KHẤN … NHƯNG LÀM SAO TRUNG THÀNH?

Written by lcd on Tháng Bảy 27th, 2020. Posted in Lm Lê Công Đức, Ơn gọi, Tâm linh, Thiên Phong, Tu sĩ

1.

Huế vào mùa khấn, khấn tạm và khấn trọn đời của tu sĩ nam nữ các hội dòng. Xen lẫn trong niềm vui háo hức của các sơ các thầy trước sự kiện trọng đại của mình vẫn có tiềm ẩn một nỗi băn khoăn: Làm sao để mình có thể trung thành sống trọn những điều mình cam kết? Làm sao… làm sao… khi mà trong thế giới hiện nay sự nâng đỡ thì ít mà cạm bẫy thì quá nhiều? Một thế giới và xã hội với biết bao ảnh hưởng của xu hướng phóng túng, chủ nghĩa cá nhân, trào lưu thế tục và thực dụng! Người tu sĩ tiến gần tới ngày khấn với một tâm trạng và cảm xúc hỗn hợp, khó tả…

Hãy hình dung một câu chuyện để minh họa, nhưng không nhất thiết là không có thực. Chiều thứ bảy, anh chị xinh đẹp lung linh dìu nhau đến làm lễ cưới trong nhà thờ. Trước mặt gia đình hai họ và cộng đoàn, với sự chứng hôn của cha sở và những người làm chứng, anh chị nói lên lời cam kết nhận nhau làm vợ chồng, và “hứa giữ lòng chung thủy với nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày suốt đời”. Hôm sau, Chúa Nhật: đám cưới, rước dâu, hợp cẩn… Trở về từ tuần trăng mật ở Đà Lạt, anh chị bị tai nạn giao thông, anh may mắn không sao, nhưng chị bị chấn thương não, gãy lìa hai chân đến đùi, và khuôn mặt hoàn toàn biến dạng… Bạn tưởng tượng mình đến thăm đôi vợ chồng trẻ không may ấy, bạn nói gì với họ đi!

2.

Chính vì ý thức rằng trung thành không dễ, rằng mình có thể phản bội – trong hôn nhân cũng như trong đời tu – mà người ta thấy cần cam kết trung thành. Nếu có cách nào đó để tôi có thể ‘lập trình’ cho mình và bảo đảm 100% trung thành suốt đời, thì việc cam kết hay khấn hứa không còn mấy ý nghĩa và cũng chẳng cần thiết nữa. Nếu tình yêu là nền tảng của việc khấn hứa tu trì, thì động lực của việc khấn hứa ấy là lòng khiêm tốn và tinh thần thực tế, chứ không hề là ảo tưởng.

Cam kết với ai một điều gì, đó là mình tự ràng buộc mình, tức trao cho người đó phần tự do của mình liên quan đến điều mình cam kết. Mình không còn toàn quyền quyết định về những gì thiết yếu liên quan, bởi giờ đây nó đã trở thành câu chuyện của hai người, không phải của riêng mình. Tất cả những điều này người ngoài cuộc nghe có vẻ căng thẳng, hay nặng nề, nhưng người trong cuộc thì không. “Chúng tôi tin vào tình yêu” (1Ga 4,16); “Tôi biết tôi tin vào Đấng nào” (2Tm 1,12); “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu! Có nghĩa gì đâu một buổi chiều – Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt – Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu” (Xuân Diệu)… Niềm vui của việc cam kết hôn nhân hay khấn dòng cắm rễ thâm sâu trong mầu nhiệm tình yêu này. Cảm thức thuộc về, việc thể hiện tự do và trách nhiệm, cảm thức thực hiện chính mình… là những khía cạnh khác, về mặt tâm lý, đóng góp vào để củng cố niềm vui thâm sâu ấy.

3.

Khi đôi bạn nói lên lời cam kết làm vợ làm chồng của nhau, người này mặc nhiên tin vào sự trung thành của người kia. Điểm tựa của niềm tin này gồm nhiều yếu tố, trong đó có cả niềm tin vào sự trung thành của chính mình, dựa trên ân sủng. Vâng, tôi không trung thành dùm cho anh được, tôi đơn giản tin anh thôi. Tôi chỉ quyết định trực tiếp được về chuyện trung thành của tôi, và tôi cũng tin rằng sự trung thành của mình sẽ góp động lực cho anh trung thành. Về phía anh cũng vậy, nào, chúng ta đi vào khế ước, trong cảm thức của chúng ta về tình yêu, về ân sủng và về sứ mạng mà Chúa trao cho chúng ta!

Trong việc khấn tu trì, người tu sĩ ký kết khế ước với chính Chúa, trong Giáo hội. Trong khi cuộc ‘hôn phối’ này không mang những đặc tính khả giác, hữu hình vốn thuộc riêng những người vợ người chồng với nhau, thì người tu sĩ được ‘bù lại’ bằng một ‘món’ trên cả tuyệt vời, đó là sự chắc chắn về lòng trung thành của Chúa. Thiên Chúa là Đấng yêu thương và thành tín (Tv 99,5); “Dù ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2Tm 2,13); “Nào người mẹ có thể quên con mình mà không thương xót chính đứa con mình đã cưu mang ư? Cho dù người mẹ đó có quên, Ta cũng sẽ không quên ngươi đâu” (Is 49,15); “Tình thương Chúa đời đời con ca tụng, qua muôn ngàn thế hệ, miệng con rao truyền lòng thành tín của Ngài” (Tv 89,2)… Vấn đề trung thành, như vậy, chỉ còn là vấn đề của phía con người. Ở đây, phải nói chính xác rằng chính vì dựa vào lòng trung thành của Thiên Chúa mà người tu sĩ cam kết trung thành.

Cam kết, trung thành – cũng như chính tình yêu – thật rõ là không phải việc làm ‘một lần thay cho tất cả’. Cũng không phải là cái gì có thể tích trữ để ‘dùng’ dần dần! Tự bản chất, cam kết/trung thành/yêu thương phải mới mẻ luôn luôn, và luôn luôn sống động trong hiện tại. Tình yêu hiện tại xác thực cho quá khứ và mở ra cho tương lai. Không ‘đang yêu’, thì ‘đã yêu’ hay ‘sẽ yêu’ chỉ là bong bóng xà phòng.

Vì thế, có thể nói, ngày khấn – ngay cả khấn trọn đời – là ngày bắt đầu khấn, để rồi sẽ tiếp tục khấn đi khấn lại trong lòng từng ngày, mãi mãi không ngơi. Sự trung thành trọn đời được kết dệt từ đâu, nếu không phải là từ sự trung thành của mỗi cái ‘hôm nay’?

4.

Tưởng cũng cần đề cập chiều kích tích cực trong lời cam kết và trong việc sống các lời khấn tu trì: nghèo khó, vâng phục và độc thân khiết tịnh theo Tin Mừng. Chúng không duy chỉ là một danh mục liệt kê những điều và những mức độ không được phép làm, để gọi là nghèo khó / vâng phục / độc thân khiết tịnh! Sự trung thành không nghèo nàn như vậy. Bởi vì các lời cam kết ấy diễn tả tình yêu, nên trước hết chúng bao hàm những việc làm của tình yêu – giống như điều Đức thánh cha Phanxicô nói về chính Kitô giáo: “Kitô giáo trước hết là cái phải được thực hành!” (GE 109). Không làm điều xấu là tốt, vâng, nhưng lô-gic của tình yêu thì cao hơn thế: Không làm điều tốt là xấu!

Theo đó, khấn và sống nghèo khó theo Tin Mừng là để – như Chúa Giêsu Kitô – làm cho người nghèo được giàu lên. “Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quí, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8,9).

Khấn và sống vâng phục theo Tin Mừng là để được tự do đích thực trong tâm hồn, tức bình tâm đến mức hoàn toàn thuộc về thánh ý Thiên Chúa: “Lạy Cha, nếu được, xin cho con khỏi uống chén này – nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22,42). Vâng phục chính là nghèo khó trong hình thức siêu thoát cả ý chí riêng của mình. Hoa quả của nó là tự do, và tự do là để yêu thương.

Độc thân khiết tịnh vì Nước Trời không nhận ý nghĩa của nó duy chỉ nơi việc tiết dục và việc từ khước mọi thể loại tình cảm có tính chiếm hữu (hay để mình bị chiếm hữu) cách độc quyền. Khiết tịnh thánh hiến trước hết là tình yêu tự hiến hoàn toàn cho Đức Kitô, nơi Nhiệm Thể của Người, nơi anh chị em nghèo và bị bỏ rơi của Người. “Những gì các ngươi làm cho một trong những anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi làm cho chính Ta” (Mt 25,40)… Chính trong cảm thức về tầm quan trọng của chiều kích tích cực này của độc thân khiết tịnh thánh hiến mà Nữ tu Barbara Fiand, một tác giả và diễn giả nổi tiếng về đời sống thánh hiến đã nhận định: “Có lẽ, sự độc thân khiết tịnh của chúng ta chưa bao giờ được sống. Thay vào đó, xem ra nó bị tránh né. Bởi nguyên tắc chủ đạo của chúng ta là ‘làm sao cho đúng luật’ chứ không phải là say mê”! (Diarmuid O’Murchu, Consecrated Religious Life: The changing paradigms, 192).

Về hai lời khấn kia và về các đặc trưng khác của đời sống thánh hiến cũng thế. Tất cả đều nhận động lực từ tình yêu say mê. Vì thế, say mê là sự diễn tả của lòng trung thành nơi người tu sĩ. Ở đây ta thấy vai trò của ý chí, chứ không phải nét lãng mạn, là yếu tố xác định tình yêu đích thực. Một tiếng gọi cho anh chồng trẻ có người bạn đời tàn phế ngay sau tuần trăng mật ấy!

(Lm. Lê Công Đức, 27.7.2020)

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31