KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT 5/9/2021: “CHÚNG TA CÓ NHỚ LẮNG NGHE CHÚA KHÔNG?”

Written by xbvn on Tháng Chín 5th, 2021. Posted in Giáo lý, Lm Võ Xuân Tiến, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Chúng ta có nhớ lắng nghe Chúa không? Chúng ta là những Kitô hữu, nhưng đôi khi với hằng ngàn lời nói chúng ta nghe mỗi ngày, chúng ta không tìm được một chút thời gian để để cho một vài lời của Tin Mừng vang vọng trong chúng ta.” Đức Phanxicô nhắc nhớ các Kitô hữu như thế trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 5/9/2021.

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Có một tật điếc nội tâm mà chúng ta có thể xin Chúa Giêsu chạm đến và chữa lành hôm nay. Đó là tật điếc nội tâm, vốn tồi tệ hơn tật điếc thể lý, bởi vì đó là tật điếc của tâm hồn.” Đặc biệt ngài mời gọi các linh mục là những người đầu tiên, và sau đó tất cả mọi người, phải biết lắng nghe, nhất là lắng nghe Lời Chúa, điều mà “có khả năng chữa lành  tâm hồn”.

Và Đức Phanxicô đưa ra phương thuốc cho điều đó:  “Đây là đơn thuốc: mỗi ngày một chút thinh lặng và lắng nghe, bớt những lời vô ích và thêm nhiều Lời Chúa hơn”.

Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay cho thấy Chúa Giêsu chữa lành một người vừa điếc vừa ngọng. Điều nổi bật trong câu chuyện là cách Chúa thực hiện dấu lạ này. Ngài kéo người bị điếc riêng ra, đặt ngón tay vào tai người ấy, và lấy nước miếng bôi lên lưỡi ông ta. Rồi Ngài ngước mắt lên trời, thở dài và nói với ánh ta: “Ép-pha-tha”, nghĩa là, “Hãy mở ra!” (x. Mc 7, 33-34). Trong những lần chữa bệnh khác, đối với các bệnh tật nghiêm trọng như bại liệt hay phong hủi, Chúa Giêsu đã không làm nhiều điều như vậy. Vì thế, tại sao Ngài làm tất cả điều này, ngay cả khi họ chỉ xin Ngài đặt tay trên người bệnh mà thôi (x. c.32)? Có lẽ bởi vì căn bệnh của người đó có một giá trị biểu tượng đặc biệt. Bệnh điếc cũng là một biểu tượng có thể nói điều gì đó với tất cả chúng ta. Điều này là gì? Tật điếc. Người đó không thể nói bởi vì ông ta không thể nghe. Để chữa lành nguyên nhân bệnh tật của ông, trên thực tế, Chúa Giêsu đã đặt ngón tay trước hết vào tai của ông, rồi miệng ông, nhưng vào tai của ông trước tiên.

Tất cả chúng ta đều có tai, nhưng rất thường chúng ta không thể nghe. Tại sao vậy? Thưa anh chị em, có một tật điếc nội tâm mà chúng ta có thể xin Chúa Giêsu chạm đến và chữa lành hôm nay. Đó là tật điếc nội tâm, vốn tồi tệ hơn tật điếc thể lý, bởi vì đó là tật điếc của tâm hồn. Do vội vã, bởi quá nhiều điều phải nói và làm, chúng ta không tìm được thời gian để dừng lại và lắng nghe những người nói với chúng ta. Chúng ta có nguy cơ không tiếp thu được mọi thứ và không dành chỗ cho những người cần được lắng nghe. Tôi đang nghĩ đến các trẻ em, người trẻ, người cao niên, những người không thực sự cần lời nói và bài giảng, nhưng cần được nghe. Chúng ta hãy tự hỏi: khả năng lắng nghe của tôi hiện như thế nào? Tôi có để cho mình được chạm đến bởi cuộc sống của mọi người không? Tôi có biết cách trải qua thời gian với những người gần gũi tôi để lắng nghe không? Điều này liên quan đến tất cả chúng ta, nhưng cách đặc biệt là các linh mục. Linh mục phải lắng nghe mọi người, không phải cách vội vàng, nhưng lắng nghe và xem mình có thể giúp đỡ như thế nào, nhưng sau khi đã lắng nghe. Và tất cả chúng ta: trước tiên hãy lắng nghe, rồi hãy trả lời. Hãy nghĩ về đời sống gia đình: bao nhiêu lần chúng ta nói chuyện mà trước tiên không lắng nghe, lặp đi lặp lại cũng từng đó chuyện, luôn luôn cũng từng đó chuyện! Không có khả năng lắng nghe, chúng ta luôn nói cũng từng đó chuyện, hoặc chúng ta không để người khác nói xong, diễn tả bản thân, và chúng ta ngắt lời họ. Bắt đầu một cuộc đối thoại thường diễn ra không phải bằng lời nói nhưng là sự thinh lặng, không phải bằng cách khăng khăng, nhưng bằng cách kiên nhẫn bắt đầu lại để lắng nghe người khác, lăng nghe những cuộc đấu tranh của họ và những gì họ mang trong tâm hồn. Việc chữa lành tâm hồn bắt đầu bằng lắng nghe. Lắng nghe. Đó là những gì phục hồi tâm hồn. “Nhưng thưa Cha, có những người chán phèo nói đi nói lại cũng từng đó thứ…” Hãy lắng nghe họ. Và rồi, khi họ nói xong, bạn  có thể nói, nhưng hãy lắng nghe mọi sự.

Và điều đó cũng đúng với Chúa. Thật tốt khi cầu xin Ngài đủ thứ, nhưng tốt hơn là trước tiên chúng ta lắng nghe Ngài. Chúa Giêsu đòi hỏi điều này. Trong Tin Mừng, khi người ta hỏi Ngài đâu là giới răn trọng nhất, Ngài đã trả lời: “Hãy nghe đây, hỡi Israel”. Rồi Ngài thêm vào giới răn trọng nhất: “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng… (và) yêu tha nhân như chính mình” (Mc 12, 28-31). Nhưng trước hết, “Hãy nghe đây, hỡi Israel”. Chúng ta có nhớ lắng nghe Chúa không? Chúng ta là những Kitô hữu, nhưng đôi khi với hằng ngàn lời nói chúng ta nghe mỗi ngày, chúng ta không tìm được một chút thời gian để để cho một vài lời của Tin Mừng vang vọng trong chúng ta. Chúa Giêsu là Ngôi Lời: nếu chúng ta không dừng lại để lắng nghe Ngài, thì Ngài đi qua. Thánh Augustinô đã nói, “Tôi sợ rằng Chúa Giêsu sẽ đi ngang qua mà tôi không nhận biết”. Và nỗi lo sợ là để Ngài đi ngang qua mà không lắng nghe Ngài. Nhưng nếu chúng ta dành thời gian cho Tin Mừng, chúng ta sẽ tìm thấy bí quyết cho sức khỏe tinh thần của chúng ta. Đây là đơn thuốc: mỗi ngày một chút thinh lặng và lắng nghe, bớt những lời vô ích và thêm nhiều Lời Chúa hơn. Luôn có cuốn Tin Mừng trong túi của bạn mà có thể giúp ích rất nhiều. Hôm nay, như là ngày chịu phép Rửa của chúng ta, chúng ta lắng nghe những lời của Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Ép-pha-tha, hãy mở ra!” Hãy mở tai chúng ta. Lạy Chúa Giêsu, con muốn mở lòng đón nhận Lời của Chúa; lạy Chúa Giêsu, xin mở lòng con để lắng nghe Chúa; lạy Chúa Giêsu, xin chữa lành tâm hồn chúng con khỏi bị đóng kín, xin chữa tâm hồn con khỏi sự vội vã, xin  chữa tâm hồn con khỏi sự thiếu kiên nhẫn.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã mở lòng lắng nghe Ngôi Lời hóa thành nhục thể nơi Mẹ, giúp chúng con mỗi ngày lắng nghe Con của Mẹ trong Tin Mừng và lắng nghe anh chị em của chúng con bằng một tâm hồn ngoan ngoãn, một tâm hồn kiên nhẫn, và một tâm hồn lắng nghe.

Tý Linh chuyển ngữ

(theo Vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31