JMJ 2023 : TẠI LISBON, ĐỨC PHANXICÔ CHẤT VẤN CHÂU ÂU VÀ MỜI GỌI XÂY DỰNG NHỮNG CÔNG TRÌNH HY VỌNG
Vào ngày đầu tiên của chuyến tông du Bồ Đào Nha dịp Ngày Quốc tế Giới trẻ (JMJ), Thứ Tư, ngày 2 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô có bài phát biểu với người Công giáo ở phương Tây, kêu gọi họ đừng nản lòng trước tình trạng thế tục hóa đang tấn công lục địa này.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Lisbon vào Thứ Tư, ngày 2 tháng 8, và chuyến thăm bắt đầu, như thường lệ, với các nghi thức quân sự. Cách không xa Đức Thánh Cha và tổng thống Marcelo Rebelo de Sousa, là một bức tượng khổng lồ của Afonso de Albuquerque, nhân vật chính của thời thuộc địa Bồ Đào Nha vào thế kỷ 16.
Tuy nhiên, vài phút sau, đó là bài phát biểu của Đức Thánh Cha tại trung tâm văn hóa Belém. Trước các nhà lãnh đạo chính trị và các nhà ngoại giao đương nhiệm tại đất nước này, Đức Phanxicô đã đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ để « Lục địa Già » trở thành một hình mẫu của « sự cởi mở phổ quát“, tại “thành phố của đại dương” này, nơi ngài đã ca ngợi « các đường biên giới » là « những khu vực tiếp xúc » chứ không phải là « những biên giới ngăn cách ».
Ngài mạnh mẽ chất vấn: « Bạn đang theo con đường nào, hỡi Tây phương? Công nghệ của bạn, vốn đã ghi dấu những tiến bộ rõ rệt và toàn cầu hóa thế giới, là chưa đủ. Cũng không cần nhiều hơn những vũ khí tinh vi nhất, vốn không phải là đầu tư cho tương lai, mà là làm nghèo vốn con người thực sự, đó là giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội. Thật đáng lo ngại khi đọc thấy rằng ở nhiều nơi, tiền liên tục được đầu tư vào vũ khí hơn là vào tương lai của trẻ em. »
Ước mơ về một châu Âu tốt đẹp hơn
Tại Bồ Đào Nha, Đức Phanxicô một lần nữa kêu gọi châu Âu đưa ra « những con đường sáng tạo để chấm dứt cuộc chiến ở Ucraina cũng như nhiều cuộc xung đột khác làm đẫm máu thế giới ». Tại trung tâm văn hóa Belém, trên sân khấu có bức màn trên đó in huy hiệu khổng lồ của Đức Giáo hoàng, ngài nói về « những ước mơ » của mình về một châu Âu, « trái tim của phương Tây », « sử dụng cho hữu ích sự khéo léo của mình để dập tắt lò lửa chiến tranh và thắp lên những tia hy vọng ».
« Tôi mơ về một châu Âu, trái tim của Tây phương, sử dụng cho hữu ích sự khéo léo của mình để dập tắt lò lửa chiến tranh và thắp lên những tia hy vọng ; tìm lại tâm hồn trẻ trung của mình ; bao gồm các dân tộc mà không theo đuổi các lý thuyết và công cuộc thực dân ý thức hệ ».
« Bạn đang lái thuyền về đâu, hỡi châu Âu và phương Tây, với sự gạt bỏ những người già, với những bức tường bằng dây thép gai, với những thảm kịch trên biển và những chiếc nôi trống không? », ngài nói thêm, ám chỉ đến các cuộc khủng hoảng nhân khẩu học và di cư. Trước khi tố giác « luật an tử », « một giải pháp dễ dàng có vẻ ngọt ngào, nhưng thực tế lại đắng hơn nước biển ».
Lisbon hiện có cơ hội đề xuất một sự thay đổi nhịp độ, kích thích « ước mơ châu Âu về một chủ nghĩa đa phương rộng lớn hơn chứ không chỉ là bối cảnh phương Tây ». Vì vậy, Đức Giáo hoàng nhắc lại, Châu Âu phải mang lại « trên trường quốc tế tính độc đáo đặc thù của nó, vốn đã hình thành từ thế kỷ vừa qua khi, trong nồi lửa của các cuộc xung đột thế giới, nó đã khơi dậy ngọn lửa hòa giải bằng cách ước mơ xây dựng tương lai với kẻ thù của ngày hôm qua, tham gia vào các cách thức đối thoại và hòa nhập, phát triển một nền ngoại giao hòa bình ».
Sự mệt mỏi của người Công giáo phương Tây
Vào buổi chiều, tại đan viện Hiéronymites, Đức Thánh Cha đã đào sâu sứ điệp của mình cho châu Âu, đề cập đến cuộc khủng hoảng tinh thần đang ảnh hưởng nặng nề đến châu Âu. Ngài thường không nể nang Lục địa Già, đôi khi trách móc nó đã ngủ quên trong lịch sử và sự giàu có của nó, hoặc thậm chí là thiếu táo bạo, lần này đã nhận ra cảm giác « mệt mỏi » nảy sinh nơi người Công giáo trước tình trạng phi Kitô giáo ngày càng gia tăng. Kitô hữu của Lục địa Già, những người mà ngài so sánh với các Tông đồ « mệt mỏi và cay đắng » đang rửa lưới sau khi đánh cá không thành công.
Vâng, Đức Giáo hoàng công nhận, các tín hữu châu Âu phải đối mặt với « một thời kỳ khó khăn ». Họ thực sự vấp phải « sự thất vọng và tức giận mà một số người cảm thấy đối với Giáo hội », đặc biệt là khi Giáo hội bị thách thức bởi « những vụ bê bối đã làm biến dạng bộ mặt của Giáo hội ». Một ám chỉ rõ ràng về các vụ bê bối ấu dâm làm hoen ố Giáo hội ở Bồ Đào Nha, sáu tháng sau khi công bố một báo cáo độc lập do các Giám mục ủy quyền, đã báo cáo lời khai của hơn 500 nạn nhân trong 70 năm qua.
Bây giờ làm gì ? Đức Thánh Cha khuyên, điều cần thiết là bắt đầu « từ tiếng kêu đau đớn của các nạn nhân, luôn cần được đón tiếp và lắng nghe » để bắt đầu công việc « thanh tẩy » cần thiết. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: « Chưa đến lúc phải dừng lại và bỏ cuộc », bị nuốt chửng bởi « sự bi quan » và càng không thể « nhìn lại đằng sau ».
Các công trường hy vọng
Trong bài phát biểu đầu tiên trên đất Bồ Đào Nha này và khi một biển người trẻ đổ về thành phố, Đức Thánh Cha, đấng kế vị Thánh Phêrô, cũng muốn tỏ ra lạc quan. « Như chúng ta nói ở đây: « Bên cạnh người trẻ, bạn không già » », ngài cười nói. Những người trẻ này trên khắp thế giới « xuống đường không phải để kêu gào giận dữ, nhưng để chia sẻ niềm hy vọng của Tin Mừng ».
Trong khi chủ nghĩa dân túy và chủ thuyết âm mưu đang lan rộng, thì JMJ « làm sống lại mong muốn tạo ra một điều gì đó mới mẻ, ra khơi và cùng nhau chèo thuyền hướng tới tương lai », Đức Giáo hoàng nói, trước khi mời gọi làm việc trong ba « dự án hy vọng » là môi trường, tương lai và tình huynh đệ.
Về vấn đề môi trường, Đức Thánh Cha ca ngợi những nỗ lực của Bồ Đào Nha và Liên minh châu Âu về chính sách môi trường của họ, nhưng cũng nhắc lại sự nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, lấy làm tiếc về việc biến các đại dương thành bãi rác nhựa, « Làm sao chúng ta có thể nói rằng chúng ta tin tưởng vào giới trẻ, nếu chúng ta không cho họ một không gian lành mạnh để xây dựng tương lai? ».
Công trình hy vọng thứ hai là tương lai. Bởi vì những người trẻ tuổi đại diện cho tương lai ở Lục địa Già, nhưng trong khi một số quốc gia đang trải qua mùa đông nhân khẩu học, chính trị phải là một công cụ để « điều chỉnh sự mất cân bằng kinh tế của một thị trường tạo ra của cải nhưng không phân phối nó, làm nghèo trí óc về nguồn lực và những điều chắc chắn », đồng thời tạo nhiệt huyết cho giới trẻ.
Sau cùng, công trình hy vọng cuối cùng mà nhân loại phải bắt tay vào là tình huynh đệ. Hoan nghênh ý thức về tình láng giềng và liên đới của Bồ Đào Nha, Đức Thánh Cha đã kêu gọi « hãy nuôi dưỡng ý thức cộng đồng, bắt đầu bằng việc tìm kiếm những người sống bên cạnh. » Như tác giả người Iberia, José Saramago, giải Nobel Văn học năm 1998, đã viết, « điều mang lại ý nghĩa thực sự cho cuộc gặp gỡ là sự tìm kiếm, và cần phải đi một chặng đường dài để đạt được điều gần gũi ».
Đức Thánh Cha kết luận : « Thưa anh chị em, thật đẹp biết bao khi tái khám phá lẫn nhau, làm việc vì lợi ích chung, bỏ qua một bên sự chống đối và khác biệt về quan điểm! ».
Trong Giáo hội, « phải có chỗ cho mọi người »
Đức Phanxicô giải thích với các nhà lãnh đạo Công giáo Bồ Đào Nha rằng tương lai của Giáo hội đòi hỏi sự tham gia tích cực của « tất cả những người đã được rửa tội », dù là linh mục hay giáo dân. « Trên con thuyền của Giáo hội, phải có chỗ cho tất cả mọi người », Đức Phanxicô nhấn mạnh, khi ám chỉ đến Thượng hội đồng sẽ nhóm họp tại Rôma vào tháng Mười.
Ra khỏi văn bản của mình nhiều lần, ngài nói thêm rằng Giáo hội không bao giờ nên giống như một trạm hải quan, nơi sẽ chấp nhận một số và từ chối những người khác. Theo Đức Phanxicô, chỉ bằng cách này Giáo hội mới có thể trở thành một « bến cảng an toàn » « cho tất cả những ai phải đối mặt với những chuyến vượt biển, những vụ đắm tàu và những giông bão của cuộc đời ». Một thông điệp được gửi đi vượt ra ngoài giới lãnh đạo Công giáo Bồ Đào Nha, thu hút sự chú ý của hàng trăm ngàn bạn trẻ đến Lisbon để tham gia Ngày Quốc tế Giới Trẻ, tượng trưng cho tương lai của Giáo hội Công giáo.
Tý Linh
(theo nhật báo La Croix và Vatican News)
Tags: Âu Châu, Giáo-Hội-&-Nhà-Nước, Giới trẻ, Hòa-bình, Phanxicô-I, synode
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH VÀ PHÉP LÀNH URBI ET ORBI 2024 : CẦU MONG TIẾNG SÚNG HÃY IM BẶT !
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS