KHÔNG HIỂU
KHÔNG HIỂU
1.
Từ nguyên thủy, Thiên Chúa sáng tạo con người, hai bên có vẻ gần gũi thân mật lắm, nhưng con người không hiểu Thiên Chúa, và con người đã sai lầm trong cách xử lý cái tình trạng không hiểu này. Đó là chuyện cây ‘biết tốt xấu’ được Thiên Chúa đặt giữa vườn với lời cảnh báo ‘ngày nào ngươi ăn nó, ngươi sẽ chết’, chứ không giải thích gì thêm… Ông bà nguyên tổ tin răm rắp, cho đến khi … con rắn thè lưỡi ra xúi quẩy: “Ăn đi, chẳng chết chóc gì đâu!”… Thế là ăn, và ‘sáng mắt’ ra thật!
Abraham là người gần gũi Thiên Chúa cách đặc biệt, tin theo lời Thiên Chúa cách lạ lùng, nhưng cũng kinh nghiệm biết bao điều không hiểu… “Lạy Chúa, Người sẽ ban gì cho tôi, trong khi tôi vô hậu ra đi?” Rồi Chúa ban Isaác… Rồi Chúa lại đề nghị sát tế Isaác… Abraham cứ nghe và làm theo, chứ có hiểu gì đâu!
Cuộc đời 120 năm của Môsê đầy kịch tính, những kịch tính gắn với tình trạng không hiểu và mày mò để hiểu ra chút gì đó trong ơn gọi và sứ mạng của mình. Ông muốn dấn thân khi còn trai trẻ sung sức nhất, Chúa lại không ngó tới ông… Lúc đã luống tuổi và an phận, thì Chúa kêu gọi và trao trọng trách, ông ngạc nhiên lắm… Rồi suốt hành trình lãnh đạo cuộc giải phóng dân Chúa, Môsê thấy mình ở trong tình trạng ‘đi dây’ không dễ dàng và dễ chịu chút nào. “Con phải làm gì cho dân này bây giờ? Chỉ một chút nữa là họ ném đá con!”… Dường như chuyện Môsê đập gậy vào tảng đá hai lần (thay vì một lần) liên quan với việc chính ông, nhà lãnh đạo vĩ đại bậc nhất, đã không được vào Đất Hứa! Hồng y Carlo M. Martini còn ghi nhận rằng Môsê không chỉ chết và chôn ở một nơi không ai biết đến, mà ông dường như biến mất khỏi bộ kinh Thánh, khỏi ký ức Israel nữa! Thật lạ lùng và không dễ hiểu chút nào.
Cứ thế, Kinh Thánh kể câu chuyện của Thiên Chúa và con người với trùng trùng những kinh nghiệm trong đó con người không hiểu cách nghĩ cách làm của Thiên Chúa… Ông bố Giesê không hiểu tại sao Thiên Chúa chọn thằng út Đavít nhỏ thó thay vì chọn một trong các anh lớn của nó. Ông Gióp không hiểu vì sao bao tai ương và đau khổ ập xuống trên mình. Tiên tri Giôna không hiểu vì sao Chúa muốn dân Ninivê sám hối và mất công chờ đợi điều đó… Êlia thì sau những thành công vang dội lại sợ hãi và chạy trốn, nản lòng đến mức xin Chúa cất mạng sống mình đi…
2.
Thiên Chúa vô hình, cao cả, siêu việt, nên con người không hiểu đã đành. Nhưng đến ‘thời viên mãn’, Con Thiên Chúa làm người thật cụ thể và gần gũi, con người cũng không hiểu hơn bao nhiêu… Ông Dacaria bị câm vì nghi ngờ điều lạ lùng Thiên Chúa ban cho mình. Đức Maria không hiểu và rất bối rối trước lời chào của thiên sứ. Ngài không hiểu những sự kiện xung quanh biến cố sinh Con của mình, như những lời nói của các người chăn chiên, những lời của cụ Simêon, ngài chỉ biết “ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Maria tiếp tục ngạc nhiên trước những điều bí nhiệm của chính Con mình, như khi thất lạc và gặp lại trong Đền Thờ năm 12 tuổi, rồi dọc theo hành trình sứ vụ của Con, cho đến khi đứng bên Con bị treo trên Thập giá, Maria cũng đâu có hiểu bao nhiêu… Giuse được bao trùm bởi toàn những điều mình không hiểu, bắt đầu từ điều không hiểu lớn nhất là tại sao người bạn đính hôn của mình mang thai… Gioan Tẩy giả khó mà hiểu tại sao Chúa gọi mình làm ngôn sứ mà lại để mình bị bịt miệng trong thân phận tù tội; nhưng sự tối tăm của ngục tù vẫn không đáng kể bằng ‘đêm tối’ ngay trong lòng Gioan: “Có phải Giêsu là Đấng phải đến ấy?”…
Những người Do thái đương thời, cách riêng giới lãnh đạo và các nhóm Biệt phái, kinh sư, đã không hiểu Đức Giêsu. Họ thường xuyên chống đối những điều Giêsu nói và làm, nhất là liên quan tới luật về ngày Sabát… Dân chúng thì có lần ép Người làm vua đến nỗi Người phải chạy trốn họ, rồi cũng chính dân chúng ấy bị lôi kéo để gào lên đòi đóng đinh Người vào Thập giá… Người thân của Đức Giêsu không hiểu sự nhiệt tâm của Người trong sứ vụ, Người hăng hái đến mức chẳng có thời giờ để ăn uống nghỉ ngơi, và họ cho rằng Người mất trí! …
Ngay cả các môn đệ, là những người gần gũi nhất với Thầy mình trong sứ vụ, cũng không hiểu mấy về Đức Giêsu… Phêrô vừa mới tuyên xưng Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, thì liền bị Thầy mắng “Satan, hãy lui ra đằng sau!”. Ông gợi ý sẵn sàng tha thứ bảy lần, Thầy bảo phải thứ tha vô hạn. Cũng Phêrô đề nghị đóng lều ở lại trên núi Hiển Dung, mà chính ông không hiểu mình nói gì. Giacôbê và Gioan được mẹ dẫn tới gặp Thầy để xin trước hai ghế, Đức Giêsu nói thẳng: “Các người không hiểu các người xin gì”. Chính hai ông này từng đề nghị Thầy gọi lửa từ trời xuống thiêu sạch một làng Samaria, dĩ nhiên là Thầy từ chối. Phúc Âm cũng kể rằng các môn đệ ngăn cản trẻ nhỏ đến với Đức Giêsu, và có lần các ông quát bảo người mù bên vệ đường im đi và đừng quấy rầy, các ông đều bị ‘quê’ vì Thầy của các ông muốn điều ngược lại… Các phụ nữ cũng không tinh tế hơn các ông bao nhiêu: khi Đức Giêsu nói về Nước Hằng Sống thì chị kia nghĩ về nước giếng múc bằng gàu; Mácta ở Bêtania chắc mẩm mình đúng và em mình sai, nên đã nhắc nhở Thầy, thì được Thầy ‘sửa lưng’ ngay tại chỗ! Sáng sớm ngày đầu tuần hôm ấy, Mađalêna không hiểu rằng mình đang đi tìm người sống ở chỗ của kẻ chết…
3.
Đặc biệt, xung quanh cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu theo trình thuật của các tác giả sách Tin Mừng, người ta thấy chính sự không hiểu của con người đã vây phủ lấy Đức Giêsu và đè bẹp Người. Caipha nói “một người phải chết thay cho toàn dân”, nhưng ông đâu hiểu rằng điều mình nói ấy hoàn toàn chính xác theo một… ý nghĩa khác! … Đức Giêsu cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, các ông không hiểu gì, và Người ân cần giải thích. Rồi Người cho biết một trong số các ông sẽ nộp Thầy, chẳng ông nào hiểu Thầy đang nói về cái gì và về ai. Vâng, tội của Giuđa – cũng như tội của bất cứ ai – là một tiến trình, mà ngay cả Giuđa cũng lơ mơ nghĩ rằng chưa chắc, ít nhất cho đến khi ông “ăn miếng bánh và ra đi trong bóng tối”. Phêrô mạnh mẽ thề thí mạng vì Thầy, ông tưởng mình cứng như sắt, mà đâu hiểu rằng chỉ nội trong đêm nay ông sẽ run sợ, sẽ mềm ra như bún, và chối Thầy quá dễ dàng.
Trong Vườn Cây Dầu, Thầy Giêsu hấp hối, chiến đấu quyết liệt để thuộc về thánh ý Thiên Chúa, còn các môn đệ thì mệt mỏi và ngủ gà ngủ gật. Trong dinh Thượng tế, tại dinh Tổng trấn Philatô, rồi trên đường vác Thập giá lên Canvê, Đức Giêsu hứng trọn những ngược đãi thể lý và tinh thần mà thế lực tôn giáo và chính trị trút lên Người. Bởi vì người ta không hiểu mà cứ tưởng rằng mình hiểu! Để rồi, cuối cùng, Đức Giêsu thu gom hết câu chuyện lại và thưa với Chúa Cha: “Xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm!”…
Người thân và các bạn hữu của Đức Giêsu – một số trong họ có mặt bên Thập giá – cũng không hiểu mấy về điều đang diễn ra. Chỉ khác một điều, đó là họ tin vào Giêsu và Thiên Chúa của Giêsu, và họ sẵn sàng đảm nhận cả phần mình hiểu lẫn phần mình chưa hiểu trong câu chuyện…
Chính Đức Giêsu, trong thân phận con người, cũng đang cảm nhận một tình trạng chới với khôn tả, một ‘đêm tối linh hồn’ tối tăm cực độ, khi Người kêu lên: “Lạy Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ con?”… Giêsu bị tước mất tất cả, bị tước mất cả sự nâng đỡ của Chúa Cha! Giêsu chết như một tội nhân khốn nạn. “Đấng không hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người”… “Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình”… Để cứu đầy tớ, Thiên Chúa thí nộp chính Con yêu! … Những điều này, ai có thể hiểu đây?
4.
Ta không hiểu, vì mãi mãi tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa không phải là tư tưởng và đường lối của con người. Khoảng cách ở đây là khoảng cách giữa trời và đất. Ừ, ta có thể – và được khuyến khích – leo lên mái nhà, leo lên ngọn cây, leo đồi, leo núi… để được gần ‘trời’ hơn! Nhưng dù vậy, khoảng cách kia vẫn không được thu hẹp bao nhiêu đâu!
Con người không nắm hiểu tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa, ngay cả khi đường lối ấy được thể hiện nơi Đức Giêsu, thì đó không phải là vấn đề. Điều quan trọng là ta có hiểu rằng mình không hiểu? Và có đủ mềm mỏng đơn sơ để tin ngay trong tình trạng không hiểu của mình? Hay ta cứ mặc định mình có câu trả lời cho tất cả mọi dấu hỏi?
“Hễ ai muốn rằng mọi sự đều rõ ràng và chắc chắn, thì người ấy đang cho rằng mình kiểm soát sự siêu việt của Thiên Chúa” (ĐGH. Phanxicô, Gaudete et Exsultate, 41).
Lê Công Đức
(Tuần Thánh 2021)
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- TÀI LIỆU CHUNG KẾT THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC LẦN THỨ XVI
- THÔNG ĐIỆP DILEXIT NOS – Bản dịch Việt ngữ
- GIỚI THIỆU VẮN TẮT TÀI LIỆU LÀM VIỆC SYNOD 16
- KHÓA TẬP HUẤN DỊCH THUẬT VĂN BẢN MỤC VỤ
- DẪN VÀO SỨ MẠNG HỌC
- BÀI NÓI CHUYỆN CỦA ĐỨC TGM PAUL RICHARD GALLAGHER TẠI ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ
- “XIN DẠY CHÚNG CON CẦU NGUYỆN”
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI SỨ MẠNG 20.10. 2024
- SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2024 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ (BẢN DỊCH CỦA LINH MỤC LÊ CÔNG ĐỨC)
- TÔNG HUẤN “C’EST LA CONFIANCE” CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
- HƯỚNG TỚI MỘT LINH ĐẠO HIỆP HÀNH
- GIẢNG LỄ TIỄN BIỆT CHA CỐ ĐA MINH TRẦN THÁI HIỆP (Đcv. Huế, 02/12/2022)
- TẦM NHÌN CẢI TỔ GIÁO HỘI CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
- ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ NÓI VỀ LINH MỤC, 17.02.2022
- BÀI GIẢNG LỄ KHAI GIẢNG NIÊN KHÓA 2021-2022 – ĐCV. HUẾ
- SUY TƯ VỀ LINH MỤC
- ĐÍNH CHÍNH BẢN DỊCH FRATELLI TUTTI
- CÓ ĐẠO
- CƠN DỊCH NÓI VỚI TA ĐIỀU GÌ?
- NGHĨ VỀ ‘TÂN TÒNG’