KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN NĂM A : MỖI NGƯỜI CHÚNG TA ĐỀU LÀ MỘT NGÔN SỨ

Written by xbvn on Tháng Bảy 2nd, 2023. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Năm A, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 2/7/2023, Đức Phanxicô nhắc nhở các Kitô hữu về hồng ân ngôn sứ mà họ nhận được qua bí tích Rửa tội. « Ngôn sứ là người chỉ Chúa Giêsu cho người khác, là người làm chứng cho Ngài, là người giúp sống hôm nay và xây dựng tương lai theo ý định của Ngài ». Theo gương Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha cũng mời gọi « đón tiếp các ngôn sứ » « như những người mang sứ điệp của Thiên Chúa, mỗi người tùy theo bậc sống và ơn gọi của mình, và thực hiện nó ngay tại nơi chúng ta đang sống », và đó cũng là « đón tiếp sự tốt lành mà Chúa Thánh Thần đã gieo vào những người khác ».

Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói : « Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ » (Mt 10, 41). Từ « ngôn sứ » xuất hiện ba lần. Nhưng loại tiên tri nào ? Có một số người tưởng tượng một ngôn sứ là một loại pháp sư báo trước tương lai. Nhưng đây là một ý tưởng mê tín và người Kitô hữu không tin vào những điều mê tín, như ma thuật, bài taro, số tử vi và những thứ tương tự khác. Để lấp chỗ trống, nhiều, nhiều Kitô hữu đi xem chỉ tay…. Làm ơn….Những người khác mô tả ngôn sứ chỉ là một nhân vật trong quá khứ, tồn tại trước Chúa Kitô để báo trước việc Ngài xuất hiện. Tuy nhiên, hôm nay Chúa Giêsu nói về sự cần thiết đón tiếp các ngôn sứ. Vì thế, hõ vẫn tồn tại. Nhưng họ là ai? Ngôn sứ là gì?

Thưa anh chị em, mỗi người chúng ta đều là một ngôn sứ. Thực vậy, với bí tích Rửa tội, tất cả chúng ta đều lãnh nhận hồng ân sứ mạng ngôn sứ (x. Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1268). Ngôn sứ là người, nhờ bí tích Rửa tội, giúp người khác đọc hiện tại dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Điều này rất quan trọng: đọc hiện tại không giống như tin tức, không…đọc nó như được soi sáng và dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng giúp hiểu các kế hoạch của Thiên Chúa và đáp ứng chúng. Nói cách khác, ngôn sứ là người chỉ Chúa Giêsu cho người khác, là người làm chứng cho Ngài, là người giúp sống hôm nay và xây dựng tương lai theo ý định của Ngài. Vì thế, tất cả chúng ta đều là ngôn sứ, đều là chứng nhân của Chúa Giêsu, để “sức mạnh của Tin Mừng được chiếu tỏa hằng ngày trong đời sống xã hội và gia đình” (Lumen Gentium, 35). Ngôn sứ là dấu chỉ sống động chỉ ra Thiên Chúa cho người khác. Ngôn sứ là phản chiếu ánh sáng của Chúa Kitô trên con đường của anh chị em. Và như thế, chúng ta có thể tự hỏi: Tôi,  – mỗi người chúng ta – Tôi, là “một ngôn sứ do được tuyển chọn” qua bí tích Rửa tội, tôi có nói, và trên hết, tôi có sống như một chứng nhân của Chúa Giêsu không? Tôi có mang lại một chút ánh sáng của Ngài vào cuộc sống của người khác không? Tôi có lượng giá mình về điều này không? Tôi tự hỏi: Tôi làm chứng như thế nào, ơn ngôn sứ của tôi như thế nào?

Trong bài Tin Mừng, Chúa cũng mời gọi đón tiếp các ngôn sứ. Vì thế, điều quan trọng là đón tiếp nhau như thế, như những người mang sứ điệp của Thiên Chúa, mỗi người tùy theo bậc sống và ơn gọi của mình, và thực hiện nó ngay tại nơi chúng ta đang sống – nghĩa là, trong gia đình, trong giáo xứ, trong cộng đoàn tu trì, ở những nơi khác trong Giáo hội và xã hội. Chúa Thánh Thần đã phân phát các ơn ngôn sứ trong Dân thánh của Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao thật tốt khi lắng nghe mọi người. Chẳng hạn, khi cần đưa ra một quyết định quan trọng – chúng ta hãy nghĩ đến điều này – trước hết thật tốt để cầu nguyện, kêu cầu Chúa Thánh Thần, nhưng rồi để lắng nghe và đối thoại với niềm tin tưởng rằng mỗi người, ngay cả người bé nhỏ nhất, bởi vì họ có điều gì đó quan trọng để nói, một ơn ngôn sứ để chia sẻ. Như thế, chân lý được tìm kiếm và bầu khí lắng nghe Thiên Chúa và anh chị em chúng ta được lan rộng, nơi  mọi người  không cảm thấy được đón tiếp bởi vì họ nói những gì tôi thích, nhưng họ cảm thấy được chấp nhận và được đánh giá như là những món quà là chính họ.

Chúng ta hãy suy nghĩ xem có bao nhiêu xung đột có thể được tranh và được giải quyết theo cách này, lắng nghe người khác với ước muốn chân thành hiểu biết nhau! Vì thế, cuối cùng, chúng ta hãy tự hỏi: tôi có biết cách đón tiếp anh chị em của tôi như là những món quà ngôn sứ không? Tôi có tin rằng tôi cần họ không? Tôi có lắng nghe họ một cách tôn trọng không, với ước muốn học hỏi không? Bởi vì mỗi người chúng ta cần học hỏi từ những người khác. Mỗi người chúng ta cần học hỏi từ những người khác.

Xin Đức Maria, Nữ Vương của các Ngôn sứ, giúp chúng ta nhận thấy và đón tiếp sự tốt lành mà Chúa Thánh Thần đã gieo vào những người khác.

———————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31