KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY NĂM C : GẦN GŨI VÀ VUI MỪNG ĐÓN TIẾP NHỮNG NGƯỜI ĂN NĂN SÁM HỐI

Written by xbvn on Tháng Ba 28th, 2022. Posted in Giáo lý, Lm Võ Xuân Tiến, Nhân bản, Tâm linh, Tâm Nhi, Thế Giới, Tý Linh

Giải thích dụ ngôn về người con hoang đàng trong bài giáo lý của Chúa Nhật 4 Mùa Chay năm C, hôm 27/3/2022, Đức Thánh Cha đã suy niệm về tầm quan trọng của việc gần gũi với những ai đang trên đường hoán cải, nhưng còn về nhu cầu vui mừng về sự hoán cải của người khác, « vì điều tốt của một người khác cũng là điều tốt của tôi ».

Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em ngày Chúa Nhật vui vẻ, chào anh chị em !

Bài Tin Mừng của Phụng vụ Chúa Nhật này kể lại cái gọi là Dụ ngôn về Người Con Hoang Đàng (x. Lc 15, 11-32). Nó dẫn chúng ta đến trái tim của Thiên Chúa, Đấng luôn trắc ẩn và dịu dàng tha thứ. Luôn luôn, Thiên Chúa luôn tha thứ. Chúng ta là những người cảm thấy mệt mỏi khi cầu xin sự tha thứ, nhưng Ngài luôn tha thứ. Dụ ngôn cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa là một người Cha, Đấng không chỉ chào đón chúng ta trở về, nhưng còn vui mừng và tổ chức một bữa tiệc thịnh soạn cho người con của mình đã trở về nhà sau khi phung phí hết tài sản của mình. Chúng ta là người con đó, và thật xúc động khi nghĩ về việc người Cha luôn yêu thương và chờ đợi chúng ta biết bao.

Nhưng cũng có người con cả trong cùng dụ ngôn gặp khủng hoảng trước mặt người Cha này. Chúng ta cũng có thể rơi vào khủng hoảng. Thực ra, người con cả này cũng ở trong chúng ta và, chúng ta bị lôi cuốn đứng về phía anh ta, ít nhất là phần nào : anh ta đã làm tròn bổn phận của mình, anh ta không rời khỏi nhà, và vì thế anh ta trở nên phẫn nộ khi nhìn thấy người Cha lại ôm đứa con của mình sau khi đã cử xử tồi tệ như thế. Anh ta phản đối và nói : « Đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha và chẳng khi nào  trái lệnh cha ». Thay vào đó, đối với « thằng con của cha đó », cha lại đi mở tiệc ăn mừng ! (x. cc.29-30) « Con không hiểu được cha ! ». Đây là sự phẫn nộ của người con cả.

Những lời này minh họa vấn đề của người con cả. Anh ta đặt mối tương quan của mình với người Cha chỉ dựa trên việc tuân thủ thuần túy các mệnh lệnh, trên ý thức bổn phận. Đây cũng có thể là vấn đề của chúng ta, vấn đề giữa chúng ta và với Thiên Chúa : không thấy rằng Ngài là một người Cha và sống một tôn giáo xa cách, bao gồm những điều cấm đoán và bổn phận. Và hậu quả sự sự xa cách này là sự cứng nhắc đối với tha nhân của chúng ta mà chúng ta không còn nhìn thấy là anh em hay chị em nữa. Thực ra, trong dụ ngôn, người con cả không nói người em của con với người Cha. Không, nó nói thằng con của cha đó, như thể nói, « anh ta không phải là em của tôi ». Cuối cùng, anh ta có nguy cơ ở lại bên ngoài ngôi nhà. Thực ra, bản văn nói : « anh ta từ chối không vào nhà » (c. 28), bởi vì đứa kia đã ở đó.

Thấy vậy, người Cha đi ra xin anh ta : « Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con » (c.31). Ông cố gắng làm cho anh ta hiểu rằng đối với ông, mọi đứa con đều là tất cả cuộc đời của ông. Những người biết rõ điều này là các bậc cha mẹ, vốn rất gần gũi với cảm giác giống như Thiên Chúa làm.  Trong một cuốn tiểu thuyết, có một người cha nói một điều rất đẹp : « Khi tôi đã trở thành một người cha, tôi đã hiểu Thiên Chúa » (H. de Balzac, Il padre Goriot, Milano 2004, 112). Về điểm này trong dụ ngôn, người Cha mở lòng với người con cả của mình và diễn tả hai nhu cầu, mà không phải là những mệnh lệnh, nhưng thiết yếu cho tâm hồn của anh ta : « Chúng ta hãy ăn mừng và hoan hỉ, vì em con đây đã chết, nay lại sống » (c. 32). Chúng ta hãy xem liệu chúng ta cũng có trong  tâm hồn mình hai điều này mà người Cha cần không : ăn mừng và hoan hỉ.

Trước tiên, ăn mừng, tức là, để chứng minh rằng chúng ta gần gũi những ai ăn năn hay những người đang trên đường ăn năn, những ai đang gặp khủng hoảng hay đang ở xa xôi. Tại sao chúng ta cần làm điều này ? Bởi vì điều này giúp vượt qua nỗi sợ hãi và chán nản có thể đến từ việc nhớ lại  tội lỗi của mình. Những người từng mắc lỗi thường cảm thấy bị khiển trách trong tâm hồn mình. Khoảng cách, sụ dửng dưng và những lời khắt khe không giúp được gì. Vì thế, giống như người Cha, cần phải chào đón họ cách nồng ấm để khích lệ họ tiến tới. « Nhưng thưa cha, anh ta đã làm rất nhiều điều » : chào đón nồng ấm. Và chúng ta, chúng ta có làm điều này không ? Chúng ta có tìm kiếm những ai đang xa xôi không ? Chúng ta có muốn ăn mừng với họ không ? Một trái tim rộng mở, một sự lắng nghe đích thực, một nụ cười trong sáng có thể làm được bao nhiêu điều tốt đẹp ; để ăn mừng, không làm cho họ cảm thấy khó chịu ! Người Cha đã có thể nói : « Được rồi, con trai, hãy trở về nhà, trở lại làm việc, về phòng, ổn định cuộc sống và  công việc của mình ! Và đây hẳn là một cách tốt để tha thứ. Nhưng không ! Thiên Chúa không biết cách tha thứ mà không ăn mừng ! Và người Cha ăn mừng bởi vì niềm vui mà ông có được vì con ông đã trở về.

Và rồi, như người Cha, chúng ta cần hoan hỉ. Khi một người có trái tim đồng bộ với trái tim của Thiên Chúa nhìn thấy sự ăn năn của một người, thì họ hoan hỉ, bất kể lỗi lầm của họ có thể nghiêm trọng thế nào. Đừng tập trung vào những sai lầm, đừng chỉ tay vào những gì họ đã làm sai, nhưng hãy vui mừng hoan hỉ vì điều tốt  vì điều tốt của một người khác cũng là điều tốt của tôi! Và chúng ta, chúng ta có biết cách vui mừng hoan hỉ với người khác không?

Tôi muốn kể lại một câu chuyện tưởng tượng, nhưng một câu chuyện giúp minh họa tấm lòng của người cha. Có một vở nhạc kịch, cách đây ba hay bốn năm, về người con hoang đàng, với toàn bộ câu chuyện. Và cuối cùng, khi người con đó quyết định trở về với cha mình, anh ta đã nói về điều đó với một người bạn và nói: “Tôi sợ cha tôi sẽ loại bỏ tôi, ông sẽ không tha thứ cho tôi!” Và người bạn khuyên anh ta: “Hãy gởi một lá thư cho cha của bạn và nói với ông, “Thưa Cha, con đã ăn năn, con muốn trở về nhà, nhưng con không chắc điều đó sẽ hạnh phúc. Nếu cha muốn chào đón con, thì xin cha đặt một chiếc khăn tay trắng nơi cửa sổ”. Và rồi anh ta bắt đầu hành  trình. Và khi anh đến gần nhà, nơi khúc cua cuối cùng của con đường, anh ấy đang ở trước mặt nhà. Và anh đã thấy điều gì? Không phải một chiếc khăn tay: nó đầy những chiếc khăn tay trắng, nơi các cửa sổ, mọi nơi! Người Cha chào đón như thế đó, một cách hoàn toàn, một cách vui vẻ! Đây là người Cha của chúng ta!

Xin Đức Trinh Nữ Maria dạy chúng ta cách đón nhận lòng thương xót của  Thiên Chúa để nó có thể trở thành ánh sáng mà chúng ta nhìn thấy tha nhân của chúng ta.

——————————–

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Hơn một tháng đã trôi qua kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược Ucraina, khi bắt cuộc chiến tranh tàn ác và điên rồ này, mà, giống như mọi cuộc chiến tranh, đều là sự thất bại cho mọi người, cho mọi người chúng ta. Chúng ta cần loại bỏ chiến tranh, một nơi chết chóc, nơi mà những người cha và người mẹ chôn cất con cái của mình, nơi mà con người giết chết anh chị em của mình mà thậm chí không nhìn thấy họ, nơi là kẻ mạnh quyết định và người nghèo chết đi.

Chiến tranh không chỉ tàn phá hiện tại, nhưng còn cả tương lai của một xã hội. Tôi đã đọc biết được rằng từ khi bắt đầu cuộc xâm lăng Ucraina, cứ hai tre em thì có một trẻ em phải rời bỏ đất nước của mình. Điều này có nghĩa là hủy hoại tương lai, gây ra những vết thương nghiêm trọng nơi những người nhỏ bé và vô tội nhất trong chúng ta. Đây là hành động thú tính của chiến tranh – một hành động man rợ và phạm thánh!

Chiến tranh không nên là điều gì đó không thể tránh khỏi. Chúng ta không nên quen với chiến tranh. Thay vào đó, chúng ta cần hoán chuyển sự tức giận của hôm nay thành một cam kết cho ngày mai, bởi vì nếu, sau những gì đang diễn ra, chúng ta vẫn như trước đây, thì tất cả chúng ta đều có tội một cách nào đó. Trước nguy cơ tự hủy diệt, xin cho nhân loại hiểu rằng đã đến thời điểm xóa bỏ chiến tranh, xóa bỏ nó khỏi lịch sử nhân loại trước khi nó xóa bỏ lịch sử nhân loại.

Tôi xin mọi nhà lãnh đạo chính trị suy nghĩ về điều này, cống hiến cho điều này ! Và, nhìn vào Ucraina bị tàn phá để hiểu mỗi ngày chiến tranh làm tình hình tồi  tệ hơn đối với mọi người như thế nào. Vì thế, tôi tiếp tục kêu gọi : Đủ rồi. Hãy dừng nó lại. Hãy làm im tiếng vũ khí. Hãy tiến tới hòa bình cách nghiêm túc. Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện không biết mệt mỏi với Nữ Vương Hòa Bình, Đấng mà chúng ta đã thánh hiến nhân loại, cách riêng Nga và Ucraina, với sự tham gia đông đảo và mãnh liệt như thế, qua đó tôi cảm ơn tất cả anh chị em. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện. Kính Mừng Maria….

—————

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

 

Tags: , , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31