mạnh đến « sự chuyển đổi mục vụ » (« conversion pastorale »), tức là chuyển từ một cái nhìn quan liêu giấy tờ, tĩnh và hành chánh về mục vụ sang một viễn cảnh truyền giáo, trong đó mục vụ là luôn trong tư thế loan báo Tin Mừng (25). Cũng như có những cơ cấu tạo điều kiện và nâng đỡ việc mục vụ truyền giáo, thì bất hạnh thay có « những cơ cấu trong Giáo Hội có thể hạn chế sự năng động loan báo Tin Mừng » (26). Sự tồn đọng các thực hành mục vụ lỗi thời và héo úa buộc phải có tính sáng tạo để suy nghĩ lại việc loan báo Tin Mừng. Theo nghĩa này, Đức Thánh Cha khẳng định : « Việc xác định những mục tiêu mà không cùng nhau tìm kiếm những phương thế hành động để đạt tới chúng thì phải nhận vẫn là một sự thuần túy tưởng tượng » (33).

Do đó cần phải « tập trung vào điều cốt lõi » (35) và biết rằng chỉ duy một chiều kích có hệ thống, tức là được thống nhất, tiệm tiến và cân xứng của đức tin, mới có thể giúp đỡ chúng ta. Giáo Hội phải có thể thiết lập một « phẩm trật các chân lý » và mối tương quan của mình với trọng tâm của Tin Mừng (37-39). Chúng ta sẽ phải tránh rơi vào cái bẫy trình bày đức tin chỉ dưới khía cạnh luân lý, mà làm xa rời đặc tính trung tâm của nó là tình yêu. Trong trường hợp trái lại, « việc xây dựng Giáo Hội theo kiểu luân lý có nguy cơ sụp đổ như một tòa nhà mong manh, và điều còn còn nguy hiểm lớn lao hơn nữa » (39). Đức Thánh Cha nhấn mạnh để chúng ta tìm thấy sự quân bình giữa nội dung đức tin và ngôn ngữ để diễn đạt nó. Sự cứng nhắc mà chúng ta bám lấy việc làm rõ ngôn ngữ đôi khi có thể làm hủy hoại nội dung của nó bằng cách bỏ qua cái nhìn đức tin đích thực (41).

Đoạn quan trọng của chương này là số 32 trong đó Đức Thánh Cha Phanxicô cho thấy tính cấp bách cần phải xúc tiến trong một số viễn cảnh của Vatican II. Cách riêng đó là vấn đề quyền tối thượng của Đấng kế vị thánh Phêrô và các Hội đồng Giám mục. Trong « Ut unum sint », Đức Gioan-Phaolô II đã từng yêu  cầu chúng ta giúp ngài hiểu rõ hơn các mục tiêu của Đức Thánh Cha trong cuộc đối thoại đại kết. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng trong đường hướng đó và tự hỏi liệu một sự trợ giúp như thế không thể đạt tới một sự tiến triển cương vị của các Hội đồng Giám mục. Một đoạn khác (các số 38-45) cũng đặc biệt quan trọng đối với những hệ quả mà nó bao hàm trong việc mục vụ : trọng tâm của Tin Mừng « được thể hiện trong những giới hạn của ngôn ngữ nhân loại ». Giáo thuyết được lồng vào trong « cái lồng ngôn ngữ », nói theo kiểu của Wittgenstein, điều mà ngụ ý một sự phân định đích thực giữa sự nghèo nàn và những giới hạn của ngôn ngữ, và sự phong phú – thường vẫn còn chưa biết tới – của nội dung đức tin. Mối nguy hiểm là thực sự nếu Giáo Hội không quan tâm đến tính năng động này. Có thể xảy ra rằng, trên một số lập trường, có một sự khép kín và xơ cứng của sứ điệp Tin Mừng, mà không còn nhận ra nữa sự phát triển riêng của nó.

Chương thứ hai dành cho những thách đố của thế giới hiện đại và những cám dỗ làm giảm đi việc tân Phúc Âm hóa. Trước tiên, Đức Thánh Cha khẳng định rằng cần thiết tìm lại căn tính của mình mà không mặc cảm tự ti vốn có thể dẫn đến « che giấu căn tính và  những xác tín của mình… từ đó đi đến chỗ làm chết ngạt niềm vui truyền giáo nơi một thứ ám ảnh sống như mọi người và sỡ hữu những gì người khác sở hữu » (79). Do đó các Kitô hữu rơi vào một thứ « chủ nghĩa tương đối còn nguy hiểm hơn cả thứ chủ nghĩa tương đối giáo thuyết » (80), bởi vì nó trực tiếp chạm đến cách sống của người Kitô hữu. Như thế xảy ra là trong nhiều biểu hiện mục vụ, những sáng kiến bị đè nặng bởi việc đặt sáng kiến lên trước chứ không phải con người ». Cũng thế, thách đố của việc loan báo Tin Mừng phải được đề cập như là một cơ hội tăng  trưởng, hơn là như một lý do để rơi vào suy sụp. Cái « óc chủ bại » phải chết đi (88). Chúng ta cần phải tìm lại tính tối thượng của mối tương quan vị nhân trên kỹ thuật gặp gỡ mà sẽ quyết định làm thế nào, ở đâu và trong bao lâu cần phải gặp gỡ tha nhân bằng cách khởi đi từ những ưa thích riêng của mình (88). Trong số cách thách đố này, chúng ta cần phải đối diện với những thách đố vốn có một tương quan trực tiếp với cuộc sống. « Sự bấp bênh của đời thường với những hệ quả tai hại của nó », những hình thức khác nhau của « sự chênh lệch xã hội », của « lòng tôn sùng tiền của và sự độc tài của một nền kinh tế vô danh », « sự gia tăng tiêu thụ » và « chủ nghĩa tiêu thụ vô độ »… đặt chúng ta đối diện với một « sự toàn câu hóa lòng dửng dưng » và một « sự giảm giá chế giễu » luân lý, vốn loại trừ mọi phê phán đối với sự thống trị của thị trường, mà, xuyên qua lý thuyết « sự tái ngã thuận lợi », đang ảo tưởng về những khả năng hành động thực sự cho người nghèo (x. 52-64). Nếu Giáo Hội vẫn là khả tín nơi nhiều nước trên thế giới, cả những nơi Giáo Hội là thiểu số, thì đó chính là vì những công trình bác ái và liên đới của mình (65).

Đối với việc loan báo Tin Mừng cho thời đại của chúng ta, đối diện với thách đố của « những nền văn hóa đô thị » lớn, các Kitô hữu được mời gọi chạy trốn hai lối diễn tả vốn phá hủy bản chất của nó mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là « tính trần tục » (93). Trước niên đó là « sự say mê thuyết ngộ đạo » : một đức tin khép kín nơi chính mình, trên những xác tín giáo thuyết của mình và biến kinh nghiệm mà người ta có thành những tiêu chí chân lý để phán xét người khác. « Chủ thuyết tân-Pêlagiô tự quy chiếu và tin vào sức mình » của những người mà đối với họ ân sủng chỉ là một thứ phụ tùy đang khi sự dấn thân và sức mạnh của họ mới là hữu  trách duy nhất của sự tiến bộ. Tất cả điều này mâu thuẫn với việc loan báo Tin Mừng và tạo nên một thứ « chủ nghĩa tinh hoa say mê bản thân » vốn cần phải bị đẩy lùi (94). Đức Thánh Cha tự hỏi : chúng ta muốn là ai ? « Những vị tướng của đội quân bại trận » hay là « những người lính đơn giản của một tiểu đoàn tiếp tục chiến đấu » ? Thực sự có nguy cơ về một « Giáo Hội trần tục khoác lên mình sự thiêng liêng và mục vụ » (96). Do đó chúng ta phải kháng cự lại những cám dỗ này và mang lại chứng tá hiệp thông (99) vốn dựa trên sự bổ túc. Khởi đi từ đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đấu tranh để thăng tiến giáo dân và phụ nữ, cổ võ sự dấn thân cho các ơn gọi và các linh mục. Nhìn những gì mà Giáo Hội đã  thực hiện như là sự tiến bộ trong những năm vừa qua làm cho chúng ta xa rời với một não trạng quyền lực, nhằm phục vụ cho việc xây dựng Giáo Hội hiệp nhất (102-108).

Công cuộc loan báo Tin Mừng là sứ mạng của toàn Dân Thiên Chúa, không loại trừ ai. Nó không thể được dành riêng hay được ủy thác cho một nhóm riêng biệt nào. Nó liên quan trực tiếp đến mọi tín hữu. Trong chương thứ ba của Tông huấn, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích sự phát triển và những giai đoạn của nó. Trước tiên ngài làm nổi bật « tính tối thượng của ân sủng » vốn hành động liên lỉ trong đời sống của mọi người loan báo Tin Mừng (112). Rồi tiếp đến được khai triển vai trò của các nền văn hóa khác nhau trong tiến trình hội nhập văn hóa của Tin Mừng, và mối nguy hiểm rơi vào « thần thánh hóa cách cao ngạo nền văn hóa của riêng mình » (117). Tiếp nữa, ngài nói về vai trò căn bản của sự gặp gỡ cá nhân (127-129) và chứng tá đời sống (121). Sau cùng ngài nhấn mạnh đến giá trị của lòng đạo đức bình dân, trong đó được diễn tả đức tin đích thực của bao con người vốn mang lại chứng tá về sự đơn sơ gặp gỡ với Thiên Chúa tình yêu (122-126). Để kết thúc, Đức Thánh Cha mời gọi các thần học gia nêu bật giá trị của các hình thức loan báo Tin Mừng khác nhau (133) và dừng lại khá lâu trên bài giảng như là hình thức ưu tiên của việc loan báo Tin Mừng, và yêu cầu một sự say mê đích thực và một tình yêu đích thực đối với Lời Chúa và dân chúng được giao phó cho chúng ta (135-158).

Chương thứ tư dành bàn về chiều kích xã hội của việc loan báo Tin Mừng. Đó là một đề tài rất thân thiết của Đức Thánh Cha Phanxicô bởi vì « nếu chiều kích này không được lưu tâm cách rõ ràng, thì chúng ta có nguy cơ bóp méo ý nghĩa đích thực và toàn vẹn của sứ mạng loan báo Tin Mừng » (176). Đó là đề tài lớn về mối liên hệ giữa việc loan báo Tin Mừng và việc thăng tiến đời sống con người trong tất cả các biểu hiện của nó. Việc thăng tiến toàn diện mọi người đòi hỏi chúng ta không được khép kín tôn giáo thành một sự kiện riêng tư, thiếu đi các hệ quả trên đời sống xã hội và công cộng. Một « đức tin đích thực luôn bao hàm một ước muốn sâu xa thay đổi thế giới (183). Hai chủ đề lớn làm nên đoạn này của Tông huấn. Đức Thánh Cha nói đến chúng với một sự say mê Tin Mừng lớn lao, ý thức rằng tương lai của nhân loại đang nhập cuộc : « việc hội nhập người nghèo vào xã hội » và « hòa bình và đối thoại xã hội ».

Về điểm đầu tiên, Giáo Hội, xuyên qua việc tân Phúc Âm hóa, cảm thấy là của mình sứ mạng « cộng tác để giải quyết các nguyên nhân dụng cụ của sự nghèo đói và để thăng tiến sự phát triển toàn diện người nghèo », như thực hiện « các cử chỉ liên đới đơn sơ và thường ngày trước sự khốn khổ cụ thể « vốn mỗi ngày trước mắt chúng ta » (188). Những gì liên quan đến những trang cô đọng này, đó là lời mời gọi nhận ra « sức mạnh cứu độ » của người nghèo, và phải nằm ở trung tâm của đời sống của Giáo Hội với công cuộc tân Phúc Âm hóa (198). Do đó, trước tiên chúng ta cần phải tái khám phá mối quan tâm, sự cấp bách, ý thức về chủ đề này, trước mọi kinh nghiệm cụ thể. Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, không chỉ chọn lựa căn bản dành cho người nghèo phải được thực hiện, nhưng trước tiên nó là một « sự quan tâm tinh thần » và « tôn giáo » và do đó là ưu tiên (200). Về những chủ đề này, lời của Đức Thánh Cha Phanxicô là thẳng thắn và rõ ràng. Một « Mục tử của một Giáo Hội không biên giới » (210) không thể tự cho phép mình nhìn nơi khác. Vì thế ngài mạnh mẽ yêu cầu xem xét vấn đề người di dân và nói lên cách rõ ràng những hình thức nô lệ mới. « Ở đâu có người mỗi ngày giết chết trong xưởng lậu của mình, trong hệ thống mãi dâm, các trẻ em được sử dụng để ăn xin, nơi người phải làm việc ẩn núp bởi vì người ấy không được hợp thức hóa ? Chúng ta đừng ru ngủ họ. Có nhiều sự đồng lõa » (211). Bằng nhiều cách, Đức Thánh Cha bảo vệ sự sống con người từ khi khởi đầu của nó và phẩm giá của mọi người (213). Về khía cạnh thứ hai, Đức Thánh Cha trình bày bốn nguyên tắc vốn là mẫu số chung cho việc xúc tiến hòa bình và việc thể hiện nó trong xã hội. Có lẽ để nhớ đến những nghiên cứu của R. Guardini, Đức Thánh Cha Phanxicô dường như tạo nên một cực đối lập mới. Quả thế, ngài nhắc nhớ rằng « thời gian thì trổi vượt không gian », « sự hiệp nhất thì hơn sự xung đột », « thực tại thì quan trọng hơn các ý tưởng, và « tổng thể thì lớn hơn các bộ phận ». Điều này dẫn chúng ta đến việc đối thoại như là đóng góp đầu tiên cho hòa bình, và, trong Tông huấn, vốn liên quan đến khoa học, đối thoại đại kết và tương quan với các tôn giáo không Kitô.

Chương cuối cùng bàn về « tinh thần tân Phúc Âm hóa » (260). Nó được khai triển dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng đánh động cách luôn mới mẻ nhiệt huyết truyền giáo từ đời sống cầu nguyện trong đó việc chiêm niệm chiếm vị trí trung tâm (264).

Trong phần kết luận, Đức Trinh Nữ Maria, « Ngôi sao của công cuộc tân Phúc Âm hóa », được trình bày như là hình ảnh của việc loan báo và truyền bá Tin Mừng mà Giáo Hội được mời gọi sống cách nhiệt huyết và trong tình yêu của Chúa Giêsu. « Chúng ta để để mình bị đánh cắp niềm vui loan báo Tin Mừng ! ». Ngôn ngữ của Tông huấn này là rõ ràng và thẳng thắn, không khoa trương cũng như ẩn ý. Đức Thánh Cha Phanxicô đi vào trọng tâm của các vấn đề của con người hôm nay, vốn đòi hỏi Giáo Hội còn hơn chỉ là một sự hiện diện. Giáo Hội được yêu cầu đổi mới các chương trình và thực hành mục vụ của mình theo hướng tân Phúc Âm hóa. Tin Mừng phải được nói với mọi người, không loại trừ ai. Thế nhưng, một số người cần ưu tiên. Không mập mờ, Đức Thánh Cha Phanxicô nêu rõ định hướng của ngài : « Đó không phải là các bạn bè lẫn những người giàu bên cạnh, nhưng là những người nghèo, những người đau ốm, những người bị coi thường và quên lãng… Không có sự nghi ngờ hay lối giải thích nào được làm yếu đi sứ điệp rất rõ ràng này » (48).

Như những thời điểm quan trọng khác trong lịch sử của mình, Giáo Hội ngày nay cảm thấy nhu cầu về một cái nhìn chú tâm để loan báo Tin Mừng dưới ánh sáng của việc thờ lạy, với « cái nhìn chiêm niệm » này để thấy các dấu chỉ của sự hiện diện của Thiên Chúa. Những dấu chỉ thời đại không chỉ được khích lệ, nhưng chúng trở nên những tiêu chí của một chứng tá hữu hiệu (71). Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc cho chúng ta mầu nhiệm trọng tâm của đức tin của chúng ta : « Chúng ta đừng xa rời sự phục sinh của  Chúa Giêsu, đừng bao giờ làm  cho người khác nhìn chúng ta là những kẻ chiến bại, những gì sẽ đến là sẽ đến » (3). Giáo Hội của Đức Thánh Cha Phanxicô trở nên người bạn đường của những người thời đại chúng ta đang tìm kiếm Thiên Chúa và ước mong thấy Ngài.

Tý Linh chuyển ngữ

 nguồn: Vatican.va

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30