KINH NỮ VƯƠNG THIÊN ĐÀNG CHÚA NHẬT LỄ CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI NĂM C: CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI ĐỂ BAN THÁNH THẦN VÀ CẦU BẦU CHO CHÚNG TA
« Khi lên Trời, thay vì ở lại bên cạnh một vài người với thân xác của mình, Chúa Giêsu trở nên gần gũi với tất cả mọi người nhờ Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần làm cho Chúa Giêsu hiện diện trong chúng ta, vượt qua những rào cản thời gian và không gian, để biến chúng ta trở thành chứng nhân của Ngài trên thế giới.» Đức Phanxicô giải thích biến cố Chúa Giêsu lên Trời như thế trong buổi đọc kinh Nữ Vương Thiên Đàng hôm Chúa Nhật 29/5/2022, lễ Chúa Giêsu Lên Trời.
Nhấn mạnh một ý nghĩa khác của biến cố Chúa Giêsu về Trời, Đức Thánh Cha nói : « Chúa Giêsu lên cùng Chúa Cha để cầu bầu cho chúng ta, để trình dâng nhân tính của chúng ta cho Người. Vì thế, trước ánh mắt của Chúa Cha, với nhân tính của Chúa Giêsu, có và sẽ luôn luôn có cuộc sống của chúng ta, hy vọng của chúng ta, vết thương của chúng ta. Vì thế, khi « xuất hành » về Trời, Chúa Kitô « dọn đường » cho chúng ta, Ngài đi chuẩn bị chỗ cho chúng ta và, từ đó trở đi, Ngài cầu bầu cho chúng ta, để chúng ta luôn có thể được Chúa Cha đồng hành và chúc lành. »
Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Hôm nay, ở Ý và nhiều nước, lễ Chúa Lên Trời, nghĩa là Ngài trở về cùng Chúa Cha, được cử hành. Trong Phụng vụ, bài Tin Mừng theo thánh Luca tường thuật lần hiện ra cuối cùng của Chúa Kitô Phục Sinh cho các môn đệ (x. 24, 46-53). Cuộc sống trên trần gian của Chúa Giêsu đạt tới cao điểm với biến cố Thăng Thiên, mà chúng ta cũng tuyên xưng trong Kinh Tin Kính : « Ngài lên Trời ngự bên hữu Thiên Chúa Cha ». Biến cố này có ý nghĩa gì ? Chúng ta giải thích nó như thế nào ? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta hãy tập trung vào hai hành động mà Chúa Giêsu thực hiện trước khi lên Trời : trước tiên, Ngài loan báo món quà Thánh Thần – Ngài loan báo món quà Thánh Thần – và rồi Ngài chúc lành cho các môn đệ. Ngài loan báo món quà Thánh Thần, và Ngài chúc lành.
Trước hết, Chúa Giêsu nói với các bạn hữu của mình : « Thầy sẽ gởi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa » (c. 49). Ngài đang nói về Chúa Thánh Thần, Đấng An Ủi, Đấng sẽ đồng hành với họ, dẫn dắt họ, nâng đỡ họ trong sứ mạng, bảo vệ họ trong cuộc chiến đấu thiêng liêng. Và vì thế, chúng ta hiểu được điều gì đó rất quan trọng : Chúa Giêsu không bỏ rơi các môn đệ. Ngài lên Trời, nhưng Ngài không để họ cô đơn. Đúng hơn, chính khi lên cùng Chúa Cha, Ngài đảm bảo tuôn đổ Chúa Thánh Thần, tuôn đổ Thánh Thần của Ngài. Vào dịp khác, ngài đã nói : « Thầy ra đi thì có lợi cho anh em hơn, vì nếu Thầy không ra đi, thì Đấng Bảo Trợ – tức là Chúa Thánh Thần – sẽ không đến với anh em » (Ga 16, 7). Nơi điều này, chúng ta cũng thấy tình yêu của Chúa Giêsu dành cho chúng ta : sự hiện diện của Ngài là một sự hiện diện không muốn hạn chế sự tự do của chúng ta. Trái lại, Ngài để không gian cho chúng ta, bởi vì tình yêu đích thực luôn tạo ra sự gần gũi mà không gây ngột ngạt, không chiếm hữu, gần gũi nhưng không chiếm hữu ; trái lại, tình yêu đích thực biến chúng ta thành những nhân vật chính. Và theo cách này, Chúa Kitô trấn an, « Thầy sẽ đến cùng Chúa Cha, và anh em sẽ nhận được sức mạnh từ trời cao : Thầy sẽ sai Thánh Thần của Thầy đến với anh em và với sức mạnh của Người, anh em sẽ tiếp tục công việc của Thầy trên trần gian ! » (x. Lc 24, 49). Và vì thế, khi lên Trời, thay vì ở lại bên cạnh một vài người với thân xác của mình, Chúa Giêsu trở nên gần gũi với tất cả mọi người nhờ Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần làm cho Chúa Giêsu hiện diện trong chúng ta, vượt qua những rào cản thời gian và không gian, để biến chúng ta trở thành chứng nhân của Ngài trên thế giới.
Ngay sau đó là hành động thứ hai, Chúa Kitô giơ tay và chúc lành cho các Tông đồ (x. c. 50). Đó là một cử chỉ tư tế. Từ thời Aaron, Thiên Chúa đã giao phó cho các tư tế nhiệm vụ chúc lành cho dân chúng (x. Ds 6, 36). Bài Tin Mừng muốn nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu là vị Tư tế tối cao của cuộc sống chúng ta. Chúa Giêsu lên cùng Chúa Cha để cầu bầu cho chúng ta, để trình dâng nhân tính của chúng ta cho Người. Vì thế, trước ánh mắt của Chúa Cha, với nhân tính của Chúa Giêsu, có và sẽ luôn luôn có cuộc sống của chúng ta, hy vọng của chúng ta, vết thương của chúng ta. Vì thế, khi « xuất hành » về Trời, Chúa Kitô « dọn đường » cho chúng ta, Ngài đi chuẩn bị chỗ cho chúng ta và, từ đó trở đi, Ngài cầu bầu cho chúng ta, để chúng ta luôn có thể được Chúa Cha đồng hành và chúc lành.
Thưa anh chị em, hôm nay chúng ta hãy nghĩ đến món quà Thánh Thần mà chúng ta đã nhận được từ Chúa Giêsu để trở thành chứng nhân của Tin Mừng. Chúng ta hãy tự hỏi liệu chúng ta có thực sự như vậy không; và cũng thế, liệu chúng ta có khả năng yêu thương người khác, để cho họ tự do và nhường chỗ cho họ không. Và rồi : chúng ta có biết cách biến mình trở thành những người cầu thay nguyện giúp cho người khác không, nghĩa là, chúng ta có biết cách cầu nguyện cho họ và chúc lành cho cuộc sống của họ không ? Hay chúng ta phục vụ người khác vì lợi ích riêng của chúng ta ? Chúng ta hãy học điều này : lời cầu thay nguyện giúp, cầu thay nguyện giúp cho niềm hy vọng và nỗi đau khổ của thế giới, cầu thay nguyện giúp cho hòa bình. Và chúng ta hãy chúc lành cho những người chúng ta gặp mỗi ngày bằng ánh mắt và lời nói của chúng ta !
Giờ đây, chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ, Đấng được chúc phúc giữa các người phụ nữ, Đấng được tràn đầy Chúa Thánh Thần, luôn cầu nguyện và cầu bầu cho chúng ta.
————————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Angelus, Phanxicô-I, Phục-sinh
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- CHA TRYPHON BONGA, TÂN BỀ TRÊN GIÁM TỈNH CỦA CÁC LINH MỤC XUÂN BÍCH TỈNH PHÁP
- ĐỨC PHANXICÔ BỊ CƠN ĐAU HÔ HẤP VÀO BUỔI SÁNG
- ĐHY PAROLIN LẤY LÀM TIẾC TRƯỚC “SỰ SUY ĐOÁN VÔ ÍCH” VỀ VIỆC TỪ CHỨC CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG
- GIÁO THUYẾT CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO CÓ PHẢI LÀ BẤT BIẾN KHÔNG?
- ĐỨC PHANXICÔ ĐÁP ỨNG ĐIỀU TRỊ, NHƯNG VẪN CÒN NGUY HIỂM
- SỨC KHỎE CỦA ĐỨC PHANXICÔ ĐỠ HƠN
- BỆNH VIÊM PHỔI HAI BÊN, CĂN BỆNH MÀ ĐỨC PHANXICÔ MẮC PHẢI LÀ GÌ?
- ĐỨC PHANXICÔ VẪN VUI VẺ BẤT CHẤP BỊ VIÊM PHỔI CẢ HAI BÊN
- “ORDO AMORIS” LÀ GÌ?
- J.D. VANCE TRÁI NGƯỢC VỚI ĐỨC PHANXICÔ: “LIỆU TRẬT TỰ CỦA TÌNH YÊU CÓ BIỆN MINH CHO VIỆC TRỤC XUẤT NGƯỜI NƯỚC NGOÀI KHÔNG?”
- NĂM THÁNH CỦA CÁC NGHỆ SĨ VÀ THẾ GIỚI VĂN HOÁ: BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
- ANNE LÉCU: “CÀNG QUAN TÂM ĐẾN THÁNH KINH, CHÚNG TA CÀNG QUAN TÂM ĐẾN CON NGƯỜI”
- KHỔ HÌNH KHỦNG KHIẾP CỦA THÁNH NỮ APOLLINA
- ĐHY PAROLIN PHẢN ĐỐI VIỆC TRỤC XUẤT NGƯỜI PALESTINE KHỎI GAZA
- THÁNH KINH THỰC SỰ NÓI GÌ VỀ TIẾNG CƯỜI?
- THÁNH KINH: LOẠT VIDEO CHỐNG LẠI NHỮNG LỐI GIẢI THÍCH SAI LẠC
- 350 GIÁO SĨ DO THÁI LÊN TIẾNG PHẢN ĐỐI VIỆC “THANH LỌC SẮC TỘC” Ở GAZA
- ĐỨC PHANXICÔ NHẬP VIỆN Ở RÔMA VÌ BỆNH VIÊM PHẾ QUẢN
- TẠI SAO GIÁO HỘI CAN THIỆP VÀO VẤN ĐỀ XÃ HỘI?
- MỸ: CÁC HỆ PHÁI KITÔ VÀ CÁC TỔ CHỨC DO THÁI PHẢN ĐỐI VIỆC BẮT GIỮ NGƯỜI DI CƯ