KINH NỮ VƯƠNG THIÊN ĐÀNG CHÚA NHẬT II PHỤC SINH : ĐỪNG SỢ NHỮNG CUỘC KHỦNG HOẢNG TRONG ĐỨC TIN VÀ ĐỜI SỐNG

Written by xbvn on Tháng Tư 25th, 2022. Posted in Giáo lý, Lm Võ Xuân Tiến, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Trong buổi đọc kinh Nữ Vương Thiên Đàng hôm Chúa Nhật II Phục Sinh, ngày 24/4/2022, Đức Phanxicô trở lại với hình ảnh của thánh Tôma với lời mời gọi các Kitô hữu đừng sợ những cuộc khủng hoảng trong đức tin và đời sống, bởi vì « khủng hoảng giúp chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang thiếu thốn : chúng khơi dậy nhu cầu cần đến Thiên Chúa và như thế làm cho chúng ta trở về với Chúa, chạm đến các vết thương của Ngài, cảm nghiệm lại tình yêu thương của Ngài… ».

Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở các Kitô hữu rằng « Chúa không tìm kiếm những Kitô hữu hoàn hảo », bởi vì « cuộc phiêu lưu đức tin, như đối với Tôma, bao gồm cả ánh sáng và bóng tối ».

Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha :

 

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Hôm nay, ngày cuối cùng của Tuần Bát Nhật Phục Sinh, bài Tin Mừng kể lại sự hiện ra lần thứ nhất và lần thứ hai của Chúa Phục Sinh cho các môn đệ. Chúa đến vào ngày lễ Vượt Qua, trong khi các Tông đồ đóng cửa ở trong Nhà Tiệc Ly, vì sợ hãi, nhưng vì Tôma, một trong Nhóm Mười Hai, không có mặt, nên tám ngày sau Chúa Giêsu đã trở lại  (x. Ga 20, 19-29). Chúng ta hãy tập trung vào hai nhân vật chính, thánh Tôma và Chúa Giêsu, trước tiên, nhìn vào người môn đệ, và rồi vào người Thầy. Có một cuộc đối thoại tốt đẹp giữa hai nhân vật này.

Trước hết, Tông đồ Tôma. Ông đại diện cho tất cả chúng ta, những người không có mặt trong Nhà Tiệc Ly khi Chúa hiện ra, và không có những dấu hiệu thể lý hay những cuộc hiện ra nào khác từ Ngài. Đôi khi chúng ta cũng đấu tranh như người môn đệ đó : làm sao chúng ta có thể tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại, Ngài đang đồng hành với chúng ta và là Chúa của cuộc đời chúng ta mà không nhìn thấy Ngài, không chạm đến Ngài ? Làm sao người ta có thể tin điều này ? Tại sao Chúa không cho chúng ta một dấu hiệu nào đó rõ ràng hơn về sự hiện diện và tình yêu của Ngài ? Một dấu hiệu nào đó mà tôi có thể nhìn thấy rõ hơn…Ở đây, chúng ta  cũng giống như Tôma, với cùng những nghi ngờ, với cùng những lý luận.

Nhưng chúng ta không cần xấu hổ về điều này. Trên thực tế, khi kể cho chúng ta câu chuyện của Tôma, bài Tin Mừng nói với chúng ta rằng Chúa không tìm kiếm những Kitô hữu hoàn hảo. Chúa không tìm kiếm những Kitô hữu hoàn hảo. Tôi nói với anh chị em : tôi sợ khi tôi nhìn thấy một Kitô hữu, một số hiệp hội Kitô hữu nghĩ mình hoàn hảo. Chúa không tìm kiếm những Kitô hữu hoàn hảo ; Chúa không tìm kiếm những Kitô hữu mà không bao giờ nghi ngờ và luôn luôn khoe khoang một đức tin vững vàng. Khi có một Kitô hữu như vậy, thì có điều gì đó không đúng. Không, cuộc phiêu lưu đức tin, như đối với Tôma, bao gồm cả ánh sáng và bóng tối. Nếu không, đó sẽ là loại đức tin nào ? Nó biết đến những lúc thoải mái, sốt sắng và nhiệt thành, nhưng cũng có lúc mệt mỏi, bối rối, nghi ngờ và bóng tối. Bài Tin Mừng cho chúng ta thấy « cuộc khủng hoảng » của Tôma để nói với chúng ta rằng chúng ta không nên sợ hãi các cuộc khủng hoảng về cuộc sống và đức tin. Khủng hoảng không phải là tội lỗi, chúng là một phần của hành trình, chúng ta không nên sợ chúng. Nhiều lúc chúng làm cho chúng ta khiêm tốn bởi vì chúng lấy đi khỏi chúng ta ý tưởng rằng chúng ta ổn, chúng ta tốt hơn người khác. Khủng hoảng giúp chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang thiếu thốn : chúng khơi dậy nhu cầu cần đến Thiên Chúa và như thế làm cho chúng ta trở về với Chúa, chạm đến các vết thương của Ngài, cảm nghiệm lại tình yêu thương của Ngài như thể đó là lần đầu tiên. Anh chị em thân mến, tốt hơn là có một đức tin không hoàn hảo nhưng khiêm tốn luôn trở về với Chúa Giêsu, hơn là một đức tin mạnh mẽ nhưng tự phụ khiến chúng ta kiêu căng và ngạo mạn. Khốn cho những người đó, khốn cho họ !

Và, đối mặt với sự vắng mặt của Tôma và hành trình của ông, thường cũng là của chúng ta, Chúa Giêsu đã làm gì ? Bài Tin Mừng nói hai lần rằng Ngài « đã đến » (cc. 19. 26). Lần đầu tiên, rồi lần thứ hai, tám ngày sau. Chúa Giêsu không bỏ cuộc, Ngài không mệt mỏi với chúng ta, Ngài không sợ các cuộc khủng hoảng, những yếu đuối của chúng ta. Ngài luôn trở lại : khi các cánh cửa đóng lại, Ngài trở lại ; khi chúng ta nghi ngờ, Ngài trở lại ; khi, như Tôma, chúng ta cần gặp ngài và chạm đến Ngài thật gần, Ngài trở lại. Chúa Giêsu luôn trở lại, Ngài luôn gõ cửa, và Ngài không trở lại với các dấu hiệu quyền lực khiến chúng ta cảm thấy nhỏ bé và bất xứng, thậm chí xấu hổ, nhưng với các vết thương của Ngài ; Ngài trở lại cho chúng ta thấy các vết thương của Ngài, những dấu chỉ của tình yêu thương của Ngài ôm lấy sự yếu đuối của chúng ta. 

Thưa anh chị em, đặc biệt khi chúng ta trải  qua những thời điểm mệt mỏi và khủng hoảng, Chúa Giêsu Phục Sinh muốn trở lại để ở với chúng ta. Ngài chỉ chờ đợi chúng ta tìm kiếm Ngài, kêu cầu Ngài, hay thậm chí, như Tôma, phản đối, mang lại cho Ngài nhu cầu và sự thiếu lòng tin của chúng ta. Ngài luôn trở lại. Tại sao ? Bởi vì Ngài kiên nhẫn và giàu lòng thương xót. Ngài đến để mở toang căn phòng của nỗi sợ hãi và thiếu lòng tin của chúng ta bởi vì Ngài luôn muốn ban cho chúng ta một cơ hội khác. Chúa Giêsu là Chúa của “những cơ hội khác”: Ngài luôn ban cho chúng ta một cơ hội khác, luôn luôn. Vì thế, chúng ta hãy nghĩ về lần cuối cùng – chúng ta hãy thử nhớ lại một chút – rằng, trong một thời điểm khó khăn hay một giai đoạn khủng hoảng, chúng ta đã khép kín nơi chính mình, tự giam hãm bản thân trong các vấn đề của mình và đuổi Chúa Giêsu ra khỏi nhà. Và chúng ta hãy tự hứa với mình, lần tới, trong lúc chúng ta mệt mỏi, sẽ tìm kiếm Chúa Giêsu, trở về với Ngài, với sự tha thứ của Ngài – Ngài luôn tha thứ, luôn luôn ! – trở về với những vết thương đã chữa lành chúng ta. Bằng cách này, chúng ta cũng sẽ trở nên có khả năng trắc ẩn, đến gần các vết thương của tha nhân mà không cứng nhắc và không thành kiến.

Xin Đức Mẹ, Mẹ của Lòng Thương Xót – Tôi thích nghĩ về Mẹ là Mẹ của Lòng Thương Xót vào ngày thứ Hai sau Chúa Nhật Lòng Thương Xót – đồng hành với chúng ta trên hành  trình đức tin và tình yêu.

—————————-

sau kinh Nữ Vương Thiên Đàng:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, nhiều Giáo hội Đông phương, Công giáo và Chính Thống giáo, và một số cộng đoàn Latinh, cử hành lễ Phục Sinh theo lịch Julian. Chúng ta đã cử hành lễ Phục Sinh vào Chúa Nhật vừa rồi, theo lịch Gregorian. Tôi gởi đến họ những lời cầu chúc nồng nhiệt nhất của tôi: Chúa Kitô đã phục sinh, Ngài đã thực sự phục sinh! Xin Ngài lấp đầy hy vọng những mong đợi tốt lành của các tâm hồn. Xin Ngài ban hòa bình, đang bị vi phạm trắng trợn bởi cuộc chiến tranh man rợ. Hôm nay đánh dấu hai tháng kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh này: thay vì dừng lại, cuộc chiến tranh đã trở nên tồi tệ hơn. Thật buồn khi, trong những ngày này, những ngày thánh thiêng và lòng trọng nhất đối với tất cả các Kitô hữu, người ta lại nghe thấy tiếng gầm chết chóc của vũ khí hơn là tiếng chuông loan báo sự Phục Sinh; và thật buồn khi vũ khí ngày càng thay thế lời nói.

Tôi tiếp tục lời kêu gọi đình chiến dịp lễ Phục Sinh, một dấu hiệu tối thiểu và hữu hình của một khát vọng hòa bình. Cuộc tấn công phải được dừng lại, để đáp lại nỗi đau khổ của người dân đang kiệt quệ; nó phải dừng lại, để tuân phục lời của Chúa Phục Sinh, Đấng đã lặp đi lặp lại với các môn đệ của mình trong Ngày Phục Sinh: “Bình an cho các con!” (Lc 24, 36; Ga 20, 19.21). Tôi xin mọi người gia tăng lời cầu nguyện cho hòa bình và có can đảm để nói, để cho thấy rằng hòa bình là điều khả thi. Hỡi các nhà lãnh đạo chính trị, xin hãy lắng nghe tiếng nói của người dân, những người muốn hòa bình, chứ không phải một cuộc leo thang xung đột.

Về vấn đề này, tôi chào mừng và cảm ơn những người tham gia cuộc tuần hành đặc biệt cho hòa bình và tình huynh đệ ở Perugia-Assisi, đang diễn ra hôm nay, cũng như những ai đã tham gia các sự kiện tương tự nơi các thành phố khác trên khắp nước Ý.

Hôm nay, các Giám mục Cameroon đang thực hiện một cuộc hành hương toàn quốc, cùng với các giáo dân của mình, đến Đền Thánh Đức Mẹ Marianberg, để tái thánh hiến đất nước cho Mẹ Thiên Chúa và đặt nó dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ. Tôi đặc biệt cầu nguyện cho việc vãn hồi hòa bình trong đất nước của họ, vốn đã bị tàn phá bởi bạo lực nơi nhiều khu vực hơn năm năm qua. Chúng ta cũng hãy cùng với các anh chị em ở Cameroon dâng lời cầu nguyện để, nhờ sự cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria, xin Thiên Chúa có thể sớm ban cho đất nước thân yêu này một nền hòa bình thực sự và lâu dài.

———————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30