IRẮC : « KHỞI LẠI TỪ TỔ PHỤ ABRAHAM ĐỂ NHÌN NHẬN NHAU LÀ ANH EM »

Written by xbvn on Tháng Ba 3rd, 2021. Posted in Thế Giới, Đại Chủng Viện Huế

« Khởi lại từ Tổ phụ Abraham để nhìn nhận nhau là anh em » là tựa đề của một bài viết của Andrea Tornielli, Giám đốc biên tập của cơ quan truyền thông của Rôma, trước chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô tại Irắc từ 5-8/3/2021.

Đức Phanxicô đang chuẩn bị cho chuyến tông du khó khăn nhất và quan trọng nhất của triều đại của ngài, một chuyến viếng thăm vừa sẽ biểu lộ sự gần gũi với các Kitô hữu, sự nâng đỡ cho việc tái  thiết đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh và chủ nghĩa khủng bố, vừa mở rộng lòng cho người Hồi giáo. Đó cũng từng là giấc mở của thánh Gioan-Phaolô II.

Các Kitô hữu Irắc đã chờ đợi Đức Thánh Cha từ 22 năm nay. Chính vào năm 1999 mà Đức Gioan-Phaolô II đã dự kiến một chuyến hành hương ngắn ngủi nhưng ý nghĩa đến thành Ur của người Can-đê, giai đoạn đầu tiên của chuyến tông du năm thánh đến những nơi thánh. Ngài đã muốn khởi đi từ Abraham, từ vị cha chung được nhìn nhận bởi người Do Thái, người Kitô hữu và người Hồi giáo. Nhiều người đã khuyên Đức Gioan-Phaolô II đừng làm chuyến tông du này, vì có nguy cơ củng cố cho Saddam Hussein. Đức Gioan-Phaolô II vẫn tha thiết với kế hoạch này, bất chấp những mưu toan phá hủy nó, nhất là về phía Hoa Kỳ. Nhưng cuối cùng, chuyến viếng thăm này đã không thực hiện được do hoàn cảnh của tổng thống Irắc.

Vào năm 1999, đất nước Irắc đã mỏi mệt vì cuộc chiến đẩm máu chống lại Iran (1980-1988) và các cuộc trừng phạt quốc tế liên tiếp do việc xâm lăng Koweit và do cuộc chiến Vùng Vịnh đầu tiên, nhưng con số Kitô hữu ở Irắ lúc đó đông gấp ba so với bây giờ. Cuộc lỡ hẹn tông du của Đức Gioan-Phaolô II vẫn là một vết thương. Ngài đã lên tiếng chống lại cuộc viễn chinh quân sự lần hai của Tây phương vào Irắc, mà sẽ kết thúc bằng việc lật đổ chính quyền của Saddam Hussein.

Vào buổi đọc Kinh Truyền Tin vào ngày 16/3/2003, ngài đã tuyên bố : « Tôi muốn nhắc cho các nước thành viên của Liên Hiệp Quốc, và cách riêng những nước làm nên Hội đồng bảo an, mà việc nại đến sức mạnh thể hiện việc nại đến sau cùng, sau khi đã tìm kiếm mọi giải pháp hòa bình khác, theo các nguyên tắc nổi tiếng của Hiến chương Liên Hiệp Quốc ». Rồi ngài tuyên bố : « Tôi thuộc về thế hệ đã từng trải qua cuộc Chiến tranh thế giới lần hai và đã sống sót. Tôi có bổn phận nói với mọi người trẻ, với những người trẻ hơn tôi mà không có kinh nghiệm này : « Đừng bao giờ chiến tranh nữa », như Đức Phaolô VI đã từng nói trong chuyến viếng thăm đầu tiên của ngài tại Liên Hiệp Quốc. Chúng ta phải làm hết sức có thể ».

Ngài đã không được lắng nghe bởi « những người trẻ » này, những người chủ chiến và không có khả năng xây dựng hòa bình. Irắc bị khủng bố, với những cuộc tấn công, bỏ bom và tàn phá. Vào năm 2014, đất nước Irắc đã chứng kiến sự nổi dậy của Nhà nước Hồi giáo tự xưng là nhóm IS, càng làm tăng thêm sự tàn phá, bách hại, bạo lực, với sự can thiệp của các cường quốc trong vùng hay quốc  tế trên lãnh thổ Irắc, với các đội quân mất kiểm soát. Dân chúng không có khả năng tự vệ, bị chia rẽ vì lý do sắc tộc và tôn giáo, đã trả giá cho điều đó bằng chính mạng sống con người.

Nhìn vào hoàn cảnh của Irắc, người ta cảm nhận cách cụ thể và hiện thực những lời nói mà Đức Phanxicô diễn tả trong thông điệp Fratelli Tutti : « Chúng ta không thể nghĩ đến chiến tranh như là một giải pháp nữa, vì những rủi ro có khả năng lớn hơn sự hữu dụng giả thiết mà người ta gán cho nó. Đối diện với thực tế này, ngày nay thật rất khó khăn bảo vệ các tiêu chí hợp lý, đã chín mùi trong thời điểm khác, để nói về một cuộc ‘chiến tranh’ chính đáng có thể xảy ra. Đừng bao giờ chiến tranh nữa ! Mọi cuộc chiến đều để lại một thế giới tồi tệ hơn trong tình trạng mà nó đã thấy. Chiến tranh luôn là một thất bại của chính trị và của nhân loại, một sự đầu hàng đáng xấu hổ, một sự hỗn loạn trước sức mạnh của sự dữ ».

Trong nhiều năm qua, hàng trăm ngàn Kitô hữu đã phải từ bỏ nhà cửa của mình và tỵ nạn ở nước ngoài. Tại vùng đất lần đầu tiên được loan báo Tin Mừng, mà Giáo hội cổ kính của nó có nguồn gốc lên đến thời rao giảng của các Tông đồ, ngày nay các Kitô hữu đang mong đợi chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô như là một luồng gió mới. Từ lâu, Đức Thánh Cha đã loan báo ý muốn đến Irắc để an ủi họ, theo « địa chính trị » duy nhất làm ngài cảm động, tức là biểu lộ sự gần gũi với những ai đang đau khổ và, bằng sự hiện diện của mình, tạo điều kiện cho tiến trình hòa giải và tái thiết hòa bình.

Vì thế, bất chấp những rủi ro gắn liền với đại dịch và an ninh, và bất chấp những cuộc tấn công tự sát gần đây, đến nay Đức Phanxicô đã tiếp tục chờ đợi chuyến viếng thăm này, để không làm thất vọng người dân Irắc đang chờ đợi ngài. Trọng tâm của chuyến tông du quốc tế đầu tiên sau 15 tháng bị phong tỏa do hậu quả của Covid 19, sẽ là cuộc gặp gỡ ở Ur, trong thành phố mà từ đó Tổ phụ Abraham đã ra đi. Một cơ hội cầu nguyện với các tin đồ của các tôn giáo khác, cách riêng với người Hồi giáo, để tái khám phá những lý do của sự cùng chung sống giữa các anh em, để tái xây dựng một cơ chế xã hội vượt ra ngoài các phe phái và các nhóm sắc tộc, và gởi một thông điệp đến Trung Đông và toàn thế giới.

Tý Linh

(theo ZENIT)

Irak: « Repartir d’Abraham pour se reconnaître comme frères », par A. Tornielli

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31