KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT 28 TN B: MỘT ĐỨC TIN KHÔNG BIẾT CHO ĐI, KHÔNG BIẾT TẶNG KHÔNG, LÀ MỘT ĐỨC TIN CHƯA TRỌN VẸN

Written by xbvn on Tháng Mười 10th, 2021. Posted in Giáo lý, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Một đức tin không có sự cho đi, một đức tin không có sự tặng không là một đức tin chưa trọn vẹn.” Đó là lời nhắc nhở của Đức Phanxicô trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 10/10/2021, trong bài suy niệm về người đàn ông buồn rầu bỏ đi khi được Chúa Giêsu kêu gọi “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo”.

Đối với Đức Thánh Cha, một đức tin như thế có thể được sánh với “thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng vẫn thiếu hương vị, hay một trò chơi ít nhiều được chơi tốt, nhưng không có mục tiêu: không, nó không tốt, nó thiếu “muối””. Chính vì thế, ngài mời gọi cầu xin“cho chúng ta biết thưởng thức vẻ đẹp của việc biến cuộc sống trở thành một quà tặng”, “giải phóng đức tin chúng ta khỏi một đức tin thương mại” và “đổi chác”, không dừng ở mức “bổn phận” và “tối thiểu”, nhưng luôn biết “vươn lên trong cuộc sống” bằng tình yêu cho đi.

Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Phụng vụ hôm nay cho chúng ta thấy cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và một người đàn ông “có nhiều của cải” (Mc 10, 22), và là người đã được ghi lại trong lịch sử với danh hiệu “chàng thanh niên giàu có” (x. Mt 19, 20-22). Chúng ta không biết tên của anh ta. Trên thực tế, Tin Mừng Marcô nói về anh ta là “một người đàn ông”, mà không đề cập tên hay tuổi của ông, như muốn gợi ý rằng tất cả chúng ta đều có thể nhìn thấy chính mình nơi người đàn ông này, như thể trong một tấm gương. Thực ra, cuộc gặp gỡ của ông với Chúa Giêsu cho phép chúng ta kiểm tra đức tin của mình. Đọc điều này, tôi tự kiểm tra đức tin của tôi.

Người đàn ông bắt đầu với một câu hỏi: “Tôi phải làm gì để thừa hưởng sự sống đời đời ?” (c.17). Hay lưu ý những động từ ông sử dụng: “phải làm” – “thừa hưởng”. Đây là lòng đạo của ông: một bổn phận,  một việc làm để thu được; tôi làm điều gì đó để được những gì tôi cần. Nhưng đây là một mối tương quan thương mại với Thiên Chúa, một “quid pro quo” (một sự đổi chác). Mặt khác, đức tin không phải là một nghi thức máy móc, lạnh lùng, một sự “phải-làm-thu được”. Đó là một vấn đề tự do và tình yêu. Đức tin là một vấn đề  tự do, nó là một vấn đề tình yêu. Đây là thử nghiệm đầu tiên: đối với tôi, đức tin là gì? Nếu nó chủ yếu là một bổn phận hay một sự mặc cả, thì chúng ta đang lệch hướng, bởi vì ơn cứu độ là một quà tặng chứng không phải là một bổn phận, nó là miễn phí chứ không thể được mua. Điều đầu tiên phải làm là giải phóng chúng ta khỏi một đức tin thương mại và máy móc, điều này ám chỉ hình ảnh sai lầm về một Thiên Chúa tính toán và kiểm soát, chứ không phải là một người cha. Và rất thường trong cuộc sống, chúng ta cảm nghiệm mối tương quan “thương mại” này của đức tin: tôi làm điều này, để Thiên Chúa sẽ ban cho tôi điều đó.

Ở bước thứ hai, Chúa Giêsu giúp người đàn ông này bằng cách cho ông thấy khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa. Quả thật, bản văn nói, “Chúa Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” (c.21): đây là Thiên Chúa! Đây là nơi mà đức tin được nảy sinh và tái sinh: không phải từ một bổn phận, không phải từ điều gì đó phải làm hay trả, nhưng từ một cái nhìn yêu thương được chào đón. Theo cách này, đời sống Kitô hữu trở nên đẹp đẽ, nếu nó không dựa trên khả năng và kế hoạch của chúng ta; nó dựa trên cái nhìn của Thiên Chúa. Đức tin của anh chị em, đức tin của tôi có mệt mỏi không? Anh chị em có muốn hồi phục nó không? Hãy tìm kiếm cái nhìn của Thiên Chúa: hãy ngồi trong sự tôn thờ, hãy cho phép mình được tha thứ trong trong bí tích Giải tội, hãy đứng trước Đấng chịu đóng đinh. Tóm lại, hãy để bản thân được Ngài yêu thương. Đây là điểm xuất phát của đức tin: để cho mình được Ngài yêu thương, được Cha yêu thương.

Sau câu hỏicái nhìn, thì ở bước thứ ba và cuối cùng, có một lời mời gọi của Chúa Giêsu. Ngài nói: “Anh chỉ còn thiếu một điều”. Người đàn ông giàu có đó thiếu điều gì? Sự cho đi, sự tặng không. “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo” (c.21). Có lẽ đó là những gì chúng ta cũng đang thiếu. Thông thường, chúng ta làm ở mức tối thiểu nhất, trong khi Chúa Giêsu mời gọi chúng ta làm ở mức tối đa có thể. Đã bao nhiêu lần chúng ta thỏa mãn với việc làm bổn phận của mình – các giới luật, một vài kinh nguyện, và nhiều điều tương tự – trong khi Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta sự sống, lại yêu cầu chúng ta vươn lên trong cuộc sống! Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy rõ ràng sự chuyển từ bổn phận sang sự cho đi này; Chúa Giêsu bắt đầu bằng cách nhắc lại các Giới Răn: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp…” (c.19) và đi đến một đề nghị tích cực: “Hãy đi bán, cho đi, theo Tôi !” (x. c.21). Đức tin không thể bị hạn chế vào “chớ”, bởi vì đời sống Kitô hữu là một tiếng “vâng”, một tiếng “vâng” của tình yêu.

Anh chị em thân mến, một đức tin không có sự cho đi, một đức tin không có sự tặng không là một đức tin chưa trọn vẹn. Chúng ta có thể so sánh nó với thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng vẫn thiếu hương vị, hay một trò chơi ít nhiều được chơi tốt, nhưng không có mục tiêu: không, nó không tốt, nó thiếu “muối”. Một đức tin không có sự cho đi, không có sự tặng không, không có những việc làm của bác ái, cuối cùng sẽ làm cho chúng ta buồn rầu: giống như người đàn ông đó “sa sầm nét mặt” và “buồn rầu” trở về nhà, cho dầu anh ta đã được đích thân Chúa Giêsu ngước nhìn và đem lòng yêu mến. Hôm nay, chúng ta có thể tự hỏi: “Đức tin của tôi nằm ở điểm nào? Tôi có cảm nghiệm nó như là điều gì đó máy móc, giống như một mối tương quan bổn phận hay lợi ích với Thiên Chúa? Tôi có nhớ nuôi dưỡng nó bằng cách để mình được Chúa Giêsu nhìn đến và yêu thương không?” Để mình được Chúa Giêsu nhìn đến và yêu thương; để cho Chúa Giêsu nhìn chúng ta, yêu thương chúng ta. “Và được Ngài lôi cuốn, Tôi có đáp lời cách tự do, cách quảng đại, hết tâm hồn tôi không?”

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã thưa tiếng “xin vâng” trọn vẹn với Thiên Chúa, một tiếng “xin vâng” không có chữ “nhưng” – thật không dễ nói “xin vâng” mà không có chữ “nhưng”: Đức Mẹ đã làm như thế, một tiếng “xin vâng” không có chữ “nhưng” – cho chúng ta biết thưởng thức vẻ đẹp của việc biến cuộc sống trở thành một quà tặng.

——————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(theo vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30