KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT 8/8/2021: “THIÊN CHÚA TRỞ THÀNH NGƯỜI CHO TÔI, CHO BẠN, CHO TẤT CẢ CHÚNG TA”

Written by xbvn on Tháng Tám 8th, 2021. Posted in Giáo lý, Lm Võ Xuân Tiến, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 8/8/2021, qua việc suy niệm bài Tin Mừng Chúa Nhật 19 TN B, Đức Phanxicô đã mời gọi các Kitô hữu hãy kể cho Chúa Giêsu, là Bánh Trường Sinh, “về những gì chúng ta đang cảm thấy, về công việc của chúng ta, ngày sống của chúng ta, nỗi đau buồn của chúng ta, nỗi lo âu của chúng ta”, bởi vì Ngài “đã trở thành người cho tôi, cho bạn, cho tất cả chúng ta”, đã hiến mình làm lương thực cho chúng ta. “Ngài quan tâm đến mỗi khía cạnh của cuộc sống chúng ta”.

Thay vì coi Chúa Giêsu như là “món ăn phụ thêm” và vấp ngã vì Ngài, Đức Thánh Cha khích lệ các Kitô hữu hay mời Chúa Giêsu vào nhà mình, vào bàn ăn để Ngài chúc lành cho “những gì chúng ta đã làm được và những gì chúng ta đã không làm được” và “chúng ta sẽ được nuôi dưỡng bằng một tình yêu lớn lao hơn”. Bởi vì, “không có Ngài, thay vì sống, thì chúng ta sống lay lắt: bởi vì chỉ mình Ngài nuôi dưỡng linh hồn; chỉ mình Ngài tha thứ cho chúng ta khỏi sự dữ mà chúng ta không thể tự mình vượt qua được; chỉ mình Ngài làm cho chúng ta cảm thấy được yêu thương ngay cả khi những người khác làm chúng ta thất vọng; chỉ mình Ngài ban cho chúng ta sức mạnh để yêu thương và, chỉ mình Ngài ban cho chúng ta sức mạnh để tha thứ trong những lúc khó khăn…”

Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục rao giảng cho dân chúng từng chứng kiến phép lạ hóa bánh ra nhiều. Và Ngài mời gọi những người đó thực hiện một bước nhảy vọt về chất lượng: sau khi gợi nhớ manna mà Thiên Chúa nuôi dưỡng tổ tiên trong cuộc hành trình dài qua sa mạc, giờ đây Ngài áp dụng biểu tượng bánh cho chính mình. Ngài tuyên bố cách rõ ràng: “Tôi là bánh trường sinh” (Ga 6, 48).

Bánh trường sinh nghĩa là gì? Chúng ta cần bánh để sống. Những người đói khát không xin thức ăn tinh chế và đắt tiền, họ xin bánh. Những người thất nghiệp không xin mức lương cao, nhưng xin “bánh” việc làm. Chúa Giêsu mạc khải mình như bánh, nghĩa là, điều thiết yếu, những gì cần thiết cho đời sống hàng ngày; không có Ngài công việc không chạy. Không phải là một bánh trong số nhiều bánh khác, nhưng là bánh trường sinh. Nói cách khác, không có Ngài, thay vì sống, thì chúng ta sống lay lắt: bởi vì chỉ mình Ngài nuôi dưỡng linh hồn; chỉ mình Ngài tha thứ cho chúng ta khỏi sự dữ mà chúng ta không thể tự mình vượt qua được; chỉ mình Ngài làm cho chúng ta cảm thấy được yêu thương ngay cả khi những người khác làm chúng ta thất vọng; chỉ mình Ngài ban cho chúng ta sức mạnh để yêu thương và, chỉ mình Ngài ban cho chúng ta sức mạnh để tha thứ trong những lúc khó khăn; chỉ mình Ngài ban bình an cho tâm hồn mà nó đang tìm kiếm; chỉ mình Ngài ban sự sống đời đời khi sự sống ở đây trên trần gian kết thúc. Ngài là bánh trường sinh thiết yếu.

Ngài nói: “Tôi là bánh trường sinh”. Chúng ta hãy dừng lại nơi hình ảnh đẹp đẽ này của Chúa Giêsu. Ngài có thể đưa ra một lý do, một chứng minh, nhưng – chúng ta biết – Chúa Giêsu nói bằng dụ ngôn, và trong kiểu nói này: “Tôi là bánh trường sinh”, Ngài thực sự  tóm gọn toàn bộ con người và sứ mạng của Ngài. Điều này sẽ được thấy hoàn toàn ở phần cuối, ở bữa Tiệc Ly. Chúa Giêsu biết rằng Chúa Cha yêu cầu Ngài không chỉ cho dân chúng ăn, nhưng cho chính bản thân Ngài, bẻ chính Ngài ra, sự sống của Ngài, thịt máu của Ngài, trái tim của Ngài để chúng ta có được sự sống. Những lời này của Chúa đã khơi dậy nơi chúng ta sự kinh ngạc về hồng ân Thánh Thể. Không ai trên thế giới này, dù họ có thể yêu người khác đến mức nào, có thể biến mình thành lương  thực cho họ. Thiên Chúa đã làm như vậy, và đang làm như vậy, cho chúng ta. Chúng ta hãy làm mới lại sự kinh ngạc này. Chúng ta hãy làm như vậy khi chúng ta thờ lạy Bánh Trường Sinh, bởi vì sự thờ lạy làm cho cuộc sống đầy kinh ngạc.

Tuy nhiên, trong Tin Mừng, thay vì kinh ngạc, dân chúng lại bị vấp phạm, họ xé áo mình. Họ nghĩ: “Chúng ta biết ông Giêsu này, chúng ta biết gia đình của ông. Làm sao ông có thẻ nói, ‘Tôi là bánh từ trời xuống’?” (x. cc. 41-42). Có lẽ chúng ta cũng có thể bị vấp phạm: chúng ta có thể thoải mái hơn khi có một Thiên Chúa ở trên trời mà không can dự vào cuộc sống của chúng ta, trong khi chúng ta có thể xoay xở các vấn đề ở đây trên trần gian. Thay vào đó, Thiên Chúa đã làm người để đi vào thực tại cụ thể của thế giới này; để đi vào thực tại cụ thể của chúng ta, Thiên Chúa đã trở thành người cho tôi, cho bạn, cho tất cả chúng ta, để đi vào cuộc sống của chúng ta. Và Ngài quan tâm đến mỗi khía cạnh của cuộc sống chúng ta. Chúng ta có thể kể cho Ngài về những gì chúng ta đang cảm thấy, về công việc của chúng ta, ngày sống của chúng ta, nỗi đau buồn của chúng ta, nỗi lo âu của chúng ta, về rất nhiều thứ. Chúng ta có thể kể cho Ngài mọi thứ bởi vì Chúa Giêsu muốn sự thân mật này với chúng ta. Ngài không muốn điều gì? Bị xếp xó coi như là món ăn phụ thêm – Ngài là Bánh – , bị coi thường và đặt sang một bên, hay chỉ được gọi khi chúng ta cần Ngài.

Tôi là bánh trường sinh. Ít nhất một lần mỗi ngày chúng ta dùng bữa cùng nhau ; có lẽ vào buổi tối cùng với gia đình chúng ta, sau một ngày làm việc hay học tập. Thật là đáng yêu, trước khi bẻ bánh, hãy mời Chúa Giêsu, Bánh Trường Sinh, chỉ xin Ngài chúc lành cho những gì chúng ta đã làm được và những gì chúng ta đã không làm được. Chúng ta hãy mời Ngài vào nhà  chúng ta ; chúng ta hãy cầu nguyện theo phong cách « tại gia ». Chúa Giêsu sẽ ngồi vào bàn ăn với chúng ta và chúng ta sẽ được nuôi dưỡng bằng một tình yêu lớn lao hơn.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, nơi Mẹ Ngôi Lời đã làm người, giúp chúng ta lớn lên mỗi ngày trong tình bạn với Chúa Giêsu, là Bánh Trường Sinh.

Tý Linh

(theo vatican.va)

 

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30