KHÔNG SỢ HÃI GIÁO HOÀNG, CŨNG KHÔNG TÔN THỜ NGẪU TƯỢNG GIÁO HOÀNG !
Vô ích khi nịnh hót cũng như chê bai Đức giáo hoàng đương thời : không phải tính cách của ngài khiến ngài trở thành người phục vụ hàng đầu và không thể thiếu cho trọng tâm đức tin và sự hiệp nhất của các Kitô hữu.
Đức Giáo hoàng, dù ngài thế nào, đều khơi dậy những cảm xúc thường đam mê. Ngài có những người nịnh hót và những kẻ gièm pha. Đa số (bao gồm cả số người không tin) muốn ngài chúc lành cho những gì họ nghĩ, những gì họ ao ước hay những gì họ làm, và họ không luôn được nhậm lời. Những người khác (bao gồm cả những người gọi là Công giáo) tuyên bố họ dửng dưng với tất cả những gì ngài có thể kể, nhưng nổi cáu vì lời nói của ngài có rất nhiều thính giả, nhất là khi, ngay cả khi không nhắm đích danh ai, lời đó phê phán những ý tưởng, ý định hay những hành vi của họ. Những bài học nào có thể rút ra từ những nghịch lý này ?
Cổ đại và hiện đại
Trước tiên, không có gì ngạc nhiên khi Đức Giáo hoàng chia rẽ không chỉ các con chiên của ngài, nhưng còn cả những người không công nhận thẩm quyền của ngài. Điều tương tự đã xảy ra cho Chúa Giêsu : các môn đệ của Người đôi khi không hiểu Người và có những người ngoại giáo ngưỡng mộ Người. Nếu, như chính Người đã nói, « tôi tớ không lớn hơn chủ » (Ga 13, 16), thì không cần phải mong chờ « vị đại diện của Chúa Kitô » ở trần gian này tạo được sự nhất trí ở trong Giáo hội (ủng hộ ngài), ngay cả ở bên ngoài (chống lại ngài). Vả lại, điều đó cũng có giá trị cho bất cứ cha sở ở địa phương nào : không phải tất cả giáo dân trong giáo xứ của ngài đều ca ngợi ngài, trong khi không thiếu những người ngoại đạo sẵn sàng công nhận ngài đóng góp tích cực cho đời sống xã hội.
Có lẽ điều đáng kinh ngạc nhất là một thể chế cũng lâu đời (nếu không nói là cổ xưa) như ngôi giáo hoàng vẫn tồn tại sau những biến động của các nền văn minh mà sẽ khiến cho các tổ tiên của chúng ta ngỡ ngàng nếu họ quay trở lại giữa chúng ta. Đấng kế vị thánh Phêrô không cần phải là một ông vua tạm thời nữa để giữ sự độc lập của mình đối với các nhà cầm quyền, và ngài cảm thấy thoải mái với các công nghệ mới vốn xóa bỏ các khoảng cách : máy bay cho phép ngài đi khắp thế giới thu hút đám đông và, từ báo in cho đến các mạng xã hội, ngang qua radio, hình ảnh, truyền hình và Internet, các sứ điệp của ngài len lỏi vào tất cả các phương tiện.
Trong kỷ nguyên của các phương tiện truyền thông
Tuy nhiên, sự hiện đại hóa này có nghĩa rằng, nếu Đức Giáo hoàng sử dụng các phương tiện truyền thông, thì, đáp lại, các phương tiện này sẽ khai thác ngài như một vật liệu chọn lựa và thực tế là không bao giờ cạn. Một hệ quả là công cụ truyền thông có khuynh hướng dẫn dắt đến những gì nó chuyển tải và chỉ truyền đạt những gì phù hợp với khuôn mẫu của nó. Khi Đức Giáo hoàng quy tụ hơn một triệu người hay được chào đón ở những nơi mà các Kitô hữu là rất ít, hay khi một trong những tuyên bố của ngài khiến người ta bối rối, thì đó là « thông tin », không chỉ được chuyển tiếp, nhưng còn được bình luận. Thế nhưng, cỗ máy phát sóng giật gân không dừng lại ở đó. Nó biến Giám mục của Rôma thành một « người nổi tiếng », một người sáng giá, một ngôi sao, trong phạm trù « công chúng ».
Vì thế, các chi tiết về con người của ngài « được bán » chạy : gia đình và nguồn gốc của ngài, tuổi trẻ, lộ trình, những chuyện kín đáo của những người thân cũ, tính tình của ngài được tiết lộ qua các giai thoại, những vấn đề sức khỏe của ngài….Tất cả điều đó thúc đẩy đóng khung con người từ những gì ngài đã là, giải thích hoạt động của ngài như những phản ứng đối với những thách đố mà giờ đây một cá nhân sẽ không còn thay đổi được nữa phải đối mặt. Đó là một lối tiếp cận về lợi ích nào đó khi vấn đề là một nguyên thủ quốc gia. Do đó, Victor Hugo đã có thể viết rằng từ khi chào đời, khi « thế kỷ này đã được hai năm […], Napoléon đã thành công dưới thời Bonaparte ». Nhưng chúng ta không thể nói rằng trước năm 2013 ở Buenos Aires, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã xuất hiện dưới thời Jorge Bergoglio.
Chính sứ mạng định hình lại con người, chứ không ngược lại
Một Giáo hoàng không còn là Hồng y mà ngài đã từng nữa. Một lý do là ngài đã không vận động hoặc công bố chương trình như bất kỳ tổng thống đắc cử nào ngày nay. Nếu trước đây đã có những ứng cử viên, thì đó là vì những lý do chính trị mà lẽ ra không nên can thiệp. Nhưng những người được đặt lên ngôi giáo hoàng bởi phe nhóm này hay phe nhóm kia, dù đời sống đạo đức riêng tư của họ không xứng đáng (chúng ta sẽ trích dẫn Alexandre VI Borgia), đã không thành công trong việc làm hỏng đi sứ mạng được lãnh nhận, vì sứ mạng này định hình lại người mà sứ mạng này rơi vào nhiều hơn là người đó có thể làm bại hoại sứ mạng này.
Hãy lấy vài ví dụ. Chân phước Piô IX ở thế kỷ XIX trước tiên bị dán nhãn « người theo chủ nghĩa tự do », rồi « kẻ phản động ». Có phải ngài đã thay đổi ? Chúng ta có thể cho rằng sự tiến triển khá triệt để của bối cảnh (mối đe dọa về việc phụ thuộc vào Nhà nước Ý đang được xây dựng trên cơ sở một chủ nghĩa bài giáo sĩ vốn đang lan rộng ở Châu Âu) đã khiến ngài tái khẳng định tính đặc biệt của trách vụ của ngài, trong đó ngài không thể tùng phục « não trạng tân thời » hơn là trật tự lâu đời. Trong viễn cảnh này, việc xếp loại « cánh tả » hay « cánh hữu » tóm lại là giảm thiểu chức vụ giáo hoàng thành những chiều kích vốn xa lạ với ngài và không cho phép hiểu mấy về nó.
Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI
Cũng thế, gần chúng ta hơn, thánh Gioan-Phaolô II, người phê bình chủ nghĩa cộng sản và là người kiến tạo sự sụp đổ của nó, đã được ca ngợi là người bảo vệ các quyền tự do, trước khi bị coi là « chủ nghĩa bảo thủ ». Đức Tổng Giám mục giáo phận Cracovie từng là một mục tử triết gia, khai triển một cái nhìn về con người và ơn gọi của nó vốn trang bị về mặt đạo đức cho cuộc đối kháng thắng lợi đối với chế độ độc tài ý thức hệ. Trở thành Giáo hoàng, trong khi vẫn là một nhà trí thức tầm cỡ, một người am hiểu tình hình cách thấu đáo, một « nhà truyền thông » xuất sắc, nhưng ngài đã tỏ ra là thần học gia hơn và do đó trung thành cách rõ ràng hơn với tất cả những gì mà Truyền Thống, trong tính mạch lạc, tính liên tục và sức mạnh đồng hóa của nó, có tính chuẩn mực và phong nhiêu trong đời sống của Giáo hội và cho đến trong kỷ luật của mình.
Người ta đã cho rằng sau ngài, Đức Bênêđíctô XVI đã vẫn là ĐHY Ratzinger, học giả thiên về trừu tượng, được đề cao là người bảo vệ tín điều, và ít có tính cách đặc sủng. Đó là một hình ảnh không chính xác. Các thông điệp của ngài về đức ái (Deus Caritas est) và về đức cậy (Spe salvi) đã vang vọng vượt quá biên giới Giáo hội, và có lẽ thông điệp còn hơn nữa (Caritas in veritate), khi đối mặt với các cuộc khủng hoảng tòa cầu hóa, tài chính và sinh thái, ngài đã hiện đại hóa học thuyết xã hội của các vị tiền nhiệm của mình. Và ngài đã chứng tỏ trong chuyến tông du Pháp vào năm 2008 rằng ngài biết đáp ứng những mong đợi của đám đông. Việc từ nhiệm của ngài đã không phải là một phương tiện cho ngài trở lại với việc nghiên cứu yêu thích của mình. Đơn giản ngài đã nhận thấy không còn sức để đảm nhận những gì được giao phó cho ngài.
Đức Phanxicô
Phong cách của người kế nhiệm của ngài chắc chắn khác biệt. Nhưng đó không phải là vì tính cách của ngài, cũng không phải bởi vì ngài sẽ luôn là một tu sĩ dòng Tên người Argentina, ý thức rằng tương lai không diễn ra ở Châu Âu cổ kính. Hành động của ngài tùy thuộc trước tiên không phải quá khứ của ngài, cũng không phải tính khí của ngài, nhưng là những ưu tiên mà ngài phân định ở phạm vi hoàn vũ mà giờ đây là của ngài. Cho dù ngài biết sức nặng của các ý tưởng, nhưng ngài nhận thức rằng ngày nay, trên khắp thế giới, đức tin và sự vô tín đều được sống trước khi được suy nghĩ. Từ đó những sứ điệp, về tổng thể, nhắm nuôi dưỡng đời sống tâm linh, mối tương quan cá nhân với Thiên Chúa, và mang lại những phương thế để đương đầu với các thử thách cá nhân cũng như tập thể trong niềm hy vọng mà không khoác lác.
Nếu chúng ta muốn là người Công giáo, thì đừng kém phần khó chịu khi tâng bốc Đức Giáo hoàng lên tận mây xanh vì ngài đồng ý với chúng ta, hơn là khi tỏ ra không hài lòng bởi vì ngài hơi làm đảo lộn chúng ta. Sứ mạng của ngài là mở ra và đồng thời thống nhất các viễn cảnh. Thánh Gioan-Phaolô II đã khích lệ chúng ta đừng sợ. Chúng ta có thể và phải luôn cầu nguyện để bất kỳ ai kế nhiệm ngài đều không sợ làm phật lòng chúng ta hay không quá làm hài lòng chúng ta bằng cách củng cố chúng ta trong sự tự mãn.
———-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: Jean Duchesne, Aleteia)
Tags: Bênêđíctô XVI, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?