KHÔNG CÓ GÌ NGĂN TRỞ TRONG VIỆC TÔN KÍNH ĐỨC MẸ Ở MỄ DU
Tài liệu của Bộ Giáo lý Đức tin được Đức Phanxicô phê chuẩn không tuyên bố về tính chất siêu nhiên, nhưng thừa nhận sự phong phú của những hoa trái thiêng liêng liên quan đến đền thánh giáo xứ Nữ Vương Hòa bình và đưa ra một đánh giá tích cực tổng thể về các sứ điệp, với một số giải thích rõ ràng.
“Đã đến lúc kết thúc một lịch sử dài và phức tạp liên quan đến các hiện tượng tâm linh ở Mễ Du. Lịch sử đã có nhiều ý kiến khác nhau của các giám mục, các nhà thần học, các ủy ban và các nhà phân tích”. Chính với những lời này mà tài liệu “Nữ Vương Hòa bình” bắt đầu, một thông tri về trải nghiệm tâm linh liên quan đến Mễ Du, được ký bởi Đức Hồng y Víctor Manuel Fernández, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, và Đức ông Armando Matteo, thư ký của bộ phận giáo lý của Bộ.
Một văn bản được Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn vào ngày 28 tháng 8, công nhận sự tốt lành của những hoa trái thiêng liêng liên quan đến kinh nghiệm ở Mễ Du, cho phép các tín hữu tham dự – tuân theo những Chuẩn mực mới để phân biệt những hiện tượng này – bởi vì “nhiều hoa trái tích cực đã xảy ra và không có tác động tiêu cực hay rủi ro nào lan rộng trong Dân Chúa”. Nhìn chung, đánh giá về các sứ điệp cũng tích cực, ngay cả khi một số diễn tả đã được làm rõ. Tài liệu cũng nhấn mạnh rằng “các kết luận của Thông tri này không hàm ý phán xét về đời sống luân lý của những người được cho là thị nhân” và trong mọi trường hợp, các ân huệ thiêng liêng “không nhất thiết đòi hỏi sự hoàn thiện về mặt luân lý của những người liên quan để có thể hành động.”
Những hoa trái tích cực
Những nơi liên quan đến hiện tượng Mễ Du được những người hành hương từ khắp nơi trên thế giới viếng thăm. “Những hoa trái tích cực được thể hiện trước hết trong việc cổ vũ việc thực hành lành mạnh đời sống đức tin”, theo truyền thống của Giáo hội. Có “rất nhiều cuộc hoán cải” của những người đã khám phá hoặc tái khám phá đức tin, việc quay trở lại xưng tội và rước lễ, nhiều ơn gọi, “nhiều cuộc hòa giải giữa vợ chồng và việc đổi mới đời sống hôn nhân và gia đình”.
Tiếp đến, Thông tri nêu rõ rằng “những trải nghiệm này xảy ra chủ yếu trong khuôn khổ các cuộc hành hương đến các địa điểm diễn ra các sự kiện ban đầu hơn là trong các cuộc gặp gỡ với “các thị nhân” để chứng kiến các cuộc được cho là hiện ra”. “Nhiều cuộc chữa lành” cũng được báo cáo. Giáo xứ của ngôi làng nhỏ ở Herzegovinia là nơi thờ phượng, cầu nguyện, hội thảo, tĩnh tâm, họp mặt giới trẻ và “dường như mọi người đến Mễ Du trước hết là để đổi mới đức tin của họ hơn là để đáp lại những yêu cầu cụ thể”. Các tổ chức từ thiện cũng xuất hiện để chăm sóc trẻ mồ côi, người nghiện ma túy, người khuyết tật và ghi nhận sự hiện diện của các nhóm Kitô hữu Chính Thống giáo và Hồi giáo.
Sứ điệp hòa bình
Sau đó, Thông tri của Bộ xem xét các khía cạnh trung tâm của các thông điệp, bắt đầu từ hòa bình, được hiểu không chỉ là sự vắng mặt của chiến tranh, mà còn theo nghĩa thiêng liêng, gia đình và xã hội: quả thật, tước hiệu độc đáo nhất mà Đức Trinh Nữ gán cho chính mình là “Nữ Vương Hòa Bình”. “Mẹ tự giới thiệu mình ở đây với tư cách là Nữ Vương Hòa Bình để nói với mọi người rằng hòa bình là cần thiết cho phần rỗi của thế giới. Chỉ nơi Thiên Chúa mới tìm thấy được niềm vui đích thực, từ đó mới có được sự bình an đích thực. Đó là lý do tại sao Mẹ yêu cầu sự hoán cải” (16.06.1983). Hòa bình là hoa trái của việc sống bác ái, “cũng bao hàm tình yêu thương đối với những người không phải là người Công giáo”. Một khía cạnh được hiểu rõ hơn trong “bối cảnh đại kết và liên tôn của Bosnia-Herzegovina, được đánh dấu bằng một cuộc chiến tranh khủng khiếp với thành phần tôn giáo mạnh mẽ”.
Thiên Chúa ở trung tâm
Lời mời gọi tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa là tình yêu được tái diễn thường xuyên: “Chúng ta có thể nhận ra cốt lõi của những thông điệp trong đó Đức Trinh Nữ không đặt mình vào trung tâm, nhưng tỏ ra hoàn toàn hướng tới sự kết hợp của chúng ta với Thiên Chúa”. Hơn nữa, “sự chuyển cầu và công việc của Đức Maria rõ ràng phụ thuộc vào Chúa Giêsu Kitô với tư cách là tác giả của ân sủng và ơn cứu độ nơi mỗi người”. Đức Maria cầu bầu, nhưng chính Chúa Kitô là Đấng “ban sức mạnh cho chúng ta. Đây là lý do tại sao mọi công trình từ mẫu của Mẹ đều bao gồm việc thúc đẩy chúng ta hướng tới Chúa Kitô”: “Người sẽ ban cho các con sức mạnh và niềm vui trong thời gian này. Mẹ gần gũi với các con qua lời chuyển cầu của Mẹ” (25/11/1993). Ở đây một lần nữa, nhiều thông điệp mời gọi chúng ta nhận ra tầm quan trọng của việc cầu xin sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần: “Người ta đã nhầm lẫn khi họ chỉ đến với các thánh để xin một điều gì đó. Điều quan trọng là cầu nguyện để Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các con. Có Ngài, chúng ta có tất cả” (21/10/1983).
Kêu gọi hoán cải
Do đó, trong các sứ điệp, chúng ta tìm thấy “một lời kêu gọi liên tục từ bỏ lối sống trần tục và sự gắn bó quá mức với của cải trần thế”. Sự hoán cải dường như là trọng tâm của thông điệp Mễ Du. Ngoài ra còn có một “lời khuyến khích mạnh mẽ đừng đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của sự dữ và tội lỗi và hãy hết sức coi trọng lời kêu gọi của Thiên Chúa để chiến đấu chống lại sự dữ và ảnh hưởng của Satan“, được coi là nguồn gốc của hận thù, bạo lực và chia rẽ. Vai trò của việc cầu nguyện và ăn chay, tính trung tâm của thánh lễ, tầm quan trọng của sự hiệp thông huynh đệ và việc tìm kiếm ý nghĩa tối hậu của cuộc sống trong đời sống vĩnh cửu cũng là những điều cơ bản.
Những làm sáng tỏ cần thiết
Phần thứ hai của tài liệu nhấn mạnh rằng “một số” sứ điệp đi chệch khỏi nội dung được liệt kê cho đến nay. Vì vậy, “để ngăn chặn kho báu này của Mễ Du bị làm tổn hại, cần phải làm rõ một số nhầm lẫn có thể khiến các nhóm thiểu số bóp méo đề xuất quý giá về trải nghiệm tâm linh này”.
Nếu đọc một phần một số sứ điệp, chúng có thể “liên quan đến những trải nghiệm khó hiểu của con người, những cách diễn đạt không chính xác về mặt thần học hoặc những lợi ích không hoàn toàn chính đáng“, ngay cả khi một số sai lầm không phải do “ý định xấu, mà là do nhận thức chủ quan về hiện tượng này”. Trong một số trường hợp, “Đức Trinh Nữ dường như biểu lộ một sự bực tức nào đó vì một số chỉ dẫn của Mẹ không được tuân theo; Mẹ cảnh báo những dấu hiệu đe dọa và khả năng không còn hiện ra nữa”. Nhưng trên thực tế, những sứ điệp khác lại đưa ra cách giải thích chính xác: “Những người đưa ra những lời tiên đoán thảm khốc đều là tiên tri giả. Họ nói: ‘Vào một năm như vậy, vào một ngày như vậy, sẽ có thảm họa.’ Mẹ đã luôn nói rằng sự trừng phạt sẽ đến nếu thế giới không hoán cải. Đây là lý do tại sao Mẹ mời mọi người hoán cải. Tất cả đều tùy thuộc vào sự hoán cải của các con” (15/12/1983).
Nhấn mạnh đến các sứ điệp
Tiếp đến, có những sứ điệp dành cho giáo xứ, trong đó Đức Mẹ dường như muốn kiểm soát các chi tiết của hành trình tâm linh và mục vụ, “do đó tạo ấn tượng muốn thay thế các cấp thường có liên quan”. Những lần khác, Mẹ nhấn mạnh đến việc lắng nghe và chấp nhận các sứ điệp, một sự nhấn mạnh có lẽ xuất phát từ “tình yêu và lòng nhiệt thành quảng đại của những người được cho là thị nhân, những người có thiện chí lo sợ rằng lời kêu gọi hoán cải và hòa bình của Mẹ bị phớt lờ”.
Sự nhấn mạnh trở nên rắc rối hơn khi các sứ điệp “đề cập đến những yêu cầu có nguồn gốc siêu nhiên không chắc chắn, chẳng hạn như khi Đức Trinh Nữ ra lệnh về ngày tháng, địa điểm, các vấn đề thực tế và đưa ra quyết định về các vấn đề thông thường.” Trên thực tế, chính Đức Trinh Nữ đã tương đối hóa các sứ điệp của mình bằng cách quy phục chúng theo giá trị của Lời được mạc khải trong Thánh Kinh: “Đừng đi tìm những điều phi thường, nhưng hãy lấy Tin Mừng ra đọc và mọi sự sẽ rõ ràng với các con” (12/11/1982). “Tại sao các con lại hỏi nhiều câu hỏi như vậy? Mọi câu trả lời đều có trong Tin Mừng” (19.09.1981). “Đừng tin những lời nói dối nói với các con về những điều sai trái, về ánh sáng sai lầm. Hỡi các con của Mẹ, hãy quay lại với Thánh Kinh!” (02.02.2018).
Bảng tổng hợp của Tin Mừng
Thông tri chỉ ra rằng các sứ điệp gán cho Đức Trinh Nữ những diễn tả “kế hoạch của Mẹ”, “dự án của Mẹ” là có vấn đề, những diễn tả “có thể dẫn đến nhầm lẫn. Trên thực tế, mọi việc Đức Maria làm đều nhằm phục vụ dự án của Chúa và kế hoạch cứu rỗi thần linh của Ngài”. Cũng như không được phép “gán cho Đức Maria một vị trí duy nhất và dành riêng cho Con Thiên Chúa làm người”. Mặt khác, Bộ Giáo lý Đức tin nhấn mạnh một sứ điệp có thể được coi là bảng tổng hợp đề xuất của Tin Mừng thông qua Mễ Du: “Mẹ mong muốn mang các con đến gần Chúa Giêsu hơn và đến gần trái tim bị tổn thương của Người” ( 25.11. 1991).
Việc tôn kính công khai được cho phép
“Mặc dù điều này không hàm ý một lời tuyên bố về tính chất siêu nhiên” và nhắc lại rằng không ai bị buộc phải tin vào điều đó, nhưng nihil obstat (không có gì ngăn trở) – do Đức cha Mostar-Duvno ban hành với sự đồng ý của Tòa Thánh – chỉ ra rằng các tín hữu “có thể nhận được sự thúc đẩy tích cực cho đời sống Kitô hữu của họ thông qua đề xuất tâm linh này và cho phép tôn kính công khai.” Thông tri cũng nêu rõ rằng “việc đánh giá tích cực phần lớn các sứ điệp ở Mễ Du xét như là những văn bản mang tính gây dựng, không hàm ý tuyên bố rằng chúng có nguồn gốc siêu nhiên trực tiếp”.
Và mặc dù có – như chúng ta biết – những ý kiến khác nhau “về tính xác thực của một số sự kiện hoặc khía cạnh của trải nghiệm tâm linh này, các quyền bính Giáo hội ở những nơi nó hiện diện được mời gọi “đánh giá cao giá trị mục vụ và cổ võ việc phổ biến để xuất tâm linh này”. Điều này không ảnh hưởng đến quyền của mỗi Giám mục giáo phận trong việc đưa ra các quyết định thận trọng trong trường hợp có những người hoặc nhóm “sử dụng sai hiện tượng tâm linh này và hành động một cách sai lầm”. Cuối cùng, Bộ mời gọi những người đến Mễ Du “chấp nhận rằng các cuộc hành hương không được thực hiện để gặp gỡ những người được cho là thị nhân, nhưng để gặp Đức Maria, Nữ Vương Hòa bình và, trung thành với tình yêu mà Mẹ hướng tới Con của Mẹ, để gặp Chúa Kitô”.
Tý Linh
(theo Vatican News)
—————————————
Xem thêm bài:
MỄ DU: VỚI CÁC CHUẨN MỰC MỚI, VIỆC ĐƯA RA KẾT LUẬN SẼ DỄ DÀNG HƠN ở đây.
Tags: Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?