KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN NĂM A: TỘI NHÂN, VÂNG, HƯ HỎNG, KHÔNG!
« Luôn luôn có niềm hy vọng cứu độ cho tội nhân; trái lại, đối với những kẻ hư hỏng thì khó khăn hơn nhiều ». Đức Phanxicô lưu ý như thế trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 1/10/2023, khi suy niệm về đoạn Tin Mừng về hai người con trai, đứa thì chân thành, đứa thì hư hỏng. Và ngài nhắc nhở, « tội nhân, vâng – tất cả chúng ta đều vậy – hư hỏng, không! Tội nhân, vâng, hư hỏng, không! », và mời gọi xin ơn « trở thành những Kitô hữu chân thành».
Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến,
Hôm nay, bài Tin Mừng nói về hai người con. Cha của họ bảo họ đi làm vườn nho (x. Mt 21, 28-32). Một người con trả lời “có”, ngay lập tức, nhưng sau đó không đi. Người kia nói “không”, nhưng sau đó hối lỗi và đi.
Có gì để nói về hành vi của hai người này? Điều nhanh chóng hiện lên trong tâm trí là việc đi làm việc ở vườn nho đòi hỏi sự hy sinh, và hy sinh thì phải trả giá. Điều này không đến một cách tự nhiên, ngay cả khi biết rằng họ là những người con và là người thừa kế. Nhưng vấn đề ở đây không liên quan nhiều đến mức họ phản đối việc đi làm ở vườn nho, mà là sự chân thành hoặc thiếu chân thành, đối với cha họ và với chính họ. Dù cả hai người con đều không cư xử hoàn hảo, nhưng một người nói dối, trong khi người kia mắc lỗi nhưng vẫn chân thành.
Chúng ta hãy nhìn vào người con trai nói “có” nhưng rồi lại không đi. Anh ta không muốn làm theo ý muốn của người cha, nhưng anh ta cũng không muốn bàn luận hay nói về điều đó. Vì vậy, anh ta ẩn sau tiếng “có”, đằng sau một ý chí sai lầm che giấu sự lười biếng của mình và giữ thể diện cho hiện tại. Anh ta là một kẻ đạo đức giả. Anh ta đối phó mà không có xung đột, nhưng anh ta lừa dối và lừa gạt cha mình, không tôn trọng ông theo cách còn tệ hơn cả việc anh ta trả lời thẳng thừng “không”. Vấn đề với một người hành xử như vậy là ở chỗ người đó không phải là tội nhân, nhưng là một người hư hỏng vì họ dễ dàng nói dối để che đậy và ngụy trang sự bất tuân của mình mà không chào đón bất kỳ cuộc đối thoại hoặc phản hồi trung thực nào.
Ngược lại, người con trai kia, vốn nói “không” nhưng rồi đi, là người chân thành. Anh ấy không hoàn hảo nhưng chân thành. Chắc chắn sẽ rất dễ chịu nếu được nghe anh ấy nói “có” ngay lập tức. Điều đó đã không xảy ra, nhưng ít nhất anh ấy cũng thể hiện sự miễn cưỡng của mình một cách rõ ràng và, ở một khía cạnh nào đó, một cách can đảm. Nghĩa là anh ta chịu trách nhiệm về hành vi của mình và hành động một cách công khai. Sau đó, với sự trung thực cơ bản này, anh ta tự vấn bản thân cho đến khi hiểu rằng mình đã phạm sai lầm và quay trở lại. Chúng ta có thể nói rằng anh ta là một tội nhân, nhưng anh ta không hư hỏng. Hãy chú ý điều này: người con này là một tội nhân, nhưng anh ta không hư hỏng. Và luôn luôn có niềm hy vọng cứu độ cho tội nhân; trái lại, đối với những kẻ hư hỏng thì khó khăn hơn nhiều. Trên thực tế, những tiếng “có” giả tạo, vẻ ngoài tao nhã nhưng giả hình và những hành động giả tạo thường xuyên của kẻ hư hỏng, thì giống như một “bức tường cao su” dày, phía sau đó ẩn giấu những giằn vặt của lương tâm. Và những kẻ giả hình này làm quá nhiều điều xấu! Thưa anh chị em, tội nhân, vâng – tất cả chúng ta đều vậy – hư hỏng, không! Tội nhân, vâng, hư hỏng, không!
Bây giờ chúng ta hãy nhìn lại chính mình và, dưới ánh sáng của tất cả những điều này, hãy tự hỏi mình một số câu hỏi. Khi phải đối mặt với khó khăn để sống một cuộc sống trung thực và quảng đại, để hiến thân cho ý muốn của Chúa Cha, tôi có sẵn sàng nói “xin vâng” mỗi ngày, ngay cả khi phải trả giá không? Và khi tôi thất bại, tôi có thành thật trước mặt Chúa về những khó khăn, những thất bại, những điểm yếu của tôi không? Và khi tôi nói “không”, tôi có quay lại sau đó không? Chúng ta có nói chuyện với Chúa về điều này không? Khi phạm sai lầm, tôi có sẵn sàng hối lỗi và quay trở lại không? Hay tôi giả vờ như mọi thứ đều ổn và trải qua cuộc sống với chiếc mặt nạ, chỉ bận tâm đến việc tỏ ra tốt lành và chính trực? Cuối cùng, tôi có phải là tội nhân, như mọi người không, hay có điều gì hư hỏng trong tôi? Đừng quên: tội nhân, vâng, hư hỏng, không.
Xin Đức Maria, tấm gương thánh thiện, giúp chúng ta trở thành những Kitô hữu chân thành.
———————————————-
Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:
Trong những ngày này, tôi đang theo dõi tình trạng bi thảm của những người tỵ nạn ở Nagorno-Karabakh. Tôi nhắc lại lời kêu gọi đối thoại giữa Azerbaijan và Armenia và hy vọng rằng các cuộc đàm phán giữa các bên, với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, có thể thúc đẩy một thỏa thuận lâu dài nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo. Tôi đảm bảo với các bạn rằng tôi sẽ cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ nổ kho nhiên liệu gần thành phố Stepanakert.
Hôm nay bắt đầu tháng 10, tháng Mân Côi và tháng truyền giáo. Tôi kêu gọi mọi người trải nghiệm vẻ đẹp của việc cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi, cùng với Đức Maria chiêm ngưỡng các mầu nhiệm Chúa Kitô và cầu xin Mẹ chuyển cầu cho các nhu cầu của Giáo hội và thế giới. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình ở Ucraina đang bị tàn phá và ở tất cả những vùng đất bị thương tích bởi chiến tranh. Chúng ta hãy cầu nguyện cho việc loan báo Tin Mừng cho các dân tộc. Và chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho Thượng hội đồng Giám mục trong tháng này, trong đó Hội nghị đầu tiên về chủ đề tính hiệp hành trong Giáo hội sẽ diễn ra.
Hôm nay là lễ Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Bông Hoa Nhỏ, vị thánh của niềm tin tưởng, vị thánh của niềm tin vào chính mình. Ngày 15 tháng 10 sắp tới, một Tông huấn về thông điệp của ngài sẽ được xuất bản. Chúng ta hãy cầu nguyện với thánh Têrêsa và Đức Mẹ: xin Thánh Têrêsa giúp chúng ta có niềm tin tưởng và làm việc cho việc truyền giáo.
[…]
Như anh chị em thấy, bên cạnh tôi hôm nay còn có 5 trẻ em đại diện cho 5 châu. Tôi muốn cùng các em thông báo rằng chiều ngày 6 tháng 11, tại Hội trường Phaolô VI, tôi sẽ gặp gỡ các trẻ em từ khắp nơi trên thế giới. “Chúng ta hãy học hỏi từ các bé trai và bé gái” là chủ đề của sự kiện này, do Bộ Văn hóa và Giáo dục tài trợ. Đó sẽ là cuộc gặp gỡ thể hiện ước mơ của mỗi chúng ta: khôi phục lại những tình cảm trong sáng của trẻ thơ vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như trẻ thơ. Trẻ em dạy chúng ta cách minh bạch trong các mối quan hệ, cách chào đón một cách tự nhiên những người xa lạ, và cách tôn trọng mọi sự của công trình tạo dựng. Các thiếu nhi thân mến, Cha cũng mong được học hỏi từ tất cả các con!
—————————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Angelus, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ
- HÀNH KHÚC GIÁO HOÀNG, BÀI QUỐC CA CHÍNH THỨC CỦA VATICAN DO MỘT NGƯỜI PHÁP SÁNG TÁC
- CÁC ĐẠI SỨ TẠI TÒA THÁNH ĐƯỢC ĐỨC PHANXICÔ CHẤT VẤN
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH NHÂN DỊP CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025 : NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT NỀN NGOẠI GIAO HY VỌNG
- Ở THÁI LAN, CUỘC CHIẾN HÀNG NGÀY CỦA MỘT LINH MỤC CHỐNG LẠI NẠN LAO ĐỘNG TRẺ EM